Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

CÂU CHUYỆN CẢNH SÁT 2

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN:POLICE STORY 2
 POLICE STORY1

    Vừa rồi Bộ Công An trình dự thảo Luật cư trú. Mình dốt về luật, không bàn về góc độ chuyên môn, chỉ lăn tăn ý này: “Quan điểm của ngành công an đối với nhân dân? Phục Vụ (Serve) hay Kiểm Soát (Control)?

SERVE and PROTECT , NOT CONTROL!

  Tại sao ngành công an lại ôm đồm việc quản lý hộ khẩu, cư trú, vốn là việc của ngành hộ tịch? Tại sao công an lại ôm đồm việc quản lý phương tiện giao thông, vốn là việc của ngành giao thông?
  Mình đi được vài nơi và tìm hiểu thông tin qua báo chí, bè bạn thì biết là chẳng có nơi nào có chế độ hộ khẩu như Việt Nam (hiện nay) và Trung Cộng, những nước cộng sản độc quyền toàn trị. Xin hỏi tính chất của “hộ khẩu” là để làm gì? Ngày nay đâu còn chế độ tem phiếu như thời bao cấp? Ở một nước Tự Do và Dân Chủ (như Việt Nam ta tự khẳng định ngày nay) thì mọi công dân có quyền đi lại và cư trú tự do trên đất nước của mình chứ? Tại sao lại phải trình báo cho công an ? Tại sao phải XIN “tạm trú”, “tạm vắng”? Tại sao tôi đi khỏi nhà tôi mà phải khai báo “tạm vắng”? Tại sao tôi đến thăm thân nhân tôi và ở lại nhà người ấy chơi mà phải đi khai báo tạm trú với công an địa phương? Việc phòng chống tội phạm (nếu có) là BỔN PHẬN của người nhận lương từ tiền thuế của dân. Và không phải vì bổn phận đó mà anh CÓ QUYỀN NGHI NGỜ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI LÀ TỘI PHẠM !
Mình ở Nepal đến nay là năm thứ 8 thế mà chưa bao giờ thấy cảnh công an khu vực “hỏi thăm sức khỏe”, tạm trú, tạm vắng (vì đâu có công an khu vực lẫn tạm trú-tạm vắng). Các khách sạn, nhà nghỉ thì dĩ nhiên phải yêu cầu khách trọ đăng ký tên tuổi, giấy tờ vì lý do an ninh nhưng các cuốn sổ đăng ký đó chỉ để tại khách sạn không có cảnh phải chạy đôn chạy đáo đến công an phường đăng ký tạm trú cho khách trước 7 giờ đêm (cứ đến trụ sở công an phường có chừng vài chục nhà nghỉ, khách sạn thì các bạn sẽ biết chủ KS bị hành hạ thế nào). Các cuốn sổ này sau đó được các khách sạn, nhà nghỉ tự lưu trữ vĩnh viễn. 6 năm trước, cảnh sát Nepal bắt được một tội phạm quốc tế (gốc Nepal) về tội mưu sát một khách du lịch Mỹ 30 năm về trước. Một trong những bằng chứng quan trọng là cuốn sổ lưu trú của khách sạn nơi 2 người ở chung đã được khách sạn này lưu trữ suốt 30 năm qua. Liệu ngành công an có thể lưu trữ sổ sách của hàng chục nghìn KS, nhà nghỉ suốt vài chục năm? Mà nếu được thì ai sẽ chi số tiền cho công việc này? Đừng nói là từ tiền thuế của dân đen à nha!
  Việc quản lý nhân khẩu ở các nước Nam Á học hỏi từ người Anh, rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả: Hộ Tịch. Anh sinh ở đâu, ngày tháng nào, con ông-bà nào được ghi vào sổ hộ tịch địa phương. Khi 16 tuổi làm Thẻ Căn Cước thì có thêm dấu lăn tay. Thế là đủ. Khi cần cứ mở sổ hộ tịch ra để kiểm chứng nhân thân, còn dấu lăn tay thì lưu trong hồ sơ cả bên hộ tịch lẫn cảnh sát.
   Nguyên tắc làm việc ở đây là tinh giản sao cho thuận tiện nhất cho người dân. SERVE mà! Và đấy là lý do tại sao người dân phải đóng thuế để nuôi bộ máy cảnh sát.
   Lại quay về Nepal (mình mang xứ nghèo làm thí dụ để các bác khỏi so đo là so sánh khập khiễng với các xứ giàu). Việc quản lý đăng ký xe cộ thuộc về ngành giao thông, không phải cảnh sát, gọi là Cục Quản Lý Giao Thông. Cục này thành lập vào thập niên 1950 bởi hai thanh niên vừa tốt nghiệp ở Anh về lại Nepal làm việc. Khi một chiếc xe (tất cả: ô tô, xe chuyên dụng, xe mô tô…) nhập khẩu vào Nepal, chủ xe (thường thì công ty nhập khẩu xe) sẽ đăng ký ở cơ quan quản lý giao thông địa phương (thành phố, tỉnh) và được cấp MỘT SỐ XE VĨNH VIỄN cho mỗi chiếc xe. Đấy là số Căn Cước cho mỗi chiếc xe, lấy theo thứ tự trước sau. Sau này, dù có thay đổi sở hữu qua bao nhiêu người thì chiếc xe vẫn giữ bảng số duy nhất của nó. Đơn giản và hiệu quả vô cùng. Bảng số xe Nepal theo nguyên tắc sau: tên vùng, lô và số thứ tự. Ví dụ Ba 40 -9999 ( Ba: vùng Bagmati, lô số 40, chiếc xe thứ 9999). Cứ 10.000 xe là sang một lô mới (như bảng số ở trên thì đây là chiếc xe thứ 4.000.9999 ở vùng Bagmati, chiếc kế tiếp sẽ có số xe thuộc lô 41 như: Ba 41-0001). Thuận tiện cho mọi người (thậm chí kể cả ngành marketing hay thống kê vì chỉ nhìn vào bảng số xe thì có thể biết được tỉnh / thành phố này có bao nhiêu chiếc xe). Quản lý kiểu này thì khỏi lo có chuyện mua bảng số đẹp! Lòng vòng các con đường Nepal, bạn có thể gặp những chiếc xe ghẻ lở đeo bảng số tam quý, tứ quý, thần tài… 
CẢNH SÁT GIAO THÔNG NEPAL

  Mà cảnh sát Nepal cũng chả phải ôm đồm việc sản xuất và kinh doanh bảng số xe! Chủ xe tự làm lấy. Có tiền và thích đẹp thì ra tiệm thuê thợ vẽ theo ý mình. Không tiền? Ở nhà cắt mảnh sắt sơn nền rồi nguệch ngoạc vẽ chữ số cũng chẳng ai làm khó dễ, miễn là rõ ràng, đọc được. Nguyên tắc là anh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu dùng bảng số giả , khi bị cảnh sát phát hiện thì sẽ bị phạt rất nặng, truy tố ra tòa và bị tịch thu xe. Có chuyện này khá buồn cười. Hai năm trước, cảnh sát Nepal kiến nghị lên Chính phủ, cuối cùng chính phủ ra quy định cấm làm bảng số phản quang… hi hi… Lý do là vì cảnh sát giao thông ở các trạm không thể đọc được bảng số phản quang khi xe cộ lưu thông.
  Cũng chuyện giao thông. Xe ở Nepal giá rất đắt vì thuế nhập khẩu xe đến 300%. Chiếc xe Nano rẻ nhất thế giới sản xuất ở India ngay bên cạnh giá chỉ 1.200USD sang Nepal người mua phải trả 12.000USD (cao hơn 10 lần). Vì vậy không có gì khó hiểu khi xe cộ ở Nepal đến 80% là xe cũ dù Nepal cấm nhập xe second-hand. Một chiếc xe ở Nepal thường được sử dụng cho đến khi nào không còn chạy được nữa mới thôi. Mấy năm nay, các hãng xe “lobby” cho giới làm luật để ra quy định cấm xe trên 20 năm tuổi lưu thông trên đường phố nhằm bán xe mới. Thế nhưng, người phản đối quyết liệt nhất chính là Cục quản lý giao thông Nepal và cảnh sát giao thông. Họ nói rằng không thể đặt ra giới hạn năm sử dụng cho phương tiện giao thông miễn là chiếc xe đó đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn lưu thông khi kiểm tra. Ngăn cấm sử dụng xe là vi phạm QUYỀN SỞ HỮU của người dân! Sao mà cảnh sát một nước theo chủ nghĩa tư bản lại VÌ DÂN đến thế nhỉ? Và dĩ nhiên chẳng bao giờ có cảnh sát Vì Đảng – Còn đảng còn mình. Nepal theo chế độ đa đảng mà! Kể cả trước kia còn trong chế độ quân chủ, cảnh sát Nepal đã từng nhiều lần từ chối mệnh lệnh đàn áp dân chúng của hoàng gia.
                                             SERVE or CONTROL?       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét