Xin mời các bạn đọc bài viết của tác giả Phạm Đình Trọng, người đã có nhiều thập niên gắn bó với Cambodia:
Vơi đầy với Campuchia
Tháng 8 6, 2012Phạm Đình Trọng
1. Thăm thẳm Angkor
Trở lại sau ba chục năm, tôi thấy đất nước Campuchia như không hề thay đổi. Ngút ngát tầm mắt vẫn chỉ có hai màu: Màu xanh mướt mát của thốt nốt, của dừa, của chòm xóm hiền hòa, bình yên và màu nâu nồng nàn của đất. Đã sang tháng Bảy vào mùa mưa mà mới có vài trận mưa rào dè dặt, ngắn ngủi. Mới có lác đác vài mảnh ruộng xanh màu mạ non. Còn lại cánh đồng bằng phẳng, tít tắp vẫn một màu đất nâu khô hạn chờ mưa.
Ở Sài Gòn, khu công nghiệp Tân Bình thênh thang nằm ngay trong thành phố giữa cuồn cuộn người xe. Ra khỏi thành phố đi về hướng nào cũng gặp liên tiếp những khu công nghiệp rộng lớn. Các khu công nghiệp nối liền Sài Gòn với các thành phố chung quanh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An thành một khối đô thị khổng lồ, một liên hiệp các khu công nghiệp mênh mông, không còn chỗ cho một mảnh ruộng, một bờ cỏ xanh, không còn chỗ cho một mảnh vườn xum xuê cây trái vốn là hình ảnh thân thuộc từ bao đời của đất miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Ở Campuchia, một ngày ô tô bon bon hơn năm trăm cây số qua năm tỉnh đồng bằng đông dân Svay Rieng, Kampong Cham, Kampong Chnang, Kampong Thom, Seam Reap, tôi không thấy một khu công nghiệp. Theo đường số Năm từ hướng tây hay theo đường số Một từ hướng đông vào thủ đô Phnom Penh hai bên đường cũng chỉ có những ngôi nhà sàn cột bê tông lênh khênh. Nhà sàn dù tường xây hay tường gỗ, dù mái ngói hay mái tôn thì hai đầu nóc mái nhà nào cũng có hai đường cong uyển chuyển như cặp sừng duyên dáng trên đầu con bò, như cặp râu vênh vênh điệu đàng, kiêu hãnh của con kiến. Đó là nét riêng của ngôi nhà sàn Campuchia.
Ngồi trên ô tô chạy cả ngày đường, chỉ hai lần tôi nhìn thấy con mương mảnh mai mới đào với chút nước lắp xắp đáy mương chạy thẳng tắp giữa cánh đồng khô hạn. Nền sản xuất nông nghiệp thô sơ còn phụ thuộc vào thiên nhiên, một năm chỉ có một vụ lúa vào mùa mưa, thế mà ngày nay Campuchia đã trở thành nước xuất khẩu gạo một triệu tấn năm.
Đi từ Việt Nam sang Campuchia là đi từ sự hối hả, nhốn nháo sang sự điềm tĩnh, thanh thản. Các khu công nghiệp bề thế, các khu đô thị ngổn ngang khắp nơi trên đất Việt Nam là sự nhốn nháo trong đời sống kinh tế dẫn đến sự nhốn nháo trong đời sống xã hội. Nhiều khu công nghiệp hoành tráng, nhiều khu đô thị nguy nga chỉ là nơi quyền uy giành giật đất sống của người nông dân, chỉ là nơi quyền uy làm giầu trên sự khốn cùng của người nông dân, đẩy người nông dân thất thểu dắt díu nhau lũ lượt ra thành phố bán sức lao động, nhiều người phải bán cả lương tâm kiếm sống, tạo ra sự nhốn nháo trong hoạt động xã hội, nhốn nháo cả trong đời sống văn hóa, trong tâm hồn con người. Đi từ sự nhốn nháo đó đến sự điềm tĩnh Campuchia càng thấy lòng thư thái, thanh thản.
Không cần căn cứ vào những con số thống kê về sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, chỉ nhìn cảnh quan tự nhiên, chỉ nhìn vào sinh hoạt xã hội và phong thái con người trong đời sống hàng ngày cũng thấy rõ Campuchia vẫn còn ở nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, tiết tấu cuộc sống vẫn khoan thai, chậm rãi, phẳng lặng của xã hội nông nghiệp.
Trình độ phát triển sản xuất cũng chính là trình độ phát triển xã hội. Dù rất khiêm nhường tôi cũng có thể nói rằng xã hội Việt Nam ở thang bậc phát triển cao hơn xã hội Campuchia. Nhưng nhìn vào quản lí xã hội thì tôi lại ngậm ngùi nhận ra rằng những nhà quản lí xã hội Campuchia ở thang bậc cao hơn, có tầm văn hóa cao hơn những nhà quản lí xã hội Việt Nam và điều quan trọng là họ thực sự tiêu biểu cho ý chí của dân tộc Campuchia!
Thang bậc năng lực quản lí xã hội và tầm văn hóa của nhà quản lí chính là ở cung cách ứng xử với văn hóa, với thiên nhiên và với người dân. Đến Angkor Thom, Angkor Wat, leo lên bậc thềm những tòa tháp đá hùng vĩ, ngỡ ngàng, kinh ngạc chiêm ngưỡng những tượng đá uy nghi, những phù điêu, những chạm khắc tinh tế trên đá như do những bàn tay thần tạo nên, tôi khâm phục sức lao động phi thường, thẩm mĩ lịch lãm và tài năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của tổ tiên người Campuchia. Đi trong không gian di sản giữa rừng già đại ngàn, nhìn những cây rừng đồ sộ, lừng lững như có từ thời tiền sử, nhìn cành lá rừng tươi xanh đan dày từ mặt đất lên cao ngay sát con đường dập dìu người, xe, tôi hiểu rằng người dân Campuchia không phải chỉ nâng niu giữ gìn từng khối đá của đền đài mang hồn thiêng của tổ tiên Khmer, mang tầm vóc nền văn minh Angkor mà họ còn nâng niu, giữ gìn từng chiếc lá rừng nhỏ bé, bình dị, thành kính lưu giữ cả không khí trầm tư, ngưng đọng của lịch sử, lưu giữ không gian hùng tráng của sử thi đá Angkor. Trong cách ứng xử đó của người dân Campuchia với di sản Angkor có dấu ấn năng lực, có tầm văn hóa của những nhà quản lí đất nước Campuchia và tôi càng khâm phục những nhà quản lí đó.
Tầm văn hóa của người quản lí đất nước đã nâng tầm văn hóa của cả dân tộc Campuchia lên. Trong vòng bán kính ba mươi nhăm cây số quanh đền đài Angkor, người dân không xây cất những công trình mới, không làm thay đổi một gò đất, một gốc cây. Khu vực đền đài không có nhà hàng, tiệm buôn. Không có người bán đồ lưu niệm đeo bám khách viếng di sản. Không có rác âm thanh trong không gian và rác vật chất trên mặt đất, trong rừng cây. Không có một hàng chữ quảng cáo kinh doanh. Không có cả những khẩu hiệu lên gân chính trị. Chỉ có sự tĩnh lặng của tư duy, sự thao thức của lịch sử, sự hiển hiện của văn hóa nâng tâm hồn con người lên.
Trong không khí tĩnh lặng và trong lành nguyên sơ đó, tôi đi trong đền đài Angkor Thom, Angkor Wat như đi vào thăm thẳm lịch sử thời lập nước Khmer để rồi lại xót xa nhớ đến những đền đài của lịch sử Việt Nam, những mảnh đất tâm linh của tâm hồn Việt Nam đang bị hủy hoại, đang bị vơi hụt, mất mát trên đất nước Việt Nam thân yêu của tôi cũng đã từng có một lịch sử dựng nước huy hoàng và một nền văn minh rực rỡ.
Núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng ở trên đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng nơi Vua Hùng đặt thủ đô đầu tiên của nhà nước Việt Nam đầu tiên từ hai ngàn năm trước, nơi có đền thờ nước, đền thờ tổ tiên người Việt mà ngày nay người dân vô tư đến bạt sườn núi thiêng Nghĩa Lĩnh ngay sát ngôi đền thờ nước, san nền làm nhà ở, làm chuồng trâu, chuồng lợn! Đất núi thiêng Nghĩa Lĩnh bị xâm phạm, không gian linh thiêng của ngôi đền nước bị hủy hoại, lỗi không phải ở người dân mà là lỗi ở tầm văn hóa quá thấp của người quản lí xã hội dù những người này đều có bằng cấp, học hàm, học vị cao chót vót, những người được nhà văn Phạm Toàn gọi chính xác là Những–Giáo–Sư–Mù–Chữ! Những giáo sư tiến sĩ mù chữ đó đang ở vị trí đường đường phương diện quốc gia nên nước Việt Nam văn hiến mới đến nông nỗi hôm nay!
Suốt mấy ngàn năm tồn tại, dân tộc Việt Nam phải liên tục chiến đấu chống giặc bành trướng phương Bắc. Các thế hệ trai tráng phải nối tiếp nhau ra trận để cho những người phụ nữ hết đời nay đến đời khác trở thành góa bụa suốt đời khắc khoải ngóng trông người ra trận. Trời ơi sinh giặc làm chi / Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường (Ca dao). Thực tế lịch sử nghiệt ngã đó đã trở thành tiềm thức trong lòng người dân rồi trở thành huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca. Giặc từ phương Bắc tràn tới vì thế biên cương phía Bắc là nơi những người phụ nữ khắc khoải hướng tới ngóng chồng. Và một ngọn núi chênh vênh, lắt lẻo ở biên cương phía Bắc đã được mang truyền thuyết là bóng dáng, là bức tượng đài nàng Tô Thị ôm con ngóng chồng hóa đá. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh (Ca dao), ngọn núi Tô Thị mang hồn lịch sử, mang thân phận dân tộc, bức tượng đài người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm nay đã bị nổ mìn đánh sập lấy đá nung vôi rồi! Để nàng Tô Thị của văn hóa dân gian bị nung vôi mà người quản lí xã hội vẫn vô can thì xã hội đã tụt xuống đáy của văn hóa, của kỉ cương và nhân cách, liêm sỉ người quản lí xã hội cũng đã tụt xuống tận đáy!
Nếu đền đài Angkor Campuchia là trường ca mà tổ tiên người Campuchia viết bằng đá để chứng minh tài năng, chứng minh sự lao động sáng tạo kì diệu của con người và diễn tả thế giới tâm linh của dân tộc Campuchia thì Vịnh Hạ Long Việt Nam là trường ca mà tạo hóa viết bằng núi và nước, viết bằng đảo và biển chứng minh sự sáng tạo phi thường của tự nhiên, phô diễn vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên. Đến đền đài Angkor thấy những người quản lí xã hội Campuchia chín chắn, từ tốn, dè dặt, thận trọng nâng niu trường ca đá Angkor của họ bao nhiêu tôi lại thấy những người quản lí xã hội của chúng ta nông nổi, thô bạo, sỗ sàng, chụp giật với trường ca núi và nước Hạ Long bấy nhiêu. Cách ửng xử với đền đài Angkor cho thấy người quản lí xã hội Campuchia vì giá trị văn hóa lâu dài, vì giá trị tâm linh thăm thẳm của Angkor. Cách ứng xử với Hạ Long cho thấy người quản lí xã hội của chúng ta chỉ vì lợi ích vật chất, chỉ vì lợi nhuận tiền bạc tức thì mà họ có phần trong đó.
Từ xa nhìn thấy những tháp đá giăng giăng như bức tường thành đá do con người tạo nên, lập tức sự uy nghi của những tháp đá và hồn của những tượng đá đã hút hồn con người nên hầu như không ai để ý đến ngay bên con đường dẫn vào đền đài Angkor một tấm bảng đá nhỏ đặt trên giá thấp khắc chìm khiêm nhường hàng chữ WORLD HERITAGE (DI SẢN THẾ GIỚI) mà UNESCO đã đánh giá xếp hạng đền đài Angkor. Không cần biết đến Angkor đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới thì người từ mọi nẻo đường thế giới, mọi màu da chủng tộc đến Angkor cũng phải nghiêng mình khâm phục và biết ơn dân tộc Campuchia đã sáng tạo cho loài người một Angkor kì vĩ, nghiêng mình kính trọng lịch sử dựng nước huy hoàng của dân tộc Campuchia. Nói như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre khi từ chối giải thưởng Nobel: Nobel cần Sartre chứ Sartre không cần Nobel thì UNESCO công nhận đền đài Angkor là di sản thế giới không làm tăng giá trị của Angkor mà chỉ làm tăng giá trị của UNESCO.
Hữu xạ tự nhiên hương. Người thực sự có trí tuệ, có văn hóa cao thì chẳng cần phải xác nhận bằng học hàm, học vị, bằng cấp mà chính việc làm, cách sống đã xác nhận nền tảng văn hóa trí tuệ của họ. Các quan chức của ta hối hả, đôn đáo, quyết liệt, cố sống cố chết chạy bằng cấp, mua học hàm, học vị chính là để che đậy nền tảng văn hóa trống rỗng, tầm vóc trí tuệ thiếu hụt của họ.
Con người có bằng cấp cao mà trí tuệ trống rỗng thì sự tử tế, sự lương thiện cũng trống rỗng. Vì thế họ làm đâu lụn bại đấy, làm đâu phơi bày sự bất lương, đê tiện ở đó. Vì thế mới có sự đổ vỡ thê thảm của Vinashin, Vinalines, mới có sự thua lỗ cay đắng của điện lực, của dầu khí, mới có các công trình giao thông giá thành đắt nhất thế giới nhưng chất lượng công trình lại tồi tệ cũng nhất thế giới. Vì thế mới có những quan tham nhân danh chính quyền nhà nước cướp đất của dân giữa ban ngày diễn ra khắp nơi trên cả nước và vừa dồn dập diễn ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Vụ Bản, Nam Định… Và kinh tế đất nước cứ trầy trật, nghèo khó triền miên, đời sống người dân cứ khốn đốn kéo dài mà người có trách nhiệm vẫn thản nhiên tại vị, vẫn nhơn nhơn ban phát những lời dạy bảo đạo đức!
Hạ Long buổi sáng khác Hạ Long buổi chiều. Hạ Long trưa mùa hè chói nắng khác Hạ Long sớm mùa đông mù sương. Vẻ đẹp kiêu sa, huyền bí, luôn biến đổi bất ngờ của Hạ Long không cần đến sự bình chọn, xếp hạng của một tổ chức vô danh như cái tổ chức kiếm chác bằng kinh doanh tin nhắn điện thoại vừa bình chọn bằng tin nhắn xếp hạng Vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên mới của thế giới. Vậy mà ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa đã lôi cả đứa cháu còn ẵm ngửa ra cầm tay nó nhấn số điện thoại nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long, góp tiền làm giầu cho cái công ty vô danh kia. Rồi ông Bộ trưởng của cái bộ được gọi là Văn hóa đó lại đổ tiền thuế của dân ra tổ chức buổi lễ linh đình ở giữa thủ đô đón nhận danh hiệu Vịnh Hạ Long kì quan thiên nhiên thế giới, một danh hiệu có được bằng sự nhập nhèm, gian lận. Một người có thể bình chọn bằng hàng chục, hàng trăm tin nhắn, một đứa bé còn ngậm vú mẹ cũng được người lớn cầm tay dí vào máy điện thoại nhắn tin bình chọn thì sự bình chọn đó không thể đàng hoàng, không văn hóa, không có giá trị gì.
Sự bình chọn xô bồ, gian lận đó chẳng mang lại vẻ vang gì cho Vịnh Hạ Long kiêu sa của chúng ta mà chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty vô danh kia và làm thiệt thòi cho người dân Việt Nam. Ngay sau khi có cái danh hiệu hão đó, giá vé đến với Vịnh Hạ Long liền bị đẩy lên cao. Thiên nhiên kì thú Vịnh Hạ Long, vẻ đẹp diễm lệ Vịnh Hạ Long là tài sản của đất nước Việt Nam, tài sản của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam, những người chủ thực sự của Vịnh Hạ Long phải được khám phá, chiêm ngưỡng Vịnh Hạ Long. Nhưng với giá vé đến Vịnh Hạ Long vừa bị đẩy lên cao, từ nay những người dân lao động nghèo không còn dám bén mảng đến Vịnh Hạ Long nữa rồi!
Ấn tượng sâu sắc về di sản Angkor, mảnh đất lịch sử của dân tộc Khmer, ấn tượng tốt đẹp về sự thành kính, trân trọng của những người quản lí đất nước Campuchia đối với từng phiến đá của tổ tiên dân tộc Khmer để lại, đối với từng ngọn cỏ, từng cây rừng của đất đai Campuchia, tôi lại tê tái nhớ đến một mảnh đất thiêng, một mảnh đất của lịch sử, của tổ tiên Việt Nam đã bị những người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay nhẫn tâm thí bỏ, cắt nhượng cho phương Bắc.
Năm 1407, quan Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Phi Khanh, một trí tuệ, một nhân cách Việt Nam bị giặc Tàu thời nhà Minh xâm lược Việt Nam bắt giải về Tàu. Nguyễn Trãi đi theo cha đến mảnh đất Việt Nam cuối cùng ở phía Bắc, nơi có tòa thành cổng nước Việt ở Lạng Sơn, đành dừng lại. Từ tòa thành cổng nước ở Lạng Sơn, người cha, trí tuệ Việt Nam Nguyễn Phi Khanh lặng lẽ rơi nước mắt xa con, xa nước, lầm lũi đi vào đất giặc sống kiếp đời tù tội. Người con, anh hùng của lịch sử Việt Nam, nhà thơ lớn của văn hóa Việt Nam Nguyễn Trãi nhìn theo cha, nước mắt lã chã rơi xuống nền đất tòa thành cổng nước. Nước mắt cha con Nguyễn Trãi cũng là nước mắt nước mất nhà tan của dân tộc Việt Nam suốt ngàn năm đau đớn dưới ách Bắc thuộc. Những giọt nước mắt đó còn lại mãi trong lịch sử Việt Nam, còn lại mãi nơi cổng nước phía Bắc, Lạng Sơn.
Năm 1979, trong cuộc chiến đấu chống giặc bành trướng phương Bắc xâm lược Việt Nam, máu của hàng ngàn chiến sĩ sư đoàn 337 và người dân Lạng Sơn đã đổ xuống thấm đẫm mảnh đất đã thấm nước mắt cha con người anh hùng Việt Nam, nhà văn hóa Việt Nam Nguyễn Trãi.
Mảnh đất của lịch sử Việt Nam đó, mảnh đất của máu và nước mắt Việt Nam đó nay không còn trong bản đồ Việt Nam, không còn là đất đai Việt Nam. Từ khi những người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay kí hiệp định biên giới với phương Bắc, ngày ba mươi, tháng Mười Hai, năm 1999, tòa thành cổng nước sừng sững hiên ngang của lịch sử Việt Nam ở Lạng Sơn, tòa thành cổng nước bi tráng của dân tộc Việt Nam ở Lạng Sơn đã thấm đẫm máu và nước mắt lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã thuộc về đất Đại Hán phương Bắc rồi!
Kí hiệp định cắt nhượng mảnh đất của tổ tiên, của lịch sử Việt Nam, của máu và nước mắt Việt Nam cho Phương Bắc, những người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay đã không hề có một chút ý chí của dân tộc Việt Nam!
2. Khúc hồi tưởng
Khúc hồi tưởng của một người dân Campuchia
Đưa chúng tôi đi trên những nẻo đường của đất nước mình, người chủ nhà Campuchia, ông Ym Na Toly, người đàn ông năm mươi tuổi, kể về gia đình ông trong tai họa Khmer Đỏ.
Ba mẹ Toly đều là giáo viên sống ở Phnom Penh. Khmer Đỏ vào Phnom Penh sáng ngày mười bảy tháng Tư năm 1975, chỉ ba giờ sau họ gọi loa thúc các gia đình mang theo ba ngày lương thực đến ngôi chùa gần nhất tập trung học tập làm công dân mới của nước Campuchia Dân chủ. Những tên lính Khmer Đỏ mang súng AK Trung Hoa đến từng nhà lùa dân ra khỏi nhà và chỉ đường đến chùa. Đến các ngôi chùa lại có những họng súng AK chặn cổng chùa, lùa dân ra đường. Trên đường, những họng súng AK lùa dân đi về một hướng ra ngoại thành.
Nhìn về phía sau dòng người nối dài như vô tận, nhìn về phía trước cũng nhấp nhô vô tận dòng người trên đường số Năm đi về phía Tây, ba Toly hiểu rằng đây chỉ là cú lừa đầu tiên của Khmer Đỏ. Họ bảo dân mang ba ngày gạo đến ngôi chùa gần nhà nhất để dân yên tâm là chỉ tạm rời nhà ba ngày rồi lại trở về sống yên ổn nên cứ để lại nhà tất cả của cải quí giá cho quân Khmer Đỏ đến vơ vét. Họ đã lệnh ra khỏi nhà, không ra cũng không được. Dưới họng súng của họ, đến chùa hay đến đâu cũng vậy thôi. Cú lừa này người dân dù mất sạch của cải, tài sản quí giá nhưng vẫn còn giữ được mạng sống. Rồi sẽ còn nhiều cú lừa làm mất cả mạng sống nữa. Phải giấu mình thật kĩ để họ không biết mình là ai và chớ có tin những điều họ nói. Rút ra cách ứng xử đó với Khmer Đỏ, ba Toly liền đổi tên của ba, mẹ và bảo ba anh em Toly phải quên tên cũ của ba mẹ đi, phải nhớ tên mới của ba mẹ mà gọi. Để nhắc nhở ba đứa con còn quá nhỏ, ba mẹ Toly luôn thì thầm gọi nhau bằng tên mới. Tiếng gọi nhỏ nhẹ chỉ đủ để anh em Toly nghe được.
Nhìn thấy một người cao gày từ phía sau đi lên đến ngay bên cạnh, ba Toly nhận ra đó là thầy giáo trẻ cùng trường. Thầy giáo đó cũng vừa nhìn thấy ba Toly, ba Toly vội nhìn lảng đi như không hề quen biết rồi ba kéo cả gia đình đi tụt lại phía sau, lẩn trốn.
Không tin điều Khmer Đỏ nói, nhiều lần Khmer Đỏ thông báo rằng ai làm gì trong chế độ cũ thì khai báo để Khmer Đỏ sắp xếp về làm công việc cũ, ba Toly đều không khai báo. Khmer Đỏ hỏi, ba Toly cũng nói rằng không có nghề nghiệp gì, chỉ mang sức đi làm mướn kiếm sống. Nhờ thế ba Toly mới sống sót đến ngày trốn vào rừng. Tin lời Khmer Đỏ, thầy giáo trẻ cao gày cùng trường với ba Toly đã khai với Khmer Đỏ nghề nghiệp dạy học của thầy và xin trở về trường cũ liền bị Khmer Đỏ đưa đi mất tích và bị thủ tiêu ở đâu đó, không bao giờ ba Toly còn gặp lại thầy nữa.
Trong không khí ảm đạm, não nề, thỉnh thoảng lại đột ngột rộ lên tiếng súng lính Khmer Đỏ bắn chết người chạy trốn, bắn chết người vốn là dân thành phố không quen đi bộ, bây giờ chân đau, không lê chân nổi nữa, bắn chết người trái ý Khmer Đỏ. Trong hốt hoảng, náo loạn, hai đứa em trai của Toly, đứa tám tuổi, đứa sáu tuổi bị lạc và cũng đã chết đói chết khát ở đâu đó không bao giờ trở về nữa. Không được đi tìm con, mẹ Toly chỉ dấm dứt khóc cũng bị lính Khmer Đỏ dí súng vào sườn không cho khóc.
Đến điểm dừng, một cánh đồng bỏ hoang đã lâu, các gia đình đều bị xé ra, đều bị xóa sổ, không có đơn vị gia đình nữa, chỉ có những đơn vị là đội sản xuất. Ba Toly về đội đàn ông. Mẹ Toly về đội đàn bà. Toly mười ba tuổi về đội trẻ con đi chăn bò. Mười bốn tuổi, Toly được chuyển lên đội người lớn phải làm ruộng nặng nhọc hơn nhưng Toly mừng lắm vì là người lớn, Toly có thể được tuyển vào lính Khmer Đỏ, được ăn cơm no, còn chăn bò hay làm ruộng đều chỉ được ngày hai bữa cháo, đói lả vẫn phải làm đủ định mức. Mong trở thành lính Khmer Đỏ chỉ để được ăn no chứ Toly không thể ác, không thể bắn giết dân như những tên lính ác ôn áo đen mù chữ.
Ở đội chăn bò hay đội sản xuất, luôn có những người bị Khmer Đỏ đưa đi mất tích. Đứa bạn của Toly làm mất một con bò, liền bị Khmer Đỏ gọi đi không bao giờ trở về nữa. Ở đội sản xuất có ông trắng trẻo, bị cận thị nặng mà không dám mang kính, ông chỉ nói là bị đau mắt. Mang kính trắng ắt hẳn là trí thức sẽ bị Khmer Đỏ lôi đi thủ tiêu ngay. Năm giờ sáng báo thức, ông cáo bệnh không dậy được, lính Khmer Đỏ cho ông nằm lại lán. Hôm sau lính Khmer Đỏ đưa ông đi khám bệnh và ông biến luôn khỏi cõi đời từ đó.
Toly chưa được ăn bữa cơm nào của Khmer Đỏ vì chưa trở thành lính Khmer Đỏ thì quân đội Việt Nam đến, quân Khmer Đỏ diệt chủng tháo chạy đến tận biên giới Thái Lan. Toly đến đội phụ nữ tìm mẹ. Hai mẹ con Toly về nhà ở Phnom Penh hôm trước thì hôm sau ba Toly cũng về. Ba trốn vào rừng tham gia kháng chiến chống Khmer Đỏ nay cùng đội quân cách mạng trở về giải phóng Phnom Penh. Nhưng ở đoạn phố nhà Toly có rất nhiều nhà không còn người nào sống sót trở về. Trước tháng tư năm 1975, Campuchia có bảy triệu dân. Thống kê dân số sau khi Campuchia thoát khỏi tai họa Khmer Đỏ, Campuchia chỉ còn hơn ba triệu dân. Chỉ ba năm rưỡi dưới họng súng Khmer Đỏ, hơn ba triệu dân Campuchia đã bị giết.
Khúc hồi tưởng của một người lính Việt Nam
Trong chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng Pol Pot, tháng giêng năm 1979, Tổng cục Chính trị cử tôi thuộc tạp chí Văn nghệ Quân đội và hai họa sĩ của xưởng Mĩ thuật Quân đội, trung úy họa sĩ Nguyễn Cương và trung úy họa sĩ Đỗ Sơn đi với mũi tiến quân của Hải quân đánh chiếm cảng Sihanoukville.
Chở hết lực lượng chiến đấu tập kết ở đảo Phú Quốc rồi một chiếc tàu chiến nhỏ mới chở ba chúng tôi đi từ bến Bạch Đằng ở Sài Gòn. Chiều 7.1.1979 chúng tôi đến quân cảng An Thới ở phía nam đảo Phú Quốc. Tôi nhận ra ba chiếc tàu của đoàn tàu không số chở vũ khí vào miền Nam thời chiến tranh Nam – Bắc đang ăn hàng ở cầu cảng. Những người đàn ông dân sự cởi trần vác những bao gạo, những hòm đạn từ những chiếc ô tô vận tải cũng của dân sự, chạy rầm rập xuống tàu. Ở cầu cảng bên cạnh, mấy chiếc tàu chiến neo đậu. Tôi chú ý đến chiếc tàu 215 vì ở mũi tàu có vết đạn xuyên thủng toác và những vết đạn nhỏ đục lấm chấm trên thành tàu.
Cuộc chiến đấu trên đất Kampong Saom nơi có cảng Sihanoukville đang diễn ra ác liệt. Nhưng chưa có tàu sang vùng đất chiến sự, chúng tôi phải về Bộ Tư lệnh vùng Năm Hải quân trên đảo Phú Quốc chờ đợi. Ba ngày ở lại Bộ Tư lệnh vùng Năm tôi đã gặp thượng tá Tuấn, Phó Tư lệnh vùng Năm nắm bắt diễn biến chiến sự. Khi biết tàu 215 vừa tham chiến trở về tôi liền xuống tàu gặp những người lính biển vừa đọ sức với tàu chiến hiện đại của Trung Quốc trang bị cho Khmer Đỏ.
Thuyền phó, trung úy Nguyễn Hồng Sâm sau khi kể lại trận đánh nhiều mất mát của tàu 215 đã giữ tôi ở lại bằng được ăn với những người lính sống sót trên tàu một bữa cơm cho bữa cơm trên tàu đỡ vắng. Trung úy Sâm nói rằng anh vẫn chưa quen được sự trống hụt quá nhiều vị trí trên tàu. Đến bữa cơm, cả tàu quây quần, sự trống hụt càng lớn nên anh cứ thấy chống chếnh, dù đói cũng không muốn ăn. Bốn người hi sinh đã đưa lên nghĩa trang An Thới. Năm người bị thương nặng, cả thuyền trưởng, thuyền phó thứ nhất, chính trị viên, ngành trưởng cơ điện, đều bị thương đã chuyển lên viện quân y vùng Năm. Cơm nóng thơm mùi gạo mới. Cá thu kho với hạt tiêu tươi để cả chùm cũng thơm lừng nhưng bữa ăn lặng lẽ và kết thúc nhanh chóng. Tôi muốn mở lời xóa đi không khí nặng trịch mà không mở lời nổi. Bữa cơm trên tàu 215 đã cho tôi cảm nhận được sự ác liệt của mặt trận Sihanoukville.
Hôm sau chúng tôi mới đi theo chiếc tàu chở đạn sang Sihanoukville đã thuộc quyền kiểm soát của Quân đội Việt Nam.
Phía ngoài cảng biển Sihanoukville là chuỗi đảo san sát, nhấp nhô. Màu xanh lá cây của đảo nối liền thành vệt dài làm cho cảng biển Sihanoukville như một cảng sông kín đáo và phẳng lặng. Trên cảng, mặt bê tông của cầu cảng rộng dài còn mới nguyên, sạch bong, không một vết bụi. Bộ chỉ huy tiền phương của Hải quân Việt Nam đặt trên chiếc tàu vận tải lớn HQ501 neo ở cầu cảng. Trên cột cờ cao nhất giữa tàu, phần phật bay lá cờ đỏ có hình năm ngọn tháp vàng. Chúng tôi đeo ba lô về ở với bộ sậu đông đảo giúp việc Bộ Chỉ huy Tiền phương là các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần ở cả trong nhà kho mới xây rộng mênh mông trên cảng. Những túm sợi bông trắng phau vương tung tóe trong nhà kho. Một nửa nhà kho chất đầy những bao bông nén thành khối đợi xuống tàu xuất khẩu. Trên bãi cảng thênh thang, quân Khmer Đỏ còn để lại những chiếc xe tăng mới nguyên, những khẩu pháo lớn còn phủ lớp mỡ dày mới bốc từ dưới tàu lên. Trên tăng, trên pháo đều in rõ những hàng chữ Hán. Cảng Sihanoukville như vừa được xây mới hoàn toàn cho những con tàu lớn chở vũ khí viện trợ của Trung Quốc cấp tập cập cảng.
Tuy đã làm chủ được Sihanoukville nhưng một không khí âm thầm lặng lẽ bao trùm Bộ Chỉ huy Tiền phương Hải quân. Trận đánh vào Sihanoukville, Hải quân Việt Nam bị tổn thất lớn. Thượng tá Luật, chính ủy lữ đoàn lính thủy đánh bộ 126 và nhiều sĩ quan, chiến sĩ hải quân đang còn mất tích, thất lạc trong rừng. Bộ Chỉ huy Tiền phương đang tổ chức nhiều mũi chiến đấu thọc sâu vào rừng tìm kiếm. Quân Khmer Đỏ chỉ bị đánh bật khỏi Sihanoukville, bị đánh bật khỏi những căn cứ tập trung, chúng chỉ tan rã chứ chưa bị tiêu diệt. Dải rừng bạt ngàn hai bên đường số Bốn, bao quanh Sihanoukville vẫn là đất của chúng. Những mũi chiến đấu nhỏ lẻ thọc sâu trong rừng, thọc sâu vào nơi quân Khmer Đỏ lẩn trốn, thực sự là những mũi cảm tử. Ở Bộ Chỉ huy, những đài vô tuyến điện giữ liên lạc với các mũi cảm tử luôn phải nín thở lắng nghe và nét mặt từ quan đến lính ở Bộ Chỉ huy đều lộ rõ sự căng thẳng. Tuy vậy thượng tá Phó Chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải quân Lê Văn Xuân cũng dành thời gian cho tôi được hỏi ông nhiều điều.
Từ cảng Sihanoukville, chiếc xe jeep của trung đoàn 66 đưa tôi vào thị xã Kampong Saom, đến sư đoàn 304. Đại úy Điều, trưởng ban tuyên huấn sư đoàn kể với tôi chặng đường đến Sihanoukville của sư đoàn. Ngày 20.12.1978, từ Đà Nẵng, sư đoàn đi theo hai ngả. Ngả đường không: Máy bay AN26 đưa sư đoàn bộ và trung đoàn 9 từ Đà Nẵng vào Cần Thơ. Ô tô của quân khu 9 đưa tiếp vào Ba Chúc, Bảy Núi. Ngả đường bộ: Ô tô tải của sư đoàn chở trung đoàn 24, trung đoàn 66, trung đoàn pháo, tiểu đoàn thông tin, tiểu đoàn công binh, theo đường số Một bon bon về phía Nam. Ngày 26.12.1978, sư đoàn có mặt đầy đủ ở Ba Chúc. Ngày 1.1.1979 sư đoàn nổ súng đánh Khmer Đỏ ở chân núi Tượng sát biên giới. Ngày 9.1.1979 vào Sihanoukville.
Những thông tin xác thực từ thượng tá Tuấn, thượng tá Xuân, đại úy Điều, chuyện kể của trung úy, thuyền phó Nguyễn Hồng Sâm tàu 215 đã cho tôi hình dung được đầy đủ, chân thực trận đánh khó khăn, nhiều mất mát để giành Sihanoukville từ tay Khmer Đỏ.
Đêm 6.1.1979, mở màn chiến dịch đánh Sihanoukville bằng tiếng súng của đại đội đặc công đánh chiếm trận địa pháo bảo vệ bờ biển của Khmer Đỏ và tiếng nổ của pháo 130 nòng dài từ bắc đảo Phú Quốc bắn sang những căn cứ Khmer Đỏ ở Kampong Som. Ngoài biển, lực lượng tàu chiến đấu tạo thành vành đai ngăn chặn tàu Khmer Đỏ từ quân cảng Ream, từ cảng Sihanoukville đánh ra, bảo vệ bãi đổ quân của lữ đoàn 126 và lữ đoàn 101 lính thủy đánh bộ. Tàu 215 và tàu 203 chốt chặn hướng chủ yếu. Tàu 199 và tàu 613 còn là đài trinh sát pháo binh, quan sát điểm rơi của đạn pháo để trận địa pháo trên đảo Phú Quốc điều chỉnh tầm bắn. Tàu HQ05 chốt ở ngoài cùng.
Sự cố xảy ra khi mới đổ được ba tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng một số xe tăng, xe lội nước lên chân núi Bokor thì nước triều lên ngập bãi đổ quân, tàu đổ quân đành rút ra. Còn lữ đoàn 101, ba tiểu đoàn của lữ đoàn 126 và số lớn xe, pháo, ô tô chở quân chưa lên được.
Cuộc đổ quân đang diễn ra thì cuộc đụng độ trên biển bắt đầu. 22 giờ 30, kì hạm 203 chỉ thị mục tiêu và tàu 215 cũng phát hiện bốn tàu Khmer Đỏ từ hướng quân cảng Ream lao đến. Nhìn hướng tiến, biết chúng có ý định đột phá vào khoảng giữa tàu 215 và kì hạm 203 để vào bãi đổ bộ của lực lượng lính thủy đánh bộ Việt Nam. Đến cự li tầm bắn có hiệu quả, chiếc đi đầu xối xả nã đạn về phía tàu 215 và tàu 203. Kì hạm 203 lệnh cho tàu 215 di chuyển để lưới lửa của tàu 203 và tàu 215 đan chéo cánh xẻ vào chiếc tàu Khmer Đỏ đi đầu. Một loạt đạn 37 li của tàu 215 quất trúng mục tiêu, chiếc tàu Khmer Đỏ chạy chậm lại và không ổn định hướng rồi chìm nghỉm. Ba chiếc còn lại quay đầu tháo chạy.
Gần sáng ngày 7.1.1979, nhiều tiếng nổ dữ dội ở hướng tàu HQ05 chốt chặn. Kì hạm 203 lệnh cho tàu 215 cùng tiến về phía tiếng súng. Trời sáng rõ, tàu 215 nhận ra bốn tàu 100 tấn cao tốc của Khmer Đỏ quây đánh tàu HQ05. Tàu cao tốc của Khmer Đỏ có tốc độ 38 hải lí giờ, gần gấp đôi tốc độ tàu HQ05 của Việt Nam chỉ 20 hải lí giờ. Tàu 215 và 203 cùng nổ súng thu hút tàu Khmer Đỏ. Bị đánh trả từ hai hướng, tàu Khmer Đỏ không còn ở thế chủ động tấn công, tốc độ cao không còn là ưu thế nữa. Bây giờ hỏa lực sẽ quyết định mà hỏa lực thì các tàu Hải quân Việt Nam áp đảo. Hai tàu Khmer Đỏ bị trúng đạn bỏ chạy, hai chiếc còn lại phải chạy theo. Kì hạm 203 lệnh cho 215 truy kích. Đang tăng tốc đuổi theo chiếc tàu Khmer Đỏ dính đạn chạy sau thì tàu 215 chết máy khựng lại. Lập tức, hai tàu Khmer Đỏ quay lại quây đánh tàu 215. Khi tàu 203 giải cứu, đánh đuổi tàu Khmer Đỏ thì tàu 215 đã bị thương tích nặng nề. Hai pháo thủ của khẩu 37 li, một hàng hải và một cơ điện hi sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Thiện Doanh, thuyền phó Đỗ Văn Thành, chính trị viên Lê Đình Khuyến, hai cơ điện Tạ Văn Chương, Lê Hồng Quyên bị thương nặng.
Nhưng thương vong nặng nhất lại là cuộc chiến trên đất bằng. Ba tiểu đoàn của lữ đoàn 126 cùng một phần sở chỉ huy lữ đoàn vừa đổ bộ lên chân núi Bokor, chưa kịp tập hợp đội hình thì pháo Khmer Đỏ dập xuống. Từ trong bóng đêm của dải rừng bao quanh, những tên lính áo đen của man rợ, của chết chóc, như từ bóng đêm trung cổ ào ra. Thiếu tá tham mưu trưởng lữ đoàn, đại úy trưởng ban tác chiến, trung úy Vũ Hiến phóng viên báo Hải quân hi sinh. Cả tổ đài thông tin vô tuyến điện của sở chỉ huy đều bị thương vong. Thượng tá Luật chính ủy lữ đoàn 126 bị thương được những người lính thân cận bên ông dìu chạy vào rừng.
Trong tình thế nếu cứ chôn chân ở chân núi Bokor đợi đổ xong quân, đợi xe pháo, đợi có chỉ huy thì sẽ là tấm bia sống cho những nòng súng Khmer Đỏ, vì thế rạng sáng ngày 7.1.1979, một tiểu đoàn trưởng của lữ đoàn 126 đã đưa quân lên 12 xe tăng và xe bọc thép đơn độc tiến đánh Sihanoukville. Một ngày một đêm chiến đấu, chỉ còn vài người sống sót chạy vào rừng, tiểu đoàn bị xóa sổ.
Theo phương án tác chiến, lực lượng mạnh của hải quân gồm lữ đoàn 126 và lữ đoàn 101 lính thủy đánh bộ từ chân núi Bokor theo con đường số Ba ven biển đánh chiếm Veal Renh rồi theo đường số Bốn đánh vào cảng Sihanoukville và quân cảng Ream. Nay cuộc chiến đang quyết liệt mà lực lượng Hải quân Việt Nam tham chiến vẫn chưa đổ bộ xong quân mà lại phải chia lực lượng đi tìm quân thương vong tan tác trong rừng, lại không còn nắm thế chủ động nữa! Sư đoàn bộ binh 304 được tung vào trận đánh Sihanoukville trong tình thế đó.
Trong đội hình Quân đoàn 2 ở hướng thứ yếu, sư đoàn 304 là lực lượng dự bị chiến dịch. Sư đoàn sẽ là lực lượng đánh vào Phnom Penh trong đợt hai, đợt ba, nếu cuộc chiến ở Phnom Penh phải kéo dài. Trước sức tấn công của các sư đoàn thiện chiến Việt Nam, quân Khmer Đỏ ở hướng phòng thủ phía Đông nhanh chóng vỡ trận, Quân đoàn 4 Việt Nam tiến rất nhanh vào Phnom Penh. Ngày 7.1.1979 Quân đoàn 4 đã làm chủ Phnom Penh. Sư đoàn 304 liền được điều đi chi viện cho mặt trận Kampong Saom. Ngày 8.1.1979 trung đoàn bộ binh 9 cùng lữ đoàn xe tăng 203 giải phóng Ream. Ngày 9.1.1979, trung đoàn bộ binh 66 cùng với Hải quân đánh chiếm xong Sihanoukville. Ngày hôm sau, 10.1.1979, chiếc xe jeep của trung đoàn 66 đã đưa tôi từ Sihanoukville lên sở chỉ huy sư đoàn 304 ở thị xã Kampong Saom.
Hai ông bạn họa sĩ cùng đi chiến dịch với tôi đã về Sài Gòn trước rồi. Tối 30.1.1979, tôi đeo ba lô xuống tàu 683 khi những người lính vẫn đang hối hả chuyển những hòm đạn từ tàu lên cảng. Bốc hết đạn lúc nào, tàu sẽ nhổ neo về Sài Gòn lúc đó. Đến nửa đêm, còn gần 100 tấn đạn dưới tàu nhưng tàu được lệnh dừng bốc đạn để đưa thi thể thượng tá chính ủy Luật về nước ngay trong đêm. Thi thể thượng tá Luật cùng thi thể hai chiến sĩ được bọc trong nhiều lớp túi ni lông đặt ở mũi tàu. 1 giờ 30 đêm, tàu rời cảng Sihanoukville. Chiều hôm trước, 29.1.1979, mũi xục xạo trong rừng của trung tá Trịch tìm thấy nhóm người đi với thượng tá Luật nhưng thượng tá Luật đã chết trước đó mười ngày, từ ngày 19.1.1979.
Tàu không về Sài Gòn mà về Phú Quốc. Nằm trong buồng hàng hải trên tàu, tôi đã thức trọn đêm. Gió biển ù ù vật vã thổi vào căn buồng hẹp tôi nằm đưa tôi trở về với tiếng gió ù ù thổi trong câu thơ Chinh phụ ngâm, ù ù thổi trong lịch sử Việt Nam: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi và nước mắt lấp xấp ướt mi. Những người lính Việt Nam thời Chinh phụ ngâm đổ máu để giữ gìn mảnh đất Việt Nam yêu thương. Những người lính Việt Nam hôm nay còn đổ máu vì sự bình yên của cây thốt nốt, vì những giá trị của sử thi đá thăm thẳm ở đền đài Angkor.
Mờ sáng, tôi lại nhìn thấy cảng An Thới nhưng không thấy con tàu 215 thương tích đầy mình ở cầu cảng nữa. Ba người lính hi sinh được đưa lên bờ khâm liệm nhưng chỉ có thượng tá Luật trong chiếc quan tài mộc không sơn vẽ, còn tươi màu gỗ rừng Phú Quốc cùng về Sài Gòn với chúng tôi trong chuyến máy bay lên thẳng bay từ sân bay dã chiến An Thới về sân bay Tân Sơn Nhất.
3. Thương thân cây, thương phận người
Chân tôi thong thả đi dạo trên đường phố Phnom Penh mà tâm tưởng tôi bồi hồi đi dạo trong kí ức về những năm tháng cuộc đời tôi để lại ở đất nước này. Ở tuổi ngoài sáu mươi tìm về tuổi ngoài hai mươi để nhận ra nhiều điều trước đây chưa thể nhận ra. Ở nơi xứ người nhớ về một thời lịch sử nghiệt ngã của đất nước mình để cứ phải ngậm ngùi liên tưởng chuyện xứ người, chuyện xứ mình.
Phụ trách một cụm đài vô tuyến điện thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên thời chiến tranh Việt Nam, tôi đã nhiều lần qua lại mảnh đất đông bắc Campuchia, vùng Mondolkiri, Katanakiri, Stung Treng, nhiều lần tắm sông Serepok, sông Sesan, những dòng sông khởi nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy về phía tây, đổ nước vào sông Mekong, hàng ngày uống nước những dòng suối đầu nguồn của sông Serepok, sông Sesan. Nhiều sáng thức dậy ra sông Serepok thấy cá nổi phơi bụng trắng xóa dạt vào mép nước trên khúc sông dài hàng trăm mét. Nhìn cá chết biết được mức độ bom Mĩ đánh phá những bến sông trên thượng nguồn đêm trước. Sau chuyến theo tàu Hải quân đi từ đảo Phú Quốc đến cảng Sihanoukville, tôi lại có chuyến ngồi xe ca quân sự của Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần xuất phát từ đường Ngô Quyền, quận Năm, Sài Gòn đến Phnom Penh.
Tôi đã sống với đất nước Campuchia cả những ngày bom đạn, cả những ngày bình yên nhưng những kỉ niệm sâu sắc nhất của tôi về đất nước của những cây thốt nốt hiền hòa đều là những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về những ngày chiến tranh khốc liệt vậy mà đất nước này vẫn để lại cho tôi cảm giác về sự hiền hòa, bình yên. Những can qua máu lửa đều từ bên ngoài đưa đến cho người dân Khmer hiền lành, hồn hậu, cởi mở, giàu lòng yêu thương. Thời Việt Nam mịt mù bom đạn, những người lính chúng tôi phải dạt sang nương náu dưới những cánh rừng đông bắc Campuchia cũng là nương náu trong sự hồn hậu, cởi mở đó.
Định mệnh đã đưa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia chậm chân trên con đường phát triển cùng chung số phận là thuộc địa của nước Pháp phát triển. Số phận chung đó đã đưa những người đấu tranh giành độc lập của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia đến với nhau và cùng lạc vào chủ nghĩa cộng sản thời chủ nghĩa cộng sản như hi vọng, như mở ra cánh cửa đến thiên đường tưởng là có thật của loài người khổ đau. Những người đấu tranh giành độc lập cho Campuchia bị Pháp bắt giam chung với những người cộng sản Việt Nam trong nhà tù khắc nghiệt Côn Đảo đã tiếp thu lí thuyết cộng sản đầy hấp dẫn: xóa bỏ bất công và bóc lột, qua những người cộng sản Việt Nam và họ là những người Campuchia hiếm hoi đầu tiên trở thành những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đầu năm 1951, trong rừng Việt Bắc, những người cộng sản Việt Nam đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam thì tháng Chín, năm đó, những người cộng sản Campuchia thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer và nhà sư Achar Mean, còn có tên là Sơn Ngọc Minh, trở thành Chủ tịch đảng. Ở Việt Nam đã có vài cơ sở công nghiệp sơ khai, vài mỏ than, vài xưởng dệt, xưởng cơ khí sửa chữa, tạo ra một đội ngũ thợ thuyền nhỏ bé, nghèo khổ thì Đảng Lao động Việt Nam tự nhận là đảng tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Campuchia chưa có cơ sở công nghiệp, chưa có bóng dáng đội ngũ công nhân nhưng theo “bài văn mẫu” là Cương lĩnh Đảng Lao động Việt Nam, Cương lĩnh Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer cũng tuyên xưng: Đảng không phải là đảng tiên phong của giai cấp công nhân nhưng là đảng tiên phong của những người yêu nước và tiến bộ.
Nhưng những người cộng sản Khmer còn quá ít ỏi lại từ những nguồn khác biệt nhau, mang tư tưởng, hướng nhìn khác nhau, nguồn sư sãi, trí thức trong nước, nguồn đi học từ nước ngoài trở về, tạo thành những nhóm, những vùng hoạt động khác nhau, không có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ, tổ chức cộng sản Khmer chưa trở thành một lực lượng chính trị của xã hội Campuchia. Vì thế Hiệp định Genève năm 1954 đã dành cho những người cộng sản Việt Nam nửa đất nước ở miền Bắc, những người cộng sản Lào được hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Ly, còn những người cộng sản Campuchia thì trắng tay, không thước đất đứng chân. Chủ tịch đảng Sơn Ngọc Minh cùng đội quân vũ trang nhỏ bé của ông có một quá trình gắn bó với những người cộng sản Việt Nam phải theo đội quân chống Pháp ở Nam Việt Nam tập kết ra miền Bắc Việt Nam.
Số người cộng sản Campuchia ở lại trong nước đều là những người ở tầng lớp trên, phần lớn đều đã sang Pháp học hành trở về như Saloth Sar, Ieng Sary… Sau này Saloth Sar được gọi với tên Pol Pot nổi tiếng. Tư tưởng không đồng điệu, số lượng đã ít ỏi, sau Hiệp định Genève năm 1954 lại có những người quay đầu về với chính quyền của nhà vua Norodom Sihanouk, hưởng bổng lộc Hoàng gia. Số người còn lại phải tổ chức lại đảng. Trong hai ngày cuối cùng của tháng Chín năm 1960, đại hội thành lập Đảng Cộng sản Campuchia đưa Tou Samoth lên Tổng Bí thư, Pol Pot, Ieng Sary đều trong nhóm nắm quyền lực cao nhất của đảng là Ban Thường vụ. Năm 1963 Tổng Bí thư Tou Samoth mất tích bí ẩn trên đường từ Hà Nội trở về. Lập tức vị trí Tổng Bí thư đảng về tay Pol Pot.
Với cớ củng cố đảng, Pol Pot, Ieng Sary thúc giục Việt Nam đưa Sơn Ngọc Minh sang Trung Hoa chữa căn bệnh mãn tính bình thường mà nhiều người có tuổi vẫn mang là bệnh huyết áp đôi lúc cao lên chút ít, để Sơn Ngọc Minh có sức khỏe trở về Campuchia tham gia lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia. Nhưng ngày trở về Campuchia của người sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia Sơn Ngọc Minh không bao giờ có! Sang Trung Hoa chỉ ít ngày sau Sơn Ngọc Minh phải nhận cái chết âm thầm khi mới 52 tuổi, một cái chết oan nghiệt như cái chết không tăm tích của Tổng Bí thư Tou Samoth!
Từ đây, những người lãnh đạo cộng sản Campuchia gần gũi, gắn bó với Việt Nam đều lần lượt bị thủ tiêu, những người đi với Sơn Ngọc Minh sớm muộn đều bị Pol Pot, Ieng Sary giết hại. Vân Minh theo Sơn Ngọc Minh ra Hà Nội được đi học trường điện ảnh thành nhà quay phim và anh đã làm việc nhiều năm ở xưởng phim Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong cao trào kháng chiến của lực lượng Pol Pot được gọi là Khmer Đỏ chống lại chính quyền Phnom Penh của Non Nol, Vân Minh trở về Campuchia tham gia kháng chiến trong đội quân Khmer Đỏ nhưng khi Khmer Đỏ giành được chính quyền, Vân Minh liền bị tống vào ngục Tuol Sleng. Nhờ biết quay phim chụp ảnh, anh được chúa ngục Khang Khek Ieu giao cho việc chụp ảnh những người tù trước khi họ bị giết. Nhờ thế anh còn sống sót và nhà ngục Tuol Sleng ngày nay còn bộ ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ.
Từ đây, toàn bộ quyền lực Đảng Cộng sản Campuchia, quyền lực Khmer Đỏ đã nằm gọn trong tay những người Khmer gốc Hoa: Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, Nuon Chea, Ta Mok, Khang Khek Ieu…
Với dòng máu Trung Hoa trong người, với súng đạn Trung Hoa trong tay, với tư tưởng Trung Hoa thời Mao Trạch Đông trong nhận thức: Lấy nông thôn bao vây thành thị, lấy nông dân tiêu diệt trí thức, tiêu diệt tư sản thành phố, Pol Pot, Ieng Sary đã đưa dân tộc Campuchia vào địa ngục tự hủy diệt. Hủy diệt dân tộc Campuchia. Hủy diệt nền văn minh Angkor. Gieo thảm họa diệt chủng cho dân tộc Campuchia đều là những người Campuchia, những thủ lĩnh cộng sản Khmer và đội quân Khmer Đỏ mặc áo đen nhưng họ chỉ là công cụ, là con rối dưới sự điều khiển từ nước ngoài.
Là trung đoàn phó quân Khmer Đỏ, Hun Sen nhận ra được bụng dạ, đầu óc của lãnh đạo Khmer Đỏ, đó chính là bụng dạ, đầu óc của những người làm Cách mạng Văn hóa ở Trung Hoa. Khmer Đỏ chính là những người mang Cách mạng Văn hóa ở Trung Hoa về thực hiện ở Campuchia nhưng ở mức độ sâu rộng hơn, man rợ hơn, đẫm máu hơn. Cách mạng Văn hóa ở Trung Hoa chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ trong giới lãnh đạo, trong bộ máy đảng và nhà nước. Phe phái cầm quyền phát động sức mạnh quần chúng diệt trừ phe phái khác. Khmer Đỏ ở Campuchia vừa sắt máu thanh trừng nội bộ, vừa tàn bạo thanh trừng cả dân tộc để dân tộc Khmer chỉ còn một loại người là nông dân và xã hội Campuchia trở về thời cổ đại, không trường học, không buôn bán, không chợ búa, không tiền tệ. Với Khmer Đỏ, dân trí thức, dân công chức, dân thành thị chỉ là loại người ăn bám vào giọt mồ hôi của người nông dân, phải đưa loại người ăn bám đó về nông thôn lao động cải tạo và loại bỏ, thủ tiêu dần. Cả đất nước Campuchia hiền hòa trở thành một trại cải tạo khổng lồ, một địa ngục thời trung cổ, một cánh đồng chết mênh mông. Cái chết từng giờ từng phút đến với người dân Campuchia hiền hậu đang lao động khổ sai trên cánh đồng chết đó.
Hàng ngày trung đoàn phó Hun Sen phải chứng kiến lũ lính trẻ mười ba, mười bốn tuổi, mù chữ, vừa rời đồng ruộng cầm khẩu súng trở thành lính Khmer Đỏ, thản nhiên dùng rìu, dùng cuốc bổ xuống đầu người dân, say mê, thích thú như một trò chơi. Dù giấu kín thái độ, tình cảm ghê tởm tội ác Khmer Đỏ nhưng trung đoàn phó Hun Sen cũng biết rằng cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu của Khmer Đỏ sớm muộn cũng nhằm vào anh. Đã có nhiều chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đột ngột bị điều đi học, đi công tác rồi mất tích luôn. Phải tìm đường cứu bản thân và cứu nhân dân Campuchia, ngày 21, tháng sáu, năm 1977, Hun Sen chia tay người vợ trẻ Bun Rany đang mang thai tháng thứ năm, chạy sang Việt Nam.
125 người Campuchia cùng cảnh ngộ như Hun Sen gặp nhau ở Việt Nam thành lập nên Đoàn 125, tổ chức ban đầu của lực lượng vũ trang cứu nước Campuchia. Đoàn 125 do Hun Sen làm chỉ huy trưởng là ý chí khao khát sống của dân tộc Campuchia đã cất lên tiếng kêu cứu của dân tộc Campuchia với loài người trước họa diệt chủng của Khmer Đỏ, trước sự hủy diệt của Cách mạng Văn hóa ở Campuchia. Việt Nam đã nuôi dưỡng, trang bị cho Đoàn 125. Việt Nam đã lắng nghe và đáp ứng tiếng kêu cứu của dân tộc Campuchia, tiếng kêu cứu của nền văn minh Angkor.
Cùng quân đội Việt Nam, Hun Sen trở về quê hương giải phóng Campuchia khỏi họa Khmer Đỏ diệt chủng khi Hor Namhong, một quan chức ngoại giao của chính quyền Non Nol đang là người tù của Khmer Đỏ đợi ngày nhận cái chết. Ngày nay Hun Sen là Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia và Hor Namhong là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Không phải chỉ có Hun Sen và Hor Namhong, tất cả những người đang nắm giữ những vị trí trọng yếu trong Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, trong chính quyền nhà nước và trong lực lượng vũ trang Campuchia đều có cảnh ngộ cuộc đời, có xuất xứ như Thủ tướng Hun Sen và Phó Thủ tướng Hor Namhong. Nhắc lại điều này để thấy rằng trên thế giới ngày nay không có nhà nước nào, không có nhân dân nước nào gắn bó máu thịt với nhân dân Việt Nam, với đất nước Việt Nam như nhà nước và nhân dân Campuchia hôm nay. Nhà nước đó đã ra đời, nhân dân đất nước đó đã sống lại từ máu người lính Việt Nam, từ sự nhường cơm, sẻ áo của nhân dân Việt Nam. Nhắc lại điều này cũng không nhằm kể lể công lênh của nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia mà để nhận ra tầm vóc, bản lĩnh, nhận ra tấm lòng của những người lãnh đạo nhà nước Campuchia hôm nay với nhân dân, với đất nước của họ.
Dù nhà nước Campuchia hôm nay ra đời từ máu của những người lính Việt Nam, dù nhà nước Campuchia hôm nay gắn bó và biết ơn những người cộng sản Việt Nam thì nhà nước Campuchia trước hết vẫn phải vì người dân Campuchia, vì đất nước Campuchia, vì nền văn minh Angkor rực rỡ.
Vì nhân dân Campuchia hiền hòa, vì đất nước Campuchia thanh bình, từ năm 1991, những người lãnh đạo Campuchia đã đổi tên đảng sôi sục cách mạng, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, thành Đảng Nhân dân Campuchia, một tên gọi bình dị, quen thuộc, thân thiết với người dân Campuchia. Trả cách mạng về với những tham vọng, những mưu đồ, nơi đã mang can qua đến cho nhân dân Campuchia. Có một nhà nước vì dân, nhân dân Campuchia hiền hòa không cần cách mạng đổ máu, không cần đấu tranh giai cấp, phân chia người dân hiền lanh ra thành những giai cấp đối kháng, đưa hận thù giai cấp vào cuộc sống bình yên.
Vì quyền con người của nhân dân Campuchia, vì cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của đất nước Campuchia, từ năm 1993, những người lãnh đạo Campuchia chấp nhận phần khó về mình, chấp nhận cạnh tranh chính trị để cuộc sống phát triển lành mạnh, từ đó Campuchia có đa đảng. 57 đảng nói tiếng nói của 14 triệu dân, tiếng nói của tất cả các khuynh hướng chính trị, của mọi trào lưu tư tưởng nhưng số đông người dân Campuchia vẫn nhận ra Đảng Nhân dân Campuchia với Chủ tịch đảng Chea Sim và Phó Chủ tịch đảng Hun Sen là đảng của họ, đảng tồn tại vì dân tộc, vì đất nước Campuchia nên họ đã dồn phiếu bầu cho Đảng Nhân dân Campuchia trong những cuộc bầu cử Quốc hội và cuộc bầu cử nào Đảng Nhân dân Campuchia cũng giành được nhiều ghế nhất để trở thành đảng cầm quyền. Dù đa đảng nhưng với người dân Campuchia vẫn chỉ có một đảng, Đảng Nhân dân Campuchia. Được cuộc sống chấp nhận, được nhân dân tin cậy, Đảng Nhân dân Campuchia tồn tại tự nhiên, hài hòa cùng cuộc sống thanh bình của nhân dân, của đất nước Campuchia, không cần sự áp đặt của điều bốn Hiến pháp, không cần đổ quá nhiều tiền thuế của dân ra nuôi đội quân khổng lồ “công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình” bảo kê cho đảng.
Đảng Nhân dân Campuchia cũng có cội nguồn từ Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng theo đuổi lí tưởng cộng sản của học thuyết Marx – Lenin và định mệnh đã đưa những người lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia hôm nay có số phận gắn bó máu thịt với những người cộng sản Việt Nam. Nhưng họ không lú lẫn trói chặt số phận dân tộc Campuchia vào học thuyết Marx – Lenin lầm lạc và tội lỗi. Họ không vì ơn nghĩa mà mê muội đánh mất mình để trở thành cái bóng của những người cộng sản Việt Nam, để số phận dân tộc Campuchia trở nên bất trắc, bấp bênh, bé bỏng, phụ thuộc vào nước khác như số phận dân tộc Việt Nam bị Đảng Cộng sản Việt Nam trói chặt vào học thuyết Marx – Lenin tai ương, như Đảng Cộng sản Việt Nam bị cái bóng của Đảng Cộng sản Trung Hoa trùm lên để đến nỗi phải cắt đất, cắt biển dâng cho đế quốc Trung Hoa, nhục nhã phản bội lại máu xương dựng nước của cha ông, nhu nhược, hèn nhát bôi nhọ trang sử giữ nước hào hùng của cha ông, để đến nỗi lính Trung Hoa tràn qua cả dải biên cương vào đất Việt Nam giết hàng vạn dân Việt Nam, đưa tàu chiến vào biển Việt Nam bắn giết cướp bóc dân Việt Nam mà ở thủ đô Hà Nội lãnh đạo nhà nước Việt Nam vẫn thành kính làm lễ rập đầu nhớ ơn quân giải phóng nhân dân Trung Hoa!
Lang thang trên đường phố Phnom Penh tôi chỉ thấy bảng hiệu buôn bán, bảng chữ quảng cáo hàng hóa, không một khẩu hiệu, không một pano hô hào, hò hét chính trị. Đường phố thoáng đãng, nhẹ nhõm, thiên nhiên được phô bày hết cái đặc sắc, cái dáng vẻ riêng của một vùng đất. Ở thành phố Seam Reap tôi thấy hai hàng thốt nốt óng ả trên đoạn phố san sát những khách sạn. Ông Toly nói rằng cây thốt nốt là cây quí của Trời ban tặng cho người Campuchia. Sáu tháng mùa mưa, nửa thân cây ngập trong nước lũ, thốt nốt vẫn sống khỏe khoắn. Sáu tháng mùa khô, không một giọt nước mưa, đất khô cháy, cỏ cũng không sống nổi, phơi mình giữa cánh đồng chang chang nắng đốt, cây thốt nốt vẫn xanh tươi. Hoa thốt nốt vẫn nở và cây vẫn vặn mình vắt ra dòng nước ngọt mát nuôi con người. Cây của Trời ban tặng nên cây tự gieo hạt, tự nảy mầm mọc lên, không ai trồng. Nhưng hai hàng thốt nốt thằng tắp, cách quãng đều nhau trên đường phố ở Seam Reap thì rõ ràng do người trồng.
Cây thốt nốt mọc trên cánh đồng dáng gày guộc, nhọc nhằn vươn lên cao, tán lá khô xác như cố thu nhỏ lại tránh cái nắng đổ lửa. Cây thốt nốt mọc trên đường phố Seam Reap dáng đậm đà, phổng phao, tán lá xanh tốt như cố xòe rộng ra. Cây thốt nốt lặng lẽ trên cánh đồng như dáng người đàn ông Khmer cởi trần, đen cháy, gân guốc và bền bỉ với đất đai. Cây thốt nốt lao xao gió trên đường phố Seam Reap như cô gái Khmer dịu dàng trong tấm xà rông nền nã, duyên dáng. Nhìn cây thốt nốt trên đường phố Seam Reap, nhìn cây phượng vĩ trên đường phố Pnom Penh được thực sự là cây của đất trời, được hồn nhiên khoe hết dáng uyển chuyển của cây, được phô hết màu xanh mướt mát của sự sống, như cô gái được kiêu hãnh khoe đường nét uyển chuyển của cơ thể, được phô nhan sắc rực rỡ của tuổi thanh xuân, tôi lại thương cho những hàng cây trên đường phố Việt Nam chỉ là những cái trụ để gùi, để cõng những pano, những bảng chữ xanh đỏ của chính trị, tán lá xanh bị che lấp, bị lấn át bởi những dải khẩu hiệu đỏ như máu, nóng bỏng như lửa, nhức nhối mắt nhìn.
Trên những đường phố ở Việt Nam từ thủ đô nhốn nháo đến những thị trấn miền núi heo hút nghèo xác xơ lúc nào cũng ngờm ngợp cờ quạt, ngột ngạt pano khẩu hiệu chính trị trống rỗng và giả dối, thô bạo, sỗ sàng lấn át màu xanh lộng lẫy của thiên nhiên Việt Nam. Những cờ quạt, pano, khẩu hiệu xanh đỏ lòe loẹt quá nhiều như phấn son trát dày trên người gương mặt người đàn bà tuổi xế chiều, đã không lấp liếm được sự quá lứa lại phô bày thẩm mĩ thấp kém và tính cách thiếu trung thực, đàng hoàng, chính chuyên. Lại chạnh nhớ mùa hè năm trước tôi đến thành phố Hạ Long duyên dáng bên vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đang háo hức ngắm nhìn thành phố non trẻ tầm nhìn của tôi bỗng vướng phải dải vải đỏ căng giữa hai lùm cây xanh, tầm mắt tôi bị chặn lại bởi những pano hình chữ nhật dựng đứng bám trên thân cây, bám vào cột điện giăng giăng hết phố này sang phố khác. Dải vải và pano đều mang dòng chữ: Kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!
Vì chủ nghĩa Marx – Lenin, nền kinh tế Việt Nam đã suy sụp, nguy khốn và Việt Nam phải trở về nên kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa như thế nào, mọi người đều biết. Vì chủ nghĩa Marx – Lenin, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã phải cắt đất đai xương máu của cha ông người Việt cho đế quốc cộng sản Trung Hoa như thế nào, mọi người đều biết. Nhưng chủ nghĩa Marx – Lenin là liều doping kích động hận thù giai cấp, là gốc rễ của mọi cuộc thanh trừng đẫm máu thì còn ít người nhận ra.
Nhìn hàng cây óng ả thanh thoát trên đường phố Seam Reap, trên đường phố Phnom Penh, chạnh nhớ đến hàng cây trên đường phố Việt Nam oằn mình mang tấm pano “Kiên định chủ nghĩa Mac – Lê nin…“, tôi bỗng rùng mình. Người dân không có quyền con người, cuộc sống không có dân chủ, tự do tất sẽ xuất hiện bạo chúa độc tài và bạo chúa độc tài phải tồn tại, phải khẳng định quyền uy bằng bằng bạo lực thanh trừng. Thanh trừng công khai như Cách mạng Văn hóa ở Trung Hoa, như Khmer Đỏ diệt chủng ở Campuchia. Thanh trừng âm thầm như vụ Xét lại Chống đảng, như vụ Nhân văn-Giai phẩm ở Việt Nam. Và những vụ thanh trừng đẫm máu và nước mắt, khi rầm rộ, khi âm thầm vẫn đang diễn ra triền miên ở những nơi vẫn còn đang kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin! Ôi chao! Nền kinh tế Campuchia chưa phát triển bằng nền kinh tế Việt Nam, người dân Campuchia chưa giàu có hơn người dân Việt Nam nhưng nhìn cây cỏ trên đất nước Campuchia, nhìn người dân Campuchia, tôi cứ ngậm ngùi thương phận mình, thương phận người dân Việt Nam đến ứa nước mắt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét