Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

CHUDA KARMA Lễ xả nghiệp-xuất gia, một tục lệ cổ xưa của họ Thích ca




Sau khi vua Vidudabha tiêu diệt dòng họ Thích Ca (Sakya), một phần những người sống sót của dòng họ Sakya đã di cư tới Nepal Mandala (Thung Lũng Kathmandu ngày nay). Trong thời gian cư trú tại Kathmandu, Nepal, tác giả Nguyễn Phú (pháp danh Phước Quý) đã kết thân với nhiều người trong dòng tộc Thích Ca và được dự khan lễ xuất gia, một phong tục cổ truyền của dòng họ Sakya. Xin giới thiệu về lễ Chuda Karma của hậu duệ dòng họ Thích Ca. (Lời giới thiệu của ấn bản Nguyệt San Giác Ngộ -2006)





Tác giả và hai cậu bé Sakya


      Vốn biết tôi đang quan tâm tìm hiểu phong tục và đời sống văn hóa Nepal nên trước đây một tháng, gia đình ông Sarad Kumar Shakya đã mời tôi dự một ngày lễ theo tục lệ cổ truyền của gia tộc. Tôi không ngờ mình có may mắn được dự khán một tục lệ của một dòng họ cổ xưa và nổi tiếng nhất thế giới. Cổ xưa vì họ Shakya chỉ tính từ Đức Phật Thích Ca cũng đã được trên hai mươi lăm thế kỷ. Còn nổi tiếng thì hầu như thế giới đều biết đến dòng họ này qua một nhân vật lịch sử vĩ đại: ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI.
Patan là thành phố cổ nhất của Kathmandu Valley, cũng là thành phố có nhiều người họ Sakya sinh sống. Nơi đây cũng là thành phố có nhiều gia đình theo Phật giáo nhất trong Vương quốc Hindu giáo Nepal, nên được mệnh danh là Thành Phố Phật Giáo (gọi là “thành phố” (city) nhưng thực ra diện tích của Patan chỉ xấp xỉ một phường lớn ờ Saigon ). Tương truyền, vào thời cổ đại, thành phố này được quy hoạch theo hình Bánh Xe Pháp – Dharma Chakra. Khi đi vòng quanh Patan, ta có thể thấy cờ Phật giáo dày đặc trên các nóc nhà, trong các lễ hội của Patan. Tại đây còn có bốn ngôi tháp (stupa) ở bốn góc của thành phố tương truyền được dựng lên bởi Đại đế Phật tử Ashoka (A Dục vương) khi ngài hành hương đến đây.

Patan-Thành Phố Phật giáo

   Ngày lễ này được gọi là “Chuda Karma Puja” - tạm dịch là ngày lễ Xả nghiệp, xả bỏ nghiệp báo trong quá khứ hoặc đơn giản hơn là lễ Xuất gia. Tục lệ này không hẳn là tục lệ Phật giáo, các tín đồ Hindu cũng có lễ Chuda Karma; nhưng riêngvới họ Sakya thì có những nghi thức riêng biệt. Với cả hai tôn giáo, Lễ này là lần cạo tóc đầu tiên dành cho tất cả các bé trai từ bốn tuổi trở lên. Với Hindu, thường thì buổi lễ mang tính gia đình: một vị Brahmin được mời đến nhà đễ làm lễ cho cậu con trai của gia đình; có khi hai ba gia đình làm lễ cùng nhau. Với họ Sakya, họ sống theo từng “bahal” (một cộng đồng vài mươi gia đình Sakya sống quay quần quanh một ngôi chùa riêng trong một khuôn viên khép kín, tất cả các ngôi nhà đều xoay mặt ra một cái sân chung rộng lớn). Tính “cộng hòa” , “tập thể” là một đặc tính của họ Sakya từ thời cổ đại, mọi việc lớn nhỏ đều được mang ra bàn bạc giữa cộng đồng. Chính vì thế các lễ nghi của họ cũng thường là tập thể.



Một Bahal

    Lễ Chuda Karma mà tôi dự khán được các tu sĩ chọn nhằm vào ngày tốt nhất trong tháng sinh của Đức Phật năm nay ( 2550- Phật lịch / 2063-Nepal / 2006-dương lịch), ngày được chọn nhằm ngày 30-4 dương lịch. Trong lễ Chuda Karma này có tất cả hai mươi hai bé trai được xuất gia.
Trước đó một tháng, các gia đình phải đăng ký danh sách, sắm sửa lễ vật, trang phục cho các chú bé. Nghi lễ được diễn ra ở ngôi đền danh tiếng Golden Temple của thành phố cổ Patan (tên chính thức của ngôi đền là Hiranya Varna Mahavihar). Ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ XII bởi Quốc vương Bhaskar Varma (thời kỳ Phật giáo hưng thịnh ở Kathmandu Valley). Golden Temple là một kiệt tác về kiến trúc và nghệ thuật gò đúc kim loại của Nepal. Toàn mặt vách chính (10 x 5m), ngôi đền Quan Âm và tất cả các mái cũng như tượng, phù điêu đều làm bằng đồng thau mạ vàng thật tinh xảo. Riêng khung cửa chính của gian thờ tượng Phật Thích Ca Vàng (Golden Sakya Muni) được đúc bằng bạc ròng (những khung cửa bằng bạc chỉ dành cho những nơi cúng tế của các vị vua Nepal - Pashupatinath ngôi đền thiêng liêng nhất của Hindu giáo Nepal mà Nhà vua Nepal hay cúng tế hiện nay cũng có những khung cửa bằng bạc). 




Golden Temple
     Tôi đến Golden Temple lúc 9 giờ sáng, ở lối vào một vị trong Ban tổ chức trân trọng buộc vào cổ cha mẹ của các chú bé những dây lụa - cha: màu xanh, mẹ: màu vàng. Trong khuôn viên không lớn lắm của ngôi đền, thân nhân của các chú bé đứng ở khắp các hành lang trò chuyện vui vẻ. Tôi tìm gia đình ông Sarad và được dẫn lên lầu. Nơi đó trong một gian phòng kín, lần lượt từng chú bé được các tu sĩ thực hiện các bí tích đầu tiên. Chừng một tiếng đồng hồ sau, chú bé cuối cùng được đưa xuống sân đền.







Gia đình Sarad Kumar Shakya

Các chú bé được sắp ngồi thứ tự theo chiều kim đồng hồ vòng quanh sân đền. Các bà mẹ lúc nào cũng túc trực bên con, vẻ mặt rạng rỡ, hân hoan. Sau khi vị chủ lễ đọc kinh và làm các nghi thức, những người phụ lễ đi vòng quanh xức dầu lên đỉnh đầu các chú bé. Kế tiếp họ bắt đầu cạo tóc của các em. Tóc được cạo nhẵn chỉ chừa lại một lọn nhỏ chừng ngón tay út. Phần nghi thức này là cổ tục của Hindu giáo. Sau đó các em được cởi bỏ hết tất cả quần áo cũ trên người, xối nước cho sạch tóc vụn và choàng một tấm khăn mới tinh lên người. Các chú được đưa trở lên gian phòng kín để thực hiện các nghi lễ đặc biệt của họ Sakya. Tại đây chỏm tóc cuối cùng được vị tu sĩ cắt bỏ và đeo vào đầu các em một vòng đan bằng các dây màu xanh ở giữa trán đính ba hình bầu dục bằng bông gồm ba màu theo ba vòng nhỏ dần vào trong: trắng-xanh-đỏ.









Các Sakya sau khi cạo tóc lần đầu





Các Sakya được ban phước


    Một nhóm bốn vị trưởng lão cao niên nhất của dòng họ Sakya (từ 80 đến trên 90 tuổi) làm tiếp nghi thức ban phước cho các em tại sân đền. Dưới chiếc lọng ngũ sắc, bốn vị trưởng lão đầu đội bốn chiếc mũ miện của vương tộc Sakya trang trí các họa tiết bằng bạc và đồng, đứng ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc nhận các lọ nhỏ bằng đồng trong có nước và lá thơm từ các bà mẹ. Lần lượt từng em bước vào giữa. Vị chủ lễ xướng bài tụng ngắn. Các vị trưởng lão dùng tay phải rảy nước và cùng đặt tay lên đỉnh đầu các em để ban phước. Vị chủ lễ dùng một chiếc vỏ ốc to, cũ kỹ, có xoắn ngược chiều kim đồng hồ (biểu tượng vương quyền thời cổ tại Ấn Độ) tưới nước lên đỉnh đầu các em. Có em bị dội nước lạnh đột ngột khóc ré lên.
Một lần nữa các chú bé lại được đưa lên gian phòng kín. Lần này các chú được làm nghi thức quan trọng nhất của ngày lễ: nghi thức xuất gia. Nghi thức này kéo dài chừng hơn một tiếng đồng hồ. Các bé trai Sakya sau khi xuất gia được vẽ một Mandala màu vàng trên đầu, mặc y màu vàng và nhận tích trượng, bình bát bằng đồng từ các tu sĩ. Các chú xúng xính trong chiếc y vàng, choàng từ vai trái xuống một dải lụa đính hai lá cờ Phật giáo, tay phải cầm bình bát đựng gạo, tay trái cầm tích trượng lần lượt trở xuống sân đền.








Các Sakya sau khi xuất gia

    Phải chờ đợi đến tận 3 giờ chiều, các nghi thức mới bắt đầu tiếp tục. Theo quy định, cho đến nghi thức cuối cùng các chú không được ăn, phụ huynh chỉ được cho các chú uống sữa hoặc nước trái cây. Chờ đợi lâu quá, có chú ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ trông thật đáng yêu.
Vị chủ lễ tiếp tục tiến hành cuộc lễ. Ông ngồi xếp bằng trước một bàn thờ, đọc những bài kinh bằng tiếng Phạn và xướng những nghi thức bằng tiếng Nepal để các phụ huynh hướng dẫn các em làm theo. Những nắm gạo, cánh hoa, thực phẩm, nước… lần lượt được vãi tung ra sân đền. Có những chú chim bồ câu dạn dĩ sà xuống ngay bên cạnh các chú bé nhặt những hạt gạo trắng ngần. Sau những bài kinh dài, vị chủ lễ cùng người phụ lễ mang những đôi guốc nhỏ bằng đồng cũ kỹ ra. Họ vẽ trên nền đá xanh của sân đền bảy hình hoa sen, đặt vào giữa mỗi hoa sen một hạt cau tròn trĩnh cùng với chút thực phẩm tượng trưng cho địa cầu. Lần lượt từng em sẽ mang đôi guốc đồng ấy bước bảy bước trên những hoa sen làm vỡ vụn những hạt cau trong khi vị chủ lễ đọc thần chú. Nghi thức này lặp lại tích Đức Phật Thích Ca khi vừa Đản sanh đã bước đi bảy bước làm chấn động địa cầu và thiên giới. Sau khi đi trên các hoa sen, các Sakya vừa xuất gia được đưa vào gian thờ chính để làm lễ trước Phật Thích Ca Mâu Ni với tích tượng và bình bát như là lễ ra mắt.






Bảy bước đi
Sau nghi thức xuất gia, các Sakya nhỏ tuổi được đưa đi vòng quanh các con phố của thành phố cổ sau các vị trưởng lão của họ tộc Thích Ca để trình diện mọi người theo như phong tục. Trở lại Golden Temple, một nghi thức nữa diễn ra trước cổng vào ngôi đền. Hương hoa, đèn, lễ vật, một Mandala được bày trên mặt đất để vị chủ lễ cúng tụng. Sau đó các chú bé được bước vào đền. Cuối cùng, sau một khoá lễ ngắn nữa, các em mới được thọ thực trong bình bát theo giới luật từ thời Đức Phật.







Vòng quanh Patan
    Các Sakya này sẽ ăn chay và mặc y vàng suốt ba ngày tiếp theo. Đến chiều ngày thứ tư, phụ huynh đưa các em trở lại Golden Temple. Với một nghi lễ trang trọng, các em được xả bỏ nghiệp báo quá khứ, thay đổi chiếc y vàng bằng toàn bộ quần áo, giày dép, mũ nón mới.
Tục lệ cổ xưa này với nhiều biến thể từ cổ tục Hindu của dòng tộc Sakya hầu như ít người được biết, ngay cả các học giả Tây phương cũng ngộ nhận đây là phong tục Hindu. Tôi đã thường cầu nguyện chư Phật hộ trì cho tâm nguyện nghiên cứu về gia tộc Sakya, có lẽ vì thế nên có được may mắn này chăng? Liên hệ với những chi tiết trong lịch sử, tục lệ này có lẽ xuất phát từ sự ngưỡng mộ và tôn vinh một vĩ nhân của gia tộc Sakya: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và buổi lễ xuất gia tập thể của 500 vương tử Sakya khi đức Phật về thăm quê hương Kapilavastu. Ngoài ra, có lẽ còn để trả nghiệp trong quá khứ về việc rải thuốc độc xuống sông đưa đến hậu quả Vidudabha (Tần Bà Lưu Ly) tàn sát dòng họ và tiêu diệt vương quốc Sakya. Vì thế, những hậu duệ của gia tộc Sakya, sau biến cố ấy (hơn 2.400 năm trước) không bao giờ rời xa Phật giáo - nơi họ tìm thấy an lạc trong đời này và những đời sau.
                                                                                  
                                                                             Patan-2006
                                                                        Chỉnh sửa 8/2010
                                                                           Nguyễn Phú

MỘT PHẬT ĐẢN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Bút Ký:


      Năm năm trước, tôi rời Lumbini sau khi làm công quả và công tác thiện nguyện tại đây mà lòng buồn bã; không biết có còn dịp trở lại nơi chốn đã làm thay đổi toàn bộ đời tôi. Tôi đã chọn Kathmandu, thủ đô của Nepal, làm nơi dừng chân để học tiếp Phật Pháp và  nghiên cứu lịch sử  họ  Sakya từ chính những người Sakya (Thích Ca) cũng chính là vì muốn có thể trở lại Lumbini bất cứ khi nào.
Hơn 3 năm nay tôi chuyên vẽ về đề tài Đức Phật. Là quê hương của Đức Phật, hơn nữa tại đây còn có một cộng đồng Sakya (Thích Ca) đông đảo sinh sống - những người mà tay nghề vẽ và điêu khắc Đức Phật vào hàng bậc nhất trên thế giới, nên khẳng định một vị trí là điều không dễ dàng. Tôi đóng cửa lặng lẽ làm việc, bỏ qua tất cả mọi thứ để chuyên chú vào đề tài của mình. Thầy Bổn sư của tôi dạy rằng:” “Vẽ tranh chính là Thiền, nhất là vẽ tranh Phật. Tập trung vào Niệm (Sati) cho đến khi “thấy” Đức Phật.” Từ những hình ảnh tưởng tượng,  chủ đề này dần trở thành cụ thể gần như có thể cảm thấy bằng năm giác quan, cho đến một đêm cách đây hơn ba tháng, tôi mơ thấy Đức Phật. Tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, tôi vội vàng vẽ lên tấm voan trắng hình ảnh mình vừa mơ thấy, sợ rằng nó sẽ tan biến mất. Chỉ trong 5 giờ đồng hồ, tôi đã hoàn thành bức tranh “Light of Asia” (Ánh sáng Á châu), bức tranh tôi ưng ý nhất trong tất cả những bức tôi đã vẽ về Đức Phật, và khi trưng bày thì mọi người cũng đồng ý rằng đó là bức tranh đạt nhất của tôi. Dường như Đức Phật độ trì, nên sau khi hoàn thành “Light of Asia”, Lumbini Development Trust  - LDT (*)  chính thức chọn tôi làm họa sĩ đầu tiên triển lãm tranh Phật tại Sacred Garden (Khu Vườn Thiêng nơi Đức Phật Thích Ca đản sinh) ở Lumbini nhân dịp Phật Đản 2554 (27/05/2010). Đây là một vinh dự không thể nào mơ tới của tôi. Ngoài việc được công nhận một vị trí trong giới vẽ tranh Phật ở Nepal và India, chỉ riêng việc được trưng bày tranh Phật tại nơi Phật đản sinh trong ngày Phật Đản đã là một phước duyên không thể nào đo lường được với tôi.

Tác giả bên bức Light of Asia









   Tất  bật chuẩn bị suốt ba tháng ròng cho sự kiện quan trọng nhất của đời mình, tôi gần như không ăn ngủ được. Nhất là được biết Ban Tổ Chức đã lên chương trình để Tổng Thống và Thủ tướng Nepal trong khi tham dự Đại Lễ Phật Đản Cầu Nguyện Hoà Bình cho Nepal ở Lumbini sẽ đến thăm triển lãm “Light of Asia” của tôi. 5 ngày trước lễ Phật Đản mọi việc đã sắp xếp xong, Ban Tổ Chức ưu ái dành riêng cho tôi một chiếc Pajero để mang tranh xuống Lumbini (gần 350km từ Kathmandu). Tôi xếp tranh lên xe và để một người bạn đi theo, phần tôi sẽ đi bằng xe gắn máy. Mọi người đều cho là tôi điên, khi không đi trên xe hơi đầy đủ tiện nghi mà sử dụng một phương tiện đầy nguy hiểm là xe gắn máy. Bởi vì Kathmandu nằm trên độ cao hơn 2.000m trên mực nước biển, còn Lumbini là đồng bằng, đường đèo dốc quanh co đầy vực thẳm, hơn nữa, đường sá nhỏ hẹp hư hỏng nặng nề. Ai cũng khuyên tôi nên đi xe hơi, nhưng tôi nhất quyết giữ ý định của mình. Tôi vốn mê đi trên những cung đường xa bằng xe gắn máy từ khi còn ở Việt Nam. Nó cho tôi cảm giác tự do bay bổng khi hòa cùng đất trời chứ không bị đóng trong một cái hộp sắt di chuyển. Ngoài ra, lý do lớn nhất để tôi chọn xe gắn máy là vì tôi muốn nhân dịp lễ Phật Đản này thăm viếng quê Mẹ và quê Cha của Đức Phật. Anh bạn thân Sarad Sakya biết ý định của tôi liền đưa cho tôi chiếc super moto Fazer Yamaha mới cáu cạnh mà anh mới mua chỉ ba ngày cho tôi. Anh nói, “Lấy nó mà đi, coi như tôi cùng đi với anh về quê của tôi.” Một đề nghị không thể nào từ chối.

Sáng 25/05, tôi lên đường. Kathmandu mùa này nóng, hơn 30 độ C, nhưng ra khỏi thung lũng trời còn nóng hơn. Mặc dù đường đèo với một bên là rừng núi, một bên là sông sâu, nhưng trời không có gió và nắng thì như đổ lửa. Có hề gì. Với một kẻ hơn ba năm đóng kín cửa ở trong nhà vẽ tranh thì tôi bây giờ giống như một con chim sổ lồng bay về quê chốn cũ. Tôi không đi nhanh được vì đường đèo quá quanh co và hư hỏng nặng, nên phải mất hần 3 giờ đồng hồ cho 110km đầu tiên mới tới Mugling, trạm dừng chân và ngã ba đường đi Lumbini hoặc Pokhara. Ở đây, trong lúc tạm dừng để uống nước và làm mát (tôi xối nước ướt đẫm đầu và nửa thân trên của chiếc áo sơ-mi vì trời quá nóng), tôi đọc thấy một tờ nhật báo Nepal đăng tin về triển lãm tranh Phật của tôi. Anh chủ quán nhận ra tôi từ tấm hình trên báo, bắt tay chúc mừng và biếu không tính tiền chai nước ngọt tôi vừa uống. Đó là một cử chỉ hiếm có, vì người miền núi Nepal rất chi li cặn kẽ về tiền bạc, một rupee cũng phải tính. Đọc tiếp tờ báo tôi cảm thấy lo lắng về tình hình chính trị tại Nepal. Ba năm trước trong nỗ lực chấm dứt nội chiến, các đảng chính trị đã đồng ý cho đảng cộng sản Maoist giải giáp và tham gia chính trường Nepal. Năm 2008, Nepal tổ chức bầu cử một Quốc Hội tạm thời để soạn thảo Hiến Pháp mới trong vòng 2 năm. Hai năm đã trôi qua nhưng Hiến Pháp mới không thể hoàn thành, các đảng chính trị muốn gia hạn Quốc Hội thêm một năm trong khi Maoist đòi giải tán Quốc Hội, cách chức Thủ tướng. Tháng trước (04/2010) họ đã tổ chức một cuộc tổng đình công kéo dài một tuần làm tê liệt toàn bộ đất nứơc Nepal. Ngày 28/05/2010 là thời hạn chót để gia hạn Quốc Hội, tình hình các phe phái đấu đá nhau căng thằng như cung tên đã giương lên hết mức. Tôi chỉ biết khấn nguyện thầm trong lòng mong cho Nepal vượt qua được khoảnh khắc cam go này.

Tôi cám ơn anh chủ quán và tiếp tục lên đường. Vượt qua hơn 50km đường xấu nữa, đến địa phận của khu bảo tồn Rừng nguyên sinh Quốc Gia Chitwal thì đường xá rất tốt. Đoạn này hai bên là rừng nên không khí mát dịu. Đường tốt lại vắng xe nên tôi có thể đi nhanh hơn, 80 – 90 km/h. 14h30, tôi đến điểm hành hương đầu tiên của cuộc hành trình: Devdha - quê  mẹ  của Đức Phật (tên đầy đủ theo kinh sách là Devadaha – Thành phố của thần linh). Địa danh này nằm ngay cạnh đường quốc lộ từ Lumbini về Kathmandu, dễ dàng thăm viếng hơn cả Kapilavastu. Ngay tại cổng chào của Devdha, một nhóm trên dưới 50 người địa phương cầm cờ Phật giáo đi diễu hành mừng ngày Phật Đản. Tôi dừng lại chào hỏi. Biết tôi là một Phật tử Việt Nam, họ rất mừng và cho biết đây là phong tục lâu đời của vùng này. Rất tự hào là những người con của Quê Mẹ Đức Phật họ chỉ cho tôi cờ Phật treo rải rác khắp nơi nhân dịp lễ lớn trong năm. Một vị bô lão cho tôi địa chỉ của vị Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Tồn các di tích của Kolya khi nghe tôi có ý định thăm viếng các di tích ở đây. Tôi đã liên lạc với vị này và đã có một cuộc hành hương – du khảo vô cùng thú vị, (Cuộc hành hương –du khảo này sẽ được kể trong loạt bài phóng sự “Về Quê”). Bịn rịn chia tay Quê Mẹ, tôi vượt hơn 100km cuối cùng để đến Lumbini khi trời sẩm tối. Từ ngay cổng chính của Lumbini đã thấy hàng nghìn người hành hương từ các địa phương xung quanh hoặc cả từ Ấn Độ đầu đội những gói hành lý, đi chân trần kéo vào thánh địa. Họ đen đúa, gầy ốm, áo váy cũ kỹ nhưng mắt thì ngời sáng. Không hẳn là người theo Phật Giáo, nhưng người theo đạo Hindu ở đây vẫn tôn thờ Đức Phật Sakya  theo cách riêng của họ.

Ngày kế tiếp, 26/05/2010, bọn chúng tôi dậy từ lúc 5 giờ sáng và tất bật chuẩn bị cho cuộc triển lãm. Căng tranh lên khung xong thì đã hơn 12 giờ trưa, tôi ra chỗ mà Ban Tổ Chức dành cho tôi để triển lãm bên cạnh lễ đài chính. Thật là thất vọng. Cả ba gian dành cho triển lãm đều chưa hoàn tất. Gian bên cạnh tôi, do đã có kinh nghiệm từ trước, nên Cục Khảo Cổ Nepal đã mang theo toàn bộ vật dụng từ Kathmandu xuống và ung dung chuẩn bị cho gian của họ. Gian của giới nhiếp ảnh có một nhóm nhiếp ảnh gia giận dữ đang đôi co với nhóm thợ lắp ráp với thái độ bề trên. Phần tôi, tôi liên lạc với các vị trong Ban Tổ Chức thì ai cũng bận rộn, vị này chỉ sang vị khác. Cuối cùng tôi quyết định phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Tôi chớp lấy anh chàng thanh niên trông coi nhóm thợ lắp ráp và hết sức lễ độ nhờ anh ta giúp đỡ. Trái ngược với thái độ phớt lờ khi bị nhóm nhiếp ảnh gia hoạnh họe, anh này giúp tôi hết sức nhiệt tình, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ sau, gian triển lãm của chúng tôi đã hoàn tất, có cả thảm lót nền, tinh tươm hơn cả gian của Cục Khảo Cổ và nhiếp ảnh. Đúng là lạt mềm buộc chặt.
Khoảng bốn giờ chiều, tôi đưa anh bạn người Nepal đi một vòng thăm các ngôi chùa ở Lumbini. Nhiều người lấy làm lạ khi thấy một người ngoại quốc làm hướng dẫn viên cho một người Nepal tại Nepal. Có gì đâu, tôi đã sống và làm việc tại Lumbini cả năm trời. Với tôi, Lumbini như là quê hương thứ hai. Vào dịp lễ lớn nhất trong năm này của Lumbini, ngôi chùa nào cũng trang hoàng rực rỡ. Chùa Thái trưng hàng loạt các tượng Phật đản sinh để khách hành hương dán những lá vàng lên theo phong tục các nước phái Tiểu thừa. Một ngạc nhiên với tôi là Cambodia cũng đã khởi công xây chùa ở Lumbini. Chiếc cổng lớn dùng xi măng đắp những phù điêu theo phong cách Angcor Wat mang trên mái năm ngọn tháp thu nhỏ, biểu tượng của đất nước chùa tháp, trông thật ấn tượng. Chùa Trung hoa khi chúng tôi tới thì đã đến giờ đóng cửa, nhưng khi nghe tôi là khách hành hương Việt Nam đã biệt đãi cho phép chúng tôi vào lễ Phật. Ở khu vực Viện Bảo Tàng Lumbini, cách đây hai năm, nhóm 108 ngôi chùa Hàn Quốc khi hành hương và cung thỉnh Xá Lợi Phật về Lumbini đã xây dựng một đài kỷ niệm thật hoành tráng. Trời bỗng nhiên mưa lớn, cơn mưa đầu tiên trong năm sau tám tháng nắng nung nẻ cả đất. Mưa lớn nhưng tạnh nhanh lập tức. Dường như thần mưa (Indra) về đây để chuẩn bị cho ngày lễ trọng.

Mấy anh bạn Nepal trải qua một đêm không ngủ nằm nghe tôi kể về lịch sử họ Sakya. Đến 4 giờ thì trời đã hửng sáng, chúng tôi vội vàng mang tranh ra gian triển lãm để treo. Hoàn tất mọi việc xong thì cũng đã 8 giờ sáng. Bọn ba người chúng tôi (Tôi, bạn tôi và chủ nhân của Gallery Nirvana ở Kathmandu) vội vàng ăn qua loa mấy gói mì ăn liền. Vì phải chịu trách nhiệm cho gian triển lãm của mình nên tôi đành phải bỏ qua buổi cầu nguyện cùng các chư tăng của các chùa ở Lumbini bên cạnh cột đá Asoka. Tiếc không thể tả. Đến 10 giờ thì quan khách bắt đầu đến. Như tôi đã linh cảm, vì tình hình căng thẳng đến mức có thể có đảo chính nên Tổng thống và Thủ tướng của Nepal không thể đến Lumbini được. Hòa Thượng-Học Giả Karma Sangbo Sherpa Phó Chủ Tịch thường trực thay mặt cho Chủ Tịch của Lumbini Development Trust là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa đã cắt băng khai mạc triển lãm “Light of Asia”. Chúng tôi hết sức xúc động khi rất nhiều khách hành hương và quan khách kéo vào tham quan các bức tranh Phật. Từ anh cảnh sát cơ động, cụ già hơn tám mươi tuổi, cho đến em bé chập chững bước đi, tất cả đều ngắm các vị Phật với vẻ thành kính và chắp tay cầu nguyện. Một du khách đến từ Mehico tỏ ra ngạc nhiên khi bắt gặp một triển lãm tranh ở một nơi khi ho cò gáy như Lumbini. Một quan khách từ đại sứ quán Đức thì lại lo lắng dùm, sợ các bức tranh của tôi sẽ  hư hỏng khi nhiều người sờ chạm. Ông H. D. nghe tin cũng đến xem, và hỏi: “Triển lãm ở đây làm sao bán tranh.” Tôi chỉ cười, “Buddha is not for sale”. (Đức Phật thì không dành để bán). Tôi triển lãm tranh Phật trong ngày lễ trọng này là muốn làm hoan hỷ chư Phật, cầu nguyện bình an cho đất nước của Phật và mang đến cho mọi người nhất là những người nghèo ở xung quanh Lumbini một cơ hội ngắm nhìn chư Phật thông qua nghệ thuật hội họa, qua đó cổ võ mọi người làm thêm nhiều điều tốt đẹp; chứ tôi không có ý định kiếm tiền trong ngày lễ trọng này. Càng nhiều người đến xem thì với tôi đó là thành công. Cho nên mặc dù nguyên tắc của triển lãm tranh là không cho chụp hình, nhưng tôi vẫn để cho một số khách hành hương chụp hình với các bức tranh của tôi. Bất ngờ lớn đến cho tôi khi một quan khách sau khi xem thật kỹ triển lãm đã ngỏ ý mời tôi mang tranh Phật sang nước ông triển lãm. Ông là Aung Kyaw Moe, một quan chức cao cấp của Bộ Tôn Giáo – Myanmar. Một vinh dự không thể nào từ chối. Ông lấy địa chỉ của tôi để gửi thư mời chính thức từ Bộ Tôn Giáo Myanmar và ngỏ ý muốn mua bức “Light of Asia”. Nhưng tôi thành thực nói với ông rằng bức tranh đó là phước duyên lớn nhất mà tôi có được nên tôi sẽ không bán với bất cứ giá nào. Ông hơi thất vọng và mong muốn chụp hình chung với tôi bên cạnh bức tranh đó làm kỷ niệm.
Trời nóng cực độ, hơn 35 độ C trong bóng râm, một tượng trưng cho thế giới đầy đau khổ mà chúng ta đang sống. Và có lẽ đó cũng chính là lý do mà Hoàng Hậu Maya đã xuống tắm ở hồ Pushkarini trong Vườn Lumbini trước khi sinh Đức Phật?

12giờ thì chương trình Đại lễ Phật Đản ở Lumbini bắt đầu cử hành khi Ngài Bộ Trưởng Văn hoá Nepal đáp trực thăng từ Kathmandu xuống. Sau phần khai mạc của Ngài Phó Chủ Tịch Lumbini Development Trust, một đoàn vũ công địa phương người Tharu (* )  trình diễn những vũ điệu cổ truyền được cho rằng có từ thời Đức Phật Thích Ca. Bốn cô vũ công Tharu vận bốn bộ váy áo bốn màu khác nhau tượng trưng cho bốn mùa, đầu đội khăn choàng, trán, cổ, và tay chân đeo những bộ trang sức bằng bạc chạm trổ tinh xảo. Họ nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng trống của một nhạc công già và tiếng hát của một dàn đồng ca tám cô gái khác. Tiếng lục lạc đồng trên cổ chân họ reo lên hân hoan, điểm xuyết bằng tiếng chạm của các vòng bạc trên cổ tay họ càng làm cho nhạc điệu thêm quyến rũ. Những tà váy rực rỡ xoay tròn theo bước chân uyển chuyển của họ cuốn hút ánh mắt mọi người. Điệu múa kết thúc với động tác rải hoa lên quan khách và họ nhường sân khấu cho đội vũ công nam. 10 thanh niên mặc trang phục cổ truyền Tharu –  đầu đội khăn trắng, áo dài tay xanh lơ, quần rộng màu trắng, lưng đeo một bó lông công rực rỡ , tay cầm những thanh kiếm gỗ ngắn, đeo trang sức bằng bạc- lần lượt xếp thành hai hàng đối diện nhau. Rồi theo nhịp trống họ bắt đầu trình diễn những động tác hùng dũng như những chiến binh ra trận.
Sau màn ca vũ chấm dứt, chư  tăng các nước lên cầu nguyện hòa bình cho Nepal và  thế  giới. Sau đó, các quan khách đọc cảm tưởng. Cuối cùng, Bộ Trưởng Văn hoá Nepal cũng là Chủ Tịch Lumbini Development Trust công bố thành lập Giải Thưởng Hòa Bình Quốc Tế Gautama Buddha (Đức Phật Cồ Đàm theo tiếng Việt) trị giá 50.000 USD hàng năm, sẽ dành tặng cho những cá nhân hoặc tổ chức truyền bá thông điệp hòa bình của Đức Phật và quảng bá hình ảnh Lumbini trên tòan thế giới.          
Trời bỗng nổi gió lớn xung quanh khu vực Khu Vườn Thiêng. Thật là kỳ lạ, vì chu vi ngoài 500m xung quanh không hề có gió.
 Chiều dần buông và chúng tôi phải thu dọn gian triển lãm dù vẫn còn nhiều khách hành hương đến muộn muốn xem tranh Phật. Xin hẹn với mọi người lễ Phật Đản sang năm vậy.











Đêm ấy, mưa như thác đổ suốt cả đêm cho đến gần sáng. Cơn mưa mát lành đã làm hồi sinh vùng đất khô cằn vì hạn hán. Tất cả người và vật hân hoan đón nhận ân sủng của trời cao. Cây cỏ cũng chuyển mình hát theo nhịp mưa rơi. Cả Vũ trụ tràn ngập trong hạnh phúc mát lành trong ngày đản sinh của Đấng Toàn Giác.

                                                          Lumbini, Phật Đản 2554
                                                          Kathmandu, 03/06/2010

                                                         Nguyễn Phú


(* ) Lumbini Development Trust – LDT là  một tổ chức được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc và Chính Phủ Nepal để chuyên lo việc trùng tu, bảo quản các thánh tích liên quan tới Đức Phật Thich Ca tại Nepal theo sáng kiến của U Thant Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc năm 1968.
(*) Tharu là một bộ tộc cổ xưa, dân chúng bản địa của vương quốc Sakya và Kolya.