Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

THƯ GỬI SĨ TIẾN




  Sĩ Tiến,

  Tối nay, cậu ngồi trên ngọn đèo 4.000m ở đất Tây Tạng viết lá thư này cho con. Ngoài trời gió lạnh hun hút, cậu lại nhớ tới số quần áo ấm cậu đã chuẩn bị cho con mà giờ này không thể trao tận tay. Thế là cậu không thể về để tiễn con lên máy bay qua Pháp bắt đầu cuộc phiên lưu lớn lao của đời con.
 Tháng trước mẹ con gọi điện báo rằng con có kết quả thi đạt 25,5 điểm khối D ở trường Đại Học Sư Phạm. Chúc mừng con đã đạt đến cái đích mà con đã tự đặt ra ngay từ ngày mới vào lớp Một song ngữ Francophone. Ngày ấy cả nhà ai cũng cười khi nghe nhóc Tiến mới bắt đầu học un…deux…trois…quatre… mà đã nghiêm trang quả quyết rằng: “Con ráng học giỏi tiếng Pháp để qua Pháp học!”
  Mặc dù cậu đã biết Đại Học Bordeaux đã có thư chấp thuận cấp học bổng cho con vào khoa Kinh tế từ cuối tháng Ba 2012, nhưng cậu vẫn hồi hộp dõi theo những bước chân tự tin cuối cùng của con. Cậu và gia đình đã được tưởng thưởng bằng các kết quả lần lượt của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, Tú tài Pháp và giờ đây vỡ òa trong niềm vui con đã hoàn tất điều kiện cuối cùng để giành lấy học bổng của chính phủ Pháp.

  Cám ơn con đã hoàn thành một giấc mơ thuở thiếu thời của cậu. Thời thế đã không cho phép cậu đạt được giấc mơ của mình, nay nhìn qua hình ảnh của con cậu có cảm giác thời gian đã quay ngược để cậu được sống trọn vẹn giấc mơ của mình.
             27 năm trước cậu cũng tốt nghiệp ngôi trường thân thương này (Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa, giờ là Trường chuyên Bến Tre). 30 năm, nhưng trường vẫn như xưa.

  Gia đình mình nghèo, cho nên dù biết là học vấn đại học ở châu Âu là tối cần thiết cho tương lai của con nhưng không bao giờ kham nổi chi phí để có thể gửi con du học tự túc.
  Hôm con đi thi đại học, cậu đã gọi đùa con là Hai Lúa lên Saigon. Thật ra, cậu đã rưng rưng trong lòng khi nghe con mừng rỡ nói với em con: “Đã. Được lên ở Saigon cả mấy ngày đêm luôn.” Đã qua thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 mà có thanh niên học lớp 12 nhà chỉ cách Saigon 100km thế mà chưa biết Saigon là gì… Chở con đi vòng vòng Saigon giống như hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài. Buổi tối con thi xong cậu thưởng cho con một tô mì 50,000đ bên hông chợ Tân Định, nghe giá tô mì mà con sốc. Rồi khi cậu định dắt con vào café, nghe nói một ly 100,000đ con đã nhất quyết từ chối.  Tội nghiệp cháu tôi. Mẹ con nghèo, phải bán kem-sinh tố trong khu công viên buổi tối để kiếm tiền vất vả nuôi con ăn học, không có điều kiện đưa con đi chơi đây đó như các gia đình khác. Nước mình còn chưa bằng nước người ta, gia đình con quá nghèo khổ nên con không có gì phải mắc cỡ khi ăn mặc quê mùa, làm dân quê ra tỉnh nha con. Trong chuyến du hành lâu dài tới tương lai, những kẻ sành điệu nhưng đầu óc rỗng tuếch đua đòi hàng hiệu, xe sang, phung phí tiền bạc gia đình kia rồi sẽ ngồi lại bên vệ đường nhìn theo bước chân con.
Đừng bao giờ quên những giây phút này nghen Sĩ Tiến!

   Cánh cửa vĩ đại của tương lai đã mở toang trước mặt con. Rồi đây con sẽ được tiếp nhận một nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, hấp thụ một nền văn hóa tinh hoa của nhân loại, tích lũy một gia tài kiến thức khổng lồ để dùng cho cả cuộc đời.
Hãy đừng quên bà mẹ ngồi bên góc công viên bất kể nắng mưa bán từng bịch sinh tố nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ nuôi dưỡng giấc mơ du học của con suốt 12 năm qua, và còn phải cố gắng ít nhất một năm nữa để đưa em con tiếp bước theo con.

Cậu muốn con biết rằng:
Quê hương mình là vùng địa linh nhân kiệt. Đó là quê của Cụ Phan Thanh Giản, Tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ Lục tỉnh, vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên đến Châu Âu và nước Pháp. Là quê hương của Trương Vĩnh Ký, một học giả ngôn ngữ phương Đông được xếp hạng vào 18 nhà bác học thế kỷ thứ 19 của toàn thế giới. Là quê hương của Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông đầu tiên của Việt nam, một nhà tư sản thành công và là người yêu nước  không ngơi nghỉ. Là quê hương của Họa sĩ Lê Văn Đệ thủ khoa khóa 1 Mỹ thuật Đông dương, người được vinh dự vẽ tranh tường cho Vatican, người sáng lập trường Mỹ thuật Gia định nay là Đại học Mỹ thuật TPHCM. Không thể kể hết ra đây những tấm gương học hành và thành đạt của người xứ dừa quê ta. Cậu nhắc đến điều này để mong con học theo những tấm gương hiếu học, trọng kiến thức ấy, đừng bao giờ ham chơi bỏ học, hổ thẹn với tiền nhân.
Con còn phải học ở trường tối thiểu 8 năm nữa, nhưng học vấn của một con người không dừng lại ở đó. Con sẽ phải học mỗi ngày mỗi giờ từ trường đời.  Và những gì thu thập từ trường đời không kém, hay có thể nói là giá trị hơn những gì học ở trường lớp.

  Mai con lên máy bay rồi, và cậu thì “thân bất do kỷ” phải dấn bước trên những ngọn núi lạnh giá của Himalaya không được chia sẻ giây phút hạnh phúc của chị mình. Thôi thì … hẹn gặp nhau ở Paris nghen! Chừng ấy, con lại dẫn Hai Lúa là cậu lang thang trên những con phố của kinh thành hoa lệ…
  Hãy luôn yên tâm rằng, có gia đình và cậu ngay sau lưng con, trên mọi nẻo thế gian mà con dấn bước, ủng hộ mọi ước mơ tốt đẹp của con.
  "Go confidently in the direction of your dreams. Live the life you've imagined!"
                                  Henry David Thoreau
    Tây Tạng, một ngày đáng nhớ.
       05/09/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét