Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

DASHAIN-TẾT NEPAL: KOJAGRAT PURNIMA ĐÊM THỨC TRẮNG ĐÓN NỮ THẦN THỊNH VƯỢNG MAHALAXMI



Update 31/10/2012:
  "Nhập gia tùy tục". Mình thức trắng đêm Kojagrat Purnima, tụng Laxmi Mantra (Thần chú Nữ thần Laxmi) - vì mình sống có một mình, chẳng có ai để đánh bài Tiến lên suốt đêm như thời sinh viên he he... Quá nửa đêm, một cô đom đóm bay vào nhà vẩn vơ khắp nơi rồi đậu lên pho tượng Laxmi trên bàn thờ. Hỏi thăm các bác Brahmin ai cũng bảo là điềm cực lành, cực hên: "Mahalaxmi blesses you herself!". Khấp khởi hy vọng, vì cả năm qua mình bị xúi quẩy, công việc làm ăn bết bát, đi chơi gặp toàn "quái nhân"... 
 Điềm lành này cùng với việc tận mắt diện kiến Nữ Thánh Sống Kumari Kathmandu bên trong Kumari Ghar và nhận ban phúc tika từ Tổng thống Nepal đã làm cho mùa Dashain năm 2012 của mình thật trọn vẹn và đầy kỷ niệm.
...12 giờ trưa hôm nay, đột nhiên Tổng Giám Đốc National Trading Corporation (một trong 5 công ty TM-XNK quốc doanh lớn nhất Nepal) điện thoại kêu mình đến gặp để giao thầu cung cấp đường cát cho Nepal. Không muốn tin cũng khó phải không các bạn?...


Cúng lễ Nữ thần Nava Durga và Mahalaxmi  tại...nhà mình
Huyền thoại Hindu kể rằng Nữ thần Thịnh Vượng và Thành Công Laxmi đi tản bộ trên trái đất vào đêm trăng tròn “Kojagrat Purnima”  (tiếng Hindi Ko-jagrat nghĩa là: Ai-Còn-Thức và Purnima nghĩa là đêm rằm) để ban sự giàu có-thịnh vượng-thành công-may mắn cho ai thức trong đêm ấy để cúng bái nữ thần. Các bà nội trợ nhịn ăn cả ngày và thức suốt cả đêm từ 7:30 tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau để cúng và cầu nguyện Nữ thần Laxmi-Vĩ đại (dịch thoát từ Mahalaxmi với Maha có nghĩa như là Vĩ Đại-Great hoặc xưng tụng như Tối cao-Extreme). Người ta tin rằng sự cúng bái và cầu nguyện Nữ thần Laxmi trong suốt đêm này sẽ mang đến sự thành công-thịnh vượng cho người cầu nguyện. Đêm nay nhà cửa quét dọn sạch sẽ, cổng-cửa rộng mở, đèn thắp khắp nơi để đón Nữ thần Laxmi.




Sáng sớm ngày cuối cùng của Dashain, jamara và các thức dùng cúng bái trong mùa Dashain sẽ được mang đi bỏ nơi bờ sông gần nhất đánh dấu sự kết thúc chính thức của lễ hội lớn nhất của Nepal kéo dài 15 ngày.
Nữ thần Thịnh Vượng-Thành Công-May Mắn MAHALAXMI


Tổng Thống Nepal tại đền Nava Durga ở Bhaktapur
Nhân ngày May Mắn Kojagrat Purnima này, vào lúc 5 giờ chiều, theo truyền thống Tổng thống Nepal như là người đứng đầu đất nước đến ngôi đền Nava Durga ở thành phố cổ Bhaktapur dự lễ cúng ở đó, nhận tika và Prasad (sau khi tín đồ dâng lễ vật để cúng thần, người Brahmin trông đền sẽ lấy một phần lễ vật tặng lại cho người cúng như là quà của thần ban cho. Cái đó gọi là Prasad). Nava Durga là chín hóa thân của Nữ thần Durga.


Người ta cúng bái Mahalaxmi vào buổi chiều tối và thức trắng đêm nay để… cúng bái liên tục và chơi các trò cờ bạc như đánh bài, “bầu-cua-cá-cọp”, cờ cá ngựa… với lòng tin rằng Nữ thần Mahalaxmi sẽ ban phúc cho họ qua sự may mắn trong mỗi lượt chơi…
Cờ bạc được cho phép chơi đêm nay để cầu may mắn


Bảo tháp Swayambhu rực rỡ trong đêm
Người Phật tử bản địa Kathmandu thì đến cầu nguyện và cúng bái theo nghi lễ Buddha Puja suốt cả đêm tại Đại Bảo Tháp Swayambhu vì đêm này được tin rằng là đêm “Swayambhu Jyoti” (Ánh Sáng Tự Sinh) phát ra từ đỉnh đồi. Tích này xuất phát từ huyền thoại hình thành nên Thung Lũng Kathmandu. Thung lũng này vốn là một cái hồ lớn với một hòn đảo ở giữa. Vào một đêm Kojagrat Purnima, ánh sáng chói lọi bên dưới mặt đất vọt thẳng lên chín tầng trời từ trung tâm của hòn đảo. Khi ấy Đức Phật Dipankar (Đức Phật Ánh Sáng, vị Phật có nguồn gốc bản địa của Kathmandu) đến ngự trên hòn đảo ấy. Từ hướng Đông, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri) trông thấy ánh sáng ấy liền tìm tới để đảnh lễ Đức Phật. Manjusri đã dùng báu kiếm Trí Tuệ của mình cắt một lối giữa vách đá, làm nước thoát ra và tạo thành Thung Lũng Kathmandu ngày nay. Tích này cho thấy Phật giáo đã bắt rễ sâu xa tại Thung Lũng Kathmandu trước cả Hindu. (Chúng ta sẽ trở lại chủ đề này vào một dịp khác).     
 
 Vô cùng trùng hợp, ngày kết thúc của 15 ngày lễ hội Dashain của Hindu lại là ngày bắt đầu của một lễ hội quan trọng và vô cùng ấn tượng của Phật giáo Himalaya – Tibet, Mustang, Sikkim, Bhutan. Lễ hội Mani Rimdu với cuộc trình diễn điệu múa mặt nạ nổi tiếng của các Lama. Điệu múa này diễn ra vào ngày thứ hai của lễ hội. Mời các bạn đón xem vào ngày mai.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét