Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

XIN ĐỪNG QUÊN NGÀY QUỐC HẬN 19-01-1974!

NGÀY 19/01/1974 TRUNG CỘNG ĐÃ DÙNG VŨ LỰC CƯỠNG CHIẾM QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM CHÚNG TA.



LÀ CON DÂN VIỆT NAM, CHÚNG TA HÃY ĐỪNG BAO GIỜ QUÊN MỐI QUỐC HẬN NÀY CHO ĐẾN KHI NÀO GIÀNH LẠI ĐƯỢC QUẦN ĐẢO THIÊNG LIÊNG ĐÃ THẤM MÁU NHỮNG ANH HÙNG TỬ SĨ!

XIN HÃY DÀNH MỘT PHÚT MẶC NIỆM NHỮNG ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN!
                                           (NP)




XIN MỜI ĐỌC LẠI CÁC BÀI VIẾT VỀ TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/01/1974:


Cập nhật:

Tuyên bố năm 1974 của Việt Nam Cộng Hoà
Nhiệm vụ cao cả và cần thiết của một chính phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cương quyết thi hành nhiệm vụ này, bất kể những khó khăn có thể sẽ gặp phải và bất kể những cáo buộc vô căn cứ có thể sẽ đến bất cứ từ đâu.
Trước sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Cộng bằng quân sự trên Quần đảo Hoàng Sa, nguyên là một phần đất thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà xét thấy cần thiết phải long trọng tuyên bố trước công luận thế giới, bạn cũng như thù, rằng:
Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là một phần không thể cắt rời của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ và toàn dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ không khuất phục trước bạo lực và bác bỏ tất cả hoặc một phần chủ quyền của họ trên những quần đảo này.
Chừng nào mà bất cứ một hòn đảo nào của phần lãnh thổ đó của Việt Nam Cộng Hòa vẫn bị một nước khác chiếm đóng bằng bạo lực, thì Chính phủ và toàn dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục tranh đấu để lấy lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Kẻ chiếm đóng bất hợp pháp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất cứ tình trạng căng thẳng nào bắt nguồn từ đó.
Nhân cơ hội này, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên các hải đảo ngoài khơi miền Trung và Nam phần Việt Nam, đã luôn luôn được chấp nhận như một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa trên căn bản không thể chối cãi được về địa lý, lịch sử, chứng cứ hợp pháp và bởi vì những điều thực tế.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những quần đảo này bằng tất cả mọi phương tiện. Ðể gìn giữ truyền thống tôn trọng hoà bình, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết, bằng sự thương lượng, về các tranh chấp quốc tế có thể bắt nguồn từ các quần đảo đó, nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ từ bỏ chủ quyền của mình trên bất cứ phần lãnh thổ nào của quốc gia.
(Tuyên bố bởi Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 14 tháng 2 năm 1974)


Trận Hải Chiến Hoàng Sa - Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Tác giả: Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trên đảo Pattle (Quần đảo Hoàng Sa)
(Trích từ chương 16 : Trận Hải Chiến Hoàng Sa, trong tác phẩm "Can Trường Chiến Bại của Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề Đốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.)
Trích lời Ghi Chú : ... Một trang sử rất hào hùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đã được viết bằng xương bằng máu của gần trăm chiến sĩ áo trắng thi hành đúng chỉ thị của vị Tổng Tư Lịnh Quân Ðội cũng là vị nguyên thủ của Việt Nam Cộng Hoà, để chứng tỏ chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam, không có áp lực thúc đẩy hay ngăn cản một ngoại bang nào.

Trang chính của báo Chính Luận đăng tin về Hoàng Sa. (Hình góc tay mặt là Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng chiếc HQ 10 Nhựt Tảo, tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa)
... Ðúng 8 giờ sáng hôm sau, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn, gồm có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Tham Mưu Phó; Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh Quân Ðoàn I; Chuẩn tướng Trần Ðình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, đến bộ tư lịnh Vùng 1 Duyên Hải bằng xe. Tôi đưa tất cả vào phòng thuyết trình. Tôi trình bày cặn kẽ địa hình địa thế của các đảo Hoàng Sa, lịch sử của các hải đảo này và sau cùng những diễn tiến trong mấy ngày qua và lực lượng quân sự TC và Việt Nam trên biển cũng như trên các đảo. Tôi nhấn mạnh việc chiến hạm Việt Nam cố gắng mời chiến hạm TC rời khỏi lãnh hải một cách ôn hoà nhưng tình hình trong 24 giờ qua cho thấy TC có ý định khiêu khích.
Sau khi nghe tôi trình bày xong, Tổng Thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng mười lăm phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng Thống Thiệu nói : "Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ" (1). Trên đầu trang giấy có mấy chữ "Chỉ thị cho Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải." Những chữ này làm tôi hơi khó chịu vì ông Thiệu không ghi Tư Lịnh Quân Khu I hay Tư Lịnh Hải Quân mà lại đề thẳng chức vụ của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng với chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, ông có toàn quyền chỉ thị trực tiếp mỗi đơn vị trưởng trong quân đội. Trong trang chót có đoạn "Chỉ thị cho Thủ Tướng Chánh Phủ". Bản chánh của thủ bút Tổng Thống Thiệu tôi giữ mãi cho đến đầu tháng Năm, 1975, khi tôi bi mất cắp chiếc cặp lúc đến Fort Chaffee ở Arkansas, Hoa Kỳ (2). Tôi chắc chắn bản gởi cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm vẫn còn được lưu lại đâu đó sau khi Sài Gòn thất thủ.
Sau khi trao thủ bút cho tôi, Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp : "Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả (3)".

TT Thiệu rời Bộ Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, sau khi ra chỉ thị về biện pháp đối phó với TC khi hạm đội TC xâm nhập hải phận Việt Nam Công Hoà tại Hoàng Sa (1974).
Tôi cảm thấy là không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc rời khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm. Lúc ấy tôi lại nghĩ ngay thủ bút của Tổng Thống. Nếu rời lãnh hải quốc gia (4) bỏ đi là lịnh Tổng Thống sẽ không được thi hành. Rồi tôi sẽ trả lời ra sao với thượng cấp ?
Tôi và Ðại Tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với Ðại Tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hoả trước để giảm thiểu thiệt hại. Ðại Tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hoả trước. Tôi nhắc thêm Ðại Tá Ngạc :
"Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hoả cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hoả !" (5) với mục đích phân tán sự phản pháo của địch. Ðại Tá Ngạc trả lời : "Nhận rõ 5 trên 5". Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp : "Tuỳ nghi khai hoả khi nào anh sẵn sàng !" Vài phút sau tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang dội trong máy truyền tin, dường như Ðại Tá Ngạc hoặc nhân viên vô tuyến cố tình bấm nút "On" để tôi có thể nghe, làm tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho Hải Ðội của Ðại Tá Ngạc. Giọng Ðại Tá Ngạc rất là bình tĩnh và nhà binh : "Báo cáo đã bắt đầu khai hoả !" Tôi trả lời ngay : "Tôi nghe tiếng súng rồi, anh Ngạc", và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút nhưng đối với tôi nó kéo dài như hàng giờ.
... Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn 30 phút. Khi phi cơ của Ðô Đốc Chơn và sĩ quan tuỳ viên của ông, Thiếu Tá Văn Trung Quân, chạm đất tại phi trường Ðà Nẵng thì trận hải chiến đã coi như kết thúc. Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm TC cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam.
Tôi gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân xin can thiệp với Cố Vấn Mỹ yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.
Với những đe doạ từ phía TC, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là "đồng minh", sự từ chối của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển, tôi cảm thấy ê chề, đau đớn cho các thủy thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra sẽ là dấu hiệu cho cá mập và trong sự chán nản tột cùng, tôi chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thủy thủ tử thương và thương binh lên bờ tại Ðà Nẵng.
Trớ trêu nhứt là 23 thủy thủ Việt Nam trôi dạt trên biển được tàu Skopionella của hãng Shell mang quốc kỳ Hoà Lan vớt, ngay sau trận hải chiến. Thương thuyền này đang trên đường từ Hong Kong đi Singapore. Trên tàu, các phu nhân của Thuyền Trưởng và Thuyền Phó chăm sóc các thủy thủ lâm nạn hết sức tận tình và tặng một số quà cho mỗi thủy thủ khi họ được thương thuyền giao lại cho đơn vị của Hải Ðội 1 Duyên Phòng thuộc Vùng 1 Duyên Hải. Lúc ấy các nhân viên Hải Quân tham chiến đặt câu hỏi ai là "đồng minh" của ai ?
Thế là kết thúc một sự xâm lăng bằng võ lực của một cường quốc đối với một quốc gia nhỏ bé.

Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ủy lạo các chiến sĩ can trường bị thương nặng sau trận hải chiến Hoàng Sa, trước khi họ được đưa lên phi cơ rời Ðà Nẵng để về Tổng Y Viện Cộng Hoà tại Sài Gòn.
... Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước toà án quốc tế để đòi hỏi TC phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.
Ai là người Việt Nam cũng có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Ðạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.
Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hoà còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng TC là hoàn toàn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.
Sau này rất nhiều sách vở báo chí bình luận về hải đảo Hoàng Sa và trận hải chiến và phê phán nhiều, kẻ kể công người buộc tội, riêng tôi thì chúng ta không nên quên là dù chúng ta có bốn thủy thủ đoàn can trường tham gia cuộc hải chiến nhưng các chiến hạm của ta vừa cũ kỹ (từ Ðệ Nhị Thế Chiến) không có đầy đủ vũ khí tối tân kể cả đầy đủ phương tiện cấp cứu và cũng không có một lực lượng trừ bị để tăng cường khi cần. Việc súng bất khiển dụng bất thần hoặc đạn bạn bắn trúng bạn là chuyện không sao tránh khỏi trong mọi chiến trận dù là trên đất liền, trên không trung hay trên mặt biển trong lúc chạm địch.
Ðại Tá Hà Văn Ngạc, vị hải đội trưởng trầm lặng, các Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Vũ Hữu San, Phạm Trọng Quỳnh, Lê Văn Thự cùng thủy thủ đoàn cũng như các người nhái và biệt hải tham dự trận Hoàng Sa xứng đáng là những anh hùng của Quân Lực Việt Nam.
Hải đội Việt Nam Cộng Hoà nổ súng chỉ là một hành động "tượng trưng nhưng cứng rắn" để chứng tỏ sự bảo vệ chủ quyền các đảo Hoàng Sa chớ không có mục tiêu hủy diệt hải đội của TC.
Tổng Thống Thiệu bị ở trong thế "chẳng đặng đừng". Không phản ứng gì hết thì lịch sử sẽ kết tội hèn nhát mà đụng độ với Hải Quân của một cường quốc như TC thời bấy giờ là một quyết định táo bạo và can trường.
Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ, một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19/01/1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi 15 chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài "Việt Nam, Việt Nam" khi thấy chiến hạm TC bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau 10 ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
Ghi Chú :
(1) Nguyên văn lời Tổng Thống
(2) Tôi hy vọng bản văn gởi Thủ Tướng Khiêm còn được tồn trữ một nơi nào đó
(3) Theo lời trung tá Lê Thành Uyển tuộc Bộ Chỉ Huy Hành Quân Biển có mặt tại phòng họp
(4) Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố là 12 hải lý cách bờ biển. Quốc Tế thường công nhân 3 hải lý.
(5) Mặc dù được toàn quyền và biết rằng hải đảo Hoàng Sa thuộc trách nhiệm của Tư Lịnh Quân Khu 1 (chớ không phải của Tư Lịnh Hải Quân) nhưng trước khi ra lịnh khai hoả tác giả vẫn trình Trung Tướng Trưởng để báo cáo tình hình và gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân để tìm Ðô Ðốc Chơn để báo cáo rẵng việc nổ súng không sao tránh khỏi. Bộ Tư Lịnh Hải Quân cho biết Ðô Ðốc Chơn hiện đang dự một buổi lể cùng Tổng Thống ở Ðàlạt và Bộ Tư Lịnh không biết ông sẽ về lại Sàigòn hay ra thẳng Ðànẳng. Khi đô đốc Chơn đến Căn Cứ Hải Quân Ðànẳng tôi trình Ðô Ðốc Chơn là tôi và Ðại Tá Ngạc quyết định tấn công trước để tránh thiệt hại Ðô Ðốc Chơn lặng thinh khi nghe tôi báo cáo một sự việc đã rồi và chưa bao giờ Ðô Ðốc trách cứ thẳng với tôi là chỉ thị khai hoả trước là một quyết đinh sai. Tôi chỉ xác nhận là tôi trực tiếp nói chuyện vô tuyến với Ðại Tá Ngạc đến giây phút cuối trước khi súng nổ. Cũng nên ghi rõ là khi Ðại Tá Ngạc giữ chức Hải Ðội Ðặc Nhiệm tại Hoàng Sa, ông thuộc quyền chỉ huy hành quân trực tiếp của Vị Chỉ Huy Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm 231/1 tức Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyến Hải.


    Dự Án Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa 1974
    Nhóm Thân-Hữu Hoàng-Sa
    Paracels R., 15583 Brookhurst St., Westminster,
    CA92683, USA.
    Vũ Hữu San
    Trần Đỗ Cẩm
    lịch sử việt nam, hoàng sa trường sa
    Mục-Lục
    ·  Tựa
    ·  Giới-thiệu Dự-án “Hải-Chiến Hoàng-Sa”: Một cột mốc nhỏ trên chặng đường dài Hải-Sử
    ·  Trận Hải Chiến tại Quần Ðảo Hoàng-Sa Ngày 19 tháng 1 năm 1974. (Trần Ðỗ Cẩm)
    ·  Trận Hải Chiến Hoàng-Sa theo Tài-Liệu Trung-Cộng. (Trần Ðỗ Cẩm)
    ·  Thư riêng về đơn-vị cũ: Internet Trung-Cộng nói gì về KTH Trần-Khánh-Dư (Mạng Lưới Hoàng-Trường, HQ.4)
    ·  Còn Uẩn-khúc nào về Trận Hoàng-Sa? (Vũ-Hữu-San)
    ·  Hồi Ký của Người về Từ Hoa Lục Đỏ: Tôi đã đến đó. (Bí Thư Thắng)
    ·  Bức Thư 15 năm trước - Thời-điểm khởi đầu dự-án. (Vũ-Hữu-San)
    ·  Tiểu-Sử các Anh-Hùng Tử-Sĩ:
    Ngụy-Văn-Thà
    Nguyễn-Thành-Trí
    Huỳnh Duy Thạch
    Phụ-Bản
    Các Tài-liệu Quan-trọng của VNCH ngay sau Trận Hải-Chiến Hoàng-Sa (Nguyên-bản bằng Việt-Ngữ và Anh-Ngữ):
    - Tuyên Cáo Của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa Về Những Hành Ðộng Gây Hấn Của Trung Cộng Trong Khu Vực Quần Ðảo Hoàng Sa (Ngày 19/01/1974)
    - For a more Progressive Legal Regime of the Sea. By Foreign Minister Vuong Van Bac (Caracas session, 1974)
    -White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands. Republic of Vietnam Ministry of Foreign Affairs. Saigon, 1975.
    Bài nói chuyện ngày 17/1/1998 của cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ.4.
    Danh-sách Tử-Sĩ Hoàng-Sa (đang được các Cựu Hải-Quân VNCH và mọi giới đồng-bào nhật-tu cho đầy-đủ).
    lịch sử việt nam, hoàng sa trường sa
    Tựa
    Trên tay các bạn là tập “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa”. Chúng tôi chân-thành cảm-tạ Quý-Vị trong Nhóm Thân Hữu Hoàng-Sa các bạn đồng khóa Đệ-Nhất Bảo-Bình[1] đã tạo điều kiện thuận lợi để tập tài liệu này đến tay bạn đọc ngày hôm nay.
    Nhóm Chủ-trương chúng tôi cố-gắng hết sức, nhưng thiếu khả-năng trình-bày, in-ấn nên không mong đợi tập tài liệu này được hoàn-hảo như các bạn mong muốn.
    Gần đến ngày kỷ-niệm 30 Năm Giỗ Trận Hoàng-Sa năm nay, nhu-cầu ra mắt một tác phẩm đầy đủ và trung thực về trận Hải-chiến “độc nhất vô nhị” Hoàng-Sa càng ngày càng thêm rõ rệt. Tuy vậy cuộc hành trình vạn lý nào cũng khởi đầu bằng một bước nhỏ. Muốn hoàn thành một tác phẩm lớn, chúng ta cần bắt đầu bằng tài liệu. Rất tiếc, tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa tuy đã được đề cập tới nhiều, nhưng vẫn còn thiếu sót. Nay gặp đúng lúc được anh em Thân Hữu Hoàng-Sa cùng bạn Bảo-Bình khuyến-khích và thúc-đẩy, tập “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa” tuy khởi sự đã tới 15 năm vẫn chưa xong[2] được vội vã ra đời để làm viên đá lót đường đầu tiên cho tác phẩm "Hải Chiến Hoàng Sa". Chúng tôi hy vọng rằng tác-phẩm lớn hơn này sẽ được nhiều người tiếp tay góp sức hoàn tất sau này.
    Không có ai giám coi thường độc-giả. Chúng tôi cũng vậy. Phần hình-thức cuốn sách nhỏ này tuy có nhiều khuyết-điểm, nhất là thiếu sót về phần hình ảnh, nhưng Nhóm Chủ-trương đã hết sức chú-trọng đến phần nội-dung. Tất cả các bài vở đều được chọn-lựa kỹ-lưỡng, nêu ra những quan-điểm mới mẻ về mặt nghiên-cứu với đầy-đủ tham-chiếu, phụ-chú. Quý-vị sẽ không thấy phần hư cấu, chuyện kể ở đây là những chuyện thực, rất gần với thực-tế và có “tính-chất sử” thực-sự.
    Đúng sai nhiều ít cũng khó phân, nhưng đã có bạn Cựu Hải-Quân cho rằng đây là một thứ tuyển-tập độc-đáo chưa từng có trong kho tàng hải-sử nói riêng và quân-sử nói chung. Dù biết rằng lời trên tuy quá đáng, nhưng trong hoàn-cảnh khó-khăn lúc này, chúng tôi rất mong-mỏi sự khuyến-khích tương-tự để dù “độc-hành” cũng can-đảm tiến bước.
    Được gọi là tập tài-liệu vì sách chứa đựng các bài viết rời-rạc chưa nối-kết lại với nhau, như những nguyên liệu còn riêng rẽ trước khi được tổng hợp thành sản phẩm. Ngoài ra, trên nhiều phương-diện, cuốn sách chưa được tiêu-chuẩn và hệ thống hóa nên đương-nhiên còn nhiều sai-lầm cần sửa đổi. Hy-vọng cuốn sách ra đời nối tiếp sẽ được cải-tiến nhiều hơn.
     Phương chi đây chỉ là cuốn sách khởi đầu, giới-thiệu cho một dự-án khá lớn. Chúng tôi đang làm việc để hy vọng hoàn-tất một tác-phẩm song-ngữ Việt-Anh có tính hải-sử lớn lao hơn trong tương-lai, nhan-đề “Hải-Chiến Hoàng-Sa”. Dự án có thể được viên mãn hay không còn tùy thuộc nhiều vào sự tiếp tay của độc giả. "Một cây làm chẳng nên non …"
    Như đã nói ở trên, dù lạc quan đến đâu, chúng tôi vẫn không thể hy vọng cuốn sách sẽ không có ít đoạn sai nhầm hoặc nhiều chỗ tối nghĩa. Nhưng chúng tôi tin rằng tập tài liệu này đủ rõ-ràng và chính-xác để bổ túc cho những bài viết về Hải-Chiến Hoàng-Sa trước đây...
    Để trả lời một câu hỏi thua hay thắng ở Hoàng-Sa, Tư-lệnh Hải-quân Vùng 1 Duyên-hải (V1ZH hay V1DH) là Phó Đề-Đốc Hồ-Văn Kỳ-Thoại đã trả lời như sau: “về quân sự, Hải-Quân Việt-Nam đã thắng trận hải chiến nhưng thất bại trong nhiệm vụ tái chiếm Hoàng-Sa”. [3] Chúng tôi nhận chân sự thật: Hoàng-Sa đã mất. Nhiệm-vụ bảo-vệ Hoàng-Sa không chu-toàn. Việt Nam đã thua và mất đảo cũng như hải-phận cho Trung-Cộng. Bài học lịch-sử này đắt giá quá, chúng ta phải phải xem xét lại rút ưu, khuyết-điểm… Phải học…
    Viết về chuyện này 20 năm sau (tức 1994), đặc biệt suy-tư về sự yên-lặng của ‘lương-tâm” Hà nội vào năm 1974, một bình luận gia nổi tiếng của tờ Far Eastern Economic Review, ông Frank Ching trong số ra ngày 10-2-1994 đã có nhận định như sau: "Thuở ấy, Hà nội thường thích mô tả các viên chức của miền Nam như là những tay sai của Mỹ đã bán đứng những quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Nhưng cũng ngay từ đó, những lời cáo buộc ấy đã không nhất thiết đứng vững. Giờ đây, 20 năm sau, thật rõ ràng là đã có những lúc chính quyền Sài gòn thực sự đại diện cho quyền lợi của Việt Nam một cách ngoan cường hơn là chính quyền Hà nội."
    Chúng tôi viết sách về chuyện Hoàng-Sa này sau 30 năm của biến-cố (tức 2004) chỉ vì lý-tưởng quốc-gia dân-tộc đè nặng tâm-trí, khả-năng không có nhưng rất nhiều cố-gắng. Xin quý-vị độc-giả niệm tình, rộng lượng tha-thứ.
    Cẩn bút,
    Vũ Hữu San, California
    Trần Đỗ Cẩm, Texas
    Tháng 1/2004
    Giới-thiệu dự-án “Hải-Chiến Hoàng-Sa”
    Một cột mốc nhỏ trên chặng đường dài Hải-Sử
                Cuốn sách nhỏ “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa” có tính-cách sử-liệu này ra mắt trong dịp lễ Giỗ Trận Hoàng-Sa 30 năm vào ngày 19-1-2004.
                Đây là cuốn sách khởi đầu cho một dự-án khá lớn. Chúng tôi đang làm việc để hoàn-tất một tác-phẩm song-ngữ Việt-Anh có tính hải-sử lớn lao hơn trong tương-lai, nhan-đề “Hải-Chiến Hoàng-Sa”.
    Kính mời Quý-Vị theo dõi loạt bài này và sẵn lòng yểm-trợ chúng tôi hoàn-tất dự-án. Chân-thành cảm-tạ.
    * * * *
                Trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải Quân Trung Cộng (TC) tại quần đảo Hoàng Sa đã xảy ra cách đây đã tròn 30 năm, vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Dư âm của trận đánh vẫn còn vang vọng với nhiều hậu quả quan trọng. Ðây là lần đầu tiên từ đời nhà Trần vào thế kỷ 13, thủy quân Việt-Nam và Trung-Hoa lại đụng độ nhau ác-liệt[4]. Nếu những trận thủy chiến ngày xưa tại cửa biển Hàm Tử, Vân Ðồn, Chương Dương v.v... và sông Bạch Ðằng đã chấm dứt giấc mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, thì trận hải chiến thời nay[5] đã không kết thúc mà lại mở đầu cho những diễn biến liên quan mật thiết đến tương lai của Việt Nam cũng như có thể làm thay đổi tình hình tại vùng Ðông Nam Á và ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu.
                Trong suốt thời gian 30 năm qua, phía VNCH đã có nhiều bài viết khả tín liên quan tới trận đánh, đa số của các cựu quân nhân Hải Quân đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan. Cũng đã có lắm nỗ lực nhằm tường-thuật lại trận hải chiến, nhưng tựu chung, vẫn còn nhiều chi tiết thiếu chính xác và nghi vấn chưa được giải đáp về biến cố quan trọng này. Ðiển hình trong thời gian gần đây, Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH (THHQ/HH/VNCH) tại Hoa Kỳ đã tích cực thu thập tài liệu với thiện chí hoàn thành tập Hải Sử Hoàng Sa. Chúng tôi rất hy vọng và ước mong việc làm cần thiết, đáng ca ngợi này sớm đạt được thành quả cụ thể để thế hệ mai sau và các sử gia trên thế giới có tập tài liệu xứng đáng, đúng tiêu chuẩn sử quan về Hoàng Sa, giúp ích cho việc nghiên cứu sau này. Trong khi chờ đợi cuốn hải sử chính thức về Hoàng Sa được phát hành, thiết tưởng mỗi cá nhân, đoàn thể tùy theo khả năng và hoàn cảnh cũng nên đóng góp kiến thức, tiếp tay với THHQ/HH/VNCH trong việc thực hiện Hải Sử để sự hy sinh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân VNCH không bị mai một. Việc làm của chúng tôi cũng không ngoài mục đích cộng tác với THHQ/HH/VNCH cung-cấp thêm một số sử-liệu chính-xác để lại cho các Sử-gia thế-hệ mai sau.
                Chúng ta đều biết một trong những trở ngại chính cho việc biên khảo về biến cố xảy ra trong quá khứ là vấn đề sưu tầm tài liệu. Muốn bài viết được tương đối khách quan và phản ảnh phần nào sự thật, cần nghiên cứu và đối chiếu nhận xét cũng như nhãn quan của các phe liên hệ qua những sách vở, phúc trình chính thức, đồng thời phỏng vấn những nhân chứng. Khi biên khảo về Hoàng Sa, khó khăn càng thêm chồng chất vì tài liệu chính thức hầu như không có.[6]
    Hiện nay tại hải ngoại, ngoài các bài viết đa số thuộc loại hồi ký của phía VNCH, chúng ta hầu như không còn tài liệu nào của Hải Quân ghi lại trận đánh lịch sử này. Rất tiếc, ký ức là năng khiếu đầu tiên phai mờ cùng thời gian. Hơn nữa, một cá nhân dù là cấp chỉ huy vẫn không thể có tầm nhìn bao quát toàn sự kiện, phần lớn chỉ biết được phạm vi trách nhiệm cũng như tầm nhìn từ vị trí của mình, nên có viết lại được trung thực cũng khó giúp người đọc thấu triệt mọi diễn tiến. Ðó là chưa kể yếu tố tâm lý chủ quan, hoặc áp lực tránh đụng chạm cũng đưa đến nhiều nhận xét có phần thiên lệch, tránh né sự thật.
    Về phía Trung Cộng, do khái niệm Tự Do Ngôn Luận thường thiếu được tôn trọng trong chế độ Cộng Sản, các tài liệu chính thức về Hải-Chiến Hoàng-Sa đã chỉ được công bố một cách ngắn ngủi và nặng tuyên-truyền trên các tờ báo như Beijing Reviews, China Quarterly... Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhờ chính sách "cởi trói" tại Hoa Lục và những tiến bộ vượt bực của mạng lưới toàn cầu Internet, chúng tôi đã tìm được một số bài viết cũng thuộc loại hồi ký của những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới trận đánh cùng một số phúc trình bán chính thức của TC như các chiến hạm tham chiến, danh sách cấp chỉ huy, báo cáo thiệt hại v.v... Nếu loại bỏ quan điểm chủ quan đôi khi quá khích thường thấy của những cán bộ Cộng Sản và khía cạnh tuyên truyền cố hữu, chúng ta có thể gạn lọc được một số chi tiết hữu dụng. Ðặc-biệt, các phần vận-chuyển chiến-hạm và xạ-kích hải-pháo mà đôi bên trao đổi nhau, nhờ các tài-liệu này, được nhìn ra rõ ràng hơn.[7]
    Riêng phần Hoa Kỳ, sau nhiều lần tiếp xúc với các cơ quan Quân Sử, những Cựu HQVN đều được trả lời là HQHK không hề có một tài liệu nào liên quan tới Hoàng Sa. Ðây là điều khó tin vì trong thời điểm xảy ra trận đánh, Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ vẫn còn nhiều chiến hạm hoạt động trong vùng Biển Ðông ngoài khơi Việt Nam, rất gần Ðảo Hải Nam và Hoàng Sa. Chỉ với các chiến hạm "bình phong" phòng không và phòng thủy tiêu chuẩn của một Hải Ðoàn Mẫu Hạm, họ đã có khả năng kiểm soát không phận và hải phận vịnh Bắc Việt, đó là chưa kể các vệ tinh và phi cơ không thám thường trực bao vùng. Chắc chắn mọi di chuyển dù nhỏ trên không cũng như dưới biển đều không thể lọt qua được màng lưới trinh sát của họ. Vì vậy, sự im lặng khó hiểu của các giới quân sự Hoa Kỳ về một biến cố quan trọng xảy ra ngay trong vùng hoạt-động của họ chỉ có thể giải thích bằng quan điểm chưa muốn công bố sự thật về những sắp xếp có sẵn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Tưởng cũng nên nói một số báo chí Hoa Kỳ tuy không cung cấp được những chi tiết chính xác về trận hải chiến, nhưng cũng đã loan tin một số chiến hạm Hoa Kỳ hiện diện trong vùng lúc xảy ra trận đánh, dù hải quân Hoa Kỳ vẫn không xác nhận.[8]
    Ý thức được tầm quan trọng của trận hải chiến Hoàng Sa trong lịch-sử cũng như về mặt chiến lược, chiến thuật cùng những hệ quả của nó, chúng tôi cố gắng đóng góp một số bài viết căn bản với hoài bão giúp độc giả có một tầm nhìn khách quan tương đối trung thực về những sự kiện đã xảy ra cũng như những hậu quả liên quan tới trận hải chiến. Ðể đạt tới mục tiêu này, chúng tôi đã căn cứ vào những tài liệu cụ thể hiện có, thu thập thêm những dữ kiện liên quan về phía Trung Cộng cũng như Hoa Kỳ và phỏng vấn những nhân chứng. Tất cả những chất liệu thâu thập sau đó được phân tích, kiểm chứng rồi tổng hợp qua một quá trình nghiên cứu tỷ mỷ để hy vọng đạt được mục đích trung thực và khách quan càng nhiều càng tốt trong hoàn cảnh khó khăn vì thiếu thốn phương tiện cũng như tài liệu hiện nay.
    Chúng tôi chọn thời điểm này vì thiết tưởng với thời gian 30 năm đã qua kể từ ngày xảy ra trận hải chiến, mọi xúc động ban đầu đã phần nào lắng đọng nhưng trí nhớ con người vẫn còn đủ minh mẫn để gợi lại những diễn biến mấu chốt. Hơn nữa, những chứng nhân chính, ngoài Hải Ðội Trưởng Hà Văn Ngạc đã khuất núi, trở lại với Hoàng Sa cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 [9], vẫn còn nhiều cấp chỉ huy có thẩm quyền, cũng như Sĩ Quan (SQ), Hạ Sĩ Quan (HSQ) và Đoàn viên (ĐV) khác còn sống có thể mô tả khá trung thực những chi tiết về trận hải chiến. Một yếu tố nữa khiến các bài viết có thể giữ được yếu tố khách quan vì áp lực theo hệ thống quân giai từ các giới chức thẩm quyền đã ngưng tồn tại, cũng như yếu tố "tuyên truyền" không còn cần thiết.
    Ngoài ra, khi nhắc tới quyết tâm của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ tại Hoàng Sa, chúng ta không khỏi liên tưởng đến bức công hàm tai-hại của Ông Phạm Văn Ðồng[10]. So sánh tinh thần chiến đấu anh dũng, dù trong hoàn cảnh khó khăn "lưỡng đầu thọ địch" của các chiến sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa với thái độ tắc trách trên, chúng ta thấy rõ đâu là chính nghĩa cao-cả bảo vệ quốc gia.
    Giống như một trong những điểm xác định vị trí của chiến hạm trên hải đồ trong cuộc hành trình dài, tập “Tài-liệu Hải-chiến Hoàng-Sa” này chỉ là một "kiểm điểm" (checkpoint) đánh dấu cột mốc nhỏ của dự án về Hải-Chiến Hoàng Sa mà mục tiêu tối hậu là một tập tài liệu trung thực, khách quan và khả tín được ấn hành bằng song ngữ Việt-Anh với nhiều phụ bản, hình ảnh, phóng đồ v.v... để các thế hệ mai sau cũng như các sử gia trên thế giới có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Mục đích trên có thể đạt được hay không còn tùy thuộc vào yếu tố thời gian, hoàn cảnh cũng như phương tiện cho phép.
    Trước đây, các chiến hạm HQVNCH đã lướt sóng trực chỉ Hoàng Sa để đương đầu với quân xâm lăng mạnh hơn nhiều lần, thành công hay thất bại không phải là yếu tố chính vì còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Tinh thần phục vụ, ý chí quyết chiến để bảo vệ lãnh hải mới là điều quan trọng. Tương tự, ý định hoàn tất tác phẩm đầy đủ về trận hải chiến Hoàng Sa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và chưa chắc sẽ được hoàn thành viên mãn, nhưng với ý chí và quyết tâm của nhóm biên tập, cộng thêm sự trợ giúp quí báu của những người có tâm huyết còn nặng lòng với sự nghiệp tiền nhân, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được ít nhiều kết quả mong muốn nào đó.
    Trân trọng,
    Chủ-biên: Vũ Hữu San & Trần Ðỗ Cẩm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét