Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

NGHE NGƯỜI KAMPUCHIA NÓI CHUYỆN

 

 Tuần rồi, sau dư âm của Hội nghị ASEAN, nghe nhiều người lên án Cambodia quá. Đã định viết một entry ghi lại tâm ý của người Cambodia đối với Việt Nam. May. Bữa nay gặp được bài trên blog Huỳnh Ngọc Chênh gãi trúng chỗ ngứa, xin mời các bạn xem qua.

"...Chúng tôi mang ơn các bạn nhưng đừng vì thế mà các bạn tỏ ra trịch thượng kẻ cả với chúng tôi. Các bạn thử xem các bạn có gì tốt đẹp hơn để chúng tôi học tập? Các bạn có sản xuất được hoàn chỉnh một chiếc xe đạp chưa? Nền kinh tế của các bạn đang như thế nào? Thị trưởng Phnom Penh của chúng tôi nói thuần thục bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp... Còn thử hỏi có một vị đứng đầu tỉnh hay thành phố nào của các bạn, dù là có bằng tiến sĩ, nói được một ngoại ngữ hay không? "...

http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/07/nghe-nguoi-kampuchia-noi-chuyen.html

NGHE NGƯỜI KAMPUCHIA NÓI CHUYỆN

TP Phnom Penh
Không lâu sau khi Campuchia với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của Asean đã chống đối đề xuất của Hà Nội và Manila đưa các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc vào thông cáo chung của Hội nghị ngoại trưởng Asean họp tại Phnom Penh, ông Heng Samrin, từng là lãnh đạo cao nhất Kampuchia thời độc đảng, nay là chủ tịch quốc hội, đã đến Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về ‘sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời, có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia’.


Đó là tuyên bố công khai, còn bên trong không ai biết ông Heng sẽ nói thêm gì để giải thích với các lãnh đạo Việt Nam về quyết định của Kampuchia tại Hội nghị Asean vừa rồi. Tuy nhiên nghe câu chuyện sau đây, chúng ta cũng suy ra ông Heng đã nói gì.

Vừa qua, ngẫu nhiên tôi có hai người quen, một người có mặt trong một đoàn cán bộ Việt Nam sang thăm Phnom Penh, có dịp tiếp xúc với nhiều quan chức Kampuchia từ thấp đến cao và đặc biệt được nghe họ tâm sự chân tình trong các bửa ăn thân mật. Người còn lại qua thăm chơi Phnom Penh theo lời mời của người bạn thân là một trí thức Kampuchia, được trò chuyện với nhiều bạn bè là trí thức ở Phnom Penh.
Qua tất cả các câu chuyện trong các bửa ăn, qua những lần trò chuyện thân tình, hai anh bạn tôi đã ghi nhận một số ý kiến  của các quan chức cũng như giới trí thức Kampuchia và kể lại cho tôi nghe. Tôi xin tóm lược lại từ hai câu chuyện và bỏ bớt đi những phần trùng lặp:

-Kampuchia không bao giờ quên ơn Việt Nam, quan hệ Kam-Việt là quan hệ trong gốc rể bền vững, còn quan hệ Kam- Trung chỉ là quan hệ trên ngọn, các bạn Việt Nam nên tin như vậy (?). Chỉ ủng hộ TQ trên ngọn thôi chúng tôi có được vài tỷ USD, dại gì chúng tôi không làm.
-Tại sao bắt chúng tôi phải nhất nhất nghe theo VN, ủng hộ VN mọi thứ để chống lại TQ, trong khi chính quyền VN lại đàn áp bắt bớ những người dân VN ủng hộ nhà nước chống lại TQ? Các bạn nên xem lại mình, các bạn quan hệ với TQ là quan hệ rất khắng khít: khắng khít về mặt đảng, khắng khít về chế độ chính trị, khắng khít về cách làm ăn kinh tế...Còn chúng tôi không quan hệ với TQ đến mức như vậy, chúng tôi không mang ơn gì TQ để phải trả, chúng tôi không theo chế độ độc đảng, không làm ăn theo cơ chế thị trường định hướng XHCN kiểu TQ, chúng tôi không có gì phải lệ thuộc vào TQ, chúng tôi chỉ quan hệ ngoại giao. Các bạn khăng khít với TQ là vậy thì hà cớ gì buộc chúng tôi phải chống TQ để ủng hộ tuyệt đối các bạn. Trên công khai, chúng tôi phải đứng ở vị trí trung lập trong tranh chấp lãnh thổ giữa VN và TQ đó là điều hợp lý, nhưng bên trong, (đảng) chúng tôi vẫn ngấm ngầm ủng hộ các bạn.
-Các bạn phải hiểu rằng đảng các bạn đang lãnh đạo đất nước dễ hơn đảng chúng tôi. Các bạn cầm quyền độc đảng còn chúng tôi là đảng cầm quyền trong chế độ đa đảng. Đảng các bạn nắm tất cả trong tay kể cả báo chí nên các bạn muốn làm gì cũng được, đúng sai không ai dám nói tiếng nào. Còn (đảng) chúng tôi phải chịu sự canh tranh và giám sát của nhiều đảng khác. Chúng tôi chỉ có một tờ báo trong tay, trong hàng trăm tờ báo tự do khác ở Kampuchia. Chúng tôi làm việc gì không đúng, không vì lợi ích quốc gia, hàng trăm tờ báo ấy sẽ rào rào lên tiếng, không như bên các bạn. 
-Chúng tôi mang ơn các bạn nhưng đừng vì thế mà các bạn tỏ ra trịch thượng kẻ cả với chúng tôi. Các bạn thử xem các bạn có gì tốt đẹp hơn để chúng tôi học tập? Các bạn có sản xuất được hoàn chỉnh một chiếc xe đạp chưa? Nền kinh tế của các bạn đang như thế nào? Thị trưởng Phnom Penh của chúng tôi nói thuần thục bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp... Còn thử hỏi có một vị đứng đầu tỉnh hay thành phố nào của các bạn, dù là có bằng tiến sĩ, nói được một ngoại ngữ hay không?... Nhiều người trong các bạn tỏ ra trịch thượng đến mức lố bịch với chúng tôi lắm, đảng chúng tôi vì ơn nghĩa và tình cảm với các bạn nên cố gắng nhún nhịn, nhưng các đảng khác và báo chí thì họ phản ứng lắm. Các bạn phải hiểu điều đó....

Có nhiều ví dụ về việc trịch thượng, trong đó có cả chuyện của một lãnh đạo cấp cao của VN qua thăm Kampuchia mới đây gây phản ứng không tốt trong dư luận của Kampuchia. Anh bạn tôi khẳng định toàn bộ đoàn cán bộ VN đều nghe câu chuyện  nầy, nhưng vì chưa kiểm chứng được nên tôi chưa dám ghi ra đây.
Tôi nghe thế nào ghi lại thế ấy, mọi bình luận dành cho các bạn.

À chuyện trịch thượng ấy đã có đây rồi. Mời các bạn xem video clip sau đây để thấy điều đó.



http://www.youtube.com/watch?v=5uy-phIP9rg&feature=player_embedded

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

CÁI GIÁ CỦA RỀ-MÍN-BÌ 2

Bài từ VNEXPRESS:

 http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2012/07/nhung-cuoc-chien-thuong-mai-thu-nghich-cua-trung-quoc/

Ngày 27/07/2012

Những cuộc chiến thương mại thù nghịch của Trung Quốc

Từ Mỹ, EU đến Nhật Bản hay Philippines, tất cả các đối tác thương mại đều từng phải chịu hậu quả khi chẳng may động chạm đến quyền lợi của Trung Quốc.


>Sàn chứng khoán thành nơi tập thái cực quyền
>10 lý do kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh

1. Cuộc chiến chuối với Philippines


Ngày 8/4, tàu chiến lớn nhất của Philippines đụng độ một đội tàu giám sát Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Biển Đông) khi phát hiện nhiều ngư dân nước bạn đang đánh bắt cá ở đây. Chỉ vài tuần sau, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là chiêu “giết gà dọa khỉ” vì Trung Quốc chiếm tới 30% thị trường xuất khẩu chuối của Philippines.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã âm ỉ từ tháng 3 khi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tố cáo chuối của Philippines nhiễm thuốc trừ sâu và không an toàn cho người dân nước này.
Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Trung Quốc còn tăng cường kiểm tra các mặt hàng như đu đủ, xoài, dừa và dứa của Philippines. Vì thế, nước này phải chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu như Trung Đông và một số quốc gia lân cận.
Ngành du lịch Philippines cũng bị vạ lây khi Trung Quốc khuyến cáo công dân nước mình không nên đến đây vì lý do an ninh. Việc này khiến không chỉ Philippines mà ngay các hãng lữ hành Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề vì phải hủy tour. Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn thứ 4 của quốc gia này, chiếm từ 20-60% tổng khách nước ngoài của nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây.
Cho đến ngày 29/5, Trung Quốc mới bắt đầu nhập khẩu trở lại chuối từ Philippines. Tổng thiệt hại lệnh cấm này gây ra cho Philippines ước tính vào khoảng 33,6 triệu USD.

2. Chiến tranh đất hiếm với Nhật Bản


Ngày 7/9/2010, Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc khi tàu đánh cá của ông này va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại hòn đảo tranh chấp Sensaku/Điếu ngư nằm giữa Okinawa và Đài Loan. Sau đó ít ngày, New York Times đưa tin Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản từ 21/9. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất nhiều thiết bị từ pin năng lượng mặt trời đến hệ thống dẫn đường cho tên lửa và động cơ ô tô.
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty Nhật Bản cho hay, Toyota - một trong những khách hàng của ông đã bày tỏ lo ngại về việc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc đang bị hạn chế. Trung Quốc kiểm soát tới 95% đất hiếm của thế giới và thậm chí còn cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu hàng năm theo lộ trình. Trong khi đó, nguyên liệu này lại là một trong những “gót chân Achilles” của Nhật Bản. Cường quốc số ba thế giới hiện phải nhập tới 96% đất hiếm từ Trung Quốc.
Tương tự như với Philippines, Trung Quốc cũng khuyến cáo các công ty du lịch nhà nước không được để tên và ảnh của Nhật Bản để quảng cáo. Tuy nhiên, tính chung thương mại song phương của hai nước năm 2010 chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể.

3. Cuộc chiến cá hồi với Na uy


Trung Quốc không chỉ nhắm đến các quốc gia châu Á. Ví dụ điển hình về việc nước này ưa thích dùng kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị là khi Hội đồng Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba, một người đang thụ án tù ở Trung Quốc.
Khi thông tin này được công bố, Trung Quốc ngay lập tức triệu tập đại sứ Na Uy đến để phản đối. Họ cũng cảnh báo việc này có thể tổn tại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Oslo, dù thực tế là Hội đồng Nobel hoàn toàn độc lập so với chính phủ Na Uy. Trung Quốc còn khuyến cáo các đoàn ngoại giao nước ngoài gửi đại diện đến dự lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ phải chịu hậu quả. Vì vậy, tổng cộng 18 quốc gia đã vắng mặt trong sự kiện này.
Trong nhiều tháng sau đó, Trung Quốc gần như đóng băng mọi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Na Uy và áp đặt lệnh kiểm tra nghiêm ngặt với sản phẩm cá hồi nhập khẩu từ nước này. Vì thế, lượng cá hồi từ Na Uy xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 60% trong năm 2011. Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc lại tăng 30%.

4. Chiêu bài chống bán phá giá hàng hóa từ Mỹ


Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này đã kéo dài trong nhiều năm qua và luôn là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Tháng 9/2009, Mỹ tuyên bố nâng thuế nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc lên 35%. Bộ Thương mại Trung Quốc phản ứng rất gay gắt với việc này và đáp trả bằng thông báo sẽ điều tra liệu các thiết bị ôtô và thịt gà nhập từ Mỹ có được trợ giá hoặc bán phá giá ở thị trường nước này hay không.
Tháng 10/2009, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên túi nylon nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nga và cả Đài Loan. Trong đó, mức thuế dành cho Mỹ là 36%.
Tháng 12/2009, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ tuyên bố thị trường nước này đang bị lũng đoạn bởi thép được trợ giá của Trung Quốc. Vì vậy, họ đã áp thuế từ 10% - 16% đối với các sản phẩm ống thép dùng để chiết xuất dầu mỏ và khí gas được nhập từ Trung Quốc.
Tháng 3/2012, Mỹ, Nhật Bản và EU cùng đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do nước này hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Họ cho rằng động thái của Bắc Kinh là để đẩy giá đất hiếm lên cao một cách bất hợp pháp. Còn Trung Quốc thì lại giải thích việc này chỉ nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Cũng trong tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ thông báo nâng thuế nhập khẩu đối với các loại pin mặt trời của Trung Quốc với lý do nước này bán phá giá. Cụ thể, thuế cho các sản phẩm này sẽ từ 31% trở lên. Trung Quốc kịch liệt phản đối chính sách trên và cảnh báo thuế cao sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của Mỹ.

5. Cuộc chiến chống bán phá giá với EU


Tháng 4/2006, EU áp thuế chống bán phá giá lên giày da Trung Quốc với mức khởi điểm 4,8% và sau 5 tháng sẽ tăng lên 19,4%. Đến tháng 12/2009, EU lại gia hạn mức thuế trên thêm 15 tháng nhằm bảo hộ thị trường giày da châu Âu.
Để đáp trả, chỉ vài ngày sau, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm bu lông và ốc vít từ EU. Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, mức thuế này dao động từ 6,1% - 26% và sẽ kéo dài trong 5 năm.
Năm 2009, EU áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời hạn là 5 năm với mức thuế cao nhất có thể tới 39,2%.
Tháng 10/2011, Trung Quốc cũng tuyên bố đánh thuế chống bán phá giá lên sản phẩm Caprolactam (một hợp chất được sử dụng trong polymer tổng hợp) của Mỹ và EU. Quy định này có hiệu lực trong 5 năm với mức tối đa là 25,5%.
Đầu tháng 1/2012, Liên minh châu Âu EU chính thức thu thuế thải khí CO2 lên những hãng hàng không bay vào các quốc gia châu Âu, với mục đích chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo ước tính, việc này sẽ khiến vé máy bay tăng lên từ 2 - 12 euro cho một chuyến trung bình và từ 4 - 24 euro cho một chuyến xuyên Đại Tây Dương. Vì vậy, Trung Quốc đã cực lực phản đối chính sách trên và ra lệnh cấm các hãng hàng không nước này trả thuế, bắt đầu từ ngày 6/2.

6. Cuộc chiến dầu đầu nành từ Argentina


Ngày 1/4/2010, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu dầu đậu nành từ Argentina với lý do các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Cụ thể, dầu đậu nành của Argentina có chứa dung lượng chất hòa tan dùng trong xử lý quá tiêu chuẩn quy định. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu đậu nành lớn nhất thế giới, trong khi Argentina là nước xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất, cung cấp tới 75% nhu cầu cho Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc sau đó đã bị chính phủ Argetina triệu tập để phản đối quyết định trên.
Giới chuyên gia nhận định đây chỉ là một hành động nối tiếp cuộc chiến thương mại dai dẳng của hai quốc gia. Trong những tháng trước đó, Argentina đã ra lệnh hạn chế nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc để bảo vệ thị trường trong nước. Một số sản phẩm như giày dép và hàng dệt may của nước này còn bị áp thuế nhập khẩu. Chính phủ Argentina cho rằng hành động này là cần thiết để tránh việc hàng phá giá của Trung Quốc lũng đoạn thị trường nước này.
Đến ngày 11/10/2010, Trung Quốc đã đồng ý cho hai công ty dầu hạt và ngũ cốc nhà nước nhập khẩu lại dầu đậu nành từ Argentina. Lệnh cấm của Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách của Argentina khi có tới 32% thuế xuất khẩu dầu đậu nành được nộp cho chính phủ.

7. Chiến tranh thương mại Trung - Ấn


Tháng 9/2008, Ấn Độ ban lệnh cấm nhập khẩu sữa và các sản phẩm làm từ sữa của Trung Quốc do scandal nhiễm chất tẩy trắng melamine. Sau đó, nước này đã nhiều lần gia hạn lệnh cấm cho đến tận 24/6/2013 và còn cấm nhập đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn an toàn và điện thoại di động không có số IMEI (được dùng để theo dõi việc mua bán và sử dụng sản phẩm).
Việc này đã khiến Trung Quốc rất bất bình. Sau lần gia hạn đầu tiên của Ấn Độ, Tổng cục Quản lý chất lượng của Trung Quốc đã cảnh cáo sẽ điều tra độ an toàn và chất lượng các sản phẩm nhập khẩu từ nước này, bao gồm hải sản, các sản phẩm làm từ sữa và dầu vừng. Mục đích là gây sức ép buộc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm trên. Một quan chức nước này còn tuyên bố: “Thực ra chúng tôi vẫn rất tôn trọng Ấn Độ khi không cấm nhập khẩu các sản phẩm của họ”.
Hà Thu (tổng hợp)

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

CÁI GIÁ CỦA RỀ-MÍN-BÌ

Bài viết này từ Thanh Niên Online:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120725/ngoai-giao-kinh-te-cuong-buc.aspx

...Ông Benjamin Ho (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) kết luận: “Nói ngắn gọn, Trung Quốc không cho không ai cái gì bao giờ và nước này luôn trông đợi “đền đáp” từ các nước mà họ đã đổ hàng tỉ USD vào”...

...Không chỉ đổ hàng tỉ USD vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư số 1 tại đây, Trung Quốc cũng đã vượt mặt Thái Lan và Việt Nam để chiếm ngôi đầu tại Myanmar và Lào, 2 nước sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 và 2015. Mẫu số chung của công thức đầu tư này là: cho vay không ràng buộc, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quân sự...

 Ngoại giao kinh tế cưỡng bức

Miếng bánh kinh tế trông có vẻ hấp dẫn từ Trung Quốc sẽ ngay tức khắc trở thành chiêu trừng phạt nhằm vào những ai làm “phật ý” nước này. 

Suốt hơn một thập niên qua, Trung Quốc luôn xây dựng hình ảnh như một đối tác kinh tế khả tín và hào phóng đối với khối ASEAN. Tuy nhiên, một khi đã “cơm không lành canh không ngọt”, nước này sẵn sàng dùng các chiêu bài kinh tế để trừng phạt đối tác của mình. Giới quan sát quốc tế gọi động thái này là “ngoại giao kinh tế cưỡng bức” và cho rằng nó đang diễn ra theo xu hướng ngày càng đáng quan ngại.


Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), đã có nhiều nghiên cứu sâu về vấn đề này. Bà Glaser nói với Thanh Niên: “Ví dụ mới nhất và sống động nhất chính là trường hợp của Philippines. Sau vụ đụng độ với đảo quốc này ở bãi cạn Scarborough từ tháng 4, giới chức Trung Quốc bất ngờ áp dụng cấm nhập khẩu chuối từ Philippines với lý do liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo tôi, đây là một đòn chí mạng vào Philippines vì nước này xuất khẩu 30% sản lượng chuối của mình vào thị trường Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh tiếp tục trì hoãn tiến trình thanh kiểm tra các mặt hàng nông sản khác từ Manila như đu đủ, xoài, dừa và dứa. Đó là chưa kể các công ty du lịch Trung Quốc ngừng đưa khách sang Philippines cũng là với lý do an ninh”.
Ngoại giao kinh tế cưỡng bức
Ngành xuất khẩu chuối Philippines từng điêu đứng vì Trung Quốc - Ảnh: Inquirer
Theo bà Glaser, Philippines không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu thức này từ Trung Quốc. Ngay cả “đại gia” như Nhật Bản cũng từng lâm vào cảnh tương tự. Tháng 9.2010, Bắc Kinh chặn lô hàng khoáng sản đất hiếm xuất sang Tokyo. Giới quan sát cho rằng động thái này nhằm trả đũa việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng vì hành vi dùng tàu cá đâm thẳng vào tàu tuần duyên Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bằng chứng là các công ty Trung Quốc vẫn đều đều xuất đất hiếm sang đặc khu Hồng Kông hoặc các nước khác trong khu vực như Singapore. Chính động thái này, theo các chuyên gia, là yếu tố mấu chốt buộc chính phủ Nhật Bản sau đó phải phóng thích thuyền trưởng người Trung Quốc.


Hợp tác làm ăn với Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro... Càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, áp lực bị nước này thao túng càng cao

Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế

Bà Glaser nói: “Hợp tác làm ăn với Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro và cần phải nhớ là họ luôn muốn tận dụng tối đa đòn bẩy kinh tế của mình để buộc các nước thay đổi chính sách theo hướng phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh. Càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, áp lực bị nước này thao túng càng cao”. Ông Benjamin Ho (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) kết luận: “Nói ngắn gọn, Trung Quốc không cho không ai cái gì bao giờ và nước này luôn trông đợi “đền đáp” từ các nước mà họ đã đổ hàng tỉ USD vào”.
Cần đa dạng hóa đầu tư
Không chỉ đổ hàng tỉ USD vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư số 1 tại đây, Trung Quốc cũng đã vượt mặt Thái Lan và Việt Nam để chiếm ngôi đầu tại Myanmar và Lào, 2 nước sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 và 2015. Mẫu số chung của công thức đầu tư này là: cho vay không ràng buộc, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quân sự.
Báo Eleven News dẫn thống kê của chính phủ Myanmar cho hay tới năm 2008, đầu tư của Trung Quốc vào khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên cho đến năm 2011, con số này nhảy vọt lên tới 13 tỉ USD. Tại Lào, thương mại song phương với Trung Quốc cũng tăng mạnh, lên 1,1 tỉ USD hằng năm kể từ 2009, theo Reuters. Các ngân hàng Trung Quốc ra sức hỗ trợ vốn để Lào thuê chính các công ty của Bắc Kinh phát triển cơ sở hạ tầng. Tính riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho Lào vay 3 tỉ USD.
Ông Sai Latt, chuyên gia về Myanmar thuộc Đại học Simon Fraser (Canada) nhận định với Thanh Niên: “Chắc chắn là Myanmar cần đầu tư nước ngoài để phát triển. Tuy nhiên, trong con mắt người dân nước này, các công ty đầu tư Trung Quốc không quan tâm đến việc gì khác ngoài việc trục lợi cho riêng mình. Tôi cho là những mối quan ngại này rất chính đáng, khi mà phương thức vận hành của các công ty Trung Quốc tại đây rất hại về mặt môi trường và gây nhiều tổn thất cho xã hội. Nói chung là có rất nhiều vấn đề”. Hồi cuối năm ngoái, Myanmar hoãn dự án đập thủy điện Myitsone do Tập đoàn đầu tư năng lượng Trung Quốc bỏ vốn xây dựng trên sông Irrawaddy vì lo ngại tác hại về môi trường và xã hội.
Về phía Lào, Giáo sư Martin Stuart-Fox (Đại học Queensland - Úc) nói với Thanh Niên: “Theo tôi, trong bối cảnh này thì Lào cần đa đạng hóa đầu tư, tìm kiếm nhiều đối tác, không chỉ có Trung Quốc. Và nhìn toàn cục thì quả thật Lào đang làm như thế”.
An Điền

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

TỆ ĐỘC QUYỀN GÂY NGUY HẠI CHO XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM - PHẦN 1

 Xin mời các bạn xem qua bài viết của Quang Huy trên Pháp Luật online ngày 25/07/2012. 
 Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng trước thảm họa do sự độc quyền của một nhóm thao túng - mafia lúa gạo.
 Chúng tôi sẽ có bài viết về đề tài này với kinh nghiệm thực tế bản thân trong chuyến khảo sát thị trường gạo xuất khẩu tại Việt Nam tháng Sáu vừa qua.
Cần nới lỏng thị trường, cứu xuất khẩu gạo
 25/07/2012 - 01:40
Pháp Luật Online
http://phapluattp.vn/20120724111252586p0c1014/can-noi-long-thi-truong-cuu-xuat-khau-gao.htm
Hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo giảm, DN rất lo trong khi thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia và Cuba mời chào thì DN lại không thể bán, vì đó là thị trường do Nhà nước điều hành.
Thị trường tập trung (thị trường ký các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và chính phủ nhà nhập khẩu - NV) như Philippines, Indonesia, Malaysia và Cuba được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) “độc quyền” đàm phán đấu thầu rồi phân chia cho doanh nghiệp (DN) hội viên. Bốn nước nói trên luôn chiếm 2/3 sản lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam với mức giá khá cao, ổn định.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hợp đồng VFA ký với các thị trường này giảm mạnh, trong khi nhiều DN lại cho biết họ nhận được rất nhiều lời mời gọi ký hợp đồng từ các nhà nhập khẩu ở các thị trường này.
“Cửa sau” chào mời DN
Từ trước đến nay, VFA lựa chọn một thương nhân đàm phán đấu thầu các hợp đồng gạo, thường là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), rồi phân chia cho DN hội viên xuất hàng đi. Theo Quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của VFA, DN không được đăng ký hợp đồng thương mại bán cho bốn thị trường trên. 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hợp đồng Vinafood 2 ký giảm mạnh, trong khi nhiều DN lại cho biết họ nhận được rất nhiều lời mời gọi ký hợp đồng từ các nhà nhập khẩu ở các thị trường này.


Xuất khẩu gạo tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết: “Nhiều nhà nhập khẩu ở Philippines, Malaysia ngỏ ý muốn mua gạo thơm, gạo cấp cao, nếp với khối lượng vài ngàn tấn với giá cao, rất có lợi cho DN ở thời điểm này. Nhưng theo đúng quy định thì chúng tôi không được ký, đành chịu thôi”.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cũng cho biết thường xuyên nhận được thông tin từ nhà nhập khẩu ở Philippines với hợp đồng lúc vài trăm tấn, lúc 2.000-3.000 tấn đủ các loại gạo 25% tấm, 5% tấm, nhiều nhất là gạo thơm và gạo nếp.
Cũng nhận được nhiều tín hiệu đi “cửa riêng” từ các thương nhân ở thị trường tập trung, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho biết các hợp đồng phần lớn đều nhỏ. Tuy nhiên, “một miếng khi đói bằng cả gói khi no, tiếc rằng đã là hội viên VFA thì phải tuân thủ quy chế”.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiêm Tổng Giám đốc Vinafood 2, thừa nhận: Ta đang thiếu hợp đồng tập trung ở các thị trường truyền thống. Lý do là Indonesia chưa nhập khẩu, Malaysia kéo dài thời gian giao hàng và Philippines nhập khẩu chậm, khối lượng gạo ký được quá thấp so với mọi năm.
Mở cửa thị trường trong thời gian nhất định?
Nhiều DN cho rằng VFA cần có giải pháp linh động cho phép DN ký các hợp đồng thương mại vào các thị trường tập trung mới có thể tăng xuất khẩu, kéo giá gạo lên.
Giá xuất khẩu gạo nước ta đang ở đáy, ngoại trừ gạo cấp thấp cao hơn gạo Myanmar, còn các loại gạo khác đều thấp nhất thế giới.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho rằng đây là thời điểm VFA nên mở cửa, cho phép DN xuất thương mại vào thị trường tập trung một thời gian nhất định, sau đó có thể đóng lại. “Khi ấy, Hiệp hội lập giá sàn cụ thể, hợp lý, giá này có thể thay đổi theo tình hình thực tế. Hiệp hội kiểm soát chặt khối lượng, loại gạo, giá của từng DN xuất sang thị trường tập trung, DN nào vi phạm phá giá thì rút giấy phép” - ông Linh đề xuất.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: Từ đầu năm đến nay, số lượng hợp đồng hủy, hết hạn trong xuất khẩu gạo thương mại là 369.000 tấn, trong đó Trung Quốc 165.000 tấn, châu Phi 128.000 tấn. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức thấp, thị trường rất khó khăn. Vì vậy, “Sắp tới VFA sẽ có những điều chỉnh nhất định về quy chế xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung để DN có thể khai thác những hợp đồng thương mại với khối lượng nhỏ, hoặc quy định loại gạo nào mới được xuất sang và sẽ có quy định giá sàn. VFA sẽ tiến hành họp với các DN hội viên vào đầu tháng 8, lấy ý kiến thống nhất mới đưa ra kiến nghị với Bộ và Chính phủ về vấn đề này” - ông Phong cho biết.
Xuất khẩu gạo sẽ chết dần vì sự “độc quyền”

Nếu DN nào ký được hợp đồng thì nên cho họ xuất khẩu, miễn là họ tuân thủ mức giá sàn quy định, phá giá thì ta xử phạt. Việc VFA lựa chọn Vinafood 2 đứng ra đấu thầu, ký hợp đồng tập trung - nói là Hiệp hội chọn nhưng thật ra VFA và Vinafood 2 tuy hai là một. Kiểu khư khư giữ “miếng” riêng, “mắc kẹt” ở Hiệp hội sẽ làm xuất khẩu gạo “chết” dần.

GS VÕ TÒNG XUÂN
Nguy cơ mất thị trường tập trung

Nếu ngồi đợi hợp đồng tập trung do VFA phân chia thì rất kẹt trong khi khó khăn ngày một chồng lên. VFA phải nghĩ mình là một thương nhân thực sự thì mới nhanh nhạy tìm được hợp đồng mới. Cuba, Indonesia là vẫn còn ký hợp đồng mua gạo theo kiểu chính phủ đàm phán nhưng Philipines, Malaysia đã đấu thầu theo kiểu tư nhân hết, nhà nước chỉ mua một phần nhỏ gạo.
Ông NGUYỄN THANH LONG,
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt
QUANG HUY

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

CHINA MUA ĐỨT CAMBODIA!


     Thế là Tần quốc (China) đã thành công trong ván cờ phá thế liên hoành của các nước ASEAN, đồng thời cô lập Việt Nam ngay tại sân chơi ba nước Đông Dương bằng cách lần lượt mua đứt Lào và Cambodia. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", những hậu duệ của Trương Nghi, Tô Tần, Tôn Tử, Khổng Minh lão luyện binh pháp đã đi trước các chính trị gia láng giềng nhiều năm, nhiều bước.
Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế China Wan Jifei  và Bộ trưởng Thương Mại Cambodia Cham Prasidh ký kết Hợp đồng Hợp tác Thương mại Song phương tại PhnomPenh tháng 5/2011

    Cambodia từ năm 2004 đã là một thị trường mở và tự do theo đúng nghĩa đen: một khu rừng hoang không có bất cứ giới hạn nào cho doanh nhân. Chính Phủ, các lãnh đạo chính trị và đa số dân chúng Cambodia luôn ưu ái bất cứ sự đầu tư, kinh doanh nào từ Việt Nam và người Việt (một tâm lý của người thọ ơn kẻ đã cứu mình khỏi nạn diệt chủng). Thế nhưng Việt Nam đã tự đánh mất cơ hội của chính mình.


Còn nhớ một sự kiện xảy ra vào năm đó : một cô ca sĩ ngôi sao của Thái Lan lỡ miệng bảo rằng Angcor Wat là của Thái Lan làm bùng nổ cuộc bạo động tấn công Đại sứ quán Thái Lan và các công ty - cửa hàng của người Thái tại PhnomPenh. Vụ bạo động này dẫn đến tẩy chay hàng Thái vốn chiếm 80% thị phần hàng hóa tại Cambodia. Đây là một cơ hội vàng cho giới kinh doanh Việt Nam để có thể chiếm lấy thị trường đầy tiềm năng vừa bỏ trống này không tốn một chút công sức. Thế nhưng giới kinh doanh-đầu tư Việt Nam đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc, kể cả những nhóm làm ăn lớn có văn phòng/công ty con cắm tại PhnomPenh. Doanh nhân Việt kiều tại Cambodia lúc ấy chỉ lo buôn lậu gỗ, xe hơi, xe gắn máy, vàng về Việt Nam - hớt lấy lớp váng kem béo bổ một cách thiển cận và ích kỷ cho cá nhân mình mà không có một chí hướng để xây dựng một chiến lược nhằm chiếm lấy một cách lâu dài và căn bản thị trường sân sau của Việt Nam. Họ làm ăn ở Cambodia với tâm lý của những kẻ xâm lăng ngoại bang khi đến nước người mà không với tâm thế của những doanh nhân lớn biết cách làm ăn Win-Win. Thật đáng tiếc cho Việt Nam, kẻ đã đổ xương máu cứu mạng nhân dân Cambodia, kẻ có lợi thế được gần như toàn bộ các lãnh đạo có quyền lực cao nhất của chính phủ và Quốc hội Cambodia ưu ái, kẻ có hàng hóa được người Cambodia ưa chuộng!
   Đơn giản ngay việc kinh doanh Gạo. Doanh nhân Việt chỉ biết qua Cambodia thu mua gạo-lúa ép giá rồi mang về Việt Nam xuất dưới nhãn hiệu gạo Việt kiếm lời theo mùa vụ mà không có một chiến lược làm ăn lâu dài. Tần Quốc – China đến sau nhưng đã làm một việc đầy tính chiến lược mà chính Thủ tướng Hun Sen cũng phải thốt lên tiếng cảm ơn là đầu tư một chuỗi 100 nhà máy xay xát gạo ngay tại Battambang – thủ phủ lúa gạo của Cambodia (một dự án hoàn toàn trong tầm tay của các công ty trung bình của Việt Nam) để nâng giá trị hạt gạo Cambodia, ngoài ra còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chiêu này của Tần Quốc nhất tiễn song điêu. Một mặt khống chế thị trường gạo Cambodia có giá rẻ hơn Việt Nam phá thế độc quyền của Việt Nam ở Đông Dương; mặt khác tấn công trở lại giới buôn gạo Việt Nam biến Tần Quốc không chỉ là người mua lớn nhất của gạo giá rẻ từ Việt Nam mà trở thành nhà cung cấp lớn mặt hàng này ngay tại sân sau của Việt Nam. Đáng xấu hổ cho các nhà hoạch định chính sách của Bộ Nông Nghiệp Việt Nam! Trong khi đó các “Chiên Zda” của Bộ này lại mơ mộng một dự án viễn vông, chắp cánh cho hổ bằng cách liên minh với Miến Điện xa xôi. (Xem bài này)    
    Cambodia giờ đây đã bị mua đứt, bước thành công thứ hai của Tần Quốc sau chiêu Diệt Chủng Cambodia – đưa dân Tần chiếm đất. Kết quả này không lạ nếu xem xét lại chiến lược lâu dài của Tần Quốc ở Cambodia. Dù là cha đẻ của Khmer Đỏ nhưng cũng chính Tần Quốc là nước cứu vớt , che chở và đầu tư vào Vua Sihanouk suốt hơn 40 năm. Bằng lá bài này Tần Quốc đã có thể tìm thế cân bằng trong cuộc chiến giành lấy nhân tâm của người Khmer: tình biết ơn Việt Nam cứu thoát họa diệt chủng và tình cảm bất biến dành cho hoàng gia Cambodia. Huống chi, há miệng mắc quai. Không thể trách đại diện Cambodia không ủng hộ Việt Nam và Philippine trong Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua. Làm sao có thể từ chối những yêu cầu của người đã đổ hàng đống tiền vào các dự án, vào túi các quan chức tại Cambodia từ nhiều năm qua? Cuộc chơi nào cũng có luật chơi của nó. Ngay cả sân chơi Liên Hiệp Quốc cũng có trò mặc cả lá phiếu giữa các quốc gia cơ mà.  
  Việt Nam cần có chiến lược và sách lược uyển chuyển, khéo léo để “phòng thủ môn hộ” theo cách nói trong võ thuật. Vì Cambodia cùng với Lào là cái lưng đầy tử huyệt của Việt Nam (hiễm họa Khmer Đỏ đã là một minh chứng hùng hồn). Phải làm cho Lào và Cambodia thực sự là những láng giềng tốt và bình đẳng.
   Việt Nam cần phải trở lại và chiếm giữ thị trường Cambodia với thái độ tôn trọng và bình đẳng với người Khmer, sử dụng sức mạnh mềm: kinh tế, văn hóa, nhân tâm qua đó đảm bảo sức mạnh chính trị của mình trong khu vực vì kinh tế và chính trị không bao giờ tách rời nhau. Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, nhất là doanh nhân, người Cambodia ngu si, khờ khạo, cả tin, học thức thấp, kém văn minh nên luôn làm ăn với họ bằng thái độ bề trên và sẵn sàng lừa lọc, chèn ép họ. Thời thế đã đổi thay ! Hãy học cách kinh doanh theo kiểu WIN-WIN của người  Tần (ít nhất là bề mặt bên ngoài) và chú trọng vào lợi ích lâu dài hơn là chụp giựt, ăn xổi ở thì. Nếu không, sẽ có một ngày Tần Quốc không chỉ giựt dây Cambodia ngáng chân Việt Nam trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN và các diễn đàn quốc tế mà thậm chí còn có thể châm ngòi cuộc chiến biên giới Tây Nam lần thứ 2 bằng cách khích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan Khmer coi đồng bằng sông Cửu Long là đất cũ của người Miên.
Hãy cảnh giác với Tần Quốc ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào!

Nguyễn Phú
07/2012
Nhân sự kiện Cambodia đá giò lái Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN

Xin mời tham khảo bài sau trên Tuổi Trẻ Online  Chúa Nhật 15/07/2012:  

LINK GỐC: http://tuoitre.vn/The-gioi/501971/Trung-Quoc-do-hang-ti-USD-vao-Campuchia.html

Chủ Nhật, 15/07/2012, 07:42 (GMT+7)
Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia
TT - Trong năm năm qua, quan hệ Campuchia - Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ USD vào quốc gia nghèo này ở Đông Nam Á. 

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã cảm ơn Trung Quốc về việc trợ giúp 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN! - Ảnh: AFP
Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010. Con số này cao gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia.
Giúp đỡ không kèm điều kiện nào
"Bạn nghĩ rằng sau 99 năm khu đất này sẽ được trả lại cho Campuchia? Bạn nghĩ là người Trung Quốc sẽ bị đá ra? Không đời nào. Điều này là vĩnh viễn"
Ông CHUT WUTTY - một nhà hoạt động xã hội của Campuchia - dự báo và nhận định các hoạt động của Union Group là “có mùi thuộc địa”.
Tờ Phnom Penh Post tháng 5 cho biết Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang dự định đầu tư 235 triệu USD vào hai siêu dự án ở Campuchia. Một là dự án xây dựng nhà máy thép. Hai là dự án đầu tư vào một kênh truyền hình ở Campuchia và hiện đại hóa hệ thống truyền hình số.
Vào tháng 2 năm nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đã cho Campuchia vay 302 triệu USD để xây dựng đường sá và các dự án thủy lợi. Đây là khoản vay bổ sung vào khoản vay 198,2 triệu USD hồi tháng 8-2010.
Trung Quốc còn là nước viện trợ lớn nhất vào Campuchia với những khoản viện trợ không điều kiện. Với những khoản viện trợ dễ dãi như vậy, Campuchia sẽ ít bị phụ thuộc vào các “nhà hảo tâm” phương Tây, vốn luôn đưa ra những điều kiện khắt khe về tính minh bạch và nhân quyền.
Theo các thư tín ngoại giao của Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, đổi lại những khoản viện trợ không điều kiện này, các công ty Trung Quốc được “tiếp cận nguồn tài nguyên và khoáng sản dồi dào” của Campuchia.
Cùng lúc, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Campuchia. Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc đã hoàn thành nhà máy thủy điện Kamchay và là nhà máy điện quy mô lớn đầu tiên của Campuchia. Một công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào một nhà máy nhiệt điện gần Sinhanoukville. Hồi tháng 6, với khoản vay 102 triệu USD của Trung Quốc, Campuchia đã cho xây dựng một con đập mới ở tỉnh Battambang.
Một công ty Trung Quốc không được nêu tên cũng sẽ đầu tư gần 400 triệu USD vào một nhà máy nhiệt điện có công suất 300MW ở tỉnh Kampot. Dự án sẽ được động thổ vào tháng 11 này. Campuchia sẽ dành 1.000ha cho dự án này với 600ha cho nhà máy điện và 400ha cho khu  du lịch, kinh doanh và nhà ở. Phnom Penh Post dẫn lời tỉnh trưởng Kampot Khoy Khunhour khẳng định “điều này là quan trọng và chúng ta cần những đầu tư như vậy”.
Nhà báo Mỹ Robert Carmichael trong một bài viết được phát trên VOA cho biết trong năm năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Campuchia. Từ năm 2006 đến nay, chính quyền Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá 6 tỉ USD, và Trung Quốc cũng đã cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ USD. Những khoản tiền này là rất lớn đối với Campuchia, nước có GDP khoảng 10 tỉ USD.
Ông Cheang Vanrarith, người đứng đầu Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia, thừa nhận đầu tư và viện trợ của Trung Quốc ở Campuchia cũng mang lại những lợi ích khác cho Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ nhìn xa hơn những quyền lợi kinh tế trước mắt để hướng tới những quyền lợi chiến lược trong khu vực này. Vì Trung Quốc thường tự xem mình là trung tâm của vũ trụ”.
Một “Angkor Wat trên biển” rộng 36.000ha đang được xây dựng trong dự án của Trung Quốc ở Botum Sakor - Ảnh: Reuters
“Đây là Trung Quốc”
Tập đoàn phát triển liên hợp Thiên Tân (Union Group) đang đầu tư vào một khu nghỉ dưỡng và sòng bài lớn ở Botum Sakor thuộc tỉnh duyên hải Koh Kong hướng ra vịnh Thái Lan.
Theo Luật đất đai của Campuchia năm 2001, việc cho thuê đất làm kinh tế vượt quá 10.000ha là bị cấm. Nhưng Union Group lại thuê được đến 36.000ha đất ở Botum Sakor với thời hạn đến 99 năm. Năm ngoái, Union Group lại được thuê thêm 9.100ha đất để xây dựng đập thủy điện.
Union Group có tham vọng biến 36.000ha này thành một “Angkor Wat trên biển”, bao gồm hệ thống đường sá, sân bay quốc tế, cảng biển cho các du thuyền lớn, khu căn hộ chung cư, khách sạn, bệnh viện, sân golf, sòng bài. Union Group sẽ đổ 3,8 tỉ USD vào dự án này ở Botum Sakor, vốn bao phủ một khu vực có diện tích gần bằng một nửa đất nước Singapore. Một con đường cao tốc bốn làn xe xuyên qua rừng già cũng được xây dựng với chi phí 1,1 triệu USD/dặm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội lo ngại việc xây con đường sẽ tiếp tay cho bọn buôn gỗ lậu và khiến rừng bị phá hủy nhanh hơn.
Giám đốc Tổ chức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Phnom Penh Chut Wutty lo ngại các công viên quốc gia và nơi trú ẩn của các loài động vật hoang dã ở Campuchia sẽ sớm bị xóa sổ.
Các công trường dọc đường cao tốc này còn là nơi ở của nhiều kỹ sư Trung Quốc và được lính Campuchia canh gác cẩn mật. Khi muốn tiếp cận khu resort ở Botum Sakor, phóng viên của Reuters đã bị một nhân viên kiểm lâm chặn lại và dọa sẽ gọi quân cảnh đến hỗ trợ. “Đây là Trung Quốc”, Reuters trích nguyên văn lời viên kiểm lâm này cho biết lý do.
Không chỉ lo ngại cho môi trường của công viên quốc gia Botum Sakor bị phá hoại, người dân địa phương còn bức xúc vì dự án này đang cướp đi nguồn kiếm sống duy nhất của họ là đánh bắt thủy sản. Ngư dân địa phương cũng nói họ bị đuổi khỏi nơi sinh sống. Ông Srey Khmao, 68 tuổi, nói: “Chúng tôi sống yên bình ở đây cho đến khi Union Group đe dọa dân làng và bảo chúng tôi phải dỡ bỏ đồ đạc”.
Một chủ cửa hàng bán rau quả là Chey Pheap, 42 tuổi, nói ông tức giận nhưng chẳng làm gì được. Ông kể dân làng sẽ phải sớm di chuyển vào sâu trong đất liền 10km. “Không có việc làm, không có nước, không có trường học, không có đền chùa. Chỉ có sốt rét mà thôi” - ông Chey Pheap mô tả chỗ ở mới của dân làng. Nhorn Saroen, 52 tuổi, là một trong số hàng trăm gia đình phải chuyển đi khỏi làng chài của mình, kể: “Chúng tôi được bảo đó là đất của người Trung Quốc và chúng tôi không được đốn hạ một cây nào ở đây hết”.
Reuters nêu rõ khu đất thuê của Union Group ở Botum Sakor có thể dễ dàng tiếp cận cả vịnh Thái Lan lẫn biển Đông.
Chuyện đã rõ
Từ đầu năm 2012 đến nay, liên tiếp diễn ra những chuyến thăm Campuchia của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Trung Quốc cùng kèm theo những “món quà” có ý nghĩa. Vào thời điểm này, Campuchia lại đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN.
Mở đầu là vào cuối tháng 2 với “món quà đầu tiên” khi  Trung Quốc trợ giúp Campuchia trang thiết bị trị giá 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà. Đón nhận sự trợ giúp này tại một buổi lễ ở trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia,
Ngoại trưởng Hor Namhong đã mô tả nào là “Trung Quốc là nước đầu tiên chủ động trợ giúp dù Campuchia chưa chính thức lên tiếng”, nào là “Trung Quốc luôn là nước bạn bè số một của Campuchia và đã liên tục viện trợ cho Campuchia trên nhiều lĩnh vực”, nào là “món quà hôm nay rất đúng lúc và quý hơn giá trị thực tế của nó”, nào là “món quà của Trung Quốc hôm nay càng khẳng định thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước sẽ ngày càng gắn bó trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư”!
Cuối tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm Campuchia với cam kết ủng hộ Campuchia trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nỗ lực của phía Campuchia khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN. Hai nước nhất trí tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện và ký một loạt văn bản hợp tác song phương.
Tiếp đó vào cuối tháng 5, chỉ vài ngày trước Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến thăm Campuchia và cùng Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh ký nghị định thư về hợp tác song phương. Theo đó, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 20 triệu USD để củng cố quốc phòng.
Ngày 10-7, ngay trước thềm Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã có cuộc gặp trước với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Đề cập đến những “món quà” của Bắc Kinh, TTXVN trong bản tin đã bình luận: “Nhiều nhà phân tích ở Campuchia nói rằng việc Trung Quốc chủ động giúp Campuchia càng làm dấy lên lo ngại gần đây về tính trung lập của Campuchia khi đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề biển Đông vốn là nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN”.
Việc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung xem như đã rõ.
VIỆT PHƯƠNG - TRUNG NGUYỄN
(Theo Phnom Penh Post, Reuters)

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

CAMBODIA VẪY GỌI!

-->

Từ phải qua: mình, ca sĩ Hoàng Lan, chị Men Sam An-Phó Thủ tướng thường trực Vương Quốc Cambodia
Mới về tới nhà mấy ngày chưa kịp hoàn hồn sau chuyến đi nhiều trắc trở và xui rủi kéo dài hai tháng thì nhận được lời mời mới của bà chị nuôi Men Sam An người Cambodia rủ về thăm chốn cũ.
CAMBODIA! CAMBODIA!
Mấy tiếng ấy cứ như chuông gió lanh canh trong tâm tưởng…

  Angkor Wat  là một ám ảnh muôn thuở với mình thế mà mãi đến 2004 mới có dịp thăm viếng, và trong một chuyến đi vội vã: chỉ trong 10 ngày mà đi bằng đường bộ từ Phnom Penh lên Siemreap  rồi qua biên giới Thailand, trở lại Cambodia, vòng xuống tận Sihanouk Ville, rồi lên Battambang, đi Kandal và cuối cùng trở lại Phnom Penh. Đi rất sướng, bằng 2 chiếc Pajero mới cứng của chị Men Sam An (lúc ấy là Đại biểu Quốc Hội Cambodia, Chủ tịch Hội Phụ Nữ – giờ đã là Phó Thủ tướng thường trực Vương quốc Cambodia rồi...) . Xe gắn biển số đặc biệt của chính phủ Hoàng gia nên không bao giờ bị phiền nhiễu. Ngủ nghỉ, ăn uống thì có bà xui của chị Sam An, vốn là doanh nhân ngành đá quý có phần hùn trong hầu hết các khách sạn lớn khắp Cambodia, bao thầu. Chỉ tiếc là không có thời gian để lang thang nghiên cứu và nhất là không có mang máy ảnh theo (hình được con chị Sam An chụp rồi copy cho).

 Trước đấy, mình có dịp tiếp gia đình chị Sam An và bạn chị tại Saigon cả tháng, đưa ra cả Nha Trang chơi, hơn nữa còn là được bà “tộc trưởng” Sam An nhận làm em nuôi, nên qua đấy thân thiết với mọi người như trong gia đình.
 Thời gian sống gần cả năm ở Phnom Penh, mình làm khách (nói cho oai chứ thực ra là ăn chực, ở đậu he he…) ở nhà chị Sam An. Gia đình chị sống trong một biệt thự vườn cách xa trung tâm thủ đô. Chị rành tiếng Việt, và mình giao tiếp với chị là chính. Chị quý mình lắm, đi đâu cũng dẫn theo, kể cả vào Quốc Hội, còn kêu mình đổi quốc tịch sang Cambodia để làm trợ lý cho chị. Có điều là mình ngu quá học tiếng Miên mãi mà không vô he he... Người trong nhà thì không biết tiếng Việt, còn tiếng Anh thì chỉ 1-2 người biết chút đỉnh (Lúc ấy mình cũng chẳng khá gì hơn…) Họ là một tập thể 3 gia đình đi đâu làm ăn gì cũng có nhau. Chồng chị Sam An trước là Bí thư  TW Đoàn Thanh niên nhưng thích vui thú điền viên nên sớm về hưu và sống lặng lẽ trong nhà với những hồi ức kinh hoàng thời Khmer Đỏ. Vợ chồng chị Leu và chị Ly là bạn thân từ thời cả ba gia đình còn rất khốn khó ở Battambang, cả 6 người là những kẻ sống sót trong cái nhúm ít ỏi chỉ vài mươi người ở một trại tập trung của Khmer Đỏ được bộ đội Việt Nam cứu sống năm 1979. Năm 2004, chị Leu đã là một bà trùm đá quý của Cambodiacòn chồng chị Ly là Đại tá Cục trưởng Cục Hậu Cần của Quân đội Hoàng Gia Cambodia.
  Năm ấy mình rời Cambodia với một “trái tim không ngủ yên” he he… Mình và SokNy  yêu nhau thắm thiết. Nhưng mình cầm tinh Con Ngựa ham chơi, ham đi. Cưới nàng, buộc chặt chân tù túng ở đấy thì không phải cái mà mình mơ ước… Cuối cùng, chia tay với cái hẹn nếu 5 năm sau gặp lại nhau mà vẫn còn phòng không thì sẽ cưới.
Nàng SokNy của mình ngày ấy...

  Hình ảnh hai đứa dắt tay nhau lang thang trên những hè phố vắng vẻ của Phnompenh sau những cơn mưa  đêm mùa hạ giờ là những hồi ức buồn bã. Nó ngăn cản mình trở lại cái thiên đường nhiệt đới ấy suốt nhiều năm qua. Giờ đã đến lúc đối mặt với số phận.
  Trở lại Cambodia thôi!

Từ phải qua: Chị Ly, Chị Sam An, Hoàng Lan, Chị Leu và mình trên đường đi Nha Trang 2004


Hoàng Cung Cambodia

Chùa Bạc
Ở Angkor Wat
Khu Casino biên giới với VN năm 2004

Trong Bảo tàng Quốc Gia Cambodia

Trong Bảo tàng QG



Quán cafe ưa thích của mình ở Nam Vang

Đồi bà Penh - người sáng lập Phnom Penh


Bên trong chùa bà Penh

Tháp bà Penh


Trường của trẻ em Việt Kiều ở Nam Vang


Coi Bói

Quảng trường Hoàng Cung

Bên bờ sông bốn mặt

không đề

Chị Lêu, Sam An và Hoàng Lan trong chuyến đi chơi biển Nha Trang bằng tàu du lịch


Tắm giữa biền thế này mới thích. Còn có quầy bar nổi phục vụ rượu nho Phan Rang nữa

ở Viện Hải Dương Học

Vợ chồng chị Ly

Chị Sam An và chị Leu

Anh Ly, Cục trưởng Hậu cần Cambodia khoái một nông trại trồng nho thế này. Mình có cố vấn cho anh làm một cái ở trên đường đi Sihanouk Ville. Giờ chắc nho có trái rồi.

Apsara này làm mình nhớ cái đêm SokNy múa ở Angkor Wat

Bảo tàng Quốc Gia Cambodia