Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ-PHẦN I

PHẦN I:


  Trước đây lúc còn ở Việt Nam, mình có nghe qua cái tên Đông Trùng Hạ Thảo nhưng rồi từ tai này chạy qua tai kia… vì kẻ không phải "trả bài" mỗi ngày thì có bao giờ cần đến các loại “thuốc” Viagra he he, nên chẳng chú tâm lắm. Trong đầu cứ đinh ninh đấy là một dược liệu từ Trung Quốc, hết sức đắt và có lẽ là hoang đường giống như sừng tê giác.
  Mình lầm!

  Sang Nepal được một năm, kết bạn với một nhóm lãng tử, một hôm tụ tập tại nhà một anh chàng làm nghề trekking guide (hướng dẫn dạo núi. Trekking=đi dạo, ngắm cảnh đẹp núi non; không phải là mountain climbing=leo núi, chinh phục các ngọn núi cao). Hắn đẹt người, mặt mũi giống hệt Bob Marley, lại thần tượng và để râu tóc dài bù xù như anh chàng nhạc sĩ-ca sĩ Jamaica. Bob Marley-Nepal hay B.M. Nepal theo tiếng Anh bồi (nick mình gọi hắn), vừa trở về từ một chuyến trekking nên túi rủng rỉnh, hắn mua mồi và bia kêu cả bọn đến nhậu. B. M. Nepal nghiện bia, ngày nào cũng phải xơi mấy chai, tội nghiệp nhất là mấy tháng sau mùa trekking: túi rỗng nhưng vợ vẫn phải hàng ngày đi ký sổ lấy bia về cho hắn. Thu nhập mỗi mùa trekking bảy tám ngàn đô, người khác đã dành dụm mua được nhà đất, còn hắn vẫn ở nhà thuê, đi bộ; tiền kiếm được toàn mua đĩa nhạc, dàn âm thanh xịn, và… uống bia. Tay này nấu thức ăn rất ngon (he he giống hệt mấy bợm miền Tây làm mồi thì khỏi chê, và cũng nhờ vậy mà bọn Tây rất khoái hắn ). Mình thì chủ yếu phá mồi chớ tửu lượng tệ hơn vợ thằng Đậu, may mà dân Nepal không có vụ trăm phần trăm như miền Tây, cũng không bao giờ ép ai uống. Uống được vài chai, bốc lên, B. M. Nepal hí hửng moi trong đống hành lý ra một gói vải cột cẩn thận. “He, yarshagumba…” Cả bọn Nepal mắt chữ O mồm chữ U thốt lên phấn khích. Mình ngơ ngáo nhìn vào thứ nằm trong vuông vải ấy, chỉ thấy mấy con sâu khô màu vàng nghệ trên đầu có cái sừng màu nâu dài sòng sọc, kích cỡ chừng đầu đũa ăn cơm, dài chừng 4-5 phân. Cả bọn tranh nhau, nài nỉ gã chủ tiệc nhậu xin mấy con sâu ấy. “Ha ha…” gã cười, “Chỉ cho thằng nào có vợ thôi… Độc thân thì miễn nha…” Cả đám chỉ có gã và Nikson Shakya là có vợ, nên Nikson được cho 2 con sâu còn bao nhiêu gã cẩn thận gói lại giắt vào túi áo ngực… cho chắc ăn (chắc nhờ vậy mà vợ hắn không bỏ hắn dù một năm túi rỗng hai lần mỗi lần 2-3 tháng sau các mùa trekking hi hi...). Thấy cả bọn tiu nghỉu, mình buột miệng hỏi, “Cái gì vậy?” “Yarshagumba.” ai đó trả lời. Mình lắc đầu không hiểu. Cả bọn quay lại nhìn mình như người ngoài hành tinh. “Summer plant, winter insect.” B.M. Nepal giải thích bằng tiếng Anh. Mình vẫn không hiểu. Cả bọn cười ồ, sau đó B.M. Nepal mở nhạc và cả đám chuyển qua đề tài khác. Chập tối, lúc ra về, B.M. len lén mấy tên kia dúi vào tay mình hai con sâu khô. Thấy hắn quý mấy con sâu mình cũng cất giữ cẩn thận nhưng không biết đấy là cái gì, công dụng thế nào, sử dụng ra sao. Đó là lần đầu tiên mình biết đến Yarshagumba.  He he cái câu giải thích của B.M. Nepal hóa ra chính là nguồn gốc của cái tên bằng tiếng Trung Quốc, theo Hán Việt chính là Đông Trùng Hạ Thảo. 


  Đông Y Trung Quốc xếp Đông Trùng Hạ Thảo vào nhóm 3 thứ dược liệu quý nhất là : Nhân Sâm, Đông Trùng Hạ Thảo và Nhung Hươu; gọi là "Tam Bảo Trung Hoa". "Bản Thảo Cương Mục" của Lý Thời Trân hoàn thành vào đời Minh, năm 1578 tây lịch, một Bách Khoa Toàn Thư về dược liệu học của Trung Quốc đã đánh giá rất cao Đông Trùng Hạ Thảo. Bản Thảo Cương Mục cho rằng Đông Trùng Hạ Thảo đối với cơ thể con người có tác dụng điều trị và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Thời xưa ở Trung Quốc, Đông Trùng Hạ Thảo luôn là sản phẩm dùng cho các vị Hoàng đế, rất quý hiếm, dân chúng bình thường thì không được sử dụng sản phẩm này. Tại sao?
Trong mua bán, ĐTHT được cân như cân vàng

 Vì Đông Trùng Hạ Thảo quá quý hiếm. chúng chỉ sinh trưởng ở những nơi cao hơn so với mặt nước biển 3,000 – 5,000m, nhiệt độ thấp, thiếu oxy và hầu như quanh năm tuyết phủ (chỉ tan tuyết 2-3 tháng mỗi năm) thì mới có giá trị thuốc. Đông Y Trung Hoa tuyên truyền cho toàn thế giới rằng Đông Trùng Hạ Thảo chỉ tập trung ở vùng cao nguyên Thanh Tạng Trung Quốc. Ngày xưa, chúng là hàng cống nạp từ vùng này cho các hoàng đế Trung Hoa, rồi được hoàng đế ban thưởng cho các sủng thần. Ngoài hai giới ấy, chỉ có những đại gia cực giàu mới có thể kham nổi chi phí hơn cả giá vàng để lén lút mua được dược liệu này từ những tay buôn lậu hàng từ cao nguyên Thanh Tạng.

  Tại sao Đông Y Trung Quốc đánh giá Đông Trùng Hạ Thảo là dược liệu quý báu?
  Chính vì nguồn gốc hình thành của chúng.
Con Ngài Dơi

  Đông Trùng Hạ Thảo vừa là động vật vừa là thực vật, vừa là "trùng" lại vừa là "thảo", tức vừa là "con" lại vừa là "cây". Nhìn hình dáng bên ngoài, Đông Trùng Hạ Thảo trông giống như một con sâu và phần đầu giống như một cái chồi cây. Trên những dãy núi cao hơn 3,000m so với mực nước biển có một loại côn trùng gọi là Ngài Dơi thuộc loài Thitarodes. Ấu trùng của loài ngài này (caterpillar hoặc larva) chui sâu vào trong đất để ăn các mầm non của một cây họ nghệ (polygonum viviparum L.) và trú đông (xuất xứ của từ Đông Trùng). Một số các con sâu này bị nhiễm một loài nấm (fungus) đặc biệt. Loài nấm này phát triển mạnh ở phần đầu con sâu làm chúng khó chịu phải di chuyển theo hướng dễ nhất là lên phía trên. Thường là đến gần mặt đất chừng trên dưới 1cm chúng sẽ chết. Loài nấm vẫn tiếp tục phát triển thành một dạng tơ ngay bên trong cơ thể con sâu. Đến đầu mùa hè các chùm tơ này bện chặt như một cái cây con bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất (xuất xứ của từ Hạ Thảo). Vì thế người Trung Quốc gọi nó là Đông Trùng Hạ Thảo (冬虫夏草), đảo ngược tên chính gốc của nó tại vùng Himalaya là Yarshagumba (tiếng Tây tạng: Yarshagumba = summer plant and winter insect=Hạ Thảo Đông Trùng). Còn tại Ấn Độ, người ta gọi dược liệu này là ‘Kira Jhar’ nghĩa là Insect Plant= cây-sâu. Tên khoa học của Yarshagumba là Ophiocordyceps sinensis hoặc Cordyceps sinensis.
Đông Trùng Hạ thảo khi đào được

  Y học Trung Quốc rất chú trọng âm dương, cho rằng mùa đông là âm, mùa hè là dương, đất là âm, trời là dương, thực vật là âm, động vật là dương. Quá trình sinh trưởng của Đông Trùng Hạ Thảo trãi qua 3 loại âm và dương này, cho nên Đông y cho rằng Trùng thảo là một chất "Tam âm tam dương", phù hợp với lý luận cân bằng âm dương Trung y, có thể điều tiết sức khỏe con người cả âm lẫn dương. Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi đông trùng hạ thảo là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi xuân sinh lực, có tác dụng 'Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm' , 'Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ', 'Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân'; là loại thuốc 'Tư bổ dược thiện', có thể chữa được 'Bách hư bách tổn'.
   Chính vì thế Đông Trùng Hạ Thảo là vị thần dược mà các vua chúa Trung Quốc tin dùng như bảo vật trời ban tạo nên huyền thoại về một loại dược liệu giá đắt như vàng.

(Còn tiếp, xin mời xem tiếp vào Chúa Nhật 02/12/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét