Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

ASEAN 2013 : Brunei đặt Biển Đông lên hàng đầu chương trình nghị sự

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130103-brunei-dat-bien-dong-len-hang-dau-chuong-trinh-nghi-su-asean-trong-nam-2013

Ngoại trưởng Brunei Lim Jock Seng (trái) với hai đồng nhiệm Singapore và Malaysia tại hội nghị ASEAN Phnom Penh (REUTERS)
Ngoại trưởng Brunei Lim Jock Seng (trái) với hai đồng nhiệm Singapore và Malaysia tại hội nghị ASEAN Phnom Penh (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Đúng với dự đoán, sau một năm bị cựu chủ tịch Cam Bốt tìm cách nhận chìm, hồ sơ Biển Đông sẽ nổi lên trở lại tại các diễn đàn ASEAN trong năm 2013, với việc Brunei lên nắm quyền chủ tịch. Hôm qua 03/01/2013, quan chức ngoại giao nước này đã xác nhận rằng việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp chủ quyền đang diễn ra ngoài Biển Đông được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Brunei, chủ tịch ASEAN năm nay.

Theo nhật báo The Brunei Times vào hôm nay, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bandar Seri Begawan, các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei, khi nêu bật các ưu tiên chính trị và an ninh của vương quốc này trong tư cách là chủ tịch đương nhiệm ASEAN, đã nói rõ thêm là Brunei rất thiết tha với việc tìm ra một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tranh chấp tại Biển Đông.

Bộ quy tắc này, mà việc đàm phán đã bị trì hoãn, được xem như là một phương cách tốt để giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang liên quan đến việc thăm dò và khai thác dầu khí, đánh cá và vận chuyển hàng hải trong khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào, đồng thời là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng. Yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại các đòi hỏi của các láng giềng - trong đó có 4 nước Đông Nam Á là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần Biển Đông.
Căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc đã leo thang trong vòng hai năm gần đây, đặc biệt với những « cọ xát » giữa chàng khổng lồ Đông Bắc Á với hai láng giềng khu vực nhỏ bé tại Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines.
Theo The Brunei Times, các quan chức ngoại giao Brunei xác định thêm là chủ tịch ASEAN năm nay sẽ tham vấn chặt chẽ các "cường quốc lớn" và các đối tác đối thoại trong suốt nhiệm kỳ của minh.
Theo chương trình dự kiến, hai kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm nay sẽ diễn ra lần đầu trong hai ngày 24-25/04, và lần thứ nhì vào hai ngày 09-10/10 tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei.

Trung Quốc đưa tàu chiến mạnh nhất ra Biển Đông



Hải quân Trung Quốc (Ảnh chỉ mang tính tham khảo)
Trong một bước đi chắc chắn khiến cho tình hình ở Biển Đông thêm phức tạp, Trung Quốc đưa tàu chiến mới và mạnh nhất của họ là Liễu Châu loại 054A ra vùng biển này.
 
Theo tờ China Times của Đài Loan (Trung Quốc), chiến hạm trên, được phiên chế vào hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, trở thành chiếc tàu thứ sáu thuộc kiểu này hiện diện trong khu vực.

Dù tàu chiến loại 054A không phải là thiết kế mới nhưng chiếc Liễu Châu vừa bổ sung cho Hải quân Trung Quốc được trang bị những công nghệ tiên tiến hàng đầu với một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50 km.

Vì tàu Liễu Châu nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam Hải đóng ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, giới phân tích cho rằng nhiệm vụ chính của con tàu đa năng được trang bị vũ khí tinh vi này là nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hôm 27/12, Trung Quốc cũng đưa một tàu tuần tra đại dương lớn có trang bị bãi đáp trực thăng ra Biển Đông./.


(Vietnam+)

“Trung Quốc phát động chiến lược ASEAN”

Trung Quốc sẽ đổ tiền vào Thái Lan
Về phía Thái Lan, Thủ tướng Yingluck nói bà đã đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỷ USD cho khu công nghiệp cảng nước sâu mà Thái Lan cùng phát triển với chính phủ Myanmar tại Dawei, miền nam Myanmar
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mang đến hy vọng cường quốc châu Á là một khách hàng tiềm năng của Thái Lan trong lĩnh vực đầu tư và thương mại, khi ông có chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á,

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Thái Lan Yingluck Shinawatra trong cuộc gặp tại Thái Lan. Ảnh: AFP
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là gạo, mở rộng đầu tư với tốc độ 15%/năm tại xứ sở chùa vàng và mở tuyến đường bay mới giữa hai nước, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc ngày 21/11 cho biết.
Về phía Thái Lan, Thủ tướng Yingluck nói bà đã đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỷ USD cho khu công nghiệp cảng nước sâu mà Thái Lan cùng phát triển với chính phủ Myanmar tại Dawei, miền nam Myanmar, cũng như các dự án đường sắt và phòng chống lũ lụt khác. Thái Lan cũng quan tâm đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô và ngành cao su của Trung Quốc.
Bà Yingluck cho biết Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua một lượng lớn gạo dự trữ của Thái Lan, cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế nông thôn Thái Lan.
Ông Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc và Thái Lan sẽ trở thành đối tác kinh tế trong nhiều dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và hợp tác kinh tế dọc sông Mekong.
Thủ tướng Trung Quốc tiếp tục khẳng định mong muốn xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp với các nước trong khối ASEAN, trong đó có Thái Lan. Không đi vào chi tiết cụ thể, không đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, ông Ôn phát biểu với các phóng viên ở Bangkok rằng “trước tình hình trong khu vực ngày càng phức tạp, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Thái Lan để phát triển và thắt chặt mối quan hệ ở cấp độ khu vực”, Wall Street Journal cho hay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay việc giải ngân các khoản viện trợ cho các nước ASEAN được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia và nhóm các nước Lào, Myanmar và Campuchia.
Chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo tới Thái Lan diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Bangkok để thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ-Thái Lan. Các chuyến thăm này được đánh giá là để thu hút ảnh hưởng đối với quốc gia ASEAN.
Ông Ôn và Obama vừa tham dự Hội nghị ASEAN và các bên đối tác và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Campuchia. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được bàn thảo nhiều tại các cuộc hội nghị kể trên.
Mỹ tỏ ra quan ngại về tình hình trong khu vực và ủng hộ đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc không muốn đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo tại hội nghị và muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp trên Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trước đó, Campuchia và Philippines đã thể hiện sự bất đồng trong nội bộ ASEAN về vấn đề tranh chấp biển đảo. Thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị ASEAN tuyên bố rằng các nước đã đạt được sự nhất trí không “quốc tế hóa” Biển Đông, nhưng Tổng thống Philippines bác bỏ, nói rằng ông không đồng tình với điều đó.
Hồi tháng 7, bất đồng tương tự về việc đề cập đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, đã khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung, điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Với nỗ lực của Indonesia, sau đó các nước trong khối đã thống nhất được một tuyên bố gồm 6 điểm về vấn đề Biển Đông, văn bản được cho là nhằm cứu vãn sự thống nhất quan điểm giữa các thành viên của khối.
Vũ Hà
===
Trung Quốc giúp Lào xây đường sắt 7 tỷ USD
Công trình đường sắt trị giá 7 tỷ USD, gần bằng GDP của Lào, nối nước này với Trung Quốc sẽ được khởi công trong năm sau, sau khi ngân hàng Trung Quốc đồng ý rót vốn cho dự án.

Description: http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/ec/6a/duong_sat.jpg
Công trình đường sắt của Lào do Trung Quốc rót vốn sẽ tăng cường quan hệ hai nước và tạo nhiều công ăn việc làm. Ảnh: AFP
EXIM Bank, một ngân hàng nhà nước của Trung Quốc, đã đứng ra cấp vốn cho Lào, và hai bên “đang tiến hành bàn thảo” về khoản vay, quan chức Bộ Giao thông và các công trình công cộng Lào cho biết. Trước đó, Lào và Trung Quốc thống nhất cung cấp vốn cho dự án đường sắt từ biên giới Trung Quốc đến Vientiane.
Công ty Trung Quốc sẽ phụ trách việc xây dựng, Vientiane Times cho hay và mô tả rằng đây là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn nhất từ trước đến nay ở Lào. Công trình dự kiến kéo dài trong 5 năm và sử dụng công lao động của 50.000 công nhân Trung Quốc.
Theo kế hoạch, đoạn đường sắt Boten-Vientiane sẽ dài 420 km, qua 76 đường hầm và khoảng 150 cây cầu. Tàu chở khách trên tuyến đường này sẽ chạy với tốc độ lên đến 160 km/h và dừng ở 31 ga sau khi công trình hoàn tất. Đường sắt chạy qua Lào sẽ là một phần tuyến đường sắt nối liền Côn Minh, miền nam Trung Quốc, tới Singapor, qua các điểm Vientian, Bangkok và Kuala Lumpur.
Keith Barney, chuyên gia nghiên cứu về Lào của đại học Quốc gia Australia cho biết tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Lào là 8,3 tỷ USD, chỉ lớn hơn khoản Trung Quốc cho vay một chút. Điều này gây nên lo ngại có thể xảy ra những vấn đề cho nền kinh tế của Lào như tỷ lệ cao về tăng trưởng tín dụng và lãi suất.
“Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết khoản cho vay của ngân hàng EXIM Bank được xây dựng như khoản tín dụng được bảo lãnh bởi nhà nước. Nó sẽ bao gồm doanh thu từ dự án và tất cả tài sản của dự án sẽ là một phần của bảo lãnh ngân hàng, ngoài ra còn có thu nhập từ các nguồn tài nguyên khác của Lào”, ông Barney nói với Radio Australia.
Nếu không tính đến nguy cơ từ việc trả nợ, đây có thể là một thu hoạch lớn đối với nền kinh tế Lào. “Có một số rủi ro mặc dù đây là khoản cho vay lãi suất thấp với các điều khoản ưu đãi và Lào được ân hạn 10 năm, nhưng vẫn rất khó khăn để Lào trả được số tiền này”, chuyên gia của Australia nói.
Tuy nhiên, Tổ chức Đánh giá Tín dụng Moody gần đây cho biết dự án đường sắt Lào-Trung Quốc có thể sẽ tạo ra những cơ hội tích cực cho kinh tế Lào và mở rộng xuất khẩu tài nguyên của Lào sang Trung Quốc.
Ông Barney nói rằng với dự án này, mối quan hệ giữa Lào và Trung Quốc sẽ trở nên thân mật hơn. Ngoài Lào, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào nước láng giềng phía nam của Lào như Thái Lan và Campuchia.
Đánh giá về tác động của dự án này với quan hệ Lào – Trung Quốc, ông Barney cho rằng tất nhiên dự án sẽ đưa Lào xích lại gần hơn với người láng giềng phía bắc. Nhưng đồng thời Lào cũng có một dự án đang được đề cập đến ở phía nam, nối với hệ thống đường sắt Việt Nam qua hành lang đông tây tỉnh Savannakhet. “Có thể đó là cách mà địa chính trị đang diễn ra, với sự hợp tác với Trung Quốc ở phía bắc và với Việt Nam và Thái Lan ở phía nam”, ông Barney nhận xét.
Lào là một quốc gia lục địa, không có đường biển, là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á. Lào hầu như không có đường sắt, ngoài một đoạn ngắn gần biên giới với Thái Lan. Lào cũng có một kế hoạch xây dựng đường sắt nối nam Lào với Việt Nam dài 220 km trị giá 5 tỷ USD, sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm sau, do Malaysia đầu tư.
Vũ Hà

Trung Quốc giành được dự án 11 tỷ USD tại Campuchia
Description: http://gafin.nextcom.net.vn/Images/Uploaded/Share/2013/01/03/tq16.jpg
Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Campuchia – một động thái được cho là nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh về phía nam, đi sâu vào Đông Nam Á.
Hai công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây tuyến đường sắt 400 km, một nhà máy sản xuất thép, và một hải cảng tại Campuchia với kinh phí 11 tỷ khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sắt, Thép và Hầm mỏ Campuchia hôm qua 2/1 cho hay, họ đã ký hợp đồng với tập đoàn Đường sắt Trung Quốc để xây tuyến đường sắt nối liền khu vực sản xuất thép trong tỉnh Preah Vihear miền bắc đến một hải cảng của đảo Koh Kong miền nam.
Tuyến đường sắt có chi phí 9,6 tỷ USD, trong khi nhà máy sản xuất thép trị giá 1,6 tỷ USD. Các dự án sẽ khởi công trong năm nay và mất 4 năm để hoàn tất.
Các công ty Trung Quốc cũng nhắm xây một tuyến đường sắt cao tốc 400 km từ miền nam sang đất Lào, và đang thu xếp để ký hợp đồng xây một tuyến đường sắt khác với Thái Lan.
Theo các chuyên gia đây là chỉ dấu hiệu mới nhất về chính sách mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh về phía nam, đi sâu vào khu vực Đông Nam Á, giữa lúc Mỹ cũng muốn có thêm ảnh hưởng tại vùng này.
Theo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét