Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

XÔNG ĐẤT ĐẦU NĂM


NHỮNG MỤC TIÊU CHO NĂM 2013:
  • Cười nhiều hơn
  • Ăn uống lành mạnh
  • Kết thật nhiều bạn mới
  • Học yêu chính bản thân mình
  • Yêu
  • Và được yêu
  • Nhảy múa dưới mưa ít nhất một lần   hi hi ... (kiếm chỗ nào tắm mưa nude thì tốt hơn :D ) - Vụ này có người nghĩ mình đầu óc có vấn đề hi hi... Nhưng nghĩ lại không nhớ là từ bao giờ đã không còn được tắm mưa hồn nhiên như con nít nữa...
  • Ra ngoài trời nhiều hơn
  • Hoàn thành các cuốn sách đã đóng bụi quá lâu!
  • Cảm thấy an lạc
  • Và... TỰ DO!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013!

   
GỬI ĐẾN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI LỜI CHÚC TRẮNG TINH NHƯ TUYẾT TỪ NEPAL-HIMALAYA.
MONG NĂM MỚI 2013 SẼ MANG ĐẾN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP HƠN NĂM CŨ!





Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

NGƯỜI GURUNG ĂN TẾT CON RẮN SỚM NHẤT THẾ GIỚI!


Sống ở Nepal sướng vậy đó, ăn Tết hết tháng này sang tháng khác. Năm 2012 chưa chấm dứt mà đã được ăn Tết Con Rắn rồi!
Cũng giống như hầu hết các tộc người miền núi ở Nepal và Tibet, Tết của người Gurung gọi là Lhosar.
Tamu Lhosar mở đầu một năm mới theo Tamu Sambat (âm lịch của người Gurung). Lịch Gurung cũng có 12 con giáp gọi là lohokor với mỗi con giáp là lho (năm) như sau: Garuda (chim thần trong thần thoại Hindu), Rắn, Ngựa, Cừu, Khỉ, Chim, Chó, Nai, Chuột, Bò, Hổ, và Mèo. Chúng ta có thể thấy 12 con giáp này tương ứng với 12 con giáp của người Việt như: Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, Mẹo. Lhosar năm nay là năm 2597 lịch Gurung rơi vào ngày 15 tháng Push (30/12/2012) đón mừng năm con Rắn. Vậy là có thể coi người Gurung là tộc người mừng Tết Con Rắn sớm nhất thế giới!   

Một làng Gurung trên dãy Himalaya

  Gurung là một tộc người tự gọi họ là Tamu sống ở vùng Trung-Tây Nepal (chủ yếu là vùng núi lưng chừng 2000-3000m của dãy Himalaya), dân số vào khoảng 500 ngàn người, hoàn toàn theo Phật giáo Tibet.
  Trang phục dân tộc của người Gurung cũng đẹp sặc sỡ và độc đáo như bất cứ dân tộc nào ở Nepal. Đàn ông thì mặc bhangra (áo ngắn màu trắng) và kachhad (sà-rông). Phụ nữ thì mặc áo blouse nhung đỏ sậm, đeo trang sức hình đĩa bằng vàng và rất nhiều dây chuyền bằng đá bán quý.  
Trang phục cổ truyền của người Gurung



Ở các làng Gurung, người ta tập hợp tại khoảnh sân rộng giữa làng; ở Kathmandu, người Gurung tập trung ở quảng trường Tundhikhel để ăn Tết. Người Gurung ăn tết ba ngày. Hai ngày đầu diễn ra các cuộc thi cho cánh đàn ông như kéo co, bắn cung trong khi phụ nữ nhảy múa ca hát. Ngày thứ ba thường sẽ trao giải cho những ai thắng các cuộc thi và ăn nhậu tưng bừng khí thế để mừng năm mới. Chính thức là ba ngày nhưng thường thì dân Gurung cũng ăn Tết kéo dài 7-10 ngày (hết mùng như người Việt vậy!). Những ngày này là dịp dân Gurung đi thăm viếng lẫn nhau và tụ tập để ăn nhậu, bài bạc cho vui.


Nhảy múa giữa trời đất với ngọn Fish tail nổi tiếng phía sau

Thi bắn cung

Trang sức của các thiếu nữ Gurung



Nhảy múa là phần không thể thiếu của đời sống người Gurung

Các thầy tư tế Phật giáo cúng lễ với nhạc tôn giáo

Hoa khôi Gurung năm nay

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: CHẾT BỞI TAY TRUNG QUỐC!


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO- HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ PHẦN 2

HÀNG ĐỂU MADE IN CHINA

Sau khi post hai bài về ĐTHT (đông trùng hạ thảo) có vài bạn thắc mắc cho rằng mình nổ chứ ĐTHT bán đầy ở các hiệu thuốc Đông Y chỉ vài chục triệu VNĐ/kg làm gì đến nỗi mấy trăm triệu một ký…
 
  Tháng Năm vừa rồi mình có dịp về VN, cũng tranh thủ thời gian đi kiểm chứng thị trường ĐTHT ở đây nhằm so sánh với thị trường Singapore, Thái Lan, India và Trung Đông là những thị trường mà mình đã có cơ hội cọ xát thực tế.

Hình minh họa từ Internet
  Địa điểm chính yếu nhất là chợ thuốc Đông y Hải thượng Lãn ông ở quân 5, Saigon. Hầu như tất cả các cửa hiệu ở đây đều có bán ĐTHT nhập từ Trung Quốc. Khi hỏi một bà chủ tiệm, bà đon đả mời ngồi và mở tủ kính lấy ra mấy hộp bằng giấy cứng hình thức thật sang trọng với mặt trên gắn kính để có thể nhìn thấy những con ĐTHT đặt trên nhung đỏ quý phái. Bà cho biết giá mỗi hộp 100g là hai triệu VNĐ (1000USD/kg). Mình sốc. Dù nhìn thoáng qua cũng biết hàng này chỉ là loại kém nhất về kích cỡ (size), màu sắc (màu nhợt nhạt) nhưng dù cho thế thì loại này ở Kathmandu, Nepal cũng không thể có giá dưới 15.000USD/kg. Mà đây lại là giá bán lẻ (nếu trả giá chắc còn bớt thêm 1-2 trăm ngàn VNĐ), thế thì các cửa hiệu ở đây phải nhập về với giá chỉ trên dưới 500USD/kg. Không thể tưởng tượng nổi.

   Không thể tưởng tượng nổi vì Trung Quốc không hề có ĐTHT ! Như đã nói qua trong bài trước, từ ngàn xưa các hoàng đế và đại tài chủ Trung Hoa chỉ có thể nhận triều cống hoặc mua ĐTHT từ Tây Tạng (Tây Tạng chỉ bị Trung quốc xâm chiếm từ năm 1959). Ngoài ra, trên thực tế tuy nói rằng khắp dãy Himalaya những nơi cao trên 3.000m đều có ĐTHT nhưng số lượng rất ít và không tập trung (chính vì thế ngày xưa mới quý hiếm). Duy nhất vùng Dolpa của Nepal giáp biên giới với Tibet là nơi tập trung và là nguồn cung cấp chính ĐTHT cho thị trường toàn thế giới ngày nay, chiếm đến hơn 80% sản lượng hàng năm(trên dưới 2,000kg). ĐTHT từ Tây Tạng cả năm chỉ thu hoạch được chừng 10kg, giá còn mắc hơn ĐTHT của Nepal vậy thì làm sao Trung Quốc có ĐTHT để xuất khẩu với giá rẻ bèo bọt như cho?


   Câu trả lời đơn giản đến bất ngờ.
   Quý ông ở Việt Nam chắc đều nghe đến món hải mã? Một cặp hải mã giá bét cũng vài ba triệu, thế nhưng bạn cũng có thể mua được những cặp hải mã (thiệt) với giá 1-2 trăm ngàn đồng thôi. Đó là những cặp hải mã đã được ngâm rượu, rồi sau đó tẩy rửa lại, phơi khô và bán với giá bèo. Chúng chỉ là những xác khô không còn “dược chất” nữa. ĐTHT giá bèo xuất xứ từ Trung Quốc cũng làm theo chiêu này đấy!

   Theo tiết lộ của một quan chức y tế Trung Quốc đã về hưu, vào cuối những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã giao ngành y tế nước này nhiệm vụ “hổ  trợ” các vận động viên Trung Quốc giành chiến thắng trong các cuộc đua tranh thể thao thế giới. Chương trình bí mật này đã triển khai nghiên cứu các loại dược liệu Đông y có khả năng giúp vận động viên đạt thành tích tốt nhất. Nói trắng ra là “doping”. Sự tuyệt vời của chương trình này là tìm ra các dược chất “doping” không bị phát hiện bới các xét nghiệm theo phương pháp Tây y. Cả thế giới đã từng bị “sốc” với kết quả của các vận động viên điền kinh Trung Quốc. Huấn luyện viên họ Mã đã lấp lửng “bật mí” rằng ông ta cho các vận động viên dùng máu rùa… Thực chất, vũ khí bí mật của các vận động viên Trung Quốc chính là ĐTHT .

   Thường cứ vào một năm trước khi diễn ra Thế Vận Hội Olympic, chính phủ Trung Quốc giao cho các thương nhân sang Nepal mua gom, vét sạch toàn bộ nguồn hàng. Số ĐTHT này được đưa đến Phòng Điều chế bí mật của Cục Thể thao thành tích cao. Tại đây, ĐTHT được trích ly toàn bộ các dược chất. Tinh chất ĐTHT sau đó được pha chế ra các loại thuốc tiêm, hoặc viên nén, hay dạng bột để vận động viên sử dụng như thuốc "doping". Đấy chính là nguyên nhân tại sao giá ĐTHT lại tăng đột biến cứ mỗi 4 năm theo chu kỳ Thế Vận Hội kể từ năm 2000 đến nay.
Thương nhân Trung quốc thu gom ĐTHT tại Nepal

   Trước kia, sau khi trích ly dược chất, xác ĐTHT bị đổ bỏ vì hết tác dụng. Nhưng với đầu óc ma mãnh của con buôn Trung Quốc cái bịch nylon rác rưởi còn tái chế được thì làm sao họ có thể bỏ phí mỏ vàng ĐTHT. Thế là có những đầu nậu thu gom các xác khô ĐTHT  để tái xuất bán ra các nước khác. Nguy hiểm nhất là : biết rõ tâm lý người mua ĐTHT nhằm tăng cường khả năng tính dục bọn đầu nậu này liền tẩm vào các xác ĐTHT những chất có công dụng như Viagra. Tội nghiệp cho các bác cứ tưởng rằng mình mua được ĐTHT thứ thiệt, vì dùng vào thấy “sung” quá, nào ngờ mua phải Viagra dỏm…
  Và có trời mới biết ngoài Viagra ra bọn gian thương này còn tẩm vào các xác ĐTHT những chất gì nữa!

   Các bác nhà mình chỉ nghi ngờ rằng đông trùng hạ thảo giả làm từ cây thạch thảo, hoặc những thứ giống đông trùng hạ thảo rồi cắm cỏ vào. Rồi truyền miệng rằng : "Cách xác định đông trùng hạ thảo thật sau khi đã... mua về: đem hầm rồi quan sát hình dạng, mùi. Đông trùng hạ thảo tốt là ninh lâu vẫn dai, không mủn, cọng cỏ ở đầu không nát, khi ninh toả ra mùi thơm, tanh như cá... "
  Bố khỉ, với cách dùng xác khô ĐTHT của các sư phụ Tàu ô thì các bác nhà mình có ninh, hầm vẫn cứ dính chưởng như thường!

29/12/2012

Nguyễn Phú



Còn đây là bài từ Sài Gòn Giải Phóng:
 http://www.sggp.org.vn/sggp12h/2007/6/105393/
"Loạn" đông trùng hạ thảo!
SGGP:: Cập nhật ngày 14/06/2007 lúc 14:56'(GMT+7)
Vì lời đồn thổi bổ dưỡng "gấp trăm lần nhân sâm" nên thời gian gần đây, nhiều người đổ xô săn lùng "biệt dược" đông trùng hạ thảo. Có người cần thiệt, nhưng cũng có người mua cho biết bởi "hổng bổ bề ngang thì cũng sang bề dọc". Chưa biết đông trùng hạ thảo bổ dưỡng đến mức nào, chỉ thấy nhiều khách hàng đã bị loại "biệt dược" này bổ… vào túi nhát nào nhát nấy đau điếng! 
  •  Mê cung "biệt dược"
 Trong một lần ngồi nhậu, sếp của tôi được nhóm đàn em hồ hởi chào hàng một loại rượu thuốc gọi là… đại bổ. Chung rượu chỉ lưng lưng tách trà nhưng có giá đến… 200.000đ. Thấy chúng tôi tròn mắt, ông chủ quán bật mí: "Mắc vậy mà không phải ai cũng có đâu nhé, đại bổ đông trùng hạ thảo, hàng nhập từ Trung Quốc hẳn hoi".
 



Tuyến Triệu Quang Phục và khu phố đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 được xem là trung tâm mua bán đông trùng hạ thảo nhộn nhịp nhất. Vào nhà thuốc K.D (đường Hải Thượng Lãn Ông), nghe chúng tôi tìm đông trùng hạ thảo, cô bán hàng liền bốc điện thoại và bảo chúng tôi ngồi đợi, sẽ có người mang hàng đến. Hơn 20 phút sau, chị chủ hàng chừng 40 tuổi tên D. đưa chúng tôi xem hàng: đông trùng hạ thảo đóng trong hộp gỗ bằng bàn tay màu đỏ sậm, bên ngoài có hàng chữ Trung Quốc, dưới đáy hộp có miếng vải lót và 1 gói hút ẩm. Hộp này là một lượng (khoảng 80-90 con), được chào giá 2 triệu đồng. Chê mắc, chị D. bảo: "Giá này là thấp nhất rồi đó, vì đây là hàng nuôi chứ không phải hàng trong tự nhiên. Nếu em muốn lấy hàng tự nhiên, chị cũng có nhưng giá hơn 3,5 triệu đồng/lượng". "Chị có hàng của Hàn Quốc không"? Vừa nghe tôi hỏi, chị D. giãy nãy: "Trời, Hàn Quốc làm gì có đông trùng hạ thảo? Loại này chỉ Trung Quốc mới có thôi (!?). Em phải xem hàng cho kỹ, không thôi là bị lừa như chơi đấy". Viện cớ phải hỏi lại thầy thuốc, chúng tôi ra về, chị D. liền đưa số điện thoại và dặn: "Em về bàn thêm với người nhà, nếu cần thì cứ a lô một cái, chị sẽ giao hàng tận nhà".

Tại nhà thuốc H., bà chủ chào hàng loại hộp 5 chỉ của Hàn Quốc(?) giá 750.000đ (150.000đ/chỉ). Thấy tôi không "mặn", bà đưa gói hàng 2 chỉ đựng trong bọc nhựa (tôi đếm được đúng 20 con), bên ngoài chi chít chữ, bảo: "Em lấy hàng này xịn hơn. Hàng này của Hồng Công, mấy ngày nay chị bán hút lắm, giá 380.000đ (190.000đ/chỉ)".
 Tại chợ An Đông, mỗi gói đông trùng hạ thảo 2 chỉ (khoảng 20-25 con) được "hét" giá 1,5 triệu đồng. Tìm mua loại hảo hạng để biếu sếp, bà chủ gần 50 tuổi liền đưa cho tôi hộp đông trùng hạ thảo 1 lượng chi chít chữ Trung Quốc, màu sắc sặc sỡ, xởi lởi: "Em nên lấy loại này, chị bảo đảm… chất lượng hơn hẳn. Vì con lớn hơn (cỡ 1/4 con nhộng tằm) nên tích tụ được nhiều chất bổ hơn, hàng này là "chất lượng 5 sao" đó nghen". Cái giá của gói... "5 sao" này mới nghe qua tôi đã đổ mồ hôi hột: "chỉ có"… 15 triệu đồng! 
  • Thật giả khôn lường… 

Mua ĐHT tại cửa hàng động dược đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh Đ.T

Vòng quanh trung tâm mua bán đông dược nhộn nhịp nhất này, chỉ chuyện hộp đông trùng hạ thảo "hảo hạng" 1 lượng, nhưng chúng tôi được chào nhiều giá khác nhau. Có quầy một, hai triệu đồng nhưng cũng có quầy "hét" đến… một, hai chục triệu đồng. So với nhân sâm thì mức giá này cao gấp cả trăm lần. Giải thích điều này, các chủ quầy thuốc đều có cùng câu "tiền nào của nấy đó"!

 Chủ một nhà thuốc trên đường Triệu Quang Phục giải thích rất cặn kẽ: "Muốn hái đông trùng hạ thảo, người ta phải lên tận vùng núi cao, xa xôi hiểm trở. Cả một cánh rừng rộng lớn, thường người nào giỏi lắm cũng chỉ tầm được chừng vài trăm gram. Hái về, người ta phải phân loại lớn nhỏ khác nhau, sau đó là vận chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam. Qua biết bao nhiêu mối lái, nó mới ra được tới chợ. Tìm được nó công phu và… trần ai như vậy, biểu sao mà giá không mắc"?! Một khách hàng nãy giờ nghe chuyện, bỗng quay sang tôi bỏ nhỏ: "Mặt hàng này bây giờ loạn lắm. Có trời mới biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Mình là dân tay ngang không thể nào biết được đâu".

Một thầy thuốc đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông kể, nhiều người sau khi mua đông trùng hạ thảo đã tìm đến ông nhờ kiểm chứng xem là hàng thật hay giả. Kết quả, trong 10 trường hợp ông từng xem giúp, thường chỉ có 1-2 trường hợp là "mua được hàng có chất lượng". Chính vì giá cao như vậy nên đông trùng hạ thảo là dược phẩm cao cấp được làm… giả nhiều nhất!. 
MINH AN

 Theo nhà thuốc Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh) ở Trung Quốc 3 vùng có ĐTHT nổi tiếng: Tây Tạng, Thanh Hải và Tứ Xuyên. ĐTHT có màu nâu hoặc vàng nhạt. Độ dài khoảng 4-5cm, khối lượng từ 0,3g đến 1g, có 8 đôi chân, nhưng thường chỉ nhìn rõ được 4 cặp. Giá bán của 1g ĐTHT tại Trung quốc loại tốt 1 con = 1g thì giá là 360 tệ, khoảng 700.000 VNĐ. Loại kém chất lượng hơn thì 3-4 con = 1g giá khoảng 100 tệ trở lên (khoảng 200.000 VNĐ). ĐTHT loại tốt là loại có đạm cao. Theo kinh nghiệm, ĐTHT loại tốt được đánh giá trên phần con sâu càng dài, càng mập và phần cây càng ngắn là tốt. Ngược lại thì ĐTHT sẽ kém chất lượng hơn. Do giá cao, nhu cầu nhiều, trong thời gian qua, tại Trung Quốc đã có một số trường hợp bán ĐTHT kém chất lượng, hàng giả. Hàng giả có thể làm bằng thân củ địa tàm và thạch thảo hoặc bằng bột ngô, mì… màu sắc trắng hoặc vàng nhạt, nặng hơn hàng thật. (T.Đ)

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

CHO ĐẾN BAO GIỜ?




    ĐẾN BAO GIỜ QUÊ TÔI MỚI CÓ MỘT CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ?

    ĐẾN BAO GIỜ TỪNG NGƯỜI DÂN NHỎ BÉ QUÊ TÔI NHẬN ĐƯỢC THƯ MỜI DỰ LỄ NHẬM CHỨC TỪ CHÍNH TỔNG THỐNG CỦA MÌNH?

Cuộc tập kích của lề trái

Copy từ Quê Choa: http://quechoa.vn/2012/12/27/cuoc-tap-kich-cua-le-trai/

Muốn đọc cướp hiếp giết, hoặc “tin đầu lâu” xin mời lên báo. Muốn biết sự thật thì trèo tường vào Net.
 
Đào Tuấn
Ba Sàm mượn diễn đàn Red “quăng bom” lề phải
Ba Sàm mượn diễn đàn Red “quăng bom” lề phảiAnh Ba Sàm, dưới cái tên cúng cơm Nguyễn Hữu Vinh, đeo kính trắng ngồi trên bàn chủ tọa, tay trái thủ máy ghi âm, tay phải lướt camera. Phía dưới, nhà văn Phạm Viết Đào nhát lại quay xuống giơ máy ảnh bấm tách tách. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngồi khoanh tay, khi gật gù, lúc gãi mũi, và sau đó thuyết trình về câu chuyện “rác và kim cương”. Luật sư Trần Vũ Hải thì 3 lần giơ tay “xin micro”, và còn định xin tiếp để cướp diễn đàn.
Từ lâu, truyền thông xã hội, mình cứ thích gọi là “lề trái”- cho máu, dù phải chơi trò đổi IP hay “nhảy tường Olympic”, đã ép lề phải trong vấn đề đạo đức của người truyền tin, qua Hội thảo vừa rồi, chính thức nhờ RED đóng cho một cái dấu đỏ, để tập kích “lề phải” qua một cuộc Hội thảo được xin phép đàng hoàng.
Cái đạo đức của người truyền tin là ở chỗ trong khi “lề trái” dùng tên thật để bình luận, thì không ít lề phải lại dùng bút danh, chẳng hạn trong việc đưa tin.

Đây là những “phát súng” của lề trái mà mình gom ra. Thôi thì cứ nêu ra đây và không bình luận.
Ba Sàm: Có một ví dụ cho thấy sự thụt lùi của báo chí. Năm 2007, Tuổi trẻ có một bản tin về các cuộc biểu tình phản đối TQ, nhưng bây giờ thì không.
Chưa kể, có những tin bài đã lên mạng, vì lý do nào đó không được tồn tại nữa, nhưng lại bị âm thầm gỡ bỏ, hầu như không hề được thông báo, giải thích lý do, độc giả truy cập vào không được. Làm vậy vừa thiếu tôn trọng độc giả, vừa thiếu áp lực trách nhiệm lên chính nơi đã “gây ra” việc phải gỡ bỏ tin bài đó. Ví dụ có rất nhiều, nhưng gần đây nhất là bài trên báo Thanh tra: “Đánh đấm” mạnh, ông Trần Nhung bị trả thù”, hiện còn thấy được trên mạng là phải nhờ thủ thuật tìm kiếm.

Chưa kể có tới 2 ví dụ về việc báo chính thống phải cải chính những thông tin trên blog.
Nhà văn Phạm Viết Đào: Xuất hiện rất nhiều cây viết, chủ nhân của các cư dân mạng nổi tiếng hơn cả nghề tay phải của mình, họ là nhà báo nhưng người đọc biết nhiều về họ hơn nhờ viết blog chứ không phải viết báo; có nhà báo bỏ cả nghề báo để viết blog; có ông chẳng liên quan gì đến nghề báo tự dưng nhảy ra làm trang mạng có sức lôi cuốn người đọc, thách thức các tổng biên tập báo chính thống khiến cho Huy Đức một nhà báo kiêm một blogger có tiếng đã phải thốt lên: Báo chính thống nói chuyện Basam; Còn Basam lại đưa chuyện chính thống…Rất nhiều các hãng thông tin nước ngoài khi một tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó lạ thường tìm đến các blogger hơn là tìm đến những nhà báo, nhà quan sát chính trường có nhãn mác, bằng cấp và giấy phép hành nghề. “Làm sao để các nhà báo được sống hết mình với tin bài của mình như các trang mạng xã hội, có như thế báo chí mới góp phần hữu ích vào đời sống xã hội”.
Nhà báo Mạnh Quân:
Nếu chỉ quan tâm, đọc báo trên báo in, báo online, truyền hình…của nhà nước là không đủ…Có rất nhiều thông tin từ facebook, từ các diễn đàn, trang web, blog cá nhân…hữu ích cho công việc của tôi mà nhiều khi, đọc báo chính thống, tôi không có được hoặc có chậm hơn. So sánh với các blogger bình thường khác thì theo tôi, các nhà báo thường cũng có xu hướng kiềm chế, kiểm soát nội dung mình. Với cá nhân tôi và có thể với không ít nhà báo khác, việc chủ động tham gia, tham gia thường xuyên vào TTXH, vào FB…đặc biệt là với FB hay blog…thì đó thực sự còn là công cụ để giữ được “lửa nghề”. Có những điều anh không thể nói được trên báo thì anh nói được trên FB, blog của mình, giữ được quan điểm, nói lên được nhiệt tâm của mình.
Đoạn này là của mình:
“Một bản tin trên BBC dưới tựa đề “Truyền thông VN im lặng về biểu tình”. Đây là những gì mà BBC đã viết: Một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Hai cuộc biểu tình ở các thành phố lớn nhất Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm người, cho dù bị giải tán một cách nhanh chóng. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài, với hầu hết các đài báo quốc tế lớn đều có tin, bài. Thế nhưng ngay ở trong nước, không thể tìm thấy một dòng nào về các cuộc biểu tình”.
“Lòng tự trọng khiến tôi tin những người làm báo ở Việt Nam cảm thấy bị tổn thương. Bởi với bất cứ lý do gì, báo chí đang mặc nhiên coi như không nghe, không biết, không thấy sự kiện người dân xuống đường phản đối Trung Quốc. Nếu báo chí là người chép sử của hiện tại, thì với cách thức chúng ta im lặng ngày hôm nay, 100 năm sau, những thế hệ con cháu sẽ lại gặp những khoảng trống trong lịch sử?”
“Báo chí hoặc im lặng, hoặc đưa ra những bản tin 200 chữ không có thông tin, sẽ càng chỉ khiến bạn đọc tìm đọc những sự kiện đó trên Internet, trên truyền thông xã hội. Bởi trong nhiều sự kiện, mà điển hình là sự kiện 9-12, blog đã thay thế báo chí ngay trong chính vai trò thông tin của mình”.
Anh Ba Sàm đầy tinh thần lạc quan đến xuất một mô hình “Đặc khu thông tin”, như “đặc khu kinh tế”. Đó là “Khu vực trung dung giữa báo chí chính thống và TTXH. Ở đó có sự theo dõi, quản lý nhất định của cơ quan chức năng, nhưng không cần thiết chặt chẽ như với báo chí hiện nay. Ở đó thông tin cung cấp “thoáng” hơn báo chí chính thống nhưng sẽ cẩn trọng hơn so với TTXH. Có những thông tin “nhạy cảm” của nhà nước, không tiện đưa lên báo (có thể tránh đụng chạm quan hệ ngoại giao chẳng hạn, vì mang tiếng là báo nhà nước), nhưng lại rất cần phổ biến tới người dân, để thử nghiệm hay tận dụng tiếng nói công luận. Có những vấn đề cần lắng nghe nguyện vọng, sáng kiến của dân, nhưng lâu nay vẫn lúng túng khi cần tổ chức thu thập qua báo chí “chính thống”.
TS Nguyễn Quang A thì nói về câu chuyện Thông tin trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook, blog… “thì rác cũng có mà kim cương cũng có”. Thế nào là rác? Anh Ba: “Các tòa báo, trước áp lực “mất khách”, và thậm chí cả soi lưng từ TTXH, họ phải bươn chải hơn để tồn tại, tìm đủ mọi cách lách, và câu khách bằng thị hiếu tầm thường, gây tác động làm méo mó thêm từ môi trường báo chí cho tới đời sống văn hóa, tinh thần của cả xã hội”.
Còn nhiều chi tiết nữa mà một người 100% lề phải như mình thậm chí không dám chép trên blog.
Cú “pháo hạm”, có lẽ là “thông điệp” mà lề trái nhắn tới độc giả: Muốn đọc cướp hiếp giết, hoặc “tin đầu lâu” xin mời lên báo. Muốn biết sự thật thì trèo tường vào Net.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: Ấn Độ có lợi ích ở Biển Đông

 http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thu-tuong-Singapore-Ly-Hien-Long-An-Do-co-loi-ich-o-Bien-Dong/263424.gd
Thứ năm 27/12/2012 06:20
(GDVN) - Vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực và tự do hàng hải, trong đó Ấn Độ đang có lợi ích lớn
Ngày 26/12, tờ Times of India đăng tải bài phỏng vấn độc quyền Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi ông sang Ấn Độ dự hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN hồi tuần trước, ông Lý Hiển Long cho rằng Ấn Độ có lợi ích ở Biển Đông khi trả lời câu hỏi về vai trò của New Delhi đối với việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long




Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với Trung Quốc là mối quan tâm chung của ASEAN "vì nó diễn ra ngay trước cửa nhà chúng tôi".

Vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực và tự do hàng hải, trong đó Ấn Độ đang có lợi ích lớn trên tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua Biển Đông, do đó nó sẽ được New Delhi đặc biệt quan tâm.

Đối với Trung Quốc, ông Lý Hiển Long cho rằng sẽ không dễ gì để Bắc Kinh bỏ qua những gì họ tuyên bố là của họ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Hiện tại ASEAN đang tiếp tục theo dõi những gì sẽ diễn ra trên biển Hoa Đông, nơi đang tồn tại tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh nhóm đảo Senkaku cũng như những gì sẽ diễn ra trên Biển Đông.

Thủ tướng Singapore đánh giá, bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc (sau đại hội 18) là những người có khả năng, tỉnh táo và "không kích động", họ cũng muốn hòa bình trong khu vực và cần phải đối phó với nhiều vấn đề đối nội khó khăn như chống tham nhũng, cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Về mặt đối ngoại, Trung Quốc cũng sẽ tìm cách ổn định các mối quan hệ với các nước láng giềng và Mỹ.

Ông Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng các bên liên quan trên Biển Đông kiềm chế và hướng tới bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau.
Hồng Thủy (Nguồn: Times of India)

Fidel Castro giã biệt Hugo Chavez

http://kichbu.blogspot.com/2012/12/fidel-castro-gia-biet-voi-ugo-chavez.html
Фидель Кастро

Фидель Кастро прощается с Уго Чавесом

Carlos Alberto Montaner
Nguồn: inosmi.ru
Kichbu posted on 25.12.2012
 
“Tôi tin chắc một điều rằng các bạn cùng ông ấy, và, dù sự mất mát của ông ấy đau thương biết bao đi nữa, các bạn sẽ đủ khả năng để tiếp tục sự nghiệp do ông ấy khởi xướng”.

Trong giới  thân cận của Chavez quan sát thấy những xích mích nghiêm trọng. Diosdado Cabello tìm cách trì hoãn sự nhậm chức chủ tịch của Chavez. Có vẻ như ông muốn để cho ông ấy có thời gian bình phục. Nhưng những người trong giới cạn thần của Chavez cho rằng ông muốn để cho ông ấy có thời gian để chết. Bởi không có Chavez, dùng thủ đoạn đơn giản hơn với ông ấy.

Ở Havana yên tĩnh Fidel Castro, người biết về sức khỏe của Ugo Chavez rõ hơn ai hết, hôm 15 tháng Mười hai đã công bố bài viết ngắn, về cấu trúc như bản cáo phó điển hình. Đang sống ông đã giã biệt với người học trò của mình và báo hiệu cho những người kế tục của ông ấy. Vị Tổng tư lệnh đã kết thúc thông điệp của mình như thế này: “Tôi tin chắc một điều rằng các bạn cùng ông ấy, và, dù sự mất mát của ông ấy đau thương biết bao đi nữa, các bạn sẽ đủ khả năng để tiếp tục sự nghiệp do ông ấy khởi xướng”.
Đó là phần chính của thông cáo. Mọi thứ còn lạikhác – đầy nội dung ngoại giao, lịch sự và không có ý gì đặc biệt. Lập tức sau khi công bố bài viết này đã xuất hiện thông báo rằng tổng thống Venezuela bị suy phổi và đã được các bác sĩ đã làm dịu bớt. Trước đó, trong quá trình phẫu thuật, họ đã ngăn chặn được sự chảy máu nguy hiểm, vì nó mà Chavez đã nằm trên bờ vực giữa cái sống và cái chết. 
Dù ở đó chuyện gì xảy ra như thế nào đi nữa, Chavez, nếu không xảy ra một điều kỳ diệu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề riêng và còn nặng nề hơn nữa, chúng liên quan đến thể  lực ốm yếu của ông như bất kỳ bệnh nhân ung thư nào ở giai đoạn cuối cuối cùng của con bệnh. Trị hóa xạ đôi khi tạo điều kiện chữa bệnh, đôi khi – chỉ thúc đẩy quá trình của  bệnh tật.

Trong 14 năm qua, cựu quân nhân này đã xây dựng được một quốc gia tham nhũng nhất ở Mỹ Latin. Theo bảng xếp hạng của Transparency International, Venezuela chiếm vị trí 166 trong số 176 quốc gia trên hành tinh được phân tích.

Caracas, nơi cứ 100 nghìn người dân có 130 vụ giết người, là thành phố nguy hiểm nhất thứ hai trên thế giới (ở Chicago,  máy xay thịt, của Hoa Kỳ, con số này chỉ có 19).

L
ạm phát hàng năm ở Venezuela đạt 29%, đây là tỷ lệ cao nhất ở Mỹ Latin và một trong những chỉ số tồi tệ nhất trên thế giới.


Nếu trước đây đất nước này tiếp nhận những người nhập cư, thì bây giờ nó đã biến thành cổ máy tàn bạo trục xuất những người Venezuela có học vấn và kinh doanh ra khỏi lãnh thổ của mình. Theo một số số liệu thống kê, khoảng 500 nghin người vượt biên, trong đó 200 nghìn người định cư tại Hoa Kỳ. Họ ra đi cùng với những kiến thức của mình và, nếu được, với những đồng tiền của mình đến các quốc gia viễn cảnh hơn. Thiệt hại gây nên không thể được.

Mặc dù đây là đất nước được quản lý kém nhất ở châu Mỹ Latin, nơi trong những năm cầm quyền của Chavez, đã đóng cửa 107 nghìn xí nghiệp (trong tổng số - 600 nghìn), khoảng 55% người dân Venezuela đã bỏ phiếu cho cuộc sống buồn chán và tăm tối này tại các cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng Mười.

Tại sao ư? Bởi vì chính phủ đã chi một phần đáng kể thu nhập của mình cho cái gọi là "chi phí xã hội".  Khoảng ba mươi "sứ mệnh" đang nghiên cứu học tập, trợ cấp cho các sản phẩm tiêu dùng, điều trị bệnh nhân và phân phối các hỗ trợ vật chất ở mức độ cao nhất không hiệu quả, nhưng điều này đã đủ để mua phiếu bầu và tạo ra một mạng lưới chính trị rộng lớn các cử tri và những cái dạ dày hài lòng.

Người kế nhiệm Nicolas  Maduro được Chavez chỉ định liệu sẽ tuân thủ  mô hình tham nhũng và vô nghĩa, những khẩu hiệu kích động, đấu tranh giai cấp, một tinh thần chống Mỹ cuồng nhiệt, sự can thiệp ngày càng tăng của nhà nước vào mọi lĩnh vực của cuộc sống? Liệu ông này có tiếp tục phá vỡ các cơ sở sản xuất và phát triển vô tội vạ các hình thức trợ giúp xã hội mà nó chẳng dẫn đến điều gì ngoại trừ một nền độc lập và thái độ vô trách nhiệm của công dân?

Fidel Castro cũng muốn bảo vệ cuộc cách mạng o sòm này, tức là 10 tỷ dollars Cuba nhận được hàng năm từ chính phủ Venezuela để chi cho các khoản khác nhau, bao gồm hàng năm được cung cấp 115 nghìn thùng dầu. Những con số này đã được công bố bởi Viện Nghiên cứu Cuba, đặt tại Miami.
Nói  thật ra, khó mà hình dung rằng người kế nhiệm của ông Chavez, cho dù ông ta là người như thế nào, sẽ đi theo đường mòn do caudilo Bolivia sắp đặt. Nợ công của đất nước tăng từ 35% GDP vào năm 1998 đến 71% vào vào năm 2012. Sự sụt giảm giá dầu sẽ dẫn đến  thảm họa khủng khiếp.
Rõ ràng, rằng tại buổi lễ tiễn biệt với caudillo sẽ bắt đầu cuộc đấu tranh nghiêm trọng giành quyền lực giữa những người kế nhiệm tiềm năng. Không có ý kiến thống nhất về điều rằng ai sẽ tiếp quản quyền lực về tay mình và di sản của Chavez nằm ở đâu. Điều duy nhất rằng tất cả đều biết, rằng tất cả như thế, rằng đất nước đang đi theo con đường rất nguy hiểm.

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

BÃI BIỂN DÀI NHẤT THẾ GIỚI: COX's BAZAR - PHẦN 2


 DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI: TẮM BIỂN KIỂU BANGLADESH


Bangladesh là một nước Hồi giáo, theo phong tục Islam, phụ nữ khi ra đường phải che kín 100%. Tuy thế, chiếc áo choàng đen với khăn trùm đầu chỉ hở đôi mắt sâu thẳm không ngăn chặn được sức hấp dẫn tự nhiên của phái đẹp đối với mình mà chỉ càng thêm cuốn hút, quyến rũ mình lao về họ như một con thiêu thân không sợ lửa. Bangladesh hiện đại đã có nhiều phụ nữ đi làm ở công sở, vả lại luật lệ đạo Hồi xứ này cũng không quá nghiêm khắc như ở Pakistan hay Afghanistan, cho nên tỷ lệ phụ nữ đeo khăn trùm đầu cũng không còn chiếm đa số. Dù vậy, ngoại trừ khuôn mặt tuyệt đẹp ra, bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ phần thân thể nào của phụ nữ ở đây. Ở Ấn Độ, bạn có thế ngất ngây trước những vòng eo tuyệt mỹ, những bờ vai trần hoàn hảo, những tấm lưng nuột nà không tỳ vết hay cả đôi gò bồng đảo nóng bỏng bên dưới chiếc áo cánh cách điệu chỉ nhỉnh hơn chiếc áo ngực tý xíu của những giai nhân tuyệt sắc những khi chiếc sari của họ hững hờ buông thả. Phụ nữ Bangladesh cũng choàng sari, nhưng bên trong là cả bộ áo dài kín đáo, không hở một centimetre nào cho các đôi mắt phàm tục như mắt của mình lợi dụng. Tối đa, bạn chỉ có thể ngắm một cách kín đáo gương mặt và đôi tay của họ; nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của một phụ nữ không phải vợ mình là một hành động khiếm nhã và vô cùng xúc phạm đến những thân nhân là đàn ông của họ- và điều ấy có thể tước đi cuộc đời tươi đẹp của bạn.
  Đêm ấy thức khuya, mình ngủ chập chờn với giấc mơ về một bãi biển tràn ngập những người đẹp Bangladesh mặc những bộ bikini tung tăng trên cát nóng… giống như bãi biển Mumbai…

  Anh chàng Mafuzur ngủ nướng nên mãi tới hơn 8 giờ sáng bọn mình mới ra tới bãi biển. Hôm ấy là ngày thứ sáu, ngày nghỉ hàng tuần của dân Bangladesh nên bãi biển Cox’s Bazar khá đông các gia đình từ Chittagong đi nghỉ mát (giống như dân Saigon đi chơi biển Vũng Tàu vậy). Mình háo hức đi thật nhanh xuống bãi cát vàng rực rỡ dưới mặt trời mùa đông để chứng kiến giấc mơ của mình đêm qua thành sự thực… Ha ha… Bé cái nhầm! Nói theo kiểu “Chiếc nón kỳ diệu” là: “Bikini? Không có một chiếc bikini nào cả!”... Hi hi, câu “nothing” của anh chàng Sak quá đúng.  

Nam phụ lão ấu… tất tần tật mặc quần áo nghiêm chỉnh như đi hội chợ… lũm chũm chạy xuống, sóng nước chỉ vỗ tới mắt cá chân đã cười ré lên vội vã chạy trở lại. Thi thoảng có một vài người dám ra xa hơn chừng 5-7m, nơi nước ngập tới … đùi… rồi đứng đó chờ sóng biển đến mà nhảy sóng … rồi cười sung sướng mãn nguyện… Tắm biển kiểu Bangladesh là như vậy đấy!   




  
Dân Bangladesh thật là hoang phí!
Sở hữu một bãi biển số một thế giới mà không tận hưởng cái thú vui đùa cùng sóng nước. Sở hữu những người đẹp làm phái mày râu thót tim mà không hề khoe ra… (để mình có dịp ngắm trộm… hu hu buồn năm phút). Sở hữu nguồn hải sản phong phú, đa dạng không thua kém Việt Nam mình mà không biết thưởng thức các món luộc, hấp, nấu lẩu, kho, nấu hủ tiếu hải sản, nấu canh chua, nướng, làm mắm… Phí quá!
Hai cô nàng hở hang nhất bãi biển ngày hôm ấy...

  Mình xách cái handycam lượn vòng vèo từ đầu xóm-nhúng-nước-biển đến cuối xóm-chạm-nước-biển. Tuyệt không thể tìm ra một chị em nào dám mặc… mà nói gì phái nữ, kể cả đàn ông cũng không ai cởi trần. Chán ơi là chán. Chán đến nỗi mình cũng không tắm biển luôn. Thứ nhất là nếu mình cởi trần thì sợ sẽ bị bắt vì tội… “công xúc tu xỉ”  he he… Thứ nhì: không có chỗ tắm nước ngọt! Một lần nữa anh chàng Sak lại nói đúng. Mặc nguyên bộ đồ mà dầm nước biển rồi phải lội bộ hơn cây số về khách sạn để tắm nước ngọt rồi lại lóc cóc quay xuống đây thì chết còn sướng hơn.
Không tắm, thế là mình muốn đi dọc theo bờ biển ngắm cảnh. Mafuzur gọi một chiếc auto-ricksaw made in China rồi cả hai lên đường. Xe chạy tà tà trên con đường nhựa nhỏ dọc theo bờ biển ngăn cách bãi cát vàng và dãy đồi thấp.


Bên này là gò đồi hoang vu, sau mươi km lại nhường cho những làng xóm bình dị. Bên kia, bọt sóng trắng nối tiếp bọt sóng trắng như những chiếc hôn cuồng nhiệt biển Bengal gửi cho bờ cát vàng yểu điệu. Thi thoảng, một khoảng vườn dừa thơ mộng làm chỗ nghỉ chân cho những tâm hồn lãng mạn. Rồi những xóm chài nhỏ bé với những chiếc thuyền hai mũi cong cổ truyền của ngư dân Bangladesh đủ để cho các phó nháy chụp cả ngày mà triển lãm...




  Chốc chốc, một người dân địa phương bày trên lớp rơm mỏng bên vệ đường những quả dưa chín mọng xanh vỏ đỏ lòng, ngọt lịm tận kẽ răng được trồng ngay trên bãi cát vàng gần đó. Thế là mình được ăn Tết sớm. Bạn cũng có thể dừng chân nơi một vườn dừa và yêu cầu chủ vườn leo lên bẻ dừa cho bạn. Haiza, kỳ này dân Bến Tre trổ tài nha. Anh chàng chủ vườn đu bên dưới bẹ lá theo yêu cầu của mình bẻ thử một trái ở từng quài quăng xuống, mình búng búng vỏ dừa rồi phán cái này chưa có cái (còn non theo cách nói của dân xứ dừa tức chưa có cơm dừa); cái này nạo (cơm dừa vừa ăn); cái này cứng cạy (cơm dừa dày ăn không ngon)… Dĩ nhiên là giải thích vòng vo bằng tiếng Anh bồi rồi… Mấy chục năm xa quê, hổng ngờ không bị lụt nghề …làm mấy anh chàng địa phương mắt tròn mắt dẹt thán phục… Chỉ tiếc là bây giờ già rồi, lại mập ú nữa nên không còn leo dừa được, nếu không mấy anh chàng địa phương này phải lé mắt luôn trước các tuyệt chiêu của dân xứ dừa…
Dưa hấu đêêê... ăn Tết sớm đêêê

   Nếu đi vào các làng chài vào buổi sáng hay chiều bạn có thể mua được hải sản tươi rói mới đánh bắt từ biển về. Nhớ kỷ niệm hai mươi năm trước mình về quê thằng bạn đại học ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ngày nào cũng được ăn cá thu tươi, mực tươi hấp chấm nước mắm sống. Bước vào một chợ làng ở đây (Cox’s Bazar), cũng đầy đủ cá mực tôm tép tươi chong… Thế là lên kế hoạch cho tháng tới về đây sẽ không ở khách sạn mà sẽ vào trong làng mướn nhà ở trọ, mặc sức mà nấu nướng theo kiểu Việt Nam he he…
   Thực ra nếu muốn tắm trần (với quần áo tắm, dĩ nhiên) bạn chỉ cần chịu khó đi xa ra khỏi thành phố và làng mạc. Mình đã nghĩ ra chiêu chở theo hai can 20l nước ngọt để tắm lại và mang theo mấy cái võng cho lần sau về Cox’s Bazar (tốt hơn nữa là có một thùng bia và dụng cụ để nướng thức ăn ha ha). Còn đơn giản hơn nữa là tắm đêm, tuy nhiên ở đây đêm xuống biển cả tối mịt mù với lại còn sợ “cá lạ” nó rỉa cho một phát thì toi, nên không tắm đêm cho nó lành hi hi…
  Phải cảnh giác với người địa phương nha bạn!(nói đùa nha...) Lonely Planet ấn bản mới nhất về Bangladesh xuất bản năm… 2008 nói rằng dân Bangladesh rất tò mò và sẽ bu kín lấy người ngoại quốc. He he… năm 2012 không đến nỗi như vậy nhưng quả thực là dân Bangladesh rất tò mò và thích tiếp xúc với người nước ngoài, dù là “Tây mũi tẹt da vàng” như mình. Ở Nepal, mình thường bị nhầm là người bản xứ, trong khi ở Bangladesh cái mặt của mình từ xa một cây số cũng dễ dàng nhận ra là người nước ngoài giữa đám đông người bản xứ có màu da bánh mật nồng nàn, mắt to sâu, mũi cao.  Câu thường xuyên bạn bị hỏi là: “Anh từ đâu đến? Bangladesh thế nào? Đẹp hông?”  Tuy đen so với dân Việt nhưng dân Bangladesh da sáng hơn người ở Nam Ấn Độ và tóc thẳng chứ không xoăn. Có lẽ, người Bangladesh là hợp chủng giữa Dravidian (dân Nam Ấn có nguồn gốc từ Phi Châu) và dân Mon-Khmer (Miến Điện).

Nụ cười hồn nhiên của các em bé địa phương

  Biển ở đây có màu xanh da trời hơi ngả sang màu ngọc bích. Bờ cát dài không ô nhiễm, không rác rưới, không bịch nylon. Nước trong văn vắt. Quả là Thiên đường cho dân mê biển. Nói rằng bãi biển Cox’s Bazar còn hoang sơ là nói ở thì hiện tại và quá khứ, chứ tương lai gần thì không còn bao xa… Mình chỉ đi dọc theo con đường nhựa nhỏ chạy song song theo bờ biển vài chục cây số, thế mà đã thấy toàn bộ đất đã được chia lô xí phần, có khoảnh đã bắt đầu xây dựng các resort, hotel 5-7 sao, có khoảnh vẫn còn là các trại cá giống nhưng cũng chỉ là tình trạng xí phần đã diễn ra ở Nha Trang hơn chục năm trước. Mafuzur bảo rằng cách đây vài năm giá đất dọc theo con lộ này rẻ bèo chỉ 1-2 ngàn đô 1000m2. Nay thì rớ vào là phỏng tay. 100 ngàn đô 1000m2 và đang lên giá từng ngày. Anh bạn trẻ của mình cũng chốp được một lô đất từ tiền lời của vụ kinh doanh đầu tiên (mình sẽ kể sau về anh chàng này và thế hệ của anh ta được gọi bằng nick “The Campus Generation” ở Bangladesh. Rất đáng cho các bạn trẻ tìm hiểu). Lô đất của Mafuzur không nằm ở mặt tiền, nhưng hắn kiếm thêm được một apartment nhìn ra biển ở một building cao cấp đang xây dựng. “Năm sau anh về đây thì khỏi phải ở khách sạn.” Hắn cười hãnh diện.    





  Năm 2011, Cox’s Bazar cũng lọt vào tầm ngắm của New Open World Corporation (NOWC) –Tổ chức lừa đảo bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới. (Đã là kỳ quan của Tạo hóa mà còn bầu chọn thì bùn cời hỉ?)   May mà chính phủ Bangladesh tỉnh táo, người dân không mù quáng mê muội nên không có những tên bố láo nhắn hàng trăm nghìn tin nhắn bầu chọn và ép nhân viên cũng phải nhắn tin bầu chọn hay có những ông quan đầu đất làm trò khỉ mang cả đứa bé miệng còn hôi sữa ra bấm tin nhắn như trường hợp Vịnh Hạ Long. Thế là NOWC lẳng lặng cút khỏi Bangladesh đồng thời xóa tên Cox’s Bazar ra khỏi danh sách dỏm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Ở một bảng xếp hạng khác không cần bầu chọn, Cox’s Bazar xếp chung nhóm với Vịnh Hạ Long trong mục Kỳ quan tự nhiên châu Á. Châu Á thôi chứ chẳng thế giới, thế gian gì ráo trọi). Bangladesh đâu có cần mua cái bánh vẽ của NOWC! Hữu xạ tự nhiên hương, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới tranh nhau đầu tư hotel, resort, hàng triệu du khách hàng năm nườm nượp tìm đến nơi này.
   Điểm kết thúc của bãi biển dài nhất thế giới Cox’s Bazar là Teknaf, cũng là điểm cực nam trên đất liền của Bangladesh, ngăn cách với Myanmar bằng một biên giới tự nhiên: con sông Naf. Đến đây bạn sẽ có thể có thêm một cuộc phiêu lưu cảm giác mạnh: thuê thuyền đi ngược dòng sông Naf giữa hai quốc gia Bangladesh và Myanmar. Chuyến đi này chỉ dành cho những tay ưa mạo hiểm, điếc không sợ súng… từ lính biên phòng cả hai bên Bangladesh và Myanmar… Nghe mà ham rồi lại sợ. Hổng biết lần sau về Cox’s Bazar mình có dám đi không nữa…

  Rồi nếu chán cảnh lang thang “bờ cát dài phẳng lặng” (Xuân Diệu), bạn có thể theo tàu ra các hòn đảo. Nổi tiếng nhất chính là đảo Saint Martin với những rạn san hô và rùa biển, với những con suối nước ngọt nơi bạn có thể tắm tiên…

  Xe chạy hơn tiếng đồng hồ, 30km, mà bờ cát vàng vẫn mời gọi đi mãi đi mãi… Sợ xe hết… pin nên mình bảo Mafuzur nói tài xế quay xe về (thực ra mình sợ phải đẩy xe he he)… Đây là loại xe tuk-tuk do Trung Quốc chế tạo chạy bằng bình ắc-quy, giá rất rẻ chừng trên dưới 1000USD; hiện đã bắt đầu phổ biến khắp Bangladesh (mình sẽ nói về xe cộ và giao thông ở Bangladesh ở bài khác). Ưu điểm của loại xe này là không khói, không tiếng ồn. Mỗi lần sạc đầy bình accu có thể chạy … từ sáng tới tối – bác tài nói vậy. Nhưng khi mình hỏi tiếp chạy cả ngày chừng bao nhiêu cây số, bác ấy hồn nhiên nói chừng trên dưới 50km… Hú hồn! Đẩy cái xe Trung Quốc mắc dịch này suốt 50km về lại thành phố chắc cặp giò mình xin nghỉ hưu non…

   Nếu thích một bãi biển hoang sơ đẹp đến nao lòng, nếu muốn tìm kiếm cảm giác thanh bình yên ả, hay tận hưởng một tuần trăng mật “độc” suốt đời không thể nào quên thì Cox’s Bazar là nơi xứng đáng cho bạn tìm đến. Nhanh lên bạn! Cox’s Bazar đang lột xác từng ngày từ một cô gái chân quê chất phác thật thà trở thành một quý bà thành thị diêm dúa. Không lâu nữa đâu, những cảnh đẹp thơ mộng này rồi chỉ còn là ký ức đẹp đẽ giống như đã từng xảy ra với những bãi biển xô bồ ngày nay ở Việt Nam.