Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

ĂN PHỞ THỨ THIỆT Ở KATHMANDU

Phở thiệt nhá! với cà phê phin sữa đá... mới tháng trước còn mơ mà nay thành sự thật rồi he he
  Tiếc quá trời! Đoàn Hoa Sen về Việt Nam mấy ngày sau mình mới có phát hiện cực kỳ sốc này: QUÁN PHỞ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN Ở KATHMANDU (có lẽ đầu tiên cả ở Nepal và Ấn Độ). 






 
-->
-->
Suốt cả tuần bận bù đầu, chiều hôm qua mới rảnh chút xíu để đọc báo Nepal online. Lục lạo một hồi mới phát hiện một bài nói về một cái restaurant Việt Nam ở Kathmandu. Sốc quá chừng. Anh chàng tác giả có thời gian qua Việt Nam công tác cho Liên Hợp Quốc, ghiền món Việt, về Nepal rồi cứ nhớ mãi. Rồi phát hiện cái quán này nên quảng cáo miễn phi cho dân Nepal tới thử để biết cái ngon của món ăn Việt.
  Cả đêm hôm qua không ngủ. Cứ nghĩ tới cái quán có cái tên rất hay: SAIGON PHỞ. Sáng nay 5 giờ sáng chạy đi xếp hàng xin visa Ấn Độ, đến tận trưa mới xong, rồi phải chạy qua World Food Programme lo công việc mãi đến quá 2 giờ trưa mới dứt ra được, thế là chạy một mạch đến quán phở.
  SAIGON PHỞ nằm ở vị trí rất đắc địa: mặt tiền đường Lazimpat, đối diện khách sạn 5 sao Shangri-la. Đây là khu ngoại giao vì tập trung hầu hết các đại sứ quán nước ngoài ở Kathmandu, giá cả mặt bằng rờ là phỏng tay he he… Nhà hàng là một villa 3 tầng sơn màu ngói đậm rất ấm cúng, có sân rộng rãi để đậu 4-5 xe hơi và vài chục xe gắn máy (một bonus vì đất ở Kathmandu quá mắc, nhà hàng thường không có chỗ đậu xe). 

"Saigon Pho" đối diện KS 5 sao Shangri-la

  Vừa bước vào cửa gặp ngay ở quầy bar một phụ nữ mặc đồ trắng gương mặt niềm nở phúc hậu, mình vui mừng hỏi thẳng :” Chị Việt Nam phải hôn?” Chị chủ quán nghe khách hỏi bằng tiếng Việt cũng mừng húm: “Dạ, dạ anh cũng Việt Nam hả?” Thế là chuyện nổ như bắp rang. Khỏi phải nói mình mừng như thế nào khi lần đầu tiên gặp một người Việt định cư ở đây, mà chị ấy cũng vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ khi lần đầu tiên gặp một người Việt định cư ở đây đã 7 năm.
  Chị tên là Út, gốc gác ở quận 11, Saigon; cả gia đình đã lập nghiệp ở Nam Vang nhiều chục năm. Chị lớn lên ở Pháp, rồi lập gia đình với một sinh viên Nepal, rồi theo chồng sống ở Mỹ 6 năm, mới về quê chồng chừng 2 năm nay.

Chị Út, chủ nhân của Saigon Phở
Nón lá, búp bê Việt nam ở quầy bar
Tranh lụa vẽ cảnh thôn quê mang từ Việt Nam qua


  Cũng giống như mình, một năm đầu chị Út khá khổ sở vì chuyện ăn uống không hạp khẩu vị (mình chợt liên tưởng tới câu hỏi của một chị trong đoàn Hoa Sen “ở Kathmandu có món ăn đặc sản gì không?”, ngay lúc đó mình không thể trả lời được. Dân Nepal có tính tốt là không ăn động vật hoang dã, thịt lạ, sơn hào hải vị; chính vì thế món ăn Nepal giản dị, không có gì đặc biệt). Nhà hàng thì có nhà hàng China, Nhật, Hàn quốc nhưng nêm nếm theo kiểu Nepal (không dùng đường, bột nêm, chỉ có muối), vả lại đâu phải lúc nào cũng đi nhà hàng được. Vốn con nhà nòi (gia đình chị Út có đến mấy nhà hàng ở Nam Vang), thế nên chị bàn với chồng mở một nhà hàng Việt Nam, vừa kinh doanh nhưng nhất là được ăn món Việt thoải mái. Chồng chị, anh Naveen Saru, tốt nghiệp kỹ sư tin học ở Mỹ nhưng có máu kinh doanh nên ủng hộ vợ hai tay hai chân, bỏ cả bằng cấp để làm Managing Director cho vợ.  Lúc trò chuyện với mình anh thú thật là lần đầu ăn phở Việt Nam hổng khoái rau thơm, nhưng ăn riết rồi ghiền luôn he he…
  Mình lướt qua cái thực đơn. Thú vị ở chỗ tên món ăn bằng tiếng Việt rồi mới dịch hay giải thích bằng tiếng Anh. Trời đủ các món mình thích: gỏi đu đủ, gỏi cuốn, nem nướng, thịt heo quay, thịt kho trứng, cá kho tộ… khỏi phải nói món phở mà độc nhất là món tráng miệng: chè chuối, chè bắp và chè đậu đen. Tuy dân Nepal có ăn món ngọt nhưng là kẹo, bánh chứ chưa bao giờ họ biết đến món chè như của Việt Nam. Một ngạc nhiên thú vị cho mình khi mình nghĩ Saigon Phở chỉ có phở gà nào ngờ chị Út cười khoái chí : “Có phở bò nữa anh ơi.” Mà chưa hết, có cả phở bò kho nữa nha. Chị Út cho biết khách hàng chính là Tây của các Đại sứ quán, và họ chỉ khoái phở bò thôi.

Thực Đơn của Saigon Phở
Món ăn có kèm theo hình để khách dễ hình dung mà gọi món ăn




  Mình cố ý để dành món phở cho lần sau nên hỏi chị món Hủ tiếu Nam Vang, thực đơn không có nhưng chị Út sốt sắng vào bếp làm ngay cho mình một tô hủ tiếu bự hoành tráng. Mình ăn hủ tiếu Nam Vang, uống cà phê sữa đá pha bằng phin (bên này không xài phin mà chỉ uống cà phê hòa tan lạt nhách hà). Lại còn được chị Út khuyến mãi cho một dĩa gỏi cuốn và nem nướng nữa. Quá sướng.
  Một điểm chưa trọn vẹn là Saigon Phở thiếu ngò gai. Mình hứa chia cho chị Út nửa gói hạt giống các loại rau Việt Nam để chị trồng một vườn rau.
  Đang trò chuyện thì một nhóm bạn người Cambodia của chị Út kéo vô. Mấy chị này là vợ của các nhân viên người Cambodia làm việc cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Kathmandu. Thế là tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Anh lốp ba lốp bốp. Mình cũng bày đặt “Sua-dờ-đây.” (chào bằng tiếng Miên, vốn liếng một năm sống ở Nam Vang của mình sót lại có mỗi từ này he he) thế nhưng khi các chị mừng quá xổ tiếng Miên liên thanh với mình vì tưởng mình biết tiếng, mình chỉ còn biết “Sò-rý, sò-rý…” 

Phòng này sắp xếp theo kiểu Nepal

Quầy Bar

Chị Út đặt một cây tre ở góc phòng để nhớ về Việt Nam

He he cái hũ ớt ngâm giấm là hàng độc nha. Dân Nepal ăn ớt như két nên nhà hàng Nepal không để hủ ớt                         như thế này đâu!


  Saigon Phở không phải là nhà hàng đầu tiên của vợ chồng chị Út. Năm ngoái họ thử nghiệm một nhà hàng Việt nhỏ tên là Upstairs Café ngay cạnh Đại sứ quán Mỹ. Nhà hàng này chỉ nằm ở tầng một của một căn nhà mặt tiền nên có tên là Upstairs, chỉ có chừng 8 bàn. Nhân viên đại sứ quán qua ăn nườm nượp. Thành công. Thế là hai vợ chồng thừa thắng xông lên mở Saigon Phở. Chắc chắn là thành công nữa vì có cả Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.  Saigon Phở mới mở chỉ vài tháng mà đã là địa chỉ hàng đầu cho thú vui ăn uống của dân ngoại giao ở Kathmandu.
   Từ nay mình sẽ có chỗ uống cà phê kiểu Việt Nam và ăn phở. Có chỗ để gây ấn tượng với đối tác. Có chỗ để mời mọc đãi đằng bạn bè. Và tự hào nổ với tụi bạn Nepal: “ Tasty, yes? This is the art of cuisine, the spirit of my Vietnam.” (Ngon, phải hông? Cái này là nghệ thuật nấu nướng, tinh hoa của Việt Nam tao đó... he he..."

Chị Út đang làm món hủ tiếu Nam Vang


   Chị Út bận rộn vào bếp làm món ăn (chị là đầu bếp chính mà) nên anh Naveen ngồi tiếp chuyện mình. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Mình góp ý anh chị nên đặt thêm một bảng hiệu “Vietnamese Restaurant”  chạy dài dọc mặt tiền vì cái bảng “Saigon Pho” nhỏ quá và không báo cho mọi người biết được đấy là một nhà hàng Việt Nam. Anh Naveen ok và gọi thợ tới đặt làm ngay. Anh còn là thành viên chủ chốt trong Ban vận động thành lập  Nepal-Vietnam Commerce Chamber (Hiệp hội thương mại Nepal-Vietnam). Anh đề nghị mình tham gia vào Hội Đồng Quản trị của Hiệp Hội để giúp làm cầu nối cho các doanh nghiệp Nepal và Việt Nam. Mình ok thôi (chuyến này có tiếng có miếng rồi nha he … he…) 

Saigon Phở đã được giới thiệu trên Nepali Times, một nhật báo tiếng Anh uy tín ở Nepal
Vợ chồng chị Út


 Hơn 5 giờ chiều. Có mấy chiếc xế hộp xịn gắn cờ ngoại giao chạy vào sân. Mình từ giã anh chị Út để anh chị tiếp khách. Chị Út cứ nhắc đi nhắc lại: “Mai sáng anh tới nha, mấy anh em mình làm gỏi cuốn ăn với mắm nêm.” Trời ơi, nghe là đã chảy nước miếng rồi, từ chối làm sao đặng.
   Đúng là cầu được ước thấy!
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét