Bài gốc tại đây: http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky-hlt.htm
| |
Vietsciences- Hồng Lê Thọ | 01/09/2008 |
MỘT TRÍ THỨC BUỒN
Trước khi qua đời, Pétrus Ký đã để lại những dòng thơ tự sự đầy cảm khái: “Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gởi tên: con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến mau chơn bước,
Bò xối, côn trùng chắt lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.”
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gởi tên: con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến mau chơn bước,
Bò xối, côn trùng chắt lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.”
MISEREMINI MEI SATEM VOS AMICIC MEI
(Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi)
Rằng tuy ăn ở cùng Tần
Bâng khuâng nhớ Hán muôn phần xót xa
(Trương Vĩnh Ký)
Bâng khuâng nhớ Hán muôn phần xót xa
(Trương Vĩnh Ký)
Sĩ phu yêu nước hay “nàng Kiều” tây học ?
Vốn kiến thức uyên bác qua trên 118 tác phẩm để lại, tuy không phải là kiệt tác hay công trình học thuật độc đáo mà chủ yếu là những khảo sát, đúc kết lịch sử một cách có hệ thống mặc dù về hành văn còn pha trộn biền ngẫu, nhưng về nhiều phương diện, các trước tác của Trương Vĩnh Ký là đóng góp không thể xem thường: lần đầu tiên một tác phẩm sử học về Việt Nam viết bằng tiếng Pháp (Petit Cours d’histoire d’Anam xuất bản 1875/1877) và hai công trình sử học khác viết bằng tiếng Việt là Truyện đất Nam Kỳ lịch sử đàng trong (1864), Đại nam Việt quốc triều sử ký (1879) đều dựa theo những nguồn thư tịch và truyền thuyết cổ, được biên soạn theo phương pháp mới vào thời đó; hàng loạt tác phầm cổ điển của dân tộc bằng chữ Nôm được phiên âm sang quốc ngữ như Truyện Kiều (1875), Lục Vân Tiên, Phan Trần, Lục súc tranh công…nhiều bộ sách dịch Tứ thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc…vào buổi bình minh của nền văn chương quốc ngữ ở nửa thế kỷ thứ 19, xứng đáng nâng tác giả lên tầm cỡ “một nhà bác học, một thủy tổ nghề làm báo, một nhà ngôn ngữ học” như nhiều người ca ngợi(1) . Được tiếp xúc với văn hóa phương tây, thông qua việc học trường đào tạo Thầy tu của các Giáo sĩ thừa sai công giáo, phương pháp tư duy của Trương Vĩnh Ký đã chịu ảnh hưởng rất lớn tư tưởng Khai sáng của Âu tây, khác với tư tưởng Khổng Mạnh của hầu hết nhân sĩ nước Việt thời bấy giờ. Chính nguồn gốc xuất thân đặc biệt của ông và cái vốn tây học phong phú nầy đã quyết định thân phận của một người trí thức thuộc địa, day dứt Trương Vĩnh Ký cho đến ngày tàn hơi mà chúng ta đã thấy ở lời thơ trên. Người mà sự nghiệp chính trị (nếu có) và sự nghiệp văn học luôn đứng giữa làn ranh, đôi bờ của những phê phán, khen-chê gay gắt, không tiếc lời từ trăm năm nay kể từ khi Ông qua đời (1/9/1898) đến ngày nay, khi mà tiếng Việt đã trở thành một ngôn ngữ hoàn chỉnh, bác học(2) trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những trí thức “tây học” như Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký …vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.Lê Đình Bảng đã ghi lại những ý kiến khá ấn tượng về Trương Vĩnh Ký, rằng “bên cạnh những hào quang mà người đọc đã tâm phục, đã tôn vinh ông là nhà bác học, nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà Đông phương học, nhà chính trị, nhà ngoại giao…thì trong chừng mực nào đó, Trương Vĩnh Ký lại là “kẻ đưa chân đạp mũi nhọn”, là “cái bia cho người ta vấp phạm” chẳng những bị xóa sổ như người-không-có-công-lênh-gì, mà Trương Vĩnh Ký còn bị lên án, kết tội là một “tên cơ hội, hoạt đầu chính trị, đứa con hoang Nam kỳ gốc La mã; tên học trò ngoan đạo, tay sai, đặc vụ tình báo phục vụ đắc lực cho chủ nghĩa thực dân…”(3) với cái lẽ đơn giản là khi Pháp chiếm Gia Định(1859), “tại sao Trương Vĩnh Ký, một thức giả, một sĩ phu lại khoanh tay đóng vai bàng quan mà không tham gia cứu quốc, mà lại còn trùm chăn, tích cực hoạt động giúp quân địch ? Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có khác gì tình báo, chỉ điểm, bày mưu lập kế để giặc chóng đạt mưu đồ xâm lược”(4) . Những ghi chép của Ông trong chuyến đi thăm ở Bắc Kỳ(1876) có phải là bản báo cáo do thám “tiền trạm” cho quân Pháp tiến quân chiếm đóng sau này như từng bị kết tội ?
Nhận xét của Trương Vĩnh Ký về vai trò của chữ quốc ngữ, rằng việc la-tinh hóa tiếng Việt sẽ giúp cho “xứ sở nghèo khốn không được thừa kế nầy…bước vào cộng đồng các dân tộc và hệ quả to lớn mà phương tây đem lại cho thế giới”(5) có khác gì những phát biểu cùng thời và tương tự của Fukuzawa Yukichi trong “Thoát á luận” thời Minh Trị duy tân mở đường phát triển của nước Nhật vào hậu bán thế kỷ thứ 19, chỉ tiếc rằng, khác với Fukuzawa, Ông đã không gặp được một đấng minh quân và hàng quan lại thức thời của triều đình(6), biết lắng nghe gợi ý tâm huyết của quần thần như Minh Trị Thiên hoàng để phò tá … Còn nhiều lời lẽ phê phán gay gắt của nhiều nhà “sử học” viết về Trương Vĩnh Ký như Tô Minh Trung, Trần Huy Liệu(7)… vào những năm 1960 của thế kỷ trước, hay Nguyễn Đắc Xuân, Võ Xuân Đàn… sau nầy theo quan điểm mác-xít máy móc, có chung một lối nhận định, rằng ông là “con đẻ về mặt ý thức của bọn gián điệp đội lốt thầy tu…của chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp…” tuy nhiên theo chúng tôi, đây là một sự áp đặt phi biện chứng, thể hiện một quan điểm hẹp hòi trong phê phán, không đặt đối tượng vào bối cảnh lịch sử và tình huống mà họ đã sống và gặp phải, nghiên cứu theo lối một chiều, quên rằng Chủ nghĩa Mác-Lê Nin được du nhập vào nước ta sau đó gần hơn ba thập niên, kể từ khi đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Nếu áp dụng phương pháp luận nầy, ai không chống Pháp, ở trong “thành” làm việc cho Pháp đều là tay sai của chúng cả sao? Nói khác đi lối chụp mũ “cá mè một lứa” như vậy sẽ không giúp ích gì cho việc tìm hiểu sự phong phú và đa dạng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nhất là công cuộc đấu tranh chống Pháp và kháng Mỹ kéo dài hơn một thế kỷ trong đó có những phong trào đấu tranh dưới nhiều dạng thức của nhân dân thành thị sau nầy, một tư duy bao biện máy móc “ai không theo ta là địch” theo kiểu “người làm việc cho Tây, Mỹ đều là kẻ phản động” của chủ nghĩa lý lịch “cách mạng” hẹp hòi. Điều giúp chúng ta phủ nhận sự đánh giá đó, lý giải được tại sao khi toàn dân đứng lên vác tầm vông vạc nhọn chống xâm lăng vào năm 1945, tất cả tượng đồng tưởng niệm thực dân trong thành phố bị triệt hạ thì riêng tên trường học và tượng đài của Trương Vĩnh Ký vẫn còn nguyên vẹn(8), phản ánh tình cảm của nhân dân kính trọng Ông đến thế nào.
Rồi 100 năm sau…nhìn lại
Trở lại với Trương Vĩnh Ký từ thời tấm bé, mồ côi Cha (là một lãnh binh) , mẹ là tín đồ Thiên chúa giáo, vì vậy bị xem là “tội đồ” khi nhà Nguyễn công khai “cấm đạo” buộc Cha ông trốn sang Cao miên và mất ở đây. Có thể nói đây là chính là “thân phận” hay “định mệnh” khắc nghiệt bám đuổi suốt cuộc đời Ông, một mâu thuẫn giữa hiện thực và đạo lý, giữa “ân “ và “oán” luôn dằn vặt và thể hiện rất rõ trong chọn lựa tiến thân của một chàng thanh niên ngoan đạo trước sự đàn áp của một triều đại phong kiến đang suy tàn. Trương Vĩnh Ký được theo các giáo sĩ tây phương ăn học trong một bối cảnh lịch sử vô cùng phức tạp, lúc người Pháp mang chiến thuyền và quân đội sang uy hiếp vua quan Nhà Nguyễn, buộc phải mở cửa giao thương, chấm dứt việc đàn áp người theo Đạo ( Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với giáo dân, cấm giao thương với Âu Mỹ, 6 lần ra chiếu cấm đạo từ năm 1848-1861, không cho người công giáo ra làm quan và xử thắt cổ nếu không bỏ đạo theo Chỉ dụ số 13 năm 1860)…đến khi quân Pháp chiếm đóng lục tỉnh ở Nam kỳ, dựa vào hòa ước Nhâm Tuất (1862) sau đó, đặt nền móng thống trị thực dân lâu dài. Thời kỳ mâu thuẩn địch-ta (Pháp và dân tộc Việt) căng thẳng, đối kháng một mất một còn… trên 300 cuộc nổi dậy lớn nhỏ ở khắp nơi (9) chống chế độ cai trị hà khắc, bóc lột đến tận xương tủy của bọn thực dân lẫn vua quan phong kiến đã phản ánh sự hờn căm và uất hận của nhân dân thời bấy giờ, đặc biệt là các phong trào “Bình Tây sát tả”, chống giáo dân quyết liệt hơn cả chống Tây gây ra vấn đề mâu thuẫn lương giáo diễn ra rất gay gắt(10). Chính sự hèn hạ bất lực, không thức thời trước trào lưu của thế giới của vua quan thời nhà Nguyễn, đặc biệt là hoạt động của thương nhân và giáo sĩ phương tây triển khai rầm rộ, lập hệ thống thuộc địa và thống trị thực dân khắp nơi từ thế kỷ 16-17…thì Pétrus Ký, người theo đạo công giáo, đã trở thành một đối tượng luôn bị hoài nghi, tội lỗi—là tay sai của bọn thực dân hay nhà trí thức muốn hòa hoãn, mong Việt nam sống chung trong sự bảo hộ của chúng(11)---mà cả đời Pétrus Ký vẫn không biện minh nổi . Nếu chỉ dựa vào những ghi chép “ báo cáo” thành tích của vài nhân vật thuộc kẻ địch (như đề đốc De la Grandière) trong đó nhắc đến vai trò “hữu dụng” của Trương hay lá thư Ông gửi cho Trung tá Hải quân Jauréguiberry(12) , cầu cứu “ngoại viện” trước việc bị kết tội “theo giặc” để qui chụp Ông đã câu kết với thực dân để đồng hóa dân tộc trong hệ thống cai trị (chính trị lẫn văn hóa) của Pháp liệu có thỏa đáng không ? Lúc triều đình nhà Nguyễn (vua Tự Đức) cử Phan Thanh Giản sang Pháp(1863) để đàm phán “chuộc” lại ba tỉnh miền đông không thành, cho rằng Ông đã bị mua chuộc hay lung lạc thậm chí qui chụp là “tình báo” chỉ vì là thông ngôn cho phía Pháp !(13) . Thời gian Trương Vĩnh Ký làm việc cho vua Đồng Khánh ở Huế, người “tốt” với Trương như Paul Bert(a), luôn phụ họa với những suy nghĩ của Ông trong mấy tháng đầu nhưng Trương vẫn bị bọn “xấu” như Paulin Vial--- là giám đốc Nội vụ, cấp trên của Trương Vĩnh Ký ở Nam-kỳ(14)--- không ưa, luôn tìm cách đố kị dèm pha, nghi ngờ , chống đối ra mặt(b). Há Ông đã nhiều lần nói “ ta làm việc cho họ nhưng không theo họ” và thực tế đã chứng minh điều đó khi nhận chức vụ Đốc Học(Hiệu trưởng) Trường Thông ngôn(Collège des Interprêtes) hay Thầy giáo trường Quản trị Tập sự (Collège des Administrateurs Stagières) lẫn lúc rút về Nam sống ẩn dật đó sao. Những huy chương mà nhà nước Pháp trao tặng (Bắc đẩu Bội tinh…), những chức tước (hàm quan-Hàn lâm Thị Giảng học sĩ để dạy Vua học tiếng Pháp hay biệt hiệu Nam Trung Ẩn sĩ và khi trở về Nam, Kim Khánh Bội Tinh và Chức hàm Lễ Bộ Thượng Thư (theo Trương Vĩnh Lễ - Việt Nam, Đâu là sự thật- Où est la vérité ?) của Đồng Khánh ban cho Ông là gì ?(c). Bên nào cũng “tưởng thưởng” cho Ông huy chương hay hàm tước vinh danh để kéo Ông nghiêng hẳn về phía họ…nhưng nếu nhìn vào cuộc sống bệnh tật, nghèo túng của Trương Vĩnh Ký thì rõ ràng Ông đã bị cả hai phía ruồng rẫy vào những ngày cuối đời, cho thấy những lập luận nầy không chính xác, hay quá ư khắt khe. Nếu như thế thì Trương Vĩnh Ký đã có dinh cơ kèm theo chức tước đem lại quyền lợi cụ thể và một cuộc sống đầy đủ sung túc, hơn cả người bình thường vì khả năng đóng góp “to lớn” của Ông(d).Thực tế, cuộc sống “vinh thân, phì gia” hoàn toàn xa lạ đối với Trương. Trong một bức thư gửi bác sĩ Chavannes ngày 8/4/1887, Ông viết “…về danh vọng thì nó không còn quyến rũ được con sư tử già bị đè nặng dưới niềm chua chát…” , còn với vợ mình ( Bà Vương Thị Thọ) Ông tâm sự như trăn trối ” Mọi việc tôi làm còn lưu lại đó. Việc đúng, việc sai hãy để cho đời phán xét, đời nầy chưa tỏ thì đời sau tiếp tục…Trong sáng như cụ Nguyễn Du mà còn phải kêu lên không biết 300 năm sau có ai hiểu được mình huống gì thân phận tôi ! Nếu tôi ra đi trước, bà nhắc con cháu là cả đời tôi cần mẫn, chăm chút để lại cho chúng toàn là sách….”(15)
Vậy Pétrus Ký là ai, một trí thức đau khổ của thời cuộc, của một dân tộc trong chế độ phong kiến suy tàn nằm dưới gọng kìm của đế quốc sài lang ? Trong cuộc trao đổi với Paul Bert trên đường ra kinh thành Huế vào tháng 4/1886, trên tàu thủy, Trương đã phê phán:
“Nhiều lần tôi có nói với thống đốc, những người kháng cự họ có lý do vì chủ nghĩa yêu nước của họ. Một là sự thù hằn đối với đám người theo đạo mà họ coi là những người chạy qua hàng ngũ người Pháp làm chỉ điểm, dẫn đường. Hai là sự ngờ vực sự tráo trở như úp ngửa bàn tay, coi mình như những ông chủ của nhà nước An Nam. Họ có mặt khắp nơi trong thành quách bị chiếm đóng, họ đuổi quan An Nam ra khỏi nha môn, và khi ấy mấy ông quan này mất hết quyền thế, phẫn uất mà hút gió thổi bùng lên ngọn lửa kháng cự”(16).
Và rằng:
“Người ta trách Đại nhân xài quá nhiều tiền và đã đem nhiều người từ Pháp sang, vào thẳng bộ máy của Đại nhân, nhưng họ ngơ ngáo trước công việc của bổn xứ, trong khi có bao nhiêu người Nam kỳ có tài, ngồi đó, không ai coi ra gì Người ta luận xét, Đại nhân có chính sách thiên vị và không để tâm về phía Nhà nước. Tôi mong các nhà Giám sát ghé mắt.”(17)
Thử hỏi một tên “tay sai” hay “siêu Việt gian” , đáng bị “đời đời nguyền rủa” (chữ dùng của Nguyễn Đắc Xuân, xem chú thích 12 & 22) có thể nói với người “chủ” của mình như thế không ? Đau đớn thay cho Trương Vĩnh Ký khi phải hứng chịu những lời lẽ thô bạo như vậy.
Tiêu chí của lòng yêu nước không chỉ có một
Qua những trước tác về lịch sử, văn hóa, báo chí của Ông mà ta đọc được ngày nay thì có thể nói những lời qui kết của cả hai phía đều không thỏa đáng. Phải chăng vì Trương Vĩnh Ký không tham gia vào các phong trào chiến đấu của tầng lớp sĩ phu trong khởi nghĩa Yên Thế, chiến lũy Bãi Sậy(1885-1889), khởi nghĩa Văn Thân (1878), Phan đình Phùng… hay phong trào Cần vương theo Vua Hàm Nghi mà ta có thể qui tội cho Ông ? Đành rằng đây là phong trào kháng Pháp, phò vị vua yêu nước quyết liệt, không những hàng vạn người bị chúng cầm tù, tàn sát, truy diệt--- trong đó ba vị Vua nhà Nguyễn đã bị lưu đày tận đảo ở Châu Phi---và đã thất bại hoàn toàn khuất phục trước họng súng của thực dân Pháp. Ngay chủ trương “Pháp việt đề huề” sau nầy cũng đã làm tê liệt Phan Chu Trinh, biến Phan bội Châu thành “ông già bến Ngự”…cho thấy thủ đoạn của bọn thực dân nham hiểm và cay độc với tầng lớp sĩ phu đến nhường nào. Trong tình thế như vậy Trương Vĩnh Ký dù có “yêu nước”, sớm giác ngộ nhận thức về độc lập dân tộc đến mấy cũng phải ngậm ngùi. Đã có bao sĩ phu khác trong các phong trào yêu nước đấu tranh bằng vũ lực như sự kiện “Đầu độc Hà Thành”(1908),“Tiếng bom Sa Diện”(1924) của Phạm Hồng Thái, Khởi nghĩa Yên Bái(1930) trong phong trào Quốc dân đảng sau nầy đã bị quân đội Pháp đưa lên máy chém , tù đày ở Côn Lôn, Phú Quốc và các vùng đất đảo xa xôi tận Châu Phi như chúng ta đã biết.
Tiếc thay, quan điểm đánh giá những nhân vật trong lịch sử kháng Pháp vào hậu bán thế kỷ 19 ở nước ta vẫn còn loay hoay trên một nhận thức kinh điển bao biện, xem “kháng cự (sự đề kháng) như một thước đo phẩm hạnh cũng bao hàm những nguy cơ xuyên tạc nghiêm trọng tương tự” nếu theo lời “cáo” nổi tiếng từ thế kỷ 15 “hào kiệt đời nào cũng có”( Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi)…thì đánh giá nầy cũng có thể áp dụng cho thế kỷ 19(18). Hai chữ “hào kiệt” ở đây đâu chỉ là người cầm gậy gộc, tầm vông chiến đấu với quân thù mà thôi. Chính việc lấy “kháng cự”(bằng vũ lực) làm “tiêu chí” nầy đã phủ lấp mặt tích cực của một trí thức yêu nước, một sĩ phu uyên bác nhưng chất chứa nhiều mâu thuẫn của một thời kỳ đen tối của dân tộc, thậm chí còn chụp lên Ông—một con chiên của Ki tô giáo-- vai trò của một Việt gian(19) mà cơ sở “phán xét” của nó là dựa vào những cuốn sách mỵ dân, bịt mắt người đọc, lẫn lộn “chính”, “tà” của phía mà Trương Vĩnh Ký cộng tác(20) hay chọn lựa những câu chữ cắt xén từ những tài liệu lưu trữ ở Sở Văn khố thuộc địa Pháp theo một ý đồ chính trị đã có sẵn.
Hãy nghe lý lẽ mà Trương Vĩnh Ký đã từ chối quốc tịch Pháp lẫn ân huệ khác của chính quyền thực dân, nói lên nỗi niềm bất hạnh nầy:
“Nước Nam ta tổ tiên Hồng lạc…gia phả truyền lại bồn ngàn năm nay, nhứt đán ta dân tịch theo Tây, phục sắc theo Tây, biến hết làm Tây, không còn cái dấu tích chi là người nam nữa, đó là loài Tịch đàm vong tổ, rồi tới đời con cháu ta nó theo gia phả mới của ta mà đốt quách cái gia phả cũ của tổ tiên, quên đứt là người nam, thì giống ta còn cũng như mất, mà cái cơn diệt chủng tự ta treo lên trước…Người ta sẽ cho tôi là nhu nhược, nhút nhát; tôi đã làm như vậy vì tôi sợ muốn thoát thân ra khỏi một hoàn cảnh khó khăn. Vào dân tây tôi sẽ mất hết uy tín, uy lực của tôi và đã mất hết tín nhiệm của Vua, của triều đình và của đồng bào tôi. Không lý trời sanh tôi ra là con quạ, bây giờ biểu thì một hai nói tôi là con cò sao đặng ? Nên là điều trái tự nhiên hết sức”(21)
Mấy lời kết
Ngồi bên cạnh ngôi mộ Trương Vĩnh Ký vắng lạnh, điêu tàn và lặng lẽ trên mãnh đất của gia đình người vợ ông ở góc đường Trần Bình Trọng và Trần Hưng Đạo (quận 5, TPHCM), trong căn lều bán bia và ốc”núi” luộc(đặc sản của vùng núi Tây Ninh) lụp xụp, nghèo nàn của người cháu nội năm đời của ông trong khuôn viên vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 2008, chúng tôi ngậm ngùi biết bao dù biết rằng Ông đã yên giấc từ trăm năm nay, để lại cho thế hệ đời sau những công trình và tư liệu mà hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt học thuật cũng như tồn tại mối nghi ngờ về thái độ và hợp tác của Trương Vĩnh Ký với cả hai phía, Pháp và triều đình nhà Nguyễn chưa được xóa tan. Thời gian ngắn ngủi bên cạnh Vua Đồng Khánh(22) và Toàn quyền(Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ) Paul Bert của Ông đã bị một số nhà nghiên cứu qui kết tội làm “tay sai”, ”phản quốc”… mà không thấy ngay bản thân Trương Vĩnh Ký cũng đã bị Paul Bert— thống đốc toàn quyền của bộ máy cai trị thực dân, người bạn hiểu Ông nhất-- “trở giọng” vì chủ trương siết chặt thuộc địa bằng sức mạnh quân sự của Hoàng đế “chính quốc”. Trước sự ép buộc và cưỡng chế lộ liễu thực hiện chính sách phân chia Việt nam làm ba phần (Nam, Trung, Bắc kỳ) trong khi Ông đang ra sức thuyết phục Paul Bert và bênh vực Vua Đồng Khánh--- mặc dù hàng ngũ quan lại trong triều vẫn khư khư phủ nhận Trương--- phản đối việc bó hẹp ảnh hưởng của triều đình trong chính sách “chia để trị” của nhà cầm quyền thực dân, thì giới quân đội trong hàng ngũ thống trị thuộc địa đã gây sức ép(23) đè nặng lên Ông sau khi Paul Bert đột ngột qua đời ( ngày 11/ 11/1886). Trương Vĩnh Ký thất vọng đắng cay và “tỉnh ngộ” trong việc hợp tác với Pháp(24), tìm cách lui về Nam sống ẩn dật(25) và biên soạn sách vở cho hậu thế với tất cả tâm huyết và tài năng.
Chúng ta có thể thấy lối nhận định “phê phán” của một số nhà sử học phát xuất từ định kiến hay ý đồ chính trị với một cách nhìn hằn học, phiến diện, sai lệch, thiếu chiều sâu về một giòng lịch sử chống quân xâm lược vô cùng phong phú của dân tộc ta, phủ nhận công lao của tầng lớp trí thức, sĩ phu. Nói khác đi, cuộc chiến đấu để bảo vệ tổ quốc không chỉ có những nông dân, sĩ phu kể cả hàng ngũ quan lại… đứng lên cầm súng, tuốt gươm, vác tầm vông, xây chiến lũy chống giặc mà còn có những con người khiêm tốn, thủy chung âm thầm đóng góp và chịu nhiều hàm oan khắc nghiệt giữa hai gọng kìm thực dân lẫn phong kiến như Trương Vĩnh Ký, một kẻ sĩ thức thời Việt nam trước thời cuộc trong thế kỷ thứ 19.(26)
”Ở với họ mà không theo họ”
(Sic Vos Non Vobis)(27)
Hồng Lê Thọ
7/2008 __________________________________________________________________
(a) (xem Phụ lục 1)
(b) (xem thêm chú thích số 20)
(c) (xem thêm cuộc đối thoại giữa vua Đồng Khánh và Trương Vĩnh Ký ở chú thích 24)
(d) ( xem phụ lục 2)
Chú thích:
(1) Lê Đình Bảng “Chung một đồng cảm: trăm năm cô đơn hay bi kịch cuộc đời Trương Vĩnh Ký”
www.dunglac.org/index.php?m=module2&id=102
và “Thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký” Nhiều tác giả, Nhà xuất bán Văn hóa Sài gòn(năm 2006)
(2) Dương Quảng Hàm: “khiến cho tiếng Nam có thể dùng để viết văn, thứ nhất là văn xuôi là một vốn văn xưa ta chưa có” hay “người khai sáng mở đường cho nến quốc văn mới”(Việt Nam Văn Học Sử yếu , Bộ QGGD, Sài gòn 1960)
(3) Lê Đình Bảng, tldd
(4) Mẫn Quốc, Nghiên cứu lịch sử 56,60 tháng 11/1963 và 12/1963
(5) Pétrus Ký “Correspondance 1873-1875” số 105 Thư gửi ngài Perrin, 3/9/1877 Bảo tàng Pétrus Ký. Trích theo Milton E. Osborne trong “Trương Vĩnh Ký và Phan thanh Giản…”
www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12933&rb=0302
(6) Nguyễn trường Tộ (1827-1871) đã dâng lên triều đình (Vua Tự Đức) trên mười lăm bản điều trần về việc cải tân nước trong khoảng thời gian từ 1863 đến 1871. Nguyễn Vọng Các từ Thái Lan trở về cũng trình bày chính sách ngoại giao khéo léo của Xiêm la, không bị hiếp chế nhờ kí kết các hiệp ước cung hiến quyền lợi đồng đều cho các cường quốc Tây phương hay 1881 Lê Đĩnh đi sứ Hương Cảng về cũng tâu là các quốc gia Tây phương sỡ dĩ hùng mạnh là nhờ chú trọng đến việc binh và việc mua bán…nhưng triều đình vẫn giữ thái độ thủ cựu, chỉ trích các dự án cải cách, hẹp hòi, không muốn thay đổi…(xem “Việt Nam thời Pháp đô hộ” của Nguyễn thế Anh, nhà xuất bản Văn học)
(7) thực ra đây cũng là điều dễ hiểu, những nghiên cứu có tính phê phán “một chiều” nầy diễn ra trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ vô cùng ác liệt, không thể đánh giá tích cực hành vi tham gia và cộng tác với thực dân của Trương Vĩnh Ký, điều đó vô hình trung giúp những kẻ phục vụ cho chế độ chính trị ở Sài gòn đang dương cao chiêu bài “chống cộng”. Trần Huy liệu đã viết “ ngày nay tại miền nam—thời điểm năm 1964 -- nước ta, Trương vẫn được đề cao vì tư tưởng và hành vi của Trương gắn liền với công cuộc của bọn cướp nước”. Rõ ràng đây có thể gọi là “hạn chế lịch sử” mà ngày nay chúng ta cần có một cách nhìn thoáng đãng và khách quan hơn, không còn vướng bận bởi những mục tiêu chính trị đương thời (HLT).
Chúng ta hãy đọc một đoạn phân tích của Trần Huy Liệu theo quan điểm giai cấp có “tính chất chỉ đạo” trong thời kỳ quan hệ Trung-Sô bất hòa, đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại đang diễn ra gay gắt và ảnh hưởng không nhỏ đối với miền bắc (vào những năm 1960-64) như sau:
”Lấy về giai cấp mà nói, chúng ta không thể đặt Trương Vĩnh Ký thuộc giai cấp nào khác hơn là giai cấp phong kiến, nhưng trên lập trường tư tưởng Trương Vĩnh Kỹ không còn gì là phong kiến dân tộc, mà chỉ là một kẻ “mất gốc”, ôm chân ngoại địch ngay từ lúc vào đời” (Nhận định về Trương Vĩnh Ký, Nghiên cứu Lịch sử số 5, 2/1964).
(8) Nguyễn Văn Trung “Việc dựng tượng Trương Vĩnh Ký” trong “Thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký” Nhiều tác giả, Nhà xuất bán Văn hóa Sài gòn(năm 2006).
Theo lời kể của nhà văn Hoàng Lại Giang, trong buổi hội thảo về Trương Vĩnh Ký vào năm 2002, nhà sử học Trần Văn Giàu xác nhận lúc bấy giờ làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ sau khởi nghĩa 25/8/1945, Ông đã ra lệnh “các chú có đập phá tượng ba thằng lính tây thì cứ đập nhưng không được đụng đến tượng cụ Trương Vĩnh Ký” khi được hỏi ý kiến(HLT).
(9) Đời Minh Mạng (1821-1840) có gần 200 vụ nổi loạn lớn nhỏ, đời Thiệu Trị (1841-1847), chỉ bảy năm ngắn ngủi, có hơn 50 vụ, đời Tự Đức (1848-1884) có trên 100 vụ nông dân nỗi loạn, 100 vụ cướp của quân nhà Thanh tràn qua và 60 vụ cướp biển. Đặc biệt là các phong trào “Bình tây sát tả ” xem tín đồ công giáo là tay sai cho địch phải tàn sát không tha. Công việc chém giết này gọi là sát tả. Tất cả Văn Thân và Cần Vương bất cứ ở đâu trong nước đều ôm một mối thù chung, gặp đâu có nhà thờ là đốt phá, gặp đâu có người mặc áo dài thâm là vặt râu gọt đầu, bắt bước qua Thập Giá, thích chữ vào mặt rồi giết chết bỏ. Văn Thân cũng như Cần Vương tưởng phàm những người theo đạo Gia Tô đều là quân nội công của người Pháp và Gia Tô là tả đạo. Sang thời Tự Đức việc cấm đạo lại càng ác liệt hơn. Vừa lên ngôi vua ra Dụ (1848) định rằng “giáo sĩ ngoại quốc vào truyền đạo sẽ bị tử hình, đạo trưởng người Nam không bỏ đạo thì bị khắc vào má hai chữ “tả đạo” rồi đày đi các vùng nước độc, thường dân vì ngu tối hoặc bi mua chuộc bằng tiền bạc thì các quan phải dạy dỗ và đừng có giết hại...”. Năm Tự Đức thứ tư (1851) lại có thêm một chỉ dụ xiết chặt thêm việc cấm đạo. Năm 1859, sau khi Liên quân Pháp -Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẳng và Gia Định thì nhà vua liên tiếp ra ba chỉ dụ vào tháng 5, tháng 10 và tháng 12 qui định việc quản lý giáo dân cùng các hình thức trừng phạt thật nặng nề . Chỉ dụ Sát Tả ngày 14 tháng 8 năm 1848 dẫn đến những chiến dịch sát hại hết sức tàn bạo những người giảng đạo cũng như những con chiên theo đạo Thiên Chúa. Cố Long phải tìm cách gởi Petrus Ký lên Cao Miên vào chủng viện Pinhhalu học thần học và triết học bên đó. Năm 15 tuổi ông tốt nghiệp ở đây với vị thứ cao nhất, xuất sắc nhất.
Vua Tự Ðức (1847-1883): 13 Sắc lệnh:
Nếu tính số Sắc lệnh bắt đạo, dưới thời Tự Ðức lên tới 13 Sắc lệnh ký vào những năm 1848, 1851, 1855, riêng trong năm 1857: 4 Sắc lệnh; năm 1859: 3 Sắc lệnh; và năm 1860: 4 Sắc lệnh sau cùng. Nhiều lệnh như thế minh chứng ý chí nhà vua muốn tận diệt đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và tận diệt suốt trong 30 năm chấp chính. Chúng ta sẽ thấy nội dung những Sắc lệnh đó khủng khiếp tới mức nào!
- Ðạo Công Giáo được định nghĩa không những như một " Tả Ðạo" mà còn tệ hơn nữa: như một tôn giáo xấu xa "một dịch tễ" (Sắc lệnh: 7/06/1857).
- Do đó lệnh vua là các cơ quan chính quyền phải ráo riết bài trừ:
- Lệnh cho các xã ủy, cai tổng (Sắc lệnh: Tháng 5 năm 1857): Ai không tuân theo sẽ bị cách chức (Sắc lệnh 7/06/1857).
- Lệnh cho Triều đình và các quan địa phương (Sắc lệnh 24/08/1857).
- Phải bắt tất cả các tầng lớp Công Giáo:
- Hết mọi thanh niên trên 15 tuổi phải trình diện thường xuyên theo thời gian nhất định (Lệnh 17/01/1860). Người Công Giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng không được bổ nhiệm giữ chức vụ nào (Sắc lệnh 18/09/1855).
- Ðặc biệt giới ngư phủ: vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các đạo trưởng (Sắc lệnh 18/09/1855).
- Những người chứa chấp đạo trưởng sẽ bị phân thây và buông sông (Sắc lệnh 30/03/1851).
- Giáo dân không chịu đạp lên Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ "Tả Ðạo" trên mặt và đi đầy biệt xứ (Sắc lệnh 18/09/1855). Ai cố chấp xưng đạo: đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 7/06/1857).
- Bắt các thành phần trong Hội đồng giáo xứ (Sắc lệnh tháng 10/1859).
- Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Ðạo và bị đầy chung thân (Sắc lệnh Tháng 12/1859).
- Giới Quan lại Công Giáo: cả những ai đã chối đạo cũng bị cất chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (Sắc lệnh 15/12/1859).
- Các Nữ tu: không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở, vì họ là những liên lạc viên đắc lực. Ai không tuân lệnh sẽ bị: tù chung thân, hay làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 17/01/1860 và Sắc lệnh tháng 7/1860).
- Các Linh mục Việt Nam: đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thây để nêu gương; Ngoại quốc: bị trảm quyết, đầu phải treo luôn trong 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (Sắc lệnh 15/09/1855).
- Các cơ sở Công Giáo (nhà thờ, nhà xứ, tu viện, nhà trường) bị đốt phá và tiêu hủy (Sắc lệnh 18/09/1855 và Sắc lệnh 8/12/1857). Nhất là cơ sở tại Vĩnh Trị: phải bình địa hóa triệt để (Sắc lệnh 1/12/1857).
- Những khổ hình dã man nhất: Phân sáp (1860): gồm 5 khoản:
- Khoản 1: Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương.
- Khoản 2: Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo: cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo.
- Khoản 3: Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẽ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho Chính Phủ.
- Khoản 4: Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi.
- Khoản 5: Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ Tả Ðạo và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.
Pháp luật nghiêm khắc như thế, thảo nào số người Công Giáo bị ngã gục đã lên cao: trong tổng số 117 vị Thánh Tử Ðạo, 50 vị đã hy sinh mạng sống dưới đời Tự Ðức!
(10) Những cuộc tàn sát thật ác liệt rùng rợn: từng lớp người, kể ra từng trăm từng ngàn, cứ mỗi lần phải qua một cơn bách hại là cứ tiếp tục ngã xuống, như những trái sung rụng trước cơn gió lộng! Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại, chỉ vì là thành phần trong dân Thiên Chúa. Linh mục Ð. Trần Văn Phát, hồi xưa Tổng Quản Giáo Phận Huế, còn đi xuống những chi tiết "độ 100,000 đấng Tử Ðạo: ước 58 vị Giám Mục và Linh Mục ngoại quốc, 150 vị Linh Mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 1 chủng sinh, 270 Chị Dòng Mến Thánh Giá và 99,182 giáo dân".(Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ).
(11)Theo Nguyễn Văn Trấn: ‘Tháng 12-1859 Jauréguiberry trở vào nội thành (Sài Gòn) mở rộng diện chiếm đóng ra Chợ Lớn. Nó thiếu một thông ngôn và cậy Giám mục Lefèbre tìm. Ông nầy chỉ Trương Vĩnh Ký .Trương Vĩnh Ký đưa tay’ (Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, Tp HCM 1993, trang 17). Trương Vĩnh Ký không chỉ là một người thông ngôn mà theo Jean Bouchot (Pétrus J.B.Trương Vĩnh Ký ) ông còn làm nhiệm vụ ‘phức tạp và quan trọng hơn nữa’. Ông Mẫn Quốc hiểu cái nhiệm vụ quan trọng và phức tạp đó là làm ‘tình báo, chỉ điểm, bày mưu lập kế để giặc chóng đạt được mưu đồ chinh phục của chúng’ (Nghiên Cưú Lịch Sử số 60, 3-1964). Từ 1860, Trương Vĩnh Ký vừa cung cấp những thông tin chính trị cần thiết (Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au VN, L’Harmattan, 1992, trang 138) và đi cùng với thực dân Pháp suốt chặng đường ngót một phần tư thế kỉ (1860-1885) để đánh chiếm Nam bộ, Bắc bộ và đặt xong nền bảo hộ tại Trung bộ. Trương Vĩnh Ký đã trở thành người đứng đầu danh sách khai quốc công thần của chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam (Vũ Ngự Chiêu, Các nhà Vua dưới triều Nguyễn, tập I, NXB Văn Hóa (Hoa Kỳ) 1999, trang 140).
trong “Xuất và Xử trong cuộc đời của Trương Vĩnh Ký” của Nguyễn đắc Xuân
www.giaodiem.com/tapchi/41/truongvinhky.htm - 47k -
(12) Một phát hiện về mặt tư liệu “chưa hề được trích dẫn trên sách báo xuất bản tại Việt nam trong hơn một thế kỷ qua”(sic) của Nguyễn Đắc Xuân(NĐX) là bức thư của Trương Vĩnh Ký gửi cho Jauréguiberry, được trích dẫn trong bài viết của mình “Xuất và Xử…”( chú thích số 11) như : “tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta”, xin ”hãy thương xót chúng tôi, hãy thương xót chúng tôi! Ngài là người sẽ giải phóng chúng tôi”, hơn thế NĐX dựa theo Jean Bouchot trong tác phẩm viết về Trương Vĩnh Ký , rằng ông ta còn làm “nhiệm vụ phức tạp và quan trọng hơn nữa” để cùng Mẫn Quốc lý giải đó là công việc làm “tình báo chỉ điểm bày mưu lập kế để giặc chóng đạt được mưu đồ chinh phục của chúng”(Nghiên cứu Lịch sử, số 60, 3/1964).
Thật là một sự “ tưởng tượng ghê gớm”, cố lờ đi việc tìm hiểu “trong hoàn cảnh nào” (hoặc không biết) buộc Trương viết lên những dòng nầy (Trương đang bị bố ráp tả đạo sống chết của vua quan, ngây ngô tin rằng Pháp sẽ đến cứu giáo dân. Điều nầy đã được Trương nhận thức rất rõ—xem chú thích số 24). Hơn nữa văn phong gửi quan chức(quan liêu) chính quyền trong tiếng Pháp là một ngôn ngữ khách sáo tuyệt mỹ thì lối viết như vậy của Trương là điều bình thường, không cần phải nhấn mạnh “Trương Vĩnh Ký dùng cái khả năng tiếng Pháp tuyệt vời của mình… rất ư thống thiết…”(Nguyễn Đắc Xuân) làm điểm nhấn để phê phán, chứng tỏ người sử dụng trích dẫn không am tường ngữ khí (nuance) của tiếng Pháp.
Mặt khác, Võ Xuân Đàn trong bài viết “Trương Vĩnh Ký-Một thế kỷ nhìn lại” (trong “Thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký”, NXB Văn Hóa Sài gòn) nêu lên việc ” Đại tá Jauréguiberry đánh giá Trương “là một phụ tá đặc biệt quí báu đối với quan chỉ huy quân đội Pháp đang tổ chức và bình định những vùng mới chiếm đóng” cũng với mục đích kết tội Trương Vĩnh Ký tương tự như Nguyễn Đắc Xuân.
Với tiền đề xem Paul Bert là “một tên thực dân cáo già”, Võ Xuân Đàn cho rằng ông ta đã sử dụng Trương Vĩnh Ký trong vai trò “nội ứng” trong thời gian Trương làm việc tại Triều đình Huế !(tlđd). Liệu có ổn không khi nâng Paul Bert lên một tầm mức “thực dân cáo già” để kết tội “đáng nguyền rủa” của Trương như thế ? (HLT)
(13)Từ năm 1919 và 1921, tờ Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH, Bản tin của Hội Những nguời bạn của cố đô Huế) đã có những loạt bài dịch tập Nhu Tây sứ trình nhật ký của Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ. Các tài liệu này đều xác nhận thông ngôn chính của sứ đoàn Nguyễn là Linh mục Nguyễn Hoằng. Petrus Key và Tôn Thọ Tường là phụ tá của Trung tá Aubaret, thông dịch viên chính thức cho sứ đoàn Phan Thanh Giản trong thời gian tại Paris và Madrid. Xem, chẳng hạn, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian,” traduit par Trần Xuân Toạn et Nguyễn Đình Hòe; BAVH (1921), pp. 147-187, 243-281; hay A. Delvaux, BAVH (1926), pp. 69-80. Năm 1919, Cửu phẩm Ngô Đình Diệm tại Tân Thơ Viện Huế cũng dịch và giới thiệu tập nhật ký của Phan Thanh Giản-Phạm Phú Thứ (Nguyên Vũ, tldd)
(14) “P. Vial – Công sứ Bắc Kỳ đã ám chỉ Trương Vĩnh Ký là “nhân vật quan trọng” ở bên cạnh toàn quyền Paul Bert, và ông đã lợi dụng thế lực của Paul Bert, để giúp cho triều đình Huế xây dựng lực lượng để chống lại Pháp!”( theo Lê Tùng Minh—Thiên tài và Nhân cách)
www.daiviet.org/ dvc2.asp?action=vdt&mdn=615&chude_id=60 - 81k
Theo Hoang Phong ghi lại trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861”(dịch) thì Paulin Vial là sĩ quan Hải quân(Trung úy), năm 1865 được cử làm Giám đốc Nội chính(nội vụ) tại Sài gòn và sau đó giữ chức thừa nhiệm Tổng Công Sứ hay Khâm sứ(Résident Général) tại Bắc Kỳ từ 11/11/1886 đến 28/1/1877 sau khi Paul Bert chết.
(15) Hoàng Lại Giang “Trương Vĩnh ký—Bi Kịch muôn đời” trang 588/598
(16) Hoàng Lại Giang, tldd trang 543
(17) Thư của Trương Vĩnh Ký gửi Paul Bert ngày 5/10/1886 (theo Lê Tùng Minh,tldd)
(18) Milton E. Osbone , tldd
www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12933&rb=0302 - 94k -
(19)Petrus Key và bao người đồng thời khác chỉ là sản phẩm của chế độ thực dân Âu châu nói chung, và trực hoặc gián tiếp là nạn nhân của chính sách thực dân Ki-tô/vật bản của Pháp. Chính vì thế mà mới có những trăn trở cuối đời Petrus Key về “công và tội,” khi thức ngộ được rằng dẫu có “đưa cả hai tay ra mà nắm lấy người Pháp” thì mình vẫn chỉ một thứ “người bản xứ được khai hóa” để phục vụ quyền lợi Pháp và Hội truyền giáo. Bài học “người bản xứ được khai hóa,” “văn minh hóa” hay “Pháp hóa” này quốc dân Việt sẽ còn phải suy gẫm suốt thế kỷ XXI, nếu không phải lâu hơn. Để cường điệu cho lối lập luận nầy, Nguyên Vũ đã dựa trên những tác phẩm ca ngợi Petrus Key của Henri Cordier (“Pétrus Truong Vinh Ky;” T’oung Pao, Séries II, 1 (1900), tr. 261-8) để tưởng nhớ ông, và đặc biệt là Jean Bouchot, một viên chức quản thủ văn khố [archivist]. Bouchot bỏ ra một thời gian dài thu thập tư liệu của gia đình Petrus Key hầu viết tiểu sử ông (Petrus J. B. Truong Vinh Ky, 1837-1898, Saigon, Paulus Cua, 1927) v.. v... để buộc tội Petrus Key thủ diễn vai trò trung gian bản xứ ngoại hạng(?!) trong cuộc xâm lăng và bình định xứ Nam Kỳ của Pháp, cũng như mở rộng cuộc xâm lăng ra Bắc và Trung Kỳ (1859-1886), hay sát nhập nước Ai Lao vào Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (1893).
(20) Dựa vào bức thư của Trương Vĩnh Ký gửi Paulin Vial “Chánh trị mà tôi đeo đuổi trên cương vị khó khăn ở Huế, cũng chẳng qua là chánh trị của ông Paul Bert. Thiếu điều là ổng đọc cho tôi làm, tôi đã làm theo những chỉ biểu cần thiết…” để Võ Xuân Đàn lấy đó kết tội Trương Vĩnh Ký trong khi quên rằng Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ là cấp trên của Trương , luôn cảnh giác, theo dõi và đố kị với Trương Vĩnh Ký vì được Paul Bert “tin dùng” hơn mình, có thể lý giải được tại sao Trương phải nói như thế với ông ta(tldd, xem chú thích số 10). Paulin Vial đã từng nhận xét “Trương Vĩnh Ký là hiện thân phần tử đáng nghi ngờ trong đám người Việt nam”(theo Đinh Xuân Lâm, lấy từ “P.J.B Trương Vĩnh Ký- Un savant et un patriote cochinchinois(Một nhà bác học yêu nước ở Nam kỳ 1927).
(21) Dương Mạnh Huy, “Một người tốt của nước Việt nam “, Lục tỉnh tân văn (1927) trích dẫn theo Nguyễn Vy Khanh “Về Trương Vĩnh Ký và một số văn bản, lối nhìn…”
(22)”Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đấy là một trường hợp có một không hai trong lịch sử VN. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội làm tay sai cho giặc của nhà ‘bác học’, ‘siêu nhân’, siêu Việt gian Trương Vĩnh Ký . Cuộc đời làm tay sai cho giặc của Trương Vĩnh Ký đã để lại cho các thế hệ sau ông một bài học lịch sử: Một người tài như Trương Vĩnh Ký mà thiếu đức, mà phản quốc vẫn bị đời đời nguyền rủa” ( Nguyễn Đắc Xuân, tldd).
Lối lập luận nầy không có gì mới, chỉ lời nhắc lại(tóm tắt) quan điểm của một số người như Nguyễn Anh trong “Vài ý kiến về Trương Vĩnh ký”(Nghiên cứu Lịch sử số 56, 11/1963) hay Nguyễn Khắc Đạm trong “Cần nhận rõ chân tướng Trương Vĩnh Ký để đánh giá cho đúng” (Nghiên cứu Lịch sử số 59, 2/1964) mà nguồn tư liệu chủ yếu để phê phán của những bài viết nầy trích dẫn từ cuốn “Petrus J.B Trương Vĩnh Ký—Un savant et un patriote cochinchinois” của Jean Bouchot(1927) hay bản in trước đó
(23)Trong một bức thơ gởi cho Paul Bert đề ngày 10-5-1886 Trương Vĩnh Ký cảnh báo “....Tôi bị nhiều người dại dột hoặc hung ác, họ ganh ghét tôi nên tôi không muốn vì đại nhân mà thêm một số người ganh ghét nữa. Vậy tôi muốn về lập tức...”(Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký” - Bằng Giang –trang 188) nhưng Paul Bert cũng không làm gì khác, và không may (?) nửa năm sau thì Ông ta qua đời vì bệnh tả.
(24) Ngày 4/11/1886( tức chỉ một tuần trước khi Paul Bert qua đời) Trương Vĩnh Ký đã gửi một bức thư bày tỏ sự thất vọng trước khả năng không thể vượt qua rào cản(chủ trương tách ra nước Việt Nam ra 3 phần) mà Paul Bert đã nói với Ông “Làm chính trị phải biết chấp nhận rào cản, nếu không thì mọi cái sẽ trở về con số không”, rằng:
“…Ngài cũng thừa biết như tôi rằng sự tách ra 13 tỉnh Bắc Kỳ làm rướm máu con tim của nhà vua và dân chúng An Nam…”(theo Hoàng lại Giang,“Trương Vĩnh Ký—Bi kịch muôn đời”(nhà xuất bản Văn hóa và Thông tin) , trang 579.
(25) xem Hoàng Lại Giang,tldd, chương 40-41, qua đó chúng ta có thể hiểu rõ quan hệ “thân mật” giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert, nội dung trao đổi và thuyết phục của Ông đối với Vua Đồng Khánh và Paul Bert. Những góp ý thức thời của Ông trước tình thế của đất nước trước hiểm họa chiếm đoạt, thừa “nước đục thả câu” từ Trung Hoa cũng như thái độ lạnh nhạt, đa nghi và bất bình của Paul Bert đối với Trương Vĩnh Ký sau khi chủ trương của Mẫu quốc đối với thuộc địa thay đổi. (Xem thêm Phụ lục 1)
(26) “Các nhà nghiên cứu sử học thế hệ trước quá nhấn mạnh tới tội ác, tiêu cực của triều đình phong kiến, người Pháp, Mỹ mà lại viết quá sơ sài về các giá trị kinh tế, văn hóa mà tầng lớp trí thức sống trong “vùng tạm chiếm” để lại. Đặc biệt, đã “lãng quên” hoặc đánh giá phiến diện một loạt nhân vật lịch sử, trên chừng mực nào đó có những đóng góp tích cực vào lịch sử dân tộc như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn ... Nếu chỉ dừng lại như trước đây, họ sẽ phải gánh chịu “bi kịch muôn đời”. Nhưng GS Phạm Xanh cho rằng, đây chính là thời kỳ mà “sử học đang mở lối” cho các nhà sử học trẻ "khỏa lấp" khoảng trống đó...”(Phục dựng một mảng lịch sử - Việt Anh, Tia Sáng 03/08/2007)
http://www.tiasang.com.vn/print?id=1808
(27) ngạn ngữ la tinh, biện minh cho việc ra nhận lời làm thông ngôn cho Trung tá Hải quân Jauréguiberry.
-Trong một thư khác viết bằng chữ La-ngữ gửi cho bạn là bác-sĩ Chavannes, ông cũng bày tỏ rõ quan-điểm của mình: “Đây là việc tôi ở với các anh chứ không phải vì theo các anh, đó chỉ là phận sự tôi phải làm và điều này làm tôi an lòng”, ông nói: “sic vos non vobis, hoc est mea sors et consolatio.” (Nguyễn Văn-Tố, Tựa cuốn Trương Vïnh Ký của Lê Thanh, Bằng Giang, Sương Mù Trên Tác phẩm Trương Vïnh Ký, Văn Học tb, 1994. tr.71).
-Theo Hoàng Lại Giang ( tldd, trang 546-547):
Vua Đồng Khánh hỏi:
-Trẫm nghe người Phang sa đưa Khanh vào đây là để dò xét mọi việc triều chính của triều đình*
…Trương Vĩnh ký hiểu rằng dầu gì đi nữa, trong ngài vẫn mang dòng máu dân tộc Đại Việt. Suy nghĩ một lúc, Trương Vĩnh ký nói:
-Tâu bệ hạ, chắc bệ hạ biết việc Quan Vân Trường hàng Tào Tháo, nhưng lòng vẫn thuộc về Lưu Bị.
Vua Đồng Khánh gật đầu.
Trương Vĩnh Ký tiếp:
-Nhờ người Pháp, thần được ăn học và trước tiên là thoát được bao cửa tử do chính sách“sát tả” của tiên vương Hoàng thượng. Nhưng lịch sử đã nhắc nhở thần là con cháu Đại Việt. Thần với bệ hạ xa xưa vốn cùng một dòng máu của bà Âu Cơ. Và vì vậy không lý do gì thần lại phản nghịch tổ tiên mình. Thần hứa với mình, phải học Quan Vân Trường: Theo họ nhưng không lệ thuộc họ…”
*Có tư liệu ghi đây là lời của Hoàng Kế Viêm
_______________________________________________________________________
Phụ lục 1.
Người bạn “tốt” của Trương Vĩnh Ký
Từ chuyến sang Pháp tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản cho đến các hội nghị khoa học quốc tế mà ông tham dự, Pétrus Ký đã đặt mối quan hệ, trao đổi thư từ thường xuyên với các học giả trên thế giới, những người có ý tưởng nhân đạo cao đẹp, với mong muốn sau này họ có thể giúp đỡ người Việt trên nhiều lĩnh vực: khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội... Trong số đó có ông Paul Bert, người mà Pétrus Ký đã có được mối quan hệ có lẽ là thân thiện nhất.
Ông Paul Bert là bác sĩ, giáo sư Đại học khoa học ở Bordeaux và Paris, thành viên Hàn lâm viện Pháp, bộ trưởng Bộ Giáo dục và nghị sĩ Quốc hội Pháp. Giữa hai ông đã có hơn 20 năm liên hệ với nhau qua thư tín, hướng tới mục tiêu cải tổ VN để tiếp cận được với các nước văn minh trên thế giới, theo phương châm “hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” thay vì chính sách “đồng hóa” (assimilation) của thực dân Pháp.
Sau này, khi được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương, chỉ trong vài tháng đầu tiên ở cương vị mới ông Paul Bert đã cho thành lập một Hàn lâm viện Bắc kỳ (Académie Tonkinoise) để duy trì và phục hưng nền văn hóa truyền thống VN.
Cùng sang VN với ông Paul Bert còn có các cộng sự thân tín của ông như J.Chailley; G.Dumoutier (nhà VN học đã kêu gọi sự hợp tác của các nhà Nho học để cùng bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc phục hồi chữ Hán - Nôm).
(Theo Mai bá Triều)
Paul Bert tổng-trú-sứ lưỡng kỳ (Bắc và Trung-kỳ) mới được bổ nhiệm 8-4-1886. Trước khi nhiệm chức Paul Bert đã gặp Trương Vĩnh Ký, nhờ cả ông soạn giùm bài hịch (thư 22-3-1886) mà cuối cùng chính họ Trương đọc trước Vua, trình bày 7 điểm để cứu vãn tình hình bất an gay cấn giữa Pháp-Việt và lương-giáo (xem đề nghị 7 điểm nầy trong « Trương Vĩnh Ký—Bi Kịch muôn đời » của Hoàng Lại Giang, chương 40.
Phụ lục 2
Trương Vĩnh Ký thân thiết với Paul Bert và theo thuyết ông này chủ trương hoà hoãn, bình định, trong khi những người Pháp khác chỉ muốn áp đặt guồng máy thống trị toàn cõi Việt Nam! Như vậy, người Pháp dùng Trương Vĩnh Ký nhưng thường vẫn ngại ông. Joseph Chailley-Bert trong cuốn “Paul Bert au Tonkin” viết về Trương Vĩnh Ký : "Ðể thêm người làm việc cho vua, Paul Bert đã cho vào Cơ Mật Viện một nhà trí thức nổi tiếng của nước Nam-kỳ thuộc địa tên Trương Vĩnh Ký. Ðây là người vẫn được người Pháp bàn tán tranh cãi đặc biệt và có những ý kiến quá trớn" . Phải chăng quá trớn cho quyền lợi Pháp? Trong một văn thư gửi toàn quyền Noel Pardon, văn thư cuối cùng liên hệ với cầm quyền Pháp, họ Trương trình bày những ưu tư và giải pháp ông nghĩ để giải quyết những rối loạn ở Ðông dương! Nhiều lần Trương Vĩnh Ký đã tận dụng chức vụ để bày tỏ với người Pháp những ưu tư của ông đối với người dân thường, như trong tường trình ngày 28-4-1876 về Bắc kỳ, tường trình vốn bị nhiều người lên án làm chỉ điểm cho Pháp chiếm Bắc-kỳ sau đó. Ông ưu tư trước hiểm họa chiến tranh hao người tốn của như cụ Phan Thanh Giản trước đó đã bầy tỏ qua cử chỉ nộp thành và quyên sinh! Biết thua thiệt, nên "bất cượng chớ cượng làm chi" (tựa sách viết năm 1882), do đó ông muốn dựa vào kẻ mạnh khoa học và giáo dục, hầu mong dân nước mình tiến bộ theo! Hơn nữa, khác với Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký không bao giờ kết án những người Việt chọn con đường yêu nước võ trang chống Pháp và cũng không hề nịnh hót chính phủ thuộc địa để được quyền lợi vật chất. Người Pháp đã không "bằng lòng" về Trương Vĩnh Ký nhiều lần khác. Như khi ông lo cho học sinh được triều đình Huế gửi vào Sài-Gòn học trường thông ngôn, có người đã nghi ông "phản" Pháp và chăm lo cho triều đình Huế, viên thống đốc Nam-kỳ lúc đó chỉ trả lương chức Ðốc học cho ông và có khi còn bày trò trả lương trễ cho ông! Chính những trò đời này và ông dư sức đã hiểu tâm địa người Pháp sau một thời gian "hợp tác", cho nên sau đó cho đến chết ông sống thanh bần, lo viết và in sách để phổ dương văn học và văn hóa Việt Nam(Nguyễn Vy Khanh, tldd)Phụ lục 3.
Trương Vĩnh Ký tận tụy, hăng say “viết sách cho đời” với cả trái tim của kẻ sĩ! Ông chẳng hề nhận một sự tài trợ nào của chính quyền thuộc địa của Pháp. Ông cũng không có nhận sự giúp đỡ tiền bạc của Giáo Hội hay của một Mạnh Thường Quân nào! Ông chỉ sử dụng số tiền dành dụm của gia đình, trong những năm ông còn làm việc, để thanh toán các khoản tiền in ấn, phát hành. Chính vì thế, vào những năm cuối đời, gia đình ông đã hoàn toàn khánh tận, nên phải chịu mắc nợ nhà in Rey et Curiot một số tiền lớn, không có cách nào thanh toán nổi! Cho nên học giả Lê Thanh đã cảm than rằng: “Vì quá tận tụy cho nhà, cho nước, cho văn chương, tư tưởng mà Tiên sinh đã phải trả giá đắt bằng cả sức khỏe, và sau cùng bằng cả cuộc đời của Tiên sinh!”(Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh)
Phụ lục 4
Vài tác giả Pháp cũng viết về Petrus Key như Henri Cordier (“Pétrus Truong Vinh Ky;” T’õoung Pao, Séries II, 1 (1900), tr. 261-8) để tưởng nhớ ông, và đặc biệt là Jean Bouchot, một viên chức quản thủ văn khố [archivist]. Bouchot bỏ ra một thời gian dài thu thập tư liệu của gia đình Petrus Key hầu viết tiểu sử ông (Petrus J. B. Truong Vinh Ky, 1837-1898, Saigon, Paulus Cua, 1927), v.. v... Đây quả là vinh dự cá nhân cho Petrus Key. Nhưng, đồng thời, những tư liệu trên cũng hùng hồn chứng minh vai trò trung gian bản xứ ngoại hạng mà Petrus Key thủ diễn trong cuộc xâm lăng và bình định xứ Nam Kỳ của Pháp, cũng như mở rộng cuộc xâm lăng ra Bắc và Trung Kỳ (1859-1886), hay sát nhập nước Ai Lao vào Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (1893) (Nguyên Vũ—Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký)Tài liệu tham khảo (tiếng Việt)
-Lịch sử 80 năm chống Pháp tập I-II /1957 (Trần Huy Liệu), NXB Văn Sử Địa-Trí thức Nam Kỳ đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp trong nửa sau thế kỷ 19—Luận án Tiến sĩ của Trần Thị Kim Nhung (2003), bản đánh máy, Đại Học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh.
-Giáo sĩ Thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt nam(1857-1914) Cao Huy Thuần (2002) do Nguyên Thuận dịch. NXB Tôn Giáo
-Xứ đàng trong—Luận án Tiến sĩ của Li Tiana(1992) NXB Trẻ
-Trương Vĩnh Ký, Nhà văn hóa—Nguyễn văn Trung (1993). NXB Hội Nhà Văn
-Trương Vĩnh Ký--Con người và sự thật—Nguyễn văn Trấn (1993). NXB Thành phố Hồ chí Minh( Ban Khoa học Xã hội Thành ủy)
-Nguyễn Trường Tộ--Con người và di thảo—Trương Bá Cần (1998). NXB Thành phố Hồ chí Minh
-Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa— Luận án Tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi(1990). NXB Thành phố Hồ chí Minh(Ban Khoa học Xã hội Thành ủy)
-Trương Vĩnh Ký—“Bi Kịch muôn đời” trong Hòang Lại Giang Tuyển tập (2008). NXB Văn Hóa
-Thế kỷ 21 nhìn về Trương Vĩnh Ký—nhiều tác giả (2006) NXB Văn Hóa Sài gòn
-Việt Nam Pháp thuộc sử : 1862-1945 / Phan Khoang (1961)
-Lịch Sử Cuộc Viễn Chinh Nam Kỳ năm 1861 của Leopold Pallu do Hang Phong dịch và bình. NXB Phương Đông 2008
Và nguồn tư liệu tiếng nước ngoài (lược), trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử và các trang mạng Giao điểm, Talawas, Đất Việt… như đã trích dẫn.
Các quan ta tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin, đến Đà-Nẵng yêu cầu triều đình gửi Toàn quyền đại thần vào Gia-định thương thuyết.
Thông ngôn: Trương Vĩnh Ký và Cố Trường (Le Grand de la Liraye)
Trương Vĩnh Ký đang giảng bài
Tượng Trương Vĩnh Ký đặt trong công viên sau lưng nhà thờ Đức Bà (Sài gòn), trước Dinh Độc Lập (dinh Thống Nhất ngày nay) đã bị dời đi sau ngày 30/04/1975
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét