Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

CHINA NO WELCOME!

-->
CHINA NO WELCOME!

     Bữa nay Kathmandu vắng lặng. Không hẳn vì thứ Bảy, ngày nghỉ hàng tuần của dân Nepal. Cảnh sát đứng khắp các góc phố, còn con đường chính từ sân bay vào trung tâm thì đầy cảnh sát dã chiến. Nepal chào đón chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – Ôn Gia Bảo.
   Mọi chuyện không có gì đáng nói nếu như đây chỉ là một chuyến thăm viếng ngoại giao bình thường.
Nửa năm trước Nepal đã tất bật chuẩn bị cho chuyến thăm viếng của Ôn Gia Bảo, đích thân Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Nepal lo mọi chuyện kể cả qua tận Bắc Kinh mời. Ngày giờ đã định là 20 tháng 12, 2011. Thế nhưng đến phút chót (ngày 19/12) họ Ôn hủy bỏ chuyến đi không cho biết lý do.
   Mãi đến trưa hôm qua kể cả một số bộ trưởng Nepal cũng không hay biết gì về chuyến thăm viếng bất ngờ của họ Ôn ngày hôm nay. Ôn Thủ tướng chỉ ghé Kathmandu có 5 giờ đồng hồ trên đường đi hội nghị và thăm viếng các nước vùng Vịnh. Trịch thượng!
    Tội nghiệp cho 114 người Tây Tạng. Họ đi tham dự khóa lễ Kalachakra ở Bồ Đề Đạo Tràng có Đức Đạt lai Lạt Ma giảng dạy từ 30/12/2011 tới 10/01/2012. Xui, những người Tây Tạng này quay về không chọn ngày, nhằm vào dịp họ Ôn ghé Kathmandu. Thế là 114 người Tây Tạng bị an ninh bắt theo tin mật báo (chắc là từ Đại Sứ quán Tung Của), họ bị tạm giam cho đến giờ vẫn chưa được thả,còn hai chiếc xe bus chở đoàn hành hương này thì bị câu lưu làm khó dễ. Xót xa cho thân phận dân mất nước!
    Năm rồi, Đại sứ Tung Của tại Nepal bị triệu hồi về nước trước thời hạn vì quá “nhu nhược” (“too weak” báo chí Nepal dẫn lại theo nguồn tin từ Bắc Kinh). Trong nhiệm kỳ của ông này, người Tây Tạng ở Kathmandu đã nhiều lần biểu tình chống Tung Của. Đại sứ mới là một chuyên viên an ninh, người có thâm niên hơn 10 năm trong việc quản lý chế độ Bắc Hàn. Việc đầu tiên ông đại sứ mới Tung Của làm là tung của ra khánh thành ngay một Viện Khổng Tử hoành tráng ở Kathmandu. Kế đó, mọi cuộc tập hợp của dân Tây Tạng đều bị mật báo cho an ninh Nepal và bóp chết từ trong trứng nước.
    Thế giới ngày nay phải xài đồ Made in China. Nepal, một trong những xứ nghèo nhất thế giới, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu cùng một món hàng – nhất là hàng điện gia dụng – nếu có đủ tiền người ta sẽ mua hàng Ấn Độ vì chất lượng đảm bảo dù giá cao hơn ít nhất gấp rưỡi. Xét về góc độ kinh tế học, theo thiển ý riêng tôi, việc sản xuất tràn lan những sản phẩm chất lượng thấp hay kém chất lượng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính là một sự tàn phá thiên nhiên, lãng phí ghê gớm các nguồn tài nguyên có giới hạn của địa cầu! Nên đứng ra kiện quốc gia chuyên sản xuất hàng dỏm này để bảo vệ hành tinh của chúng ta.
   Năm ngoái tôi có thực hiện một chuyến đi đến Khasa, cửa khẩu giữa Nepal và Tung Của. Bên kia biên giới, Tung Của làm một cái chợ và cho phép người Nepal được sang đấy mua hàng miễn thuế (điều kiện: không quá 1 đơn vị mỗi món) Dân nghèo Nepal chen lấn qua bên đó mua đồ. Mà nghèo nên đâu có tiền mua hàng cao cấp, chỉ chăn bông tổng hợp, quần áo, đồ điện gia dụng… tay xách nách mang kiếm lời mỗi người 20-30 đô la …

Hai nước nối với nhau bằng một cây cầu, gọi là cầu Hữu Nghị. Tôi đứng bên phần đất Nepal nhìn về cổng biên giới bên kia bay ngạo nghễ lá cờ ngũ tinh với một hàng chữ đỏ Hán tự to đùng chắc là tên hiệu của nước Tung Của. Không có lấy một chữ tiếng Anh nào. Cũng không thấy “WELCOME TO…” như thông lệ ở biên giới các quốc gia. Người Nepal hay khách nước ngoài chờ làm thủ tục vào Tung Của thì mắt la mày lét. Đứng trên đất Nepal, tôi chĩa máy về phía của khẩu Tung Của chụp mấy tấm hình. Đột nhiên một đám choai choai người Hán không biết từ đâu bu vào vây lấy tôi. Mấy tên ranh con Hồng vệ binh này mặt mũi trắng trẻo xinh trai nhưng cực kỳ côn đồ. Mắt long sòng sọc, tay áo xắn cao tới khuỷu kéo tay tôi giằng lấy máy chụp hình của tôi. Tôi giằng co quyết liệt, quyết không buông máy. Cuối cùng một thằng xoay trở làm sao đó mà bật được nắp ở đáy máy, nó kéo tung cái thẻ nhớ ra, bẻ gãy rồi quăng xuống sông. Tôi giận run, hét to lên “Here is not China, here is Nepal. How dare you?” Một thằng có vẻ là trưởng nhóm ra hiệu , thế là cả bọn kéo về bên kia biên giới. Sau này tôi mới được cho biết bọn này là mật vụ của Tung Của hoành hành ngang ngược, tác oai tác quái ở cửa khẩu này, hàng ngày lùng sục sang tận đất Nepal hiếp đáp dân buôn, kiếm bắt dân Tây Tạng... Không chịu thua, tôi dùng bộ nhớ trong của camera chụp lại vài tấm hình trước khi rời đi. Mấy tay cảnh sát Nepal đứng gần đó chỉ nhìn tôi có vẻ thông cảm rồi nhẫn nhục quay đi. Buồn cho thân phận dân một nước nhược tiểu!

    Chả bù với cửa khẩu Sunauli giữa Nepal và Ấn Độ. Mở toang. Dân hai bên tha hồ qua lại mua bán tự do. Du khách thì không bị làm khó dễ. Hỏi thăm bất cứ vấn đề gì thì cảnh sát Ấn Độ nhiệt tình chỉ dẫn. Hỏi chụp hình được không thì OK, OK, please!
       
   Món quà Thủ tướng Ôn của Tung Của tặng Nepal trong chuyến “ghé chân” là 1 tỷ Re-mín-bì, chưa kể một dự án 3 tỷ đô cho Lumbini sát cạnh biên giới Ấn Độ. Đúng là GIANG – HỒ – ÔN vật . Từ nay Nepal sẽ quay cuồng theo tiếng trống Tung Của. Từ nay dân Tây Tạng lưu vong sẽ tắt tiếng phản kháng ở Nepal. Từ đây thương nhân Tung Của sẽ tung hoành tận thu tất cả mọi sản vật thiên nhiên ở Nepal. Sừng tê giác, ngà voi, pín cọp, đông trùng hạ thảo sẽ bị tận gom mang về Tung Của. Chim chóc, thú hoang sẽ bị tận diệt đề làm những món sơn hào hải vị dâng vào những cái mõm tham lam của bọn trọc phú Hán tộc.

  CHINA NO WELCOME. CHINA RULES!

         14 THÁNG 1 / 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét