Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

LỬA PHẬT – LẠI TRÒ RẺ TIỀN CÂU KHÁCH

 

 Các vị có thể dùng lửa gì cũng được để tạo ra một đám cháy thiêu hủy tất cả những gì còn sót lại, thiêu hủy những gì mà đáng ra giới trẻ nên học hỏi để có thể sống một đời sống nhân hậu, nhân ái, khoan dung và bất bạo động. Cổ súy tham sân si, ái hận tình thù là quyền của quý vị, nhưng nhớ là đừng đùa với “LỬA”. 

     Xin hãy “chừa ra” chữ Phật thiêng liêng của những người theo Phật giáo chúng tôi, đừng dùng chữ ấy vào những tựa đề câu khách kể cả khi anh làm phim nhảm nhí giải trí rẻ tiền. Tôn thờ chữ Phật với tinh thần bất bạo động, hòa bình là quyền của chúng tôi và chúng tôi có quyền bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình. Không cần bạo lực như tín đồ Hồi giáo hay Hindu kéo đến đốt phá rạp hát chiếu phim phỉ báng tôn giáo của họ, sức mạnh mềm “bất bạo động” của Phật giáo vẫn có thể chiến thắng bất cứ thế lực nào! Có khi nào các vị tưởng tượng ra cảnh các sản phẩm của quý vị bị toàn bộ Phật tử Việt Nam tẩy chay?
 **********************************************************************

    Tháng 12/2011, sau khi dự Global Buddhist Conference ở New Delhi, tôi làm một chuyến độc hành gọi là “Theo dấu Asoka” từ Bắc xuống Nam India viếng thăm hầu hết các di tích, địa điểm có liên quan đến vị hoàng đế India sinh ra trước Chúa Jesu khoảng 300 năm. Chỉ để có thể hiểu rõ thêm một con người vĩ đại.

Quốc kỳ với bánh xe chánh pháp ở giữa và quốc huy là tượng sư tử của Asoka - India ngày nay
   Asoka – Hán Việt là A Dục còn Hindi hay Nepali đọc nuốt mất âm a là Asok (A-sók) – là  vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử India đã tạo lập được một sự nghiệp, cả về chính trị lẫn tôn giáo, mà không một vị hoàng đế nào của India sánh nổi. Lãnh thổ của đế chế Maurya (Maurya nghĩa là chim công) thời Asoka là lãnh thổ rộng lớn nhất mà India từng đạt được trong lịch sử cho đến ngày nay, trải dài từ biên giới Iran cho đến tận Myanmar; bao gồm toàn bộ tiểu lục địa India (Subcontinent), Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka, Bangladesh, phía Nam Nepal. Không phải ngẫu nhiên mà nước Cộng hòa India ngày nay lại dùng hình ảnh bánh xe pháp (Dharmachakra = Wheel of Law) từ trụ đá Sarnath của Asoka trên quốc kỳ và hình tượng sư tử cũng trên trụ đá ấy làm quốc huy/biểu tượng quốc gia.
 Vào năm 281 trước Công nguyên, Asoka dẫn hùng binh đi chinh phục Kalinga - tiểu quốc độc lập cuối cùng trên lục địa India. Cuộc chinh phục đẫm máu ấy đã được chính Asoka cho khắc vào bia đá để lại cho muôn đời sau. Nhưng khác với tất cả những hoàng đế, vua chúa ở khắp nơi trên trái đất này – những người tự hào kể về các chiến công của mình – Asoka cho ghi lại sự hối hận của ông vì đã gây ra chiến tranh, tàn sát hàng trăm ngàn người vô tội.
  Kalinga đã bị chinh phục bởi Devanam Piyadasi (vương hiệu của Asoka) sau khi Ngài lên ngôi được tám năm. 150.000 người đã bị bắt làm nô lệ, 100.000 người bị tàn sát trong chiến trận và gấp nhiều lần con số đó đã chết.

Sau trận Kalinga, Ngài đã bắt đầu xây dựng niềm tin vào Chánh Pháp (Dharma). Ngài đã vô cùng hối hận vì đã xâm chiếm Kalinga, đã chinh phục một vùng-đất-không-bao-giờ-bị-chinh-phục, làm cho dân chúng xứ ấy bị tàn sát, và bị bắt làm nô lệ. Đấy là nỗi buồn và lòng hối hận vô cùng sâu sắc của Ngài.”

      (Tạm dịch từ bia đá của Asoka ở Gujarat, Bắc India. Asoka tế nhị đến mức không cho khắc bia này ở Kalinga mà ở một nơi cách xa nơi đó hàng ngàn km).

   Trận chiến Kalinga là trận chiến cuối cùng của vị hoàng đế uy vũ, bất khả chiến bại Asoka. Ngồi trên một đỉnh núi gần đấy, nhìn xuống bãi chiến trường phơi xác hàng trăm ngàn người, Asoka hốt nhiên “Đại Ngộ”. Ông quy y Phật giáo, từ bỏ mọi hình thức bạo lực, chiến tranh và toàn tâm toàn ý hiến dâng toàn bộ phần còn lại của đời mình để phục vụ đồng loại thông qua chánh pháp. Thấm nhuần Phật pháp, vị hoàng đế hùng cường đã từ bỏ bạo lực.


   Đạo Phật là một đạo của hoà bình và nhân bản. Ngay từ thời Đức Phật, chính Ngài đã dạy các đệ tử tính “NHẪN”. Bản thân Ngài từng trải qua nhiều lần bị xúc xiểm, nhục mạ, thậm chí bị tấn công bằng vũ lực nhưng không một lần Ngài dùng “lửa” để dập “lửa”. Các đệ tử của Ngài có người đi truyền đạo ở phương xa bị người địa phương dùng vũ khí tấn công và giết chết nhưng vẫn từ hòa, không phản kháng và oán thán. Có đại đệ tử sử dụng “thần thông” (Mục Kiền Liên phi thân như trong truyện chưởng) còn bị Ngài quở trách vì mục tiêu của người tu tập theo đạo Phật là “chứng ngộ” chứ không phải thần thông.
  Cũng Asoka đã cho một người em của mình bài học về sự tu tập của các nhà sư Phật giáo. Khi ông em này thắc mắc về chuyện “dục” của các nhà sư. Asoka đã “gài bẫy” ông em làm ông em tưởng là mình phạm tội thật và đi đến khủng hoảng bởi cái án tử sẽ đến vào ngày kế tiếp. Khi ấy Asoka mới ôn tồn bảo với em rằng, các nhà sư chính là sống trong hoàn cảnh ấy. Họ tận tâm tận lực lo tu tập nhằm ra khỏi vòng sinh tử vì cái hạn sống của họ trên thế gian này tính đếm bằng hàng phần nghìn khoảnh khắc. Không đủ thời gian để tu tập thì lòng đâu mà nghĩ đến sắc dục, tham sân si.
 Cũng như thế, các cao tăng không đủ thời gian để tu tập thì thời gian đâu mà luyện tập võ công thượng thừa rồi dùng kungfu đó đi tước đoạt mạng sống kẻ khác, dù cho kẻ đó có tạo ra Nghiệp nặng đến cỡ nào? Hãy tìm hiểu cách Đức Phật Sakya cư xử với Devedatta (Đề Bà Đạt Đa), kẻ từng nhiều lần mưu sát Ngài.

  Ngay lúc Đức Phật còn tại thế, vương quốc Kosala đã tấn công và tiêu diệt vương quốc Sakya của dòng họ Ngài. Trước đó, Phật Sakya đã truyền đạo cho hầu hết các quý tộc họ Sakya; và các vương tử  dù còn sống đời tại gia vẫn tuân theo lời dạy bất bạo động của Phật. Khi quân đội Kosala bắt đầu tấn công vào lãnh thổ Sakya, vài vị vương tử Sakya đã kháng cự lại. Tuy vậy, các vị vương tử này đã bị Hội đồng Sakya (như quốc hội ngày nay) quở trách vì đã dùng bạo lực, trái với lời dạy của Phật. Cuối cùng, tất cả các quý tộc Sakya (cả nam phụ lão ấu) thản nhiên nhận lấy cái chết và chứng kiến thành Kapilavastu bị san phẳng mà không có một hành động kháng cự. Một vài quý tộc Sakya đã mang gia đình lưu vong đến các xứ khác, và cho đến tận ngày nay họ Sakya vẫn tuân theo lời dạy bất bạo động của Phật. Kể cả dân thường của vương quốc Sakya xưa kia, nay là người Tharu, thì cũng thấm nhuần tinh thần bất bạo động. Người Tharu là tộc người hòa hiếu nhất ở Nepal ngày nay; đến nỗi bị cướp sạch tất cả đất đai, làng xóm, bị đẩy vào cảnh nghèo khó nhất vẫn không bao giờ phản kháng.  
 Đấy là chuyện xưa. Chuyện ngày nay dễ thấy nhất là Tibet. Chỉ cần Đức Dalai Lama im lặng đồng ý là người Tây Tạng sẵn sàng cầm vũ khí, chiến đấu đến người cuối cùng đánh đuổi bọn Hán Cộng xâm lược cút khỏi quê hương Tây Tạng của họ. Thế nhưng, vị lãnh đạo Phật giáo và chính phủ Tây Tạng đã luôn nhắc nhở người Tây Tạng về tinh thần bất bạo động của nhà Phật. Nếu không có sự kềm chế từ Dalai Lama, cuộc chiến tranh giải phóng Tây Tạng đã nổ ra từ nửa thế kỷ nay rồi. Mà người Tây Tạng thì không hèn nhát! Đã có hơn 100 người Tây Tạng dám tẩm xăng vào người và tự thiêu như một hình thức phản kháng bất bạo động trong vòng vài năm gần đây.

  Không phải vô cớ mà trận chiến Kalinga lại dữ dội và đẫm máu đến như thế. Dân Kalinga là người hiếu võ và rất giỏi võ. Có thể nói đó chính là cái nôi của võ thuật châu Á ngày nay. Vì sao?  




  
   Dân Kalinga rất chuộng và rất giỏi võ. Đây là tượng tại quần thể đền nổi tiếng Konark-TK 13


  Khoảng thế kỷ thứ sáu, một nhà sư gốc gác từ Kalinga đã vượt biển đến Trung Quốc truyền bá Thiền Tông. Sự nghiệp hoằng pháp của ông ít được người ngoài đạo Phật biết đến nhưng một sự nghiệp khác đã ghi tên ông vào lịch sử thế giới như là Tổ Sư của võ học Trung Hoa. Nhà sư ấy là Bodhidharma ( Việt: Đạo Pháp, Hán: Bồ Đề Đạt Ma). Vâng, Bồ Đề Đạt Ma đã mang võ thuật của vùng Kalinga truyền sang Trung Quốc. Người Trung Quốc có thể không đồng ý với nhau nhiều thứ, nhưng tất cả mọi người Trung Quốc đều phải công nhận rằng nhà sư India Bồ Đề Đạt Ma là tổ sư võ học Trung Hoa. Sau này, một huyền thoại đã lan truyền khắp thế giới về ngôi chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn nơi Bồ Đề Đạt Ma tu luyện và dạy võ cho các đệ tử.

Bồ Đề Đạt Ma
 Thật ra, huyền thoại về các nhà sư giỏi võ của Thiếu Lâm chỉ bắt nguồn từ khoảng giữa thế kỷ 20 mà thôi; nhờ công tiếp thị của phim ảnh - truyện chưởng Hongkong và Đài Loan. Bồ Đề Đạt Ma truyền thụ võ nghệ cho các đệ tử của ông để kiện toàn sức khỏe khi sống ở nơi núi rừng như là một phương pháp Yoga. Hàng ngàn năm đã trôi qua, Phật giáo Trung quốc đã nhiều lần gặp kiếp nạn phá chùa, diệt sư nhưng không hề có chuyện các nhà sư cầm vũ khí tham gia chiến tranh, chống cự triều đình hay giết người. Tinh thần Phật giáo là chữ Nhẫn, không dung chứa bất cứ hình thức bạo lực nào. Người tu tập theo Phật pháp nhất thiết phải biết chữ Duyên, chữ Nhân, chữ Quả. Gieo nhân nào gặt quả ấy. Vậy thì làm sao có chuyện một nhà sư cầm vũ khí đi giết người như ngóe?
  Lúc còn trẻ, bồng bột, nông nổi, cạn nghĩ, tôi đã từng mê say tiểu thuyết Kim Dung. Thế nhưng càng nghiên cứu nhiều về đạo Phật, tôi lại càng nhận ra rằng Kim Dung là một kẻ phỉ báng đạo Phật đẳng cấp thượng thừa. Các nhà sư, ngay cả nhà sư Thiếu Lâm Tự, trong truyện Kim Dung hầu hết là những kẻ tham, sân, si lòng đầy tà niệm, dục vọng. Và Kim Dung chính là kẻ đã xuyên tạc thành công nhất đạo Phật thông qua ngòi bút đề cao bạo lực của mình. Đọc truyện chưởng, nhất là độc giả phương Tây, còn ai nghĩ rằng đạo Phật là một đạo của hòa bình và lòng nhân bản?
  Sau truyện feulleiton (truyện giải trí đăng nhiều kỳ trên nhật báo)  kỹ nghệ điện ảnh đã nâng tinh thần phỉ báng đạo Phật lên tầm rộng lớn hơn, phủ khắp toàn cầu. Phim Hongkong đã làm khá tốt chuyện này. Tuy thế nói về phim ảnh thì không ai hơn được người Mỹ. Nói về bạo lực, dùng lửa để dập lửa thì cũng không ai hơn người Mỹ. Và mang chất Mỹ nhất chính là các phim cao bồi Viễn Tây.

   Không lạ khi một tay làm phim trưởng thành từ Holywood lại copy, chắp vá hổ lốn các loại “classic” cao bồi và kungfu nhằm làm một phim giải trí. Chưa được hân hạnh xem phim này, nhưng lướt qua trailer trên Youtube và qua các thông tin được tiết lộ có chủ đích cho báo giới thời gian qua cũng dễ nhận biết đây là một phim thuần giải trí có thể tóm tắt qua các từ: ái-hận-tình-thù, dục, bạo lực, tham-sân-si. Chuyện không có gì đáng nói nếu tác giả và nhà sản xuất cứ làm phim, cứ tiếp thị, cứ thu hồi vốn đầu tư… Đàng này họ lại lôi kéo chữ Phật vào làm tựa đề cho một bộ phim-câu chuyện chẳng có gì dính líu đến Phật pháp, thậm chí còn phỉ báng đạo Phật nếu các vai nhà sư trong phim sử dụng võ lực, bạo lực để đạt cái mình muốn.


Vai cao tăng trong phim Lửa Phật

Tác giả và nhà sản xuất hứa hẹn sẽ có nhiều pha bạo lực thế này
  
  Tác giả và nhà sản xuất của phim “Lửa Phật” sắp phát hành luôn miệng khẳng định đây không phải là phim về đề tài tôn giáo, luôn miệng mời gọi khán giả vào rạp xem phim đó mà họ hứa hẹn là đầy rẫy những cảnh đấm đá, những màn cụp lạc hấp dẫn. Vậy thì tại sao các vị lại dùng một danh từ thiêng liêng của tôn giáo chúng tôi làm tựa đề cho một bộ phim giải trí có nội dung hoàn toàn ngược lại với tinh thần Phật giáo?

  Chữ Phật (Buddha) là một danh hiệu từ thời cổ đại ở lục địa India dùng để tôn xưng một người tu tập đạt tới bậc Giác Ngộ. Về mặt lịch sử, cho đến thời Asoka, ông đã dựng 3 trụ đá xác nhận có ba vị được gọi là Phật (Buddha), Đức Phật Sakya Muni là một trong ba vị ấy. Và suốt 2500 năm sau ngày Phật Sakya nhập Niết bàn thì không một vị nào trên trái đất này được công nhận chứng quả vị Phật nữa. Như vậy quả vị Phật không phải dễ đạt đến cho chúng sinh trên trái đất.

     Đạo Phật của chúng tôi là một tôn giáo của những người noi theo gương và lời dạy bảo của các vị Phật tu tập theo hạnh “KHÔNG BẠO LỰC”, với ước nguyện một thế giới hòa bình.
     Không phải chỉ tìm đọc ba mứa, dăm bữa nửa ngày một vài cuốn sách nói về đạo Phật thì có thể vỗ ngực tự xưng mình “hiểu” đạo Phật. Càng lầm lạc hơn khi nhìn đạo Phật qua lăng kính truyện chưởng Kim Dung ngập tràn sân si bạo lực. Xin hãy học hỏi Asoka về chuyện từ bỏ bạo lực khi thấm nhuần Phật pháp.
 
   Xin quý vị hãy trưng ra một ví dụ thực tế chứng minh ít nhất là một cao tăng lại có võ công thượng thừa và còn đi đánh lộn. Nếu không chứng minh được thì rõ ràng là quý vị đã phỉ báng chữ Phật của tôn giáo chúng tôi.

  Các vị có thể dùng lửa gì cũng được để tạo ra một đám cháy thiêu hủy tất cả những gì còn sót lại, thiêu hủy những gì mà đáng ra giới trẻ nên học hỏi để có thể sống một đời sống nhân hậu, nhân ái, khoan dung và bất bạo động. Cổ súy tham sân si, ái hận tình thù là quyền của quý vị, nhưng nhớ là đừng đùa với “LỬA”.
  
    Xin hãy “chừa ra” chữ Phật thiêng liêng của những người theo Phật giáo chúng tôi, đừng dùng chữ ấy vào những tựa đề câu khách kể cả khi anh làm phim nhảm nhí giải trí rẻ tiền. Tôn thờ chữ Phật với tinh thần bất bạo động, hòa bình là quyền của chúng tôi và chúng tôi có quyền bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình. Không cần bạo lực như tín đồ Hồi giáo hay Hindu kéo đến đốt phá rạp hát chiếu phim phỉ báng tôn giáo của họ, sức mạnh mềm “bất bạo động” của Phật giáo vẫn có thể chiến thắng bất cứ thế lực nào! Có khi nào các vị tưởng tượng ra cảnh các sản phẩm của quý vị bị toàn bộ Phật tử Việt Nam tẩy chay?
  
  Bạo lực chỉ kêu gọi thêm bạo lực và điều đó không liên quan gì đến chữ Phật! Cửa Phật, nhà Phật thì không bao giờ có bạo lực, võ công.
  Luật Nhân-Quả, gieo Nghiệp gì thì nhận Quả tương ứng mà thôi!
 

  Nepal, quê hương Đức Phật Sakya
  17/03/2013

  Nguyễn Phú

PS: Có lẽ các vị nên học hỏi chữ nhẫn của một tổ chức tự nhận là đại diện cho Phật giáo Việt Nam hiện tại, có cả một đại gia làm phát ngôn nhân mà suốt thời gian qua xảy ra rất nhiều chuyện ảnh hưởng tới thanh danh của Phật giáo Việt Nam thế nhưng họ lại không bao giờ tỏ rõ thái độ của mình với những sự xúc phạm tôn giáo, lạm dụng ngôn từ. (Không biết là nên vui hay nên buồn chỗ này!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét