Bài từ Người Lao Động Online:
http://nld.com.vn/20120806102421805p0c1002/xuat-khau-gao-dan-dau-lam-gi.htm
Cục Lúa gạo Thái Lan đã sang thăm Viện Lúa ĐBSCL và họ chia sẻ rằng Thái Lan không quan tâm đến vị trí nhất, nhì thế giới mà quan trọng là nông dân được hưởng lợi.
Xuất khẩu gạo: Dẫn đầu làm gì!
Thứ Hai, 06/08/2012 22:24
Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo khi Thái Lan có thể mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều quan trọng là với vị trí này, người trồng lúa có được ích lợi gì hay không?
Chính sách trợ giá cho nông dân đã làm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng cao, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tính đến cuối tháng 7-2012, Thái Lan xuất khẩu được khoảng 3,78 triệu tấn gạo, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới kinh doanh dự đoán đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Người trồng lúa chưa được hưởng lợi tương xứng
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, năm nay, Việt Nam có khả năng vượt qua Thái Lan trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, một số nước khác như Ấn Độ cũng đang cạnh tranh gay gắt với nước ta nên dù có đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo thì doanh thu và giá trị vẫn không bằng năm ngoái.
“Thái Lan đứng sau Việt Nam nhưng nông dân của họ được hưởng lợi từ chính sách trợ giá, còn Việt Nam đứng đầu mà giá thu mua lúa thấp hơn năm trước thì cũng không giúp nông dân cải thiện thu nhập” - ông Bảnh phân tích. Ông Bảnh cho biết vừa qua, Cục Lúa gạo Thái Lan đã sang thăm Viện Lúa ĐBSCL và họ chia sẻ rằng Thái Lan không quan tâm đến vị trí nhất, nhì thế giới mà quan trọng là nông dân được hưởng lợi.
Nông dân luôn mong muốn được hưởng lợi khi Việt Nam
trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Ảnh: CA LINH
trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Ảnh: CA LINH
TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng thách thức hiện nay của Việt Nam là có quá nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường xuất khẩu gạo nhưng một số lại thiếu năng lực về vốn, quy mô và chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, với tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì khó tham gia sản xuất lúa gạo theo 4 đúng (đúng chất, đúng lượng, đúng thời điểm và đúng giá) nên chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo, phần thiệt sẽ thuộc về nông dân.
Trong hoàn cảnh lũ lụt năm 2011, Thái Lan cũng đã tham gia thị trường lúa gạo và đạt số lượng kỷ lục với 11 triệu tấn, trong khi Việt Nam chỉ hơn 7 triệu tấn.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), lưu ý: “Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ nhì trong xuất khẩu gạo mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc mà đó có thể là một cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, bảo đảm tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia”.
Mua gạo tạm trữ chỉ lợi cho thương lái
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua, tại ĐBSCL, giá lúa khô loại thường dao động từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg. Thực hiện chỉ đạo mua tạm trữ 500.000 tấn gạo của Chính phủ, đến nay, một số tỉnh, thành tại ĐBSCL đã thu mua xong.
Tuy nhiên, VFA phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ rất thấp so với sản lượng lúa tại địa phương, trong khi sản lượng lúa hàng hóa trong dân còn tồn đọng rất nhiều nên việc mua tạm trữ chẳng thấm vào đâu. Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng việc thu mua tạm trữ theo từng vụ, mùa như hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN xây dựng thêm hệ thống kho tạm trữ để việc thu mua được bảo đảm khi cần thiết.
Trước đó, ngày 3-8, Bộ NN-PTNT đã họp góp ý lần 2 về dự thảo quy chế mua tạm trữ thóc gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa nhằm hỗ trợ nông dân và DN tạm trữ lúa gạo trong vụ thu hoạch đông xuân và hè thu nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ sản xuất, nâng cao giá bán và thu nhập cho nông dân.
Đối tượng hưởng lợi là hộ nông dân trồng lúa và các DN trực tiếp mua thóc gạo của nông dân tại ĐBSCL. Dự kiến, khối lượng và thời điểm tạm trữ đối với vụ đông xuân là 1 triệu tấn quy gạo; triển khai trong các tháng 2, 3 hằng năm. Đối với vụ hè thu, khối lượng tạm trữ là 1 triệu đến 1,5 triệu tấn quy gạo; triển khai trong các tháng 7, 8, 9 hằng năm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng băn khoăn nếu chỉ tạm trữ gạo thì nông dân chưa chắc đã được hưởng lợi do hiện nay, việc thu mua gạo chủ yếu do thương lái thực hiện.
Nhiều ý kiến đề nghị quy chế cần làm rõ hơn việc định giá thu mua và mua như thế nào để có lợi nhất cho nông dân - người trồng lúa - vì thực tế thời gian qua, nông dân chưa được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Bởi hầu hết các hộ nông dân nghèo ở ĐBSCL đều bán lúa gạo cho thương lái trước khi Chính phủ có quyết định mua tạm trữ nên mặc dù giá lúa gạo có tăng lên trong và sau tạm trữ nhưng đa số hộ nông dân chưa thấy được lợi ích đem lại từ chính sách tạm trữ của Nhà nước.
Theo bà Đinh Thị Nương, Trưởng Phòng Nông Lâm Thủy sản - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá lúa gạo hiện theo giá thị trường nên việc tạm trữ cần tiến hành trong thời gian giá lúa xuống thấp hơn giá thành để giảm gánh nặng cho ngân sách. Về tính giá mua tạm trữ, nên căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương như điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, năng suất, sản lượng… và giao UBND các địa phương tính toán từng vụ để mua cho nông dân có lãi thì sẽ sát thực tế hơn.
Gạo tồn kho khá nhiều Theo VFA, tính đến hết tháng 7 này, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,86 tỉ USD, giảm 10% về lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện gạo tồn kho của các DN khá lớn mặc dù lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký tăng cao so với cùng kỳ. Dự kiến, xuất khẩu gạo cả năm ước đạt 7 triệu tấn, tương đương năm 2011. |
CA LINH - THẾ DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét