Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 4

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 4
CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY

Xá lợi Phật Nguyên thủy trưng bày tại Indian Museum - Kolkata
                               Là một Phật tử ai cũng mong được ít nhất một lần trong đời chiêm bái xá lợi của vị Từ Phụ. 



 Lần đầu tiên mình được chiêm bái xá lợi Phật là vào dịp Tết Nguyên đán 1994 trong một ngôi chùa nhỏ ở Bình Thạnh, Saigon. Thầy trụ trì đi hành hương ở Ấn Độ mang về ba hạt xá lợi Phật. Tin loan truyền trong các Phật tử. Vào ngày đã định, từ sáng sớm hàng trăm người đã sắp hàng trong sân chùa để được chiêm bái xá lợi. Mãi đến 8 giờ sáng mình mới đến được bàn thờ Phật. Ba hạt xá lợi nhỏ như hạt gạo đặt trên vải nhung đỏ bên trong một hộp kính. Cả ba đều có bề ngoài sáng bóng, hai hạt màu trắng sữa còn một màu xanh lá chuối non.
  Mười năm sau, khi ở Phnom Penh lại được chị Chủ tịch Hội Phụ Nữ Cambodia đưa đi chiêm bái xá lợi Phật của hoàng gia Khmer. Lần này mình được xem chừng chục viên xá lợi to chừng đầu ngón tay, có đủ các màu và cũng có bề ngoài láng bóng, trông giống ngọc hơn.
  Hôm dự lễ cầu nguyện ở Bodhgaya, các nhà sư Thái lan cung kính bưng 9 bảo tháp bọc vàng đựng xá lợi Phật. Mình có tiếp cận và nhận ra những xá lợi này cũng giống như xá lợi mình đã được chiêm bái trước đây. Nghĩa là trông giống ngọc quá.


Xá lợi Phật được trưng bày trong ngày cầu nguyện tại Bodhgaya

  Điều hấp dẫn lớn nhất trong chương trình hành hương của Hội Nghị Phật giáo Toàn cầu 2011 với mình là chiêm bái xá lợi Phật ở Sarnath. Thế nhưng, khi đến Sarnath thì do khoán trắng cho một công ty du lịch địa phương, những người hăm hở đưa bạn đến các cửa hàng để mua đồ hơn là  đưa bạn đi thăm các cổ tích tàn lụi hàng ngàn năm trước, nên các tiếp viên của công ty du lịch nọ lờ đi  chẳng thấy ai đề cập đến chuyện chiêm bái xá lợi Phật…
  Trước đó, vào hôm thứ ba ở Delhi, các Thầy và vợ chồng anh Vũ có rủ đi chiêm bái xá lợi Phật ở Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Tiếc là hôm đó mình phải đi gia hạn hộ chiếu ở Đại sứ quán nên không đi theo cùng được. Vả lại chương trình nghiên cứu của mình sẽ quay lại Delhi trước khi về Nepal nên tự nhủ sẽ thăm viếng bảo tàng này sau vậy.
  Mình đến Kolkata để lo công việc, cố gắng thu vén trong một ngày cho xong mọi thứ và rứt ra được một ngày trọn vẹn cho  Indian Museum – Bảo tàng Ấn Độ. Đây là bảo tàng đầu tiên của châu Á, thành lập vào năm 1875. Bảo tàng này là lý do chính yếu mình phải đến Kolkata ngoại trừ công việc làm ăn. Đây là tổng hành dinh của Cục khảo cổ Ấn Độ của người Anh và là kho chứa tất cả mọi thứ khai quật được trong tất cả các cuộc khảo cổ do người Anh thực hiện trên đất Ấn. Tại đây, các mẫu vật được phân loại và Toàn quyền Anh sẽ quyết định cái nào gửi về Anh quốc cái nào để lại Ấn Độ. Dĩ nhiên, phần lớn những mẫu vật có giá trị nhất, hiếm quý nhất, tinh túy nhất, hoàn hảo nhất đã bị đưa về Anh, nhưng số lượng lớn còn tồn tại tại các kho chứa của bảo tàng thì không một bảo tàng nào khác sánh nổi. Sau này, khi Delhi trở thành thủ đô của Ấn Độ, người ta đã xây dựng một Bảo tàng quốc gia hoành tráng, hiện đại ở đấy và chuyển một số mẫu vật quý từ Kolkata về trưng bày. Tuy nhiên, Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata vẫn là bảo tàng số một ở Ấn Độ xét về quy mô và tính chuyên nghiệp, và những nghiên cứu của các học giả ở đây luôn luôn đóng dấu đẳng cấp quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân người ta coi Kolkata như là “Brain of India” – bộ não của Ấn Độ.
  Lý do cuốn hút mình đến Indian Museum thực ra rất đơn giản. Ở đấy có một bộ sưu tập vô giá về Asoka và Ấn Độ cổ đại. Ngay lối vào chính của bảo tàng, người ta đã đặt các pho tượng được xác định thuộc về thời đại Asoka rồi. Điều thú vị là Bảo tàng này cho phép chụp hình với ticket là 50 rupees – kể cả 500 rupees thì mình cũng chịu ;-D… Vì điều bực mình duy nhất trong chuyến đi này của mình là một số bảo tàng thuộc hệ thống Cục Khảo Cổ không cho phép chụp hình, rút kinh nghiệm, lần sau mình sẽ tìm cho ra cách để chụp cho được he he...
  Mình hăm hở chụp tất tần tật mọi thứ trong bảo tàng từ trong các phòng trưng bày cho đến các hành lang mênh mông đầy ắp các mẫu vật thu thập từ khắp nơi trên Ấn Độ, kể cả một số mẫu vật tuyệt đẹp từ Borobodur của Indonesia, Angkor Wat của Cambodia.
  Mải mê trôi theo các phòng trưng bày, mình chụp gần hết cái thẻ 32GB, còn pin thì nhấp nháy 2%. Mình bước vào một phòng trưng bày nhỏ ở một góc sân. Vừa nhìn vào vật bày trong tủ kính một luồng điện chạy dọc sống lưng làm mình rợn người. Chiếc bình origin đựng xá lợi Phật của họ Thích-ca khai quật được vào năm 1895 ở Piprahwa, bang Bihar. Chưa bao giờ mình tưởng tượng được rằng chiếc bình quý giá và nổi tiếng kia lại nằm một cách lặng lẽ ở bảo tàng này.  Trông thấy hàng chữ Brahmi trên nắp bình mà mình vẫn chưa tin, cứ hỏi đi hỏi lại anh chàng bảo vệ trong phòng rằng đấy có phải là chiếc bình origin hay chỉ là bản sao. Khi nhận được sự xác nhận, mình vội vàng bỏ giày, camera qua một bên rồi lễ bái chiếc bình một cách thành kính. Lễ xong mình chụp hình cái bình thì hỡi ôi, hết pin. Trong sự kích thích và thất vọng cao độ cùng lúc suýt chút nữa mình bỏ lỡ một cơ duyên. May mà anh bảo vệ kéo tay mình chỉ vào một phòng kính ở giữa phòng. Bảo tàng đã làm lại mô hình thu nhỏ Bảo tháp Bharut. Và trong một chiếc bình replica có cắt mở một góc để người xem nhìn được vào bên trong đang ngự hai mảnh xá lợi Phật trên bông trắng. Hai mảnh xá lợi lớn bằng cỡ móng tay, không bóng loáng, không có màu sắc rực rỡ, chỉ một màu nâu nhạt giản dị và có nhiều lỗ nhỏ trông giống như cấu tạo xương. Đây chính là xá lợi thật không hề có chút nghi vấn! Hai mảnh xá lợi này được chính các nhà khảo cổ Anh quốc thu thập được khi khai quật bảo tháp Piprahwa, quan trọng hơn, nó thuộc về 1/8 xá lợi Phật nguyên thủy chia cho vương tộc Sakya. Mình lễ bái xá lợi thành kính không biết bao nhiêu lạy. Khách tham quan ngạc nhiên thấy một anh chàng ngoại quốc lạy như tế sao cái hộp kính nên tò mò dừng lại xem thử. Khi phát hiện ra đó là xá lợi Phật thì hầu hết kính cẩn chiêm bái theo kiểu Hindu, một số ít thì bắt chước mình quỳ lạy. Có lẽ đó là lần đầu tiên căn phòng trưng bày im lìm này trở nên nhộn nhịp. 

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy nổi tiếng khai quật từ Piprahwa, trên nắp có khắc dòng chữ Brahmi: "Phần xá lợi này thuộc về họ Thích-ca". Hiện đang được trưng bày tại Indian Museum - Kolkata

   Hên cho mình, có mang một cục pin dự trữ cất trong túi xách gửi ở cổng. Thay pin và quay lại chụp được một lô hình. Một bất ngờ thú vị.
   Sau bốn tuần ngang dọc đất Ấn, mình quay lại Delhi để kết thúc chuyến khảo cứu. Dĩ nhiên là có một ngày dành cho Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ rồi. Cũng giống như ở Indian Museum, mình chụp tuốt tuồn tuột mọi thứ ngay từ cổng vào. Biết rằng ở đây có xá lợi Phật, mình hồi hộp vừa muốn chạy ngay đến căn phòng ấy, vừa cố kìm nén cảm xúc để cố gắng chụp hình các mẫu vật tuyệt đẹp trước. Hai tiếng sau, trong khi đang mải mê chụp một pho tượng apsara tuyệt đẹp mang về từ Khajuraho, một phụ nữ tiếp cận mình giọng rưng rưng xúc động. “Can you take for me some photos?” “Why not?” mình cười, ra dấu cho bà đứng bên cạnh pho tượng. “No, no, not this.” Bà chỉ tay về gian phòng kế cận “There is relics of Buddha.” Ôi chao. Thế là mình đi như chạy theo bà ta.
  Đó là một căn phòng rộng rãi trưng bày các mẫu vật Phật giáo cổ đại. Cuối phòng là một lồng kiếng cao chạm trần bao bọc lấy một bảo tháp bằng vàng đặt trên bệ cao. Bảo tháp tạo hình kiểu Thái Lan với mái nhọn vút lên, trên đỉnh gắn một viên kim cương. Bên trong bảo tháp là một bệ tròn nhiều tầng, tầng đáy có đường kính chừng 20cm. Lần lượt các xá lợi của Đức Phật Thích-ca được đặt trên các tầng, lớn bên dưới, nhỏ bên trên. Có khoảng 20 mảnh xá lợi Phật, mảnh lớn nhất dài chừng 6-7cm, nhỏ nhất cũng 2-3cm. Tất cả đều có màu nâu nhạt giống như xá lợi trưng bày ở Indian Museum-Kolkata. Thật ra đây chính là phần xá lợi trước kia thuộc về Indian Museum. Chính phủ Ấn đã xem đây như quốc bảo nên cho mang về đặt trong bảo tàng quốc gia. Hoàng gia Thái đã tặng bảo tháp bằng vàng để thờ phượng xá lợi Phật cho bảo tàng vào năm 1997.

Xá Lợi Phật Nguyên Thủy trong Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ

Gia đình Phật tử Malaysia Bee Leng Choo hoan hỷ chụp hình trước tháp xá lợi

  Trong lồng kính phía trước bên dưới bảo tháp còn trưng bày hai chiếc bình đựng xá lợi. Chiếc bên phải chỉ là bản sao. Chiếc bên trái có dấu vết bị vỡ chính là chiếc bình xá lợi thứ hai khai quật được cùng chỗ Piprahwa với chiếc bình ở bảo tàng Kolkata. Tuy nhiên chiếc bình này kém quan trọng hơn vì không có khắc hàng chữ nào.  

Bình đựng xá lợi Phật nguyên thủy

  Mình xúc động vô ngần, trông thấy chị Bee Leng Choo rưng rưng nước mắt hạnh phúc đứng bên cạnh tháp xá lợi suýt chút nữa cũng không cầm được nước mắt. Gia đình người Malaysia này là những Phật tử nhiệt thành. Đến Ấn Độ chỉ để chiêm bái xá lợi Phật. Nhóc con chị sáng nay táy máy thế nào làm hỏng mất chiếc máy ảnh.Mình chụp hình cho gia đình chị và hứa làm theo yêu cầu của chị sẽ gửi hình qua meo (mình đã gửi hình gia đình chị và cả một bộ ảnh chụp xá lợi Phật cho chị khi vừa về tới Nepal, chị cảm ơn quá xá và cho biết đã khoe với mọi người trong cộng đồng Phật tử ở Kuala Lumpur và pót lên facebook). Thấy có đông người quá, mình quay đi chụp nốt các gian phòng khác. Một lúc sau trở lại nơi ấy khi vắng người, mình liền thực hành nghi thức bái lạy xá lợi và kinh hành vòng quanh tháp. Ông cảnh sát trực trong phòng rất hay. Ông đến đứng gần đó và không để ai làm phiền việc chiêm bái và cầu nguyện của mình (chuyện chiêm bái và cầu nguyện các thánh tích trong các bảo tàng hay đền miếu là bình thường ở Ấn Độ và Nepal. Chuyện này mà xảy ra ở Bảo tàng lịch sử TPHCM chắc thiên hạ bu tới coi, rồi bảo vệ bốc mình chở đi nhà thương Biên Hòa quá… he he)…
   Chuyến đi nghiên cứu của mình trên đất Ấn vậy là thành công mỹ mãn đến phút cuối. Mình được nạp đầy năng lượng để vững bước thực hiện những nghiên cứu của mình. Bao nhiêu duyên kỳ ngộ cùng đến trong một chuyến đi vượt quá tất cả những mong ước của mình. Hạnh phúc đến bất ngờ từ những phút giây nhỏ nhặt, chỉ cần ta chú tâm lắng nghe, trông thấy và đón nhận với một tấm lòng rộng mở. 
   
                    Ngày cuối cùng của năm 2011
  Chúc tất cả mọi người một năm mới an lạc và tràn đầy hạnh phúc!

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 3

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 3
BÍ KÍP MẬT TÔNG VÀ BẢN SAO BÌNH ĐỰNG XÁ LỢI PHẬT


   Chương trình hành hương của GBC mang chúng tôi đến Varanasi sau ngày  đọc tụng kinh điển ở Bodhgaya. Lama Dorje ở lại Bodhagaya để thực hành nghi thức sám hối – lạy Tháp Đại Giác và cội Bồ đề suốt ngày ròng rã trong năm tháng tới. Ai đã từng biết nghi thức lễ lạy của Mật tông Tây tạng mới hiểu rằng – xét về phương diện thể xác vật lý -  đó là một cuộc huấn luyện thể lực nghiêm khắc nhất là với người đã lớn tuổi như ông. Ông choàng vào cổ mình một dãi lụa trắng theo phong tục chia tay của Tibet và dặn đi dặn lại mình phải đến Spiti. Khỏi cần phải suy nghĩ, đó sẽ là điểm đến trong cuộc hành trình cầu đạo của mình trong năm 2012. He he.

Với Nhà sư Kyrgyzstan Alexey ở Varanasi
  
   Bạn đồng hành lần này của mình trên đường đến Varanasi là một nhà sư khoảng trên dưới 30 tuổi người Kyrgyzstan – Alexey . Anh này thụ giáo và theo phái Liên Hoa của Nhật Bản của Đại sư nổi tiếng Terasawa.
-->

Junsei Terasawa he is a wandering monk of the Order
Nippodzan Myohoji. He built the first Buddhist stupa in Europe (Milton
Keynes
, England) and a Buddhist stupa in London. Practice in Russia,
Ukraine, Kyrgyzstan, Kazakhstan, China and India. He was the leader of
the anti-nuclear movement for a united Europe in the seventies. He
organized a march of Mothers Compassion  from Moscow to Chechnya in
order to end the Caucasian War in 1995. He organized a peacekeeping
mission in Iraq during both wars. He organized a large peace march
across Eurasia from Yasnaya Polyana (Tolstoy's estate) to Lumbini in
1998. He organized the Pakistan-India peace march prayer in 2002.


   Từ Bodhgaya về, trước khi vô Varanasi, GBC mang cả đoàn thăm viếng Sarnath. Mình hưởng thêm một cơ duyên với Biểu Tượng của nước Ấn Độ hiện đại: tượng sư tử trên đỉnh cột đá Asoka ở Sarnath (chuyện này và chuyện ở Varanasi sẽ kể trong Dọc Đường Gió Bụi và Theo Dấu Asoka, mời bạn đọc đón xem…. He he…) Tối đó, ở Varanasi, GBC tổ chức cho đoàn một bữa ăn tối và xem ca múa ở một biệt điện cũ của một Maharaja .
   Đêm ấy, nằm trò chuyện cả đêm với Alexey – một anh chàng uyên bác (ý quên nhà sư)… Mình nói dự định của mình sẽ thực hiện một chuyến khảo sát để thấy tận mắt, sờ tận tay, cảm nhận được không gian những địa điểm có liên quan đến Asoka.
  “So, you have to go South.” Alexey nói.
  Go South, đó cũng là câu nói kỳ lạ của Lama Dorje. Mình hỏi dấn tới. Alexey xổ luôn một tràng… Orissa, Sanchi. Orissa thì nằm trong kế hoạch từ đầu của mình rồi. Đó là nơi diễn ra trận Kalinga nổi tiếng, nơi Asoka đã buông dao đồ tể thành Phật. Huống chi, ngay trong ngày khai mạc GBC, cơ duyên dưa đến cho mình gặp ông Patel Giám đốc Bảo tàng Orissa, người hứa sẽ giúp mình nghiên cứu ở đấy. Còn Sanchi, thì mình có nghe nói đến nhưng thú thật là nằm ngoài kế hoạch lần này.
  Sáng hôm sau, chia tay Alexey và tất cả những người bạn mới quen trong GBC mình chuyển đến một Guest House ngay bên bờ sông Hằng còn đoàn GBC thì trở về Delhi và giải tán. Từ gợi ý của Alexey, mình tra cứu thêm thông tin và quyết định mở rộng chuyến đi – thêm vào Sanchi sau Orissa.
   Sau 4 ngày ở Kolkata, mình tiêu thêm 4 ngày ở Orissa (chưa đủ, đáng ra phải là 10 ngày nhưng vé máy bay đã đặt cho cả những chặng sắp tới rồi nên không thể hoãn lại được he he). Chuyến đi từ Orissa tới Sanchi quả thật là cực nhất trong cả hành trình. Mất 15 tiếng đồng hồ cho chỉ 600km chỉ vì không có tuyến bay thẳng từ Orissa tới Bhopal, thủ phủ của Madya Pradesh. Rồi phải đến trưa hôm sau mình mới đến được Sanchi, một thị trấn nhỏ nằm cách Bhopal 60km.
  Bảo tháp Sanchi là bảo tháp duy nhất còn tồn tại hầu như nguyên vẹn suốt từ thời Asoka cho tới ngày được tái khám phá trở lại bởi những “học giả” British (thực chất chỉ là những Tomb Raider – kẻ cướp lăng mộ) …. Thôi chuyện buồn này sẽ nói trong Theo Dấu Asoka và Xá Lợi Phật Nguyên Thủy…
  Mình xài gần 100GB và 8 tiếng đồng hồ (hai buổi trong hai ngày) đề cố gắng ghi lại hầu như tất cả những tượng, phù điêu, trang trí trên toàn bộ 4 cổng của bảo tháp Sanchi – đỉnh cao của mỹ thuật Ấn Độ thời hậu Asoka hơn 2000 năm tuổi. Quá xứng đáng cho một chuyến đi.
  Xong buổi nghiên cứu tháp Sanchi thứ nhất, mình vào ngôi chùa Mahabodhi của Sri Lanka ngay cạnh khuôn viên bảo tồn để đảnh lễ Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (xá lợi của hai Ngài được phát hiện ở Sanchi hiện đang được thờ phượng ngay tại chùa này). Ngay trong điện kề bên cửa ra vào là một quầy sách của Mahabodhi Society. Mình dò từng quyển và ôi chao, chớp được cuốn Ananda. Nếu như có rất nhiều sách về Đức Phật và các đệ tử của Ngài thì đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất viết một cách công phu về người thân cận nhất với Đức Phật trong suốt 25 năm cuối của Ngài trên thế gian (mình đang hăm hở dịch, hy vọng sẽ sớm gửi đến hầu quý bạn đọc quyển sách quý này).

Chùa Mahabodhi ở Sanchi, nơi hàng năm vào chúa nhật cuối cùng của tháng 11 xá lợi của Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên lại được trưng bày để mọi người chiêm bái. Mỗi năm có đến hơn 100,000 người tham dự nghi lễ này.

  Lang thang trong thị trấn đìu hiu buổi chiều ấy, con mọt sách là mình lại lạc bước vào một quán sách nhỏ khác. Thực chất, đây là quầy thông tin của ngành du lịch chuyên bán các bản đồ và chỉ dẫn du lịch. Chắc cũng hiếm khi có khách nên bụi phủ dày đặc khắp nơi. Kệ, mình xông xáo lục tung từng dãy kệ cũ. Phát hiện cái kệ khuất trong góc có hàng dãy sách đóng bìa cứng cẩn thận, mình khẩn khoản yêu cầu anh coi quầy tên Sharma cho phép mình xem thử. Trời, nếu có cách gì mang hết hàng trăm cuốn sách kia về nhà mình sẽ lấy hết. Đó là một collection của Cục khảo Cổ Ấn Độ về tất cả các địa điểm khảo cổ trên đất Ấn. Ham, nhưng lực bất tòng tâm. Vừa rồi ở Kolkata chỉ gửi có 25kg mấy món đồ lưu niệm mình mua dọc đường trị giá 200USD mà tốn hết 400USD cước phí (sau này về tới Nepal đi nhận hàng lại còn bị hải quan hành hạ hết 3 ngày và tốn hết 300USD nữa mới lấy được đồ ra). Ở Orissa, mình phải thức cả đêm chụp hình từng trang hơn 10 cuốn sách quý sưu tầm được ở Bảo Tàng Kolkata  rồi tặng số sách ấy lại cho Cục Khảo Cổ Orissa chỉ vì không thể mang vác hết . Giờ nhìn tủ sách này mà ngẩn ngơ không biết làm sao thu thập được.... chắc năm sau phải trở lại thôi... Mắt mình chợt liếc thấy mấy cuốn sách nằm lẫn lộn trong mớ giấy ở góc phòng.
-          Cái gì vậy? Mình hỏi.
-          À mấy cuốn sách cũ. - Anh coi quầy thờ ơ trả lời.
-          Để tui coi thử...
  Mình lướt qua ... Ô hô... Toàn thư Mật tông... Mắt mình như máy, scan liền cái mục lục tổng quan.... Tất cả những gì thuộc về mật tông Hindu và Phật giáo đều có mặt, từ lịch sử chi tiết đến giải đáp các nghi vấn cho người thực hành Tantric. Mặc dù Mật tông là một pháp môn trực truyền từ Thầy sang trò, nhưng với sự mở rộng về tất cả mọi mặt của Mật tông thì vị ẩn sĩ biên soạn toàn thư này đã trở thành một vị Thầy giúp người thực hành Mật tông hoàn thiện hơn kiến thức của mình. Khỏi cần phải nói, mình lấy ngay bộ bí kíp bị lãng quên này mà không cần trả giá. 
   Đêm ấy ngay trong căn phòng đơn sơ của Hội Mahabodhi ở Sanchi mình ngốn ngấu bộ bí kíp, nếu không vì ngày mai lịch nghiên cứu chật cứng mình sẽ không ngủ. Tất cả những tồn nghi suốt mấy năm qua khi mình tham học tantra đều được giải đáp một cách giản dị đến không ngờ. Đầu óc mình trở nên trong suốt, mọi mây mù tan hết.
   Hôm sau, mình là người đầu tiên mua vé vào tháp Sanchi sau khi chờ gần tiếng đồng hồ trong lạnh giá. Chỉ để chụp hình bảo tháp trong ánh bình minh. Thế rồi đi thắp hương và lạy tất cả các tượng Phật, Bồ tát, kinh hành 9 vòng quanh tất cả các tháp lớn nhỏ... đến hơn 11 giờ mới kết thúc.
    Mình trở lại quầy sách để căn dặn chủ quầy ráng giữ bộ collection cho mình thêm vài tháng mình sẽ trở lại vào năm sau. Sharma trịnh trọng bưng ra một cái bọc hộp nhung đỏ, "Cha tôi tặng anh." Chiếc hộp có một mặt in hình Đức Phật, mặt kia in chữ:  REPLICA OF RELIC CASKET OF LORD BUDDHA – Bản sao bình đựng xá lợi Đức Phật. Chu choa. Bên trong là một bình bằng đá giống hệt chiếc bình nguyên thủy mình được chiêm bái ở Bảo tàng Kolkata. Trên nắp bình cũng khắc dòng chữ Brahmi như bình origin: "Sukiti-bhatinam Sabhaganakinan sa-Puta-dalanam iyam salila-nidhane Budhasa bhagavate Sakiyanam" ( Phần xá lợi Đức Phật này thuộc về họ Thích-ca). Bên trong bình có bốn ngăn chứa bốn bịch nylon nhỏ, mỗi bịch đựng một ít đất đá gắn nhãn: Lumbini-Bodhgaya-Sarnath-Kusinaga. Ôi trời, đấy là đất lấy chính xác từ địa điểm trung tâm của bốn thánh địa Phật giáo. Ngoại trừ Cục Khảo Cổ Ấn Độ thì không ai làm được. Đấy là quà biếu của Cục Khảo Cổ hơn 10 năm trước cho cha anh Sharma này, một Phật tử và là nhân viên kỳ cựu của Cục Khảo Cổ làm việc hơn 20 năm ở Sanchi.  



  Hỏi lý do tại sao cha anh lại tặng món quà quý này cho một người không quen biết như mình Sharma chỉ nói đơn giản, “I don't know. He said this is your Karma”. 
  Một chuyến đi ngoài kế hoạch, một con người chưa biết mặt đã mang đến cho mình hạnh phúc vô bờ bến.

(Mời đọc kỳ tới DUYÊN KỲ NGỘ 4: CHIÊM BÁI XÁ LỢI PHẬT NGUYÊN THỦY)
He he... như món quà cuối năm 2011.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 2

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 2

   ĐẤT THIÊNG


   Từ Delhi, máy bay chở đoàn xuống Varanasi. Ra khỏi sân bay đã là 1 giờ trưa. Các nhân viên của một công ty du lịch địa phương đã chờ sẵn hướng dẫn mọi người lên 10 chiếc coach. Mình lên chiếc thứ tư, chiếm lấy ngay một cửa sổ. Mọi người lục tục kéo lên. Thấy một lama già chừng 60 tuổi lóng nga lóng ngóng mình cười, chắp tay chào và vỗ vỗ vào chiếc ghế trống ngay bên cạnh. Ông cũng cười lại như đã quen biết từ lâu và ngồi bên cạnh mình.
   Chỉ có 200km mà mất đến hơn 6 tiếng  đồng hồ mới đến được Bodhgaya. Suốt cả quãng đường dài, mình ngủ gà ngủ gật , giữa hai cơn buồn ngủ là hỏi chuyện làm quen vị lama bên cạnh. Ông biết tiếng Anh rất kém, hầu hết là nghe mình hỏi rồi cười đôn hậu vì không đủ tiếng Anh trả lời. 7 giờ tối đến Bodhgaya, khi nhận phòng tình cờ thế nào mình lại được sắp chung phòng với ông. Mệt mỏi sau cả ngày di chuyển nên sau khi ăn tối xong là mình ngủ ngay, không chuyện trò gì và vì ông cũng không thể trò chuyện được.
  4 giờ sáng hôm sau, ông đã dậy, vệ sinh, rồi ngồi xếp bằng trên giường tụng kinh bằng tiếng Tibet. Mình cũng ngồi dậy, xếp bằng và lắng nghe lời tụng rì rầm của ông. Không hiểu nhưng cũng cảm thấy bình an vô cùng. Khi kết thúc bài kinh ông đến chỗ mình hai tay nắm lấy tay mình và cười, “Friend, friend.” Mình vội vàng nâng hai tay ông lên chạm trán vào đó, nói “ No, no. Master, master…” và thêm vào tiếng Hindi “Guru, you are my guru.” Ông lắc đầu hiền hậu, “No, friend. No guru, brother.” Mình chẳng hiểu gì cả chỉ nghĩ ông không hiểu tiếng Anh nên gật gật đầu cười. Ông lại nói “Come Gumpa, Spiti. Yes?”  Mình cũng chẳng hiểu gì , lại gật đầu. Ông vui lắm.

                    Với Hon Lama Dorje Sonam Tu viện Trưởng tu viện DHANKAR
    Khi đi ăn sáng, ông dẫn đến một ông già khác để làm phiên dịch. Họ là những đại biểu từ Himachand Pradesh. Lama Dorje hiện là Viện trưởng Tu viện danh tiếng 1200 năm tuổi Dhankar ở Spiti – vùng giáp biên giới Tibet và được coi là một mẩu nhỏ của Tibet ở Ấn Độ vì những truyền thống văn hóa tôn giáo đặc thù Tibet. Mình nhờ ông phiên dịch nói với Lama Dorje rằng mình xem ông như bậc thầy  và muốn học hỏi Phật pháp với ông. Khi nghe ông phiên dịch nói lại, Lama Dorje lắc đầu quầy quậy. “Brother, brother no Guru.”  làm ông phiên dịch cũng ngạc nhiên. Lama Dorje bảo ông phiên dịch nói với mình rằng  “To find your way, go south, then come to Spiti I will show you your Guru.” – Muốn tìm đường, đi về hướng Nam., sau đó đi đến Spiti tôi sẽ chỉ cho anh bậc thầy của anh… Mình căn vặn ý nghĩa của câu nói này nhưng Lama chỉ cười khó hiểu. Hôm ấy họ tham gia vào đoàn hành hương đi thăm Nalanda và thành Vương xá, còn mình quyết định dành cả ngày cho cội Bồ đề linh thiêng nên chia tay nhau ở đó.
    Sau khi đi theo đoàn rước kinh từ chùa Thái ở Bodhagaya, mình lẳng lặng đi về Tháp Đại giác trước, ngại 1-2 tiếng nữa đòan cầu kinh kéo qua sẽ không có chỗ chen chân. Lễ Phật trong tháp xong, mình bắt đầu kinh hành 9 vòng quanh tháp và cây bồ đề. Hoàn thành kinh hành mình mới từ tốn thả bước ngắm nhìn mọi thứ.
   Đến ngay bên dưới cội bồ đề linh thiêng mình dừng lại hoan hỉ ngắm những chùm lá xanh vươn ra từ thân cây già cỗi. Rất nhiều người , tăng ni có khách hành hương có, Á có Âu có ngồi dọc theo hàng rào chờ từng chiếc lá bồ đề rơi xuống là tranh nhau nhặt lấy.  Mình cũng ước có một chiếc lá làm kỷ niệm nhưng không ham tranh giành, thế là chỉ đứng dưới gốc cây hết ngắm nhìn lại chụp hình.
   “Cốc” bỗng đâu có một vật rơi trúng ngay đầu mình rồi văng xuống bên cạnh chân mình. Nhặt lên…Ôi trời… một mảnh vỏ cây bồ đề hình tam giác dài chừng 6 cm. Mọi người xung quanh ồ lên ghen tỵ. Mình sướng quá thành kính chạm mảnh vỏ bồ đề lên trán rồi cất kỹ ngay vào túi áo ngực.

Vỏ cây bồ đề thiêng


KIM CƯƠNG TÒA một truyền thống do Asoka lập nên đánh dấu chính xác nơi Đức Phật thành đạo

   “Sir, come here. There is best angle.” Một ông Ấn độ mặc đồng phục bảo vệ tiếp cận mình . Ông dẫn mình đến sát hàng rào đá bảo vệ cho cây bồ đề , cho phép mình lòn tay vào bên trong hàng rào đá để chụp hình Kim Cương Tòa bên dưới cây bồ đề. Chụp được mấy tấm hình quý giá xong, mình lễ bái cây bồ đề và tặng cho ông 100 rupee Ấn (2 đô la)  để uống "chai" - trà sữa Ấn độ. Ông cười , kéo mình tới một góc sân , và hí hoái lôi cái túi cá nhân của ông ra. Nâng từ trong túi ra một gói vải vàng ông trân trọng đặt vào tay mình “Give you” Mình hồi hộp mở mảnh vải vàng ra …Trời ơi… một nắm đất  và hơn 50 chếc lá bồ đề còn chưa khô…

Nắm đất thiêng liêng và lá bồ đề

   Hóa ra ông phụ trách việc quét tước gốc bồ đề mỗi sáng, nắm đất này ông gom lại sau khi quét sáng nay cùng với lá bồ đề. Ông thấy tôi không tranh lá rơi, còn được “Bodhi Tree blessing you” – chữ của ông nên tặng tôi chứ không phải vì 2 đô la nhỏ nhoi  kia.. Chợt nghĩ nếu mình xăm xăm đi đến, đưa thậm chí 1000 rupee để yêu cầu ông vét cho một tí đất ở gốc bồ đề chắc ổng chộp mình giao cho nhà chức trách. Mà mua bán như vậy thì còn gì là ý nghĩa nữa!Có phần hổng cần gì lo. Mình quay lại tạ ơn cây Bồ Đề một lần nữa.
   Tối đó, đặt một muỗng đất thiêng vào một cái hộp bạc rồi cúng dường Lama Dorje. Ông rưng rưng muốn khóc, gói cẩn thận vào ba lớp lụa rồi đặt vào trong hộp đựng kinh.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

DUYÊN KỲ NGỘ - 1

-->
DUYÊN KỲ NGỘ 1 - DALAI LAMA

  
Trong đời mình có vài lần gặp được duyên kỳ ngộ, nhưng nhiều duyên kỳ ngộ trong cùng một chuyến đi như lần này quả thật là ngoài sức tưởng tượng của mình.

   
     Mọi chuyện khởi nguồn từ triển lãm tranh năm ngoái mình làm ở Lumbini. Asoka Mission biết được nên kỳ Hội Nghị Phật Giáo Toàn Cầu này gửi thư mời mình tham gia với tư cách là một Nghệ sĩ Phật giáo, một vinh dự không thể nào từ chối.
   Ngày khai mạc Hội nghị, mình được diện kiến các Thầy Cô từ Việt Nam qua. Vui biết mấy sau 6 năm xa xứ mới có dịp nói chuyện bằng tiếng Việt thoải mái và với nhiều người như vậy (thú thật là chiều hôm trước mình gặp mấy anh phóng viên của An Viên TV mà cứ ngọng líu ngọng lo, thậm chí cứ mở miệng là xưng anh vơi một người lớn tuổi hơn, thật là lố  he he). Còn hân hạnh được gặp Thầy Quang Thạnh, Nhật Từ, Thiện Bảo, Quảng Ba, Cô Huệ Liên , anh Phước Vũ…
  Ngày kế tiếp được tháp tùng vợ chồng anh Vũ, và các Thầy đi Agra thăm Taj Mahal, một trong những địa danh đã nằm trong kế hoạch của chuyến đi Ấn Độ này. Đúng là cầu được ước thấy.
 
 Là một Phật tử của thời đại thế kỷ 20-21 ai mà không mơ ước có một ngày diện kiến dung nhan của Đức Đạt Lai Lạt  Ma. Theo chương trình thì Ngài sẽ đến dự lễ khai mạc cùng với Tổng Thống và Thủ Tướng Ấn Độ, nhưng bị mấy thằng mọi Tàu Cộng phá bĩnh nên ngày khai mạc các vị không xuất hiện. Ngày thứ tư theo chương trình sẽ là một buổi cầu nguyện chung tất cả các tôn giáo tại nhà lưu niệm Gandhi rồi trồng cây bồ đề chiết từ cây bồ đề ở Sri Lanka.  Sáng sớm hôm đó, mình phát hiện chiếc giày bên trái của mình toét một đường dài. Thật quái gở, vì mình chỉ mới mua đôi giày Hàn quốc chuyên dùng cho trekking này ngay trước ngày đi Ấn Độ. Thế là, 8 giờ sáng quyết định chạy ra ngoài mua đôi giày khác vì ngày mai là phải bắt đầu hành hương ở Bodhgaya rồi. Xứ Ấn Độ, trước 10 giờ sáng, lại là mùa đông nên chẳng có tiệm nào mở cửa , kể cả hàng rong lề đường (bên Nepal thì đây là giờ vàng của dân hàng rong trước khi các cửa tiệm mở cửa) . Chiếc tuk tuk chở mình vòng vòng thủ đô Delhi suốt hơn tiếng đồng hồ, kể cả chạy lên tận khu chợ cũ Channi Chowk vẫn không thể kiếm ra … cuối cùng đành bỏ cuộc, mình kêu bác tài chở thẳng đến Nhà lưu niệm Gandhi. Vừa vào đến khu sân vườn phía sau nhà mình đã cảm thấy  kỳ lạ. Chừng khoảng vài chục người đang ngồi quay mặt thành kính vào một nhóm các Lạt Ma đang cầu nguyện ngay giữa sân vườn (đại biểu dự GBC lên đến hơn 800 người), ngay đó là một nhóm lố nhố camera bị hút về một nhân vật như thiêu thân thấy ánh sáng, Ah, Đạt Lai Lạt Ma ngồi kia… Mình cũng chẳng kịp định thần, cũng kéo máy ảnh ra gia nhập vào nhóm cameramen đó… Xô đẩy thế nào mà mình đi đến ngay trung tâm chỉ cách Ngài một tầm tay với và chẳng có một vật cản nào trước mắt. Hai tay mình chớp ảnh, ghi movie một cách tự động. Mắt thì không rời gương mặt thuần hậu, minh triết kia, miệng thì cứ hoác tới mang tai mà cười (mặt mình lúc đó chắc như một anh rồ  he he)… Chẳng suy nghĩ gì, chẳng nghe thấy gì, chỉ cảm thấy một niềm hoan lạc không bờ bến, một sự viên mãn tràn ngập tâm hồn… Ngất ngây không còn biết thời gian tồn tại…Trong trạng thái lên đồng đó, mình chợt cảm thấy ai đó đang chăm chú nhìn mình. Cố rứt ánh mắt ra khỏi gương mặt Ngài mình phát hiện một Lạt ma trẻ tuổi ngồi hơi chếch phía sau Ngài đang nhìn mình chăm chú. Quen lắm, nhưng  lúc ấy không có tâm trí để suy nghĩ cho ra là ai lại vội vàng quay lại nhìn Ngài. Nhưng lần này do bị phân tâm nên không thể tìm lại được cảm giác hạnh phúc trước đó để an trú. Tối đó, Thầy Thiện Bảo nhìn hình mình chụp mới bảo đó là Ngài Karmapa. Kỳ ngộ vì mấy chiếc xe bus chở phái đoàn GBC lạc đường sao đó nên hầu như tất cả đại biểu GBC ở cùng KS với mình không đến được Nhà lưu niệm Gandhi để cầu nguyện cùng Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Chiếc giày rách đã mang được một mình mình đến đó…

PEBBLE IN THE SHOE

   Cả chuyến đi Ấn Độ vừa rồi nói chung là thành công mỹ mãn, chỉ duy nhất có một hạt sạn trong giày mà cho đến giờ này vẫn còn lấn cấn trong tâm trí mình....










 
-->
     Số là Ban Tổ Chức Global Buddhist Congregation 2011 đã bố trí cho các đại biểu ở tại 4 KS 5 sao của Delhi. Mình được bố trí vào phòng 1215 của Shangri La. Ở một mình. Chìa khóa cửa là một thẻ từ mà Reception "mần" ngay tại chỗ và giao ngay chưa đầy 2 phút.
  Cho đến đêm cuối (30/11). Mình vô tư bày đồ đạc ra đầy cả hai cái giường chuẩn bị để thu xếp hành lý ngày mai check out, tiền cũng bỏ đấy. 8PM mình đến phòng của Thầy Thiện Bảo, Phó tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ, để hầu chuyện và từ giã vì ngày mai Thầy về VN không dự chuyến hành hương đến Bodhgaya. Khoảng 10PM , mình về phòng. Khi mở cửa, mình sửng sốt thấy một người mặc đồ lama đang đứng bên cạnh giường sử dụng laptop của mình (mình không tắt máy khi ra ngoài).
   Người lạ xâm phạm vào phòng của bạn là một điều ngoài sức tưởng tượng và không thề chấp nhận ở một KS 5 sao quốc tế. Kinh nghiệm đi du hành ở xứ lạ là phải cảnh giác đến tột cùng, không thể tin bất cứ một người lạ nào, nhất là ở những xứ có lượng khách du lịch đông hoặc khủng bố nghiêm trọng như Ấn Độ hay Thái Lan, nơi tội phạm nhiều như rươi và những vụ gài bẫy vận chuyển ma túy diễn ra hàng ngày. Lơ ngơ , lớ ngớ là bị biến thành con lừa vận chuyển ma túy, bị bắt mà không biết tại sao, không biết đến ngày nào ra thậm chí tử hình như một phim Hollywood. Ở Khajuraho, mình kết bạn với một cô Singapore cho có bạn đồng hành. Thế nhưng vui thì vui, đi tham quan thì tham quan, nhưng mua vé hay vào nhà hàng là cô ấy nhất quyết phần ai nấy trả. Sòng phẳng, không cả tin vào bạn mới quen, nhất là tuyệt đối không đụng chạm hay cho phép bất kỳ ai đụng chạm đến hành lý của mình là những tín điều cơ bản của dân du lịch ba lô.

-->
BROKEDOWN PALACE
  (1999) is an American film directed by Jonathan Kaplan, and starring Claire Danes and Kate Beckinsale. It deals with two American friends imprisoned in Thailand for drug smuggling.
While in Bangkok, they meet a captivating Australian man, Nick Parks (Daniel Lapaine), who befriends them and invites them along with him to Hong Kong. However, the girls are found to have large amounts of heroin at Bangkok International Airport while preparing to board their plane, and are quickly taken into custody for drug smuggling. As they are interrogated separately, Darlene is tricked into signing a confession in Thai, which she does not understand.
The story takes an abrupt turn as the girls find themselves sentenced to lengthy terms (33 years, plus 15 for an escape attempt) in a grim Thai women's prison, called the Brokedown Palace by its inmates.

       
   Mình lập tức chạy xuống Reception để hỏi coi có chuyện gì xảy ra, tại sao để người lạ vào phòng mình. Cả mấy người tiếp tân đều không biết , rồi chuyển cho một tay non choẹt có vẻ như trưởng nhóm giải quyết. Nhóc này rất láu. Hắn đang bị một nữ khách hàng Phi châu lớn tuổi khác phàn nàn gì đó, thế mà mình thấy hắn nạt ngang bà ta " Wait! Don't you see I have this matter?" và chỉ vào tôi. Sống với dân Ấn và Nepal đã 6 năm, tôi biết ngay nhóc này thuộc loại thượng đội hạ đạp, mềm nắn rắn buông, và lập tức quyết định ngay phải chơi rắn với hắn.
  Ngồi vào cái bàn ngay bên cạnh quầy tiếp tân, hắn chỉ nghe tôi trình bày bằng nửa cái lỗ tai. Lama kia cũng xuống đến cùng với hai lama khác. Nhóc tiếp tân cắt ngang lời tôi nói without a please.  Hắn hỏi vị lama nọ và ông này xìa ra một cái thẻ từ y chang như cái của mình.  Thì ra ông này được xếp vào cùng phòng với mình, nhưng không đến nhận phòng từ ngày đầu tiên mà qua phòng bạn ông ta ở, mãi cho đến giờ này lại tự dưng nổi hứng chạy về phòng mình.
   Chuyện chẳng có gì đáng nói , vì mình sẵn sàng share phòng với bất cứ ai mà Ban Tổ Chức xếp đặt, vấn đề là ở chỗ họ phải thông báo cho mình biết, và không có cái kiểu tự dưng đi ra ngoài rồi khi trở về phát hiện có một người lạ lù lù trong phòng mình, tự tiện xử dụng đồ đạc của mình, không biết có bỏ đồ quốc cấm gì vào hành lý của mình hay không cho dù người đó đang mặc đồ lama (cái áo không làm nên ông thầy tu). Hôm đó chỉ mới là bắt đầu chuyến đi của mình, mình phải cẩn thận không thể để bất cứ một lỗi lầm ngớ ngẩn nào làm hỏng chuyến đi cả đời này được.
   Khi nhóc tỳ tiếp tân nhìn mình khinh khỉnh bằng nửa con mắt (có lẽ hắn nghĩ  mình chỉ ở được KS này vì có GBC thanh toán) cao giọng với mình rằng mình không có quyền khiếu nại, mình cũng lớn tiếng nạt lại hắn “ At least you have to inform me before send anyone to my room.” .  Mình nổi khùng vì thái độ lếu láo và cách phục vụ của tên nhóc này. Hai lama bạn của lama nọ thì không hiểu đầu cua tai nheo ra sao cũng xông vào cãi với mình “ You are not  his boss, he is not your servant, his room he have right to come…” Rối lộn tùng phèo lên vì họ nghĩ mình không cho lama kia vào phòng trong khi thực tế ông ta không xuất hiện từ đầu, giờ lại vào phòng khi mình không ở đó, sử  dụng laptop của mình. Mình không biết ông ta là ai, cho đến những giờ cuối ở KS vẫn cứ đinh nình rằng mình ở một mình, đồ đạc tiền bạc trong phòng mình nếu mất làm sao mình hoàn thành kế hoạch nghiên cứu và nếu có chuyện gì xảy ra với an ninh phi trường vào chuyến bay ngày mai ai sẽ gánh hộ cho mình? Mình chỉ muốn KS ghi nhận sự cố này và nếu sau đó có chuyện thì sẽ làm chứng .
 Chuyện cãi vả xảy ra ngay tại Lobby giữa mình và nhóc tiếp tân, vị lama kia xin lỗi rồi bỏ đi chỗ khac còn hai lama trẻ thì hăng tiết cãi miết dù không biết cái quái gì dù mình giải thích đi giải thích lại rằng mình chỉ làm việc về sự tắc trách của KS và muốn có một sự xác nhận cho sự cố này.  Một số người chứng kiến. Một số không hiểu nội dung câu chuyện chỉ thấy mình cãi với tiếp tân và các lama. Và mình biết họ đã nhìn mình không còn thiện cảm vì nghĩ mình giành chổ ngũ với mấy vị lama đáng kính (giành làm gì khi chỉ còn vài giờ nữa là check out mà đi Bodhgaya). Vô tư. Mình đã chọn lối sống này theo tinh thần Milarepa mấy năm nay. Đói ăn, khát uống, yêu thì tỏ bày, giận thì nói ra… Người ta hiểu lầm cũng chẳng sao, mình vẫn là mình. Mình đã từng xuống đến tận đáy vực sâu chẳng còn chỗ nào sâu hơn, chẳng còn gì phải sợ hãi, e dè.
   Đại diện Ban Tổ Chức xin lỗi mình và sắp xếp cho lama kia một phòng khác. Mình trở về phòng thì đã hơn 12 giờ đêm. Bực. Mãi đến gần 2AM mới chợp mắt. 4AM đã phải mò dậy sắp xếp hành lý.  6AM mò xuống hỏi Ban Tổ Chức lịch bay, chẳng ai điều phối , danh sách bay hàng xấp bỏ trên bàn thì tùm lum không biết ai bay chuyến nào (gần 600 người dự chuyến hành hương xuống Bodhagaya). Mình đi một mình nên phải tự lo, tự kiếm thông tin chứ có ai làm giúp, Khi tìm ra thông tin thì mới biết mình bay vào tốp đầu chỉ còn 1 tiếng nữa là đến giờ bay. Thế rồi vì xà quần với chuyện ấy mà lỡ mất việc chia tay với Thầy Thiện Bảo.
   Hôm nay, coi như bỏ được cái hạt sạn ấy ra khỏi giầy. Ôi, những chuyến đi lập kế hoạch cẩn thận đến từng chi tiết thế mà có lúc hỏng bét chỉ vì một chuyện chẳng đâu vào đâu.        
                                              







Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

SEX và KHAJURAHO

-->
DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI
Bài 2:  SEX  và KHAJURAHO
 (Lời minh oan cho quần thể đền đẹp nhất Ấn Độ)
Cáo lỗi bạn đọc! Bài này vì ngưng giữa chừng nên mất hứng, hiện đang viết kỹ lại. Sẽ pót lại vào đầu năm mới ;-D


   Không biết từ lúc nào cái tên Khajuraho lại bị đồng nghĩa hay ghép đôi với từ EROTIC (khiêu dâm, gợi tình) trong các chỉ dẫn du lịch.  




  Ngay cả phần lớn các sách báo (kể cả sách nghiên cứu) khi dùng hình minh họa hay làm hình bìa lại thường chọn hình ảnh các bức tượng mô tả một hoặc nhiều đôi nam nữ đang giao hoan.


Phải công nhận là các pho tượng hoặc phù điêu này tuyệt đẹp, sống động , đầy tính thẩm mỹ  chứ hoàn toàn không gợi dục hay khiêu dâm một chút nào. Tuy nhiên Khajuraho đâu phải chỉ có thế.



  (Bận công chuyện đột xuất, tối về viết tiếp, xin lỗi bạn đọc nhé…. He he )

  Chút quà Noel xả xì-trét cuối năm, cũng là lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Da Vinci Code...
  24/12/2011 

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

TINH THẦN QUỐC GIA





-->
   BÚT KÝ:   ẤN ĐỘ - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI

                                 BÀI  1:  TINH THẦN QUỐC GIA

     Ngày rời Ấn độ trở về Nepal có một chuyện mình cứ tiếc mãi.
Số là vẫn còn hơi bị mệt và ngầy ngật vì uống thuốc nhiều quá nên khi lên taxi ra phi trường cứ nằm đờ ra ở băng ghế sau. Đến ngã rẽ vào khu Departure quốc tế một tấm bảng to tướng vắt ngang bên trên xa lộ 6 làn xe. Nền xanh chữ trắng cao cả thước. Thoắt cái xe đã vượt qua có muốn bảo tài xế ngừng cũng không kịp mà cũng không có chỗ quay đầu xe, máy ảnh thì cất kỹ trong hành lý vì đã quyết định không chụp thêm tấm hình nào nữa. Giờ chỉ nhớ  một cách không chính xác, hình như là “Nation first, and always!”  - Quốc gia trước tiên, và luôn luôn trước nhất!
   
    Không cần đến một khẩu hiệu chuẩn không cần chỉnh, hoành tráng cả về chính trị lẫn kích thước như thế, một cú điểm huyệt chết người mình lãnh phải ngay buổi tối đến Kolkata. Tầm 6 giờ tối, giờ cao điểm xe cộ chật như nêm. Ngồi bên trong một chiếc taxi cổ lổ xỉ thuần túy Ấn Độ có cái tên hơi bị chảnh là Ambassador – Đại Sứ, mình háo hức thu vào mắt mọi hình ảnh của thành phố từng là thủ đô Ấn Độ trước khi New Delhi được xây dựng, của thành phố mệnh danh là trung tâm học vấn của Ấn Độ.  Bỗng, chéoo…bị một cú điểm huyệt tuyệt kỹ điểm trúng… mình sững người.  “My India Is Great !” Nét vẽ bằng tay nguệch ngoạc bên trên lá quốc kỳ Ấn Độ. Khẩu hiệu này nằm trang trọng phía sau một chiếc xe bus già nua mới được sơn lại. Đúng hơn, không phải khẩu hiệu mà là câu nói tự hào của một bác tài xế xe bus. Bất ngờ quá nên không kịp chụp hình. Tấm hình này mình chộp được vào sáng hôm sau trên một chiếc xe bus cũ kỹ khác



    Mấy năm trước có một bộ phim mà mình yêu thích đến độ cứ xem đi xem lại mãi, đến độ coi nó như bùa may mắn, trước mỗi ngày có chuyện hệ trọng trong biz là phải mở ra xem để lấy hên ( mê tín nhể…he he) Tựa đề bằng tiếng Hindi là  Chakde, India ! ( tạm dịch : Tiến Lên, India ) Bộ phim xoay quanh câu chuyện của đội tuyển nữ quốc gia hockey trên cỏ của Ấn Độ vượt qua mọi trở ngại, mà trở ngại lớn nhất là cái tôi trong mỗi thành viên, để đem vinh quang về cho Tổ Quốc India : chức vô địch thế giới. Một phim thể thao đẳng cấp. Một phim để đời của “Vua Bollywood” Shah Rukh Khan .  Có hai cao trào tuyệt hay .
      Một, xảy ra vào ngày đầu tiên khi đội tuyển tập trung. Các tuyển thủ được gọi về từ khắp các tiểu bang. Bang lớn thì Uttar Pradesh dân số đến 200 triệu. Xa xôi thì Manipur tận vùng biên giới với Myanmar. Cô nào cũng chảnh vì là số một ở tiểu bang mình nên khi xướng danh tự giới thiệu là cứ tên mình rồi tên tiểu bang mà hô. Huấn luyện viên (Shah Ruk Khan thủ vai) dội ngay một thùng nước đá lên đầu mấy cô : “Out…Out…Out…” mãi đến khi một cô xưng danh kèm với “India” đầy hãnh diện vị huấn luyện viên mới đồng ý. Ông ta giải thích rằng: Đội tuyển này chỉ cần những cầu thủ nào trước tiên chơi vì đất nước Ấn Độ, sau đó cho đồng đội và nếu còn lại chút hơi sức thì cho chính họ.
  Câu nói hay nhất trong cả bộ phim là:
  “ I cannot hear or see the names of states I can only hear the name of one country – India” –Tôi không nghe hoặc thấy tên của những tiểu bang, tôi chỉ nghe tên của một đất nước – India.   

     Hai, xảy ra vào đêm trước trận chung kết vô địch thế giới. Hai tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất không hợp tác , không chuyền bóng hay nhường nhau bao giờ. HLV gọi cả hai ra, chỉ rõ vấn đề mà ông ghi nhận ngay từ trận đầu tiên nhưng cố tình lờ đi một cách có tính toán cho đến phút chót. Ông yêu cầu họ tự giải quyết. Hôm sau vào thời khắc đỉnh điểm, một tiền đạo đã kìm mình lại được và chuyền cú bóng quyết định để tiền đạo kia ghi bàn giúp India gỡ hòa trong những phút cuối cùng của trận bóng rồi đi đến chiến thắng trong phần sút luân lưu.
   


     Một nước đa chủng tộc, đa tôn giáo, to lớn cả về kích thước địa lý và dân số với mọi người dân già trẻ lớn bé, giàu nghèo mà có chung một niềm hãnh diện, tự hào khi thốt lên tiếng “India”, có được một chất keo vững chắc kết nối tất cả lại với nhau có tên là “Tinh Thần Quốc Gia”.. Đất nước đó thể nào cũng bước vào hàng ngũ những siêu cường của thế giới.

  Làm thế nào để bơm vào máu thịt, trí óc, con tim của tất cả mọi người cái tinh thần quốc gia đó?

                                                23/12/2011 -Mùa Noel lạnh giá ở Kathmandu

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

HOME SWEET HOME!




    Rong ruổi cả tháng trời trong thời tiết khó chịu của mùa đông Ấn Độ lại phải hứng chịu sự thay đổi khí hậu giữa các bang (mỗi bang lớn bằng nước VN mình) nên cuối cùng ngã quỵ.
Ngày cuối cùng ở Delhi, sáng sớm trở dậy chuẩn bị ra phi trường thì hoa mắt, không thấy đường (mình có tiền sử rối loạn tiền đình - trung tâm giữ thăng bằng trong việc đi lại). Có lẽ cũng tại một phần do chế độ giảm cân của mình trong chuyến đi này. Ngày ở Shangri La cân tới 80kg, nên quyết định giảm cân. Sáng chỉ ăn nhẹ, trưa: một chai 300ml nước xoài, ăn chính vào buổi tối. Chế độ ăn này ngoài việc giảm cân, phần chính yếu là giúp mình tiết kiệm thời gian, tiện trong việc đi lại và nghiên cứu trong suốt hành trình. Sau 20 ngày đã giảm đến 8kg. Cộng với lịch làm việc chật cứng: thu xếp công việc trong 6 tháng tới của công ty ở Kolkata trong vòng hai ngày, rồi cứ nửa ngày bay tới tiểu bang mới, nửa ngày tranh thủ tìm hiểu địa phương, nửa ngày kế tiếp dành cho bảo tàng  tiểu bang cỡ bảo tàng quốc gia của mình (mà chỉ giới hạn trong các phòng trưng bày lịch sử cổ đại, các di vật đặc biệt như minh văn của Asoka, tiền thời Asoka hay tiền vàng đặc biệt ...), đi thực địa tới các địa điểm khảo cổ thường phải chạy ra khỏi thành phồ tầm 60 - 200km, tối mịt mới mò về được đến phòng mệt lử cò bợ còn phải sao lưu hình chụp trong ngày (hàng nghìn tấm hình một ngày, tổng cộng 200GB cả chuyến đi), sạc pin, chuẩn bị cho chuyến khảo sát ngày mai hay chuyến bay đến tiểu bang kế tiếp... Không có phụ tá nên cực vậy đó, mà chuyện nghiên cứu khảo sát, thu thập kiến thức thì ai có thể làm thay ai bao giờ? Sức người có hạn,  cuối cùng thì đuối.
  Cancel vé máy bay chịu mất một nửa tiền, may mà anh chàng đại lý du lịch sốt sắng chạy ra tận phi trường làm giùm vì chỉ còn có hai tiếng nữa là máy bay cất cánh.
  Nằm bẹp trong một khách sạn ở Delhi. Choáng, nhưng vẫn phải ráng bò ra tiệm thuốc mua thuốc uống, vì bell-boy ở khách sạn không thể thay mình kể bệnh cho dược sĩ. Cũng không làm việc gì được vì nhìn vào màn hình laptop hay sách là hoa mắt , buồn nôn. Mở TV cho phòng có tiếng ồn để đỡ cảm thấy vắng lặng, rồi ngủ vùi từng chập suốt cả hai ngày. Chưa bao giờ cảm thấy lẻ loi và cô đơn như thế trong suốt sáu năm xa xứ. Đó là cái giá phải trả cho sự tự do: cô độc.
  Chợt nhớ Đại hành giả Milarepa, người chọn lựa cô độc tuyệt đối để đạt được tự do tuyệt đối. Câu nói vĩ đại nhất của Milarepa luôn luôn ám ảnh tôi là "Ta tự do như một con chó hoang ghẻ lở chẳng còn ai muốn dạy dỗ." 
   Ngày thứ ba thì nuốt hàng bụm thuốc, ráng ra phi trường, ráng chịu đựng cực hình của chuyến bay về bị delay 2 tiếng... May mà cầm Official Visa nên làm thủ tục được ưu tiên nhanh chóng, còn hành lý thì chỉ toàn sách, hải quan chẳng buồn tra xét... Sau gần 8 tiếng mới lết tới được nhà.... Không  có ai đón, không có ai mừng.... nhưng hạnh phúc làm sao khi về tới nhà mình (cái ổ của mình thì đúng hơn ;D ) .... Home Sweet Home!






Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

KHAJURAHO - VŨ ĐIỆU HOÁ ĐÁ













Chân dài tới...nách... Hoá ra ngày xưa người ta cũng mê các em chân dài!

Hàng Độc nè: Vợ chồng Thần Kamasutra
Và đây là PHO TƯỢNG HIỆN ĐẠI TÔN VINH NHỮNG NGHỆ SĨ TÀI HOA CỦA KHAJURAHO                ngay trên đường từ sân bay vào thị trấn