Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

CÂU CHUYỆN CẢNH SÁT 1



THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:POLICE STORY 1
Việt Nam mình nghỉ cuối tuần thứ bảy, Chúa nhật. Bangladesh thì nghỉ vào ngày thứ sáu, trong khi Nepal thứ bảy và India thì Chúa nhật. Như vậy, làm ăn ở Nam Á, thường thì coi như mình nghỉ weekend đến 3 ngày một tuần (may mà không có nước nào nghỉ vào ngày thứ hai, ba, tư, năm he he…) Bữa nay coi như thư giãn cuối tuần, nháy tên một series  phim Hongkong của danh hài Thành Long cuối thế kỷ trước “Police Story” chốp vài “xen” của cảnh sát các nước cho vui.
 
    Một số báo mạng (lề phải, Việt Nam) hay có loạt ảnh “Chỉ có ở Việt Nam”. Nào là cảnh chở hai ba chú cẩu ngồi trước, ngồi sau người lái; nào là lái xe bằng chân; nào là xe đạp chở xe gắn máy; nào là xe gắn máy “siêu trọng” chở hàng cồng kềnh ngang ngửa một xe tải… Thế nhưng không thấy một hình ảnh thú vị là các “tá” công an  đứng ở ngã tư thổi tu huýt hi hi… Việt Nam mình sang thật! Chơi cả đại tá làm cảnh sát gác đường. Mà các bố ấy còn tranh giành nhau đi gác đường nữa nhé! Tội nghiệp các xứ khác ghê, hình thức kỷ luật nặng và “quê” nhất là bị đì đi tuần tra ngoài đường. Cứ xem phim “Lethal Weapon” của Mel Gibson hay “Rush Hour” hoặc “Police Story”  của Thành Long thì thấy. Mà xứ sở chi lạ rứa hè, tướng tá nhiều như mè vậy. Ở đồn công an phường, bét nhất cũng thượng úy, đại úy, cảnh sát khu vực cũng đeo lon trung tá, còn đại tá CSGT là chuyện thường. Mới rồi nghe đâu có tới mấy chục vị công an được phong “tướng”. Không biết các “tướng” này đánh giặc nào? Kinh!  Còn các nước khác, thường chỉ là “officer” và “captain” , lính và xếp. Lính lâu năm là “sergant” cho đến khi về hưu, chứ đâu có major, colonel cảnh sát. Lại càng không bao giờ có colonel mà cưỡi xe tuần tra hay núp lùm canh me phạt xe cộ giao thông. Vì hiếm và ít nên tướng, tá của các nước rất “honor”, được tôn kính .
Cảnh sát giao thông Nepal


    Nhớ hồi mới qua Nepal, tiếp xúc với cảnh sát du lịch. Trời, coi cả một cái Tourist Police ngang một Cục Công An của Việt Nam chỉ là một phụ nữ đeo lon Đại úy. Nghe mình nói có thằng bạn làm colonel cảnh sát ở Việt Nam cả phòng mắt tròn mắt dẹt nhìn mình nể phục lắm. Anh chàng phó ở đó rụt rè hỏi thế bạn mày có xế hộp nhà nước cấp và xăng miễn phí để đi lại hông, lương nó bi nhiêu? Cái gì? cấp xe cho cấp tá đi làm? Có mà điên! Cấp tá công an Việt Nam nhiều như muỗi trong lùm, cấp xe và xăng cho họ đi làm có mà phá sản. Thế là mình muốn lòe chơi nên nổ luôn: Dĩ nhiên rồi, không phải một mà tới hai chiếc xế hộp, toàn Mẹc nha. Thu nhập của nó hả? Nó ở biệt thự, và còn có một dãy nhà cho thuê. Uống rượu hả? Nó nhậu toàn Black Label thôi… (Car? Of course, not one but two, all Mercedes. His income? He has a bungalow and a lot of houses for rent. Drink? He only drinks Black Label.) Mình dùng income chứ không dùng salary vì có ai ở VN mà sống bằng lương, trừ giai cấp tiên tiến “công nhân thực thụ”?  Còn chuyện xe cộ, nhà cửa, nhậu nhẹt là thật, có điều là từ tiền túi của anh công an nọ chứ không phải từ “lương” như ở Nepal. Cả văn phòng chỉ huy Cảnh Sát Du Lịch Nepal ồ lên thán phục.
Sếp Cảnh sát Nepal
   Không thán phục sao được khi mà lương của officer cảnh sát Nepal chỉ có 10.000Rupees/tháng (=150USD= 3 chai VNĐ) còn đại úy Cục trưởng cũng chỉ có 30.000Rs/tháng (=9 chai VNĐ). Quá bèo! Ngoài ra không có bổng lộc, thu nhập gì khác, loạng quạng bốc hốt là bị đưa ra tòa, đuổi khỏi ngành, mất hết cả danh dự, bị xóm giềng tộc họ khinh bỉ.
    Mới hôm qua thôi cảnh sát thủ đô Nepal công khai kết quả của 03 tháng chiến dịch chống người say rượu lái xe. Theo đó, đã bấm lỗ bằng lái xe 8.301 trường hợp (281 trường hợp 2 vi phạm lần 2, 10 trường hợp 3 lần và 2 trường hợp 5 lần). Mỗi lần bị bắt quả tang say rượu lái xe, tài xế bị phạt chỉ có 1000Rs nhưng phải chầu chực ở nơi đóng phạt cả ngày, xe thì bị giam 24 tiếng đồng hồ, ngoài ra còn phải vào văn phòng cảnh sát giao thông nghe “giảng đạo” về luật giao thông 20 phút. Đủ thứ rắc rối phiền hà. Thế là có trự sẵn sàng lót tay cho CSGT 2000-3000Rs để được cho đi, nhất là ở khu vực ngoại ô, quốc lộ hay các con hẻm vắng.  Thế mà CSGT Nepal ngu cách chi. Kiên quyết không lấy. Còn dọa truy tố thêm tội hối lộ nhân viên công lực nữa chứ. Mà đi bắt say rượu lái xe có sướng gì đâu. Thức đêm thức hôm: ca làm việc từ 8 giờ tối tới 2 giờ sáng kể cả mưa gió bão bùng, mùa đông lạnh O độ cắt da cắt thịt. Không đủ dụng cụ để các bác tài thổi vào đo nồng độ rượu nên nhiều CSGT phải dùng … mũi hửi mồm của các tài xế… Kinh! Thế mà không biết hốt tiền như CSGT Việt Nam để mua nhà lầu xe hơi, uống rượu ngoại. Nghèo thì phải đạo rồi! 
Chỉ có ở Nepal: hửi mồm để bắt lái xe say rượu.

  Đấy là ở xứ nghèo mạt rệp như Nepal. Giờ quay qua xứ tư bản thiên đường mơ ước của dân châu Á: Singapore.

  Mình chỉ ghé qua Sing vài lần, không sống ở đó đủ lâu. Chuyện sau là chuyện thật xảy ra cho mình.
   Tháng Ba năm rồi, trên đường về VN, mình ghé qua Sing. Buổi chiều tối cuối cùng mình ra khu Orchid Road để mua 01 cái Iphone cho đứa cháu. Lò mò vào một trung tâm mua sắm bình dân quần khắp các gian hàng dọ giá, rồi cuối cùng tấp vào một quầy của 3 chú em ba tàu rặt để mua vì giá rẻ, chỉ có 350USD. Trả tiền mặt liền. Sau đó, một chú hỏi mình: anh có muốn bẻ khóa (unbreak) và cài phần mềm không?  Dĩ nhiên rồi. Nhưng mình sơ ý không hỏi giá mà nó cũng không đề cập đến chi phí. Lệ thường thì vụ này miễn phí hoặc chỉ tốn số tiền nhỏ 5-10$. Chú nhóc này mang cái Iphone chạy đi chừng 10 phút sau trở lại và phán: Anh phải trả 1000USD cho dịch vụ này. Cái gì? 1000USD. Mình nổi điên lên: You are cheater! (Mày là thằng lừa đảo). Thế là cãi nhau. Nó bảo mình phải trả tiền dịch vụ cộng thêm nếu muốn lấy cái phone, còn không thì mất tiền. Lúc đó đã gần 9 giờ tối. Một mình mình không thể cãi lại 3 thằng tàu đã hiện nguyên hình là lưu manh. Thế là chạy ra ngoài đường tìm người giúp. May, có một anh cảnh sát đứng ở ngã ba đường. Mình chạy lại, kể vắn tắt câu chuyện và nhờ anh ta giúp giải quyết. Anh móc ra cuốn sổ bỏ túi, ghi vội mấy dòng rồi móc bộ đàm liên lạc. 
Cảnh sát Singapore
Chưa đầy 10 phút 4 xe cảnh sát hú còi chạy tới với một sếp và 7 officer (không có bất kỳ captain nào). Anh sếp trẻ măng dẫn 8 lính hộ tống mình vào lại cái quầy lừa đảo đó. Mặt ba anh chàng lừa đảo xanh như đít nháy. Anh chàng hồi nãy cự cãi hăng nhất với mình giờ năn nỉ thiếu điều muốn khóc xin đừng lập biên bản và xin trả lại tiền cho mình. Sếp cảnh sát cẩn thận hỏi mình có chấp nhận không hay muốn lấy cái Iphone mà không phải trả thêm tiền gì nữa. Mình chán, cũng sợ nó đưa cái Iphone dỏm nên đồng ý lấy lại tiền. Sau đó sếp này yêu cầu mình ghi vài chữ xác nhận đã nhận lại đủ tiền và không phàn nàn gì nữa vào cuốn sổ của anh cảnh sát đầu tiên mình gặp. Sau đó cho 2 cảnh sát hộ tống mình ra về còn anh ta thì ở lại cảnh cáo bọn bán hàng. Ra tới đường, một anh cảnh sát hỏi địa chỉ khách sạn của mình rồi đón cho mình 1 cái taxi. Anh còn lại thì xin lỗi vì sự cố vừa rồi và mong mình đừng có ấn tượng xấu về Singapore, lại còn chỉ cho mình mấy trung tâm thương mại mua bán đàng hoàng để lần sau tới đó mà mua. Cảnh sát ở xứ giàu mà làm việc tận tình dễ sợ, đến nỗi theo thói quen xấu bị nhiễm từ hồi ở quê là định “bồi dưỡng” cho mấy anh em. Thế nhưng nhìn vào gương mặt thực thà, thân thiện và có uy của mấy anh cảnh sát Sing mình tự cảm thấy hổ thẹn khi nảy ra ý nghĩ như vậy. Ước gì…
  (hết tập 1, xin mời xem tiếp tập 2 Police Story ở Bangladesh và India sau vài ngày nữa…)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét