Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO: HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ-PHẦN I

PHẦN I:


  Trước đây lúc còn ở Việt Nam, mình có nghe qua cái tên Đông Trùng Hạ Thảo nhưng rồi từ tai này chạy qua tai kia… vì kẻ không phải "trả bài" mỗi ngày thì có bao giờ cần đến các loại “thuốc” Viagra he he, nên chẳng chú tâm lắm. Trong đầu cứ đinh ninh đấy là một dược liệu từ Trung Quốc, hết sức đắt và có lẽ là hoang đường giống như sừng tê giác.
  Mình lầm!

  Sang Nepal được một năm, kết bạn với một nhóm lãng tử, một hôm tụ tập tại nhà một anh chàng làm nghề trekking guide (hướng dẫn dạo núi. Trekking=đi dạo, ngắm cảnh đẹp núi non; không phải là mountain climbing=leo núi, chinh phục các ngọn núi cao). Hắn đẹt người, mặt mũi giống hệt Bob Marley, lại thần tượng và để râu tóc dài bù xù như anh chàng nhạc sĩ-ca sĩ Jamaica. Bob Marley-Nepal hay B.M. Nepal theo tiếng Anh bồi (nick mình gọi hắn), vừa trở về từ một chuyến trekking nên túi rủng rỉnh, hắn mua mồi và bia kêu cả bọn đến nhậu. B. M. Nepal nghiện bia, ngày nào cũng phải xơi mấy chai, tội nghiệp nhất là mấy tháng sau mùa trekking: túi rỗng nhưng vợ vẫn phải hàng ngày đi ký sổ lấy bia về cho hắn. Thu nhập mỗi mùa trekking bảy tám ngàn đô, người khác đã dành dụm mua được nhà đất, còn hắn vẫn ở nhà thuê, đi bộ; tiền kiếm được toàn mua đĩa nhạc, dàn âm thanh xịn, và… uống bia. Tay này nấu thức ăn rất ngon (he he giống hệt mấy bợm miền Tây làm mồi thì khỏi chê, và cũng nhờ vậy mà bọn Tây rất khoái hắn ). Mình thì chủ yếu phá mồi chớ tửu lượng tệ hơn vợ thằng Đậu, may mà dân Nepal không có vụ trăm phần trăm như miền Tây, cũng không bao giờ ép ai uống. Uống được vài chai, bốc lên, B. M. Nepal hí hửng moi trong đống hành lý ra một gói vải cột cẩn thận. “He, yarshagumba…” Cả bọn Nepal mắt chữ O mồm chữ U thốt lên phấn khích. Mình ngơ ngáo nhìn vào thứ nằm trong vuông vải ấy, chỉ thấy mấy con sâu khô màu vàng nghệ trên đầu có cái sừng màu nâu dài sòng sọc, kích cỡ chừng đầu đũa ăn cơm, dài chừng 4-5 phân. Cả bọn tranh nhau, nài nỉ gã chủ tiệc nhậu xin mấy con sâu ấy. “Ha ha…” gã cười, “Chỉ cho thằng nào có vợ thôi… Độc thân thì miễn nha…” Cả đám chỉ có gã và Nikson Shakya là có vợ, nên Nikson được cho 2 con sâu còn bao nhiêu gã cẩn thận gói lại giắt vào túi áo ngực… cho chắc ăn (chắc nhờ vậy mà vợ hắn không bỏ hắn dù một năm túi rỗng hai lần mỗi lần 2-3 tháng sau các mùa trekking hi hi...). Thấy cả bọn tiu nghỉu, mình buột miệng hỏi, “Cái gì vậy?” “Yarshagumba.” ai đó trả lời. Mình lắc đầu không hiểu. Cả bọn quay lại nhìn mình như người ngoài hành tinh. “Summer plant, winter insect.” B.M. Nepal giải thích bằng tiếng Anh. Mình vẫn không hiểu. Cả bọn cười ồ, sau đó B.M. Nepal mở nhạc và cả đám chuyển qua đề tài khác. Chập tối, lúc ra về, B.M. len lén mấy tên kia dúi vào tay mình hai con sâu khô. Thấy hắn quý mấy con sâu mình cũng cất giữ cẩn thận nhưng không biết đấy là cái gì, công dụng thế nào, sử dụng ra sao. Đó là lần đầu tiên mình biết đến Yarshagumba.  He he cái câu giải thích của B.M. Nepal hóa ra chính là nguồn gốc của cái tên bằng tiếng Trung Quốc, theo Hán Việt chính là Đông Trùng Hạ Thảo. 


  Đông Y Trung Quốc xếp Đông Trùng Hạ Thảo vào nhóm 3 thứ dược liệu quý nhất là : Nhân Sâm, Đông Trùng Hạ Thảo và Nhung Hươu; gọi là "Tam Bảo Trung Hoa". "Bản Thảo Cương Mục" của Lý Thời Trân hoàn thành vào đời Minh, năm 1578 tây lịch, một Bách Khoa Toàn Thư về dược liệu học của Trung Quốc đã đánh giá rất cao Đông Trùng Hạ Thảo. Bản Thảo Cương Mục cho rằng Đông Trùng Hạ Thảo đối với cơ thể con người có tác dụng điều trị và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Thời xưa ở Trung Quốc, Đông Trùng Hạ Thảo luôn là sản phẩm dùng cho các vị Hoàng đế, rất quý hiếm, dân chúng bình thường thì không được sử dụng sản phẩm này. Tại sao?
Trong mua bán, ĐTHT được cân như cân vàng

 Vì Đông Trùng Hạ Thảo quá quý hiếm. chúng chỉ sinh trưởng ở những nơi cao hơn so với mặt nước biển 3,000 – 5,000m, nhiệt độ thấp, thiếu oxy và hầu như quanh năm tuyết phủ (chỉ tan tuyết 2-3 tháng mỗi năm) thì mới có giá trị thuốc. Đông Y Trung Hoa tuyên truyền cho toàn thế giới rằng Đông Trùng Hạ Thảo chỉ tập trung ở vùng cao nguyên Thanh Tạng Trung Quốc. Ngày xưa, chúng là hàng cống nạp từ vùng này cho các hoàng đế Trung Hoa, rồi được hoàng đế ban thưởng cho các sủng thần. Ngoài hai giới ấy, chỉ có những đại gia cực giàu mới có thể kham nổi chi phí hơn cả giá vàng để lén lút mua được dược liệu này từ những tay buôn lậu hàng từ cao nguyên Thanh Tạng.

  Tại sao Đông Y Trung Quốc đánh giá Đông Trùng Hạ Thảo là dược liệu quý báu?
  Chính vì nguồn gốc hình thành của chúng.
Con Ngài Dơi

  Đông Trùng Hạ Thảo vừa là động vật vừa là thực vật, vừa là "trùng" lại vừa là "thảo", tức vừa là "con" lại vừa là "cây". Nhìn hình dáng bên ngoài, Đông Trùng Hạ Thảo trông giống như một con sâu và phần đầu giống như một cái chồi cây. Trên những dãy núi cao hơn 3,000m so với mực nước biển có một loại côn trùng gọi là Ngài Dơi thuộc loài Thitarodes. Ấu trùng của loài ngài này (caterpillar hoặc larva) chui sâu vào trong đất để ăn các mầm non của một cây họ nghệ (polygonum viviparum L.) và trú đông (xuất xứ của từ Đông Trùng). Một số các con sâu này bị nhiễm một loài nấm (fungus) đặc biệt. Loài nấm này phát triển mạnh ở phần đầu con sâu làm chúng khó chịu phải di chuyển theo hướng dễ nhất là lên phía trên. Thường là đến gần mặt đất chừng trên dưới 1cm chúng sẽ chết. Loài nấm vẫn tiếp tục phát triển thành một dạng tơ ngay bên trong cơ thể con sâu. Đến đầu mùa hè các chùm tơ này bện chặt như một cái cây con bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất (xuất xứ của từ Hạ Thảo). Vì thế người Trung Quốc gọi nó là Đông Trùng Hạ Thảo (冬虫夏草), đảo ngược tên chính gốc của nó tại vùng Himalaya là Yarshagumba (tiếng Tây tạng: Yarshagumba = summer plant and winter insect=Hạ Thảo Đông Trùng). Còn tại Ấn Độ, người ta gọi dược liệu này là ‘Kira Jhar’ nghĩa là Insect Plant= cây-sâu. Tên khoa học của Yarshagumba là Ophiocordyceps sinensis hoặc Cordyceps sinensis.
Đông Trùng Hạ thảo khi đào được

  Y học Trung Quốc rất chú trọng âm dương, cho rằng mùa đông là âm, mùa hè là dương, đất là âm, trời là dương, thực vật là âm, động vật là dương. Quá trình sinh trưởng của Đông Trùng Hạ Thảo trãi qua 3 loại âm và dương này, cho nên Đông y cho rằng Trùng thảo là một chất "Tam âm tam dương", phù hợp với lý luận cân bằng âm dương Trung y, có thể điều tiết sức khỏe con người cả âm lẫn dương. Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi đông trùng hạ thảo là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi xuân sinh lực, có tác dụng 'Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm' , 'Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ', 'Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân'; là loại thuốc 'Tư bổ dược thiện', có thể chữa được 'Bách hư bách tổn'.
   Chính vì thế Đông Trùng Hạ Thảo là vị thần dược mà các vua chúa Trung Quốc tin dùng như bảo vật trời ban tạo nên huyền thoại về một loại dược liệu giá đắt như vàng.

(Còn tiếp, xin mời xem tiếp vào Chúa Nhật 02/12/2012)

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO- CON SÂU BẰNG VÀNG 9999

 Các bạn thân mến,
Sau một thời gian nghiên cứu và xâm nhập thực tế thị trường kinh doanh bí ẩn, xin gửi đến các bạn loạt bài về DƯỢC LIỆU (HERBAL) ĐẮT NHẤT ĐỊA CẦU: ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO-YARSHAGUMBA.
  Dự định bài sẽ có 3 phần:
   1/ Đông Trùng Hạ Thảo: Huyền thoại và thực tế
   2/ Dolpa: Thủ Phủ của Đông Trùng Hạ Thảo
   3/ Đông Trùng Hạ Thảo: vàng, máu và nước mắt
  Mong các bạn đón xem và góp ý.
   Nguyễn Phú


Chinese arrested with Yarshagumba

(Từ Kathmandu Post, Nhật báo tiếng Anh phổ biến nhất tại Nepal, Link ở đây)


-

A Chinese national has been arrested from the Tribhuvan International Airport in possession of 21.6 kilogram of Yarshagumba on Thursday.
Police arrested Ma Gaujing from the TIA while he was on his way to China on a China Air flight. Police said that Gaujing was permitted to transport 20.5 kilograms of the herbal medicine and was illegally transporting 1.1 kilograms more.
Yarshagumba, also known as Himalayan Viagra, is commonly used to treat impotency in many countries. It also provides vitality and increases physical stamina of the body.
  Lược dịch: Một người Trung Quốc bị bắt với Yarshagumba
Ngày 18/07/2012, một người quốc tịch Trung Quốc đã bị bắt tại phi trường quốc tế Tribhuvan, Kathmandu, Nepal vì sở hữu 21,6kg Yarshaguma (tên gọi tại vùng Himalaya dành cho Đông Trùng Hạ Thảo, kể từ đây tác giả sẽ dùng Yarshagumba thay cho tên Hán Việt ĐTHT trong đa số trường hợp trong loạt bài này-NP). Cảnh sát đã bắt Ma Gaujing tại phi trường khi ông ta trên đường đi Trung Quốc. Cảnh sát nói rằng ông Gaujing được cấp phép vận chuyển 20,5kg thứ dược liệu này và đã vận chuyển bất hợp pháp thêm 1,1kg.
   Yarshagumba, được biết như là HIMALAYA VIAGRA (THUỐC CƯỜNG DƯƠNG THIÊN NHIÊN TỪ HIMALAYA-Chú thích của NP), thường được dùng để chữa bệnh yếu sinh lý tại nhiều nước. Nó còn CUNG CẤP SINH LỰC và TĂNG CƯỜNG  SỨC CHỊU ĐỰNG VẬT LÝ CỦA CƠ THỂ.

  Nếu các bạn biết rằng giá gốc Đông Trùng Hạ Thảo từ đầu mối thu gom ngay tại vùng thu hoạch Dolpa đã là 30,000USD/kg (600.000 triệu đồng Việt Nam 1 kilogram -[ Đính chính: bạn đọc Thanh Thảo phát hiện lỗi này xin đính chính 600 triệu VNĐ/kg, xin cáo lỗi bạn đọc-NP]) và giá sang tay tại Bắc Kinh là 60,000 USD/kg (1,2 tỷ đồng Việt Nam 1kilogram cho hàng ORIGIN) thì sẽ hiểu tại sao tay này lại cố ý mang lố 1,1 kg và tại sao cảnh sát Nepal bắt giữ ông ta (Luật Nepal quy định xuất khẩu Yarshagumba từ 1kg trở lên phải có giấy phép xuất khẩu đặc biệt).

  Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất Yarshagumba (Cũng như tất cả các dược liệu Đông Y khác ! NP). Có một quy luật rất đáng tò mò là mỗi 4 năm vào dịp Olympic, thì nhu cầu và giá cả của Yarshagumba sẽ tăng đột biến.
  Có gì bí ẩn trong quy luật này?
  Mời các bạn tìm câu trả lời trong bài kế : ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO-HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ.
  Chúc các bạn một ngày cuối tuần vui vẻ!
  

THIỀN SƯ HUYỀN QUANG



Tuy nhiên, trong dân gian, những giai thoại, huyền thoại về Huyền Quang lại khá phong phú. Nó chứng tỏ Huyền Quang vừa là vị Tổ đáng kính( Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm), lại vừa là một con người còn khá trần tục, rất gần gũi với những người bình thường, do đã biết rung động thực sự trước vẻ đẹp của giai nhân!
Hai thái cực đó, trong một con người mà lẽ ra không nên có, và không thể chấp nhận ở một bậc Thiền sư, ở vào hàng đại diện quốc gia, đã là điều mà trước kia các vị danh nho đã từng luận đàm và bày tỏ thái độ. Tựu trung, sự đánh giá, luận đàm của họ, là nhằm vào bài thơ Giai nhân tức sự mà theo tương truyền, là do Huyền Quang làm, và mối quan hệ của Huyền Quang với nàng Điểm Bích là có thực, khi ông đã ở độ tuổi ngoài sáu mươi!



https://vietsuky.wordpress.com/2012/11/29/217-thien-su-huyen-quang/

TS. LÃ DUY LAN

 
Sách Tam tổ thực lục ghi: “Huyền Quang đỗ đầu thi hội và ngoài năm mươi tuổi mới xuất gia”. Nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng Huyền Quang đỗ Trạng Nguyên (đời Trần) và xuất gia tu hành từ lúc còn trẻ tuổi.
Là vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, có hàng mấy ngàn đệ tử nhưng Huyền Quang cũng còn là một nhà thơ nổi tiếng. Trải qua bao phen binh lửa, đến nay thơ Huyền Quang chỉ còn lại tập Ngọc Tiên với 23 bài thơ chữ Hán và một bài phú Nôm. Tuy ít ỏi như vậy, nhưng thơ Huyền Quang có “nhiều hàm nghĩa và một tâm hồn thơ phong phú”.

Thơ Huyền Quang “thể hiện rõ phong cách Thiền gia an lạc, thanh thản, con người hoà đồng cùng tự nhiên”, “là niềm cảm thông với những nỗi khổ vô hạn của nhân thế”. Thơ Huyền Quang “bộc lộ mọi cung bậc của tâm trạng mình. Có vui, có buồn, có day dứt và có yên tĩnh… song đậm nét hơn cả vẫn là nỗi buồn, là tâm trạng cô đơn” (1)
Các nhà nghiên cứu “nói có sách, mách có chứng”, không thể có những nhận định nào khác hơn trên cơ sở những tư liệu đã xác định. Và như vậy, Huyền Quang hiển nhiên là một “Thiền gia – thi sĩ hay thi nhân – thiền gia” thật đáng kính, đáng trọng!
Tuy nhiên, trong dân gian, những giai thoại, huyền thoại về Huyền Quang lại khá phong phú. Nó chứng tỏ Huyền Quang vừa là vị Tổ đáng kính, lại vừa là một con người còn khá trần tục, rất gần gũi với những người bình thường, do đã biết rung động thực sự trước vẻ đẹp của giai nhân!
Hai thái cực đó, trong một con người mà lẽ ra không nên có, và không thể chấp nhận ở một bậc Thiền sư, ở vào hàng đại diện quốc gia, đã là điều mà trước kia các vị danh nho đã từng luận đàm và bày tỏ thái độ. Tựu trung, sự đánh giá, luận đàm của họ, là nhằm vào bài thơ Giai nhân tức sự mà theo tương truyền, là do Huyền Quang làm, và mối quan hệ của Huyền Quang với nàng Điểm Bích là có thực, khi ông đã ở độ tuổi ngoài sáu mươi!


Những tư liệu trong dân gian có thể những sách trước kia chưa chép, hoặc có chép nhưng đã bị thất lạc. Và do vậy, nếu thử tái hiện lại, có thể có những nhận định khác hơn chăng?
*
Vào thời nhà Trần, ở xứ Bắc có một người học trò nổi tiếng hiếu học tên gọi Lý Đạo Tái. Tuy nhà rất nghèo nhưng chàng vẫn miệt mài theo đuổi nghiệp sách đèn. Âu đó cũng là một cách tiếp nối truyền thống gia đình, vì trước kia ông tổ chàng đã từng giữ chức Hành khiển, ông nội đã từng làm đến Chuyển vận sứ, còn đến đời cha chàng, tuy đã từng khoác áo cầm gươm ra trận, nhưng do “lập công mà chẳng được nên công” nên phẫn chí ở nhà cày ruộng và chịu cảnh bần hàn…! Đến đời chàng, do vậy, chàng phải sửa lại cái nỗi nhục ấy.
Chàng học hành rất tấn tới, cha mẹ chàng cũng thật hài lòng. Hai ông bà chẳng quản vất vả gian nan, thường vẫn đi làm mướn lấy tiền thêm cho chàng ăn học. Khi đến tuổi trưởng thành, cha mẹ chàng nghĩ rằng con mình giỏi giang, nay mai có thể công thành danh toại, nên đã đánh bạo đi dạm hỏi cho chàng một đám danh giá trong vùng. Nhà gái vui vẻ nhận lời.
Nào ngờ, đã mấy năm trời sêu tết, lại thường khi phải phục dịch các công to việc lớn bên nhà bố vợ tương lai, thì đùng một cái, ông bố vợ quí hoá lại gả vị hôn thê cho cháu một viên An phủ sứ!
Sau lần bẽ mặt ấy, cha mẹ chàng lại đi dạm hỏi một đám khác, tuy không danh giá bằng nhưng cũng thuộc loại khá giả, giàu có trong làng. Chẳng ngờ, lần này lại còn tệ hại hơn cả lần trước: Khi cha mẹ chàng vừa mở miệng ra thì đã bị nhà gái từ chối thẳng thừng: “Ôi dào… chẳng ai tin cậy được ở cái đồ dài lưng tốn vải…”.
Tuy vậy, Lý Đạo Tái cũng chẳng sờn lòng, vẫn ngày đêm tu chí học tập!
*
Thông thường, với những trường hợp tu chí như thế này thì người ta mong sao cho sau này đỗ đạt, kiếm được tí quan chức, rồi sau đó sẽ lấy những đám danh giá giàu có còn hơn cả những đám trước kia đã từng chối mình.
Lý Đạo Tái thừa hiểu như vậy, nhưng chàng đã không làm như vậy!
Chàng đọc cả sách Nho, sách Phật, ngày đêm nghiền ngẫm chúng, và đã tìm cho mình một con đường đi khác, ngay từ hồi còn chưa đỗ đạt!
Tuy nhiên, đã đi học là phải đi thi, ai ai cũng đều như vậy. Và Lý Đạo Tái đã không phụ công cha mẹ: đỗ đầu thi Hội (dân gian còn truyền tụng chàng đỗ Trạng nguyên!).
Vừa hay tin có vị khôi nguyên trẻ tuổi nhưng còn thiếu “võng nàng”, các vị phú ông trong vùng bèn thi nhau nhắn tin muốn gả con gái cho chàng. Lại hứa sẽ cho cả nhà cửa, ruộng nương, lụa là, châu báu nữa.
Một vị quan lớn ở Kinh đô cũng mời bằng được quan tân khoa về thái ấp của mình để xem cho rõ mặt “nàng thục nữ yêu kiều tuổi mới đôi tám”…
Còn ngày chàng vào kinh nhậm chức thì một viên quan nội giám đã đến gặp riêng chàng, nói rằng:
- Hoàng hậu đang kén phò mã cho nàng công chúa thứ ba, nếu quan Trạng ưng ý thì nhất định việc ấy sẽ thành.
Lý Đạo Tái cung kính đáp lời từ chối khéo, cũng như chàng đã nhã nhặn từ chối tất cả những người nhắn nhe mai mối trước đây.
Nhân sự việc này chàng buột miệng đọc hai câu thơ:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng chín nghìn nhân duyên
Cũng có thể chàng chẳng đọc hai câu thơ ấy, nhưng sự việc chàng từ chối những đám rất mực danh giá thì ai ai cũng biết, do vậy, người ta bình phẩm và đọc nó lên thì cũng là lẽ thường tình, vả lại, hai câu thơ này cũng chẳng đến nỗi khó làm.
*
Đã thừa rõ thói hám lợi hám danh của người đời, nên khi tham dự vào đám quan trường, Lý Đạo Tái chàng những không hứng thú gì mà càng ngày càng tỏ ra chán ngán. Được vài năm thì chàng xin từ chức đi tu, lấy pháp hiệu là Huyền Quang.
Ấy là cái ý nguyện mà chàng đã có ngay từ lúc còn đang đi học!
Nhà vua thấy vậy khen chàng là người khác thường mà bảo:
- Kẻ này có con mắt đạo, có thể trở thành pháp khí, đúng là bậc thánh tăng!
Quả là nhà vua, do cũng chuộng đạo Phật, nên đã có con mắt tinh đời.
Huyền Quang tu rất chăm chỉ, chẳng bao lâu, với học vấn tài cao, chàng thông thuộc tất cả các kinh sách của nhà Phật thời ấy. Các tăng ni, phật tử đều yếu mến chàng. Nhà vua và hoàng tộc cũng vì nể chàng. Đạo Phật lúc ấy chưa đến độ suy vi, vẫn còn toả ánh hào quang sáng ngời, tuy không bằng giai đoạn trước với hai vị tổ Điều Ngự (Trần Nhân Tông) và Pháp Loa, nên đang cần có một vị Quốc sư, một người đứng đầu Trúc Lâm viện, để cai quản các tăng ni phật tử, và thế là vị Trạng nguyên trẻ tuổi được xung vào chức vụ này. Đó là một việc làm chưa từng có.
Vua Trần Anh Tông lúc ấy còn là một vị vua trẻ tuổi cũng mới đăng quang chưa lâu. Nghe triều thần có kẻ dèm pha Huyền Quang còn trẻ tuổi như thế, chắc gì đã là một vị chân tu, lại được đứng đầu các hàng tăng ni, phật tử, e rằng thiên hạ trông vào sẽ sinh ra dị nghị. Nhà vua ngẫm nghĩ mấy ngày, rồi sau đó, cho thi hành một mật kế để thử xem đạo đức của vị thiền sư là như thế nào.
Nhân vì mấy ngày Hoàng hậu se mình, nhà vua hạ chỉ triệu Huyền Quang vào cung để làm lễ cầu mát. Công việc xong xuôi, nói là để thưởng công khó nhọc, nhà vua ban cho Huyền Quang mười lạng vàng trước lúc ra về. Thiền sư không tiện từ chối, đành phải cúi đầu tạ ơn rồi cầm lấy. Nào ngờ đó là những nén vàng đã được nhà vua đánh dấu, mà Huyền Quang, do chẳng thiết tha gì đến tiền bạc, nên cũng không để mắt nhìn kỹ.
Mưu kế mà Trần Anh Tông tiến hành để thử Huyền Quang không có gì khác hơn là cử một người con gái đẹp tìm cách đến gần vị Thiền sư để lung lạc về đường diệt dục khổ hạnh. Người con gái được chọn để làm việc này là một cung nữ có tài thơ văn, và đó là nàng Điểm Bích.
Điểm Bích vốn là con một người đàn bà hành khất quê ở huyện Đường Hào thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ. Vì không có chồng mà chửa nên được mấy ngày người mẹ đem con cho một gia đình giàu có nhưng hiếm hoi ở  trong vùng nuôi. Sắc đẹp và tài năng vốn không chọn hoàn cảnh, cho nên càng lớn Điểm Bích lại càng lộng lẫy, xinh dẹp. Lại nhanh nhẹn và rất sáng dạ nữa. Được bố nuôi cho ăn học, nên Điểm Bích còn giỏi giang, biết chữ nghĩa và làm phú, làm thơ cũng khá hay.
Khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống về việc chọn mỹ nữ tiến cung, thì Điểm Bích là một trong những người đầu tiên trúng tuyển.
Vào cung, Điểm Bích được vua Trần Anh Tông yêu mến cả sắc lẫn tài, lại được tin dùng, và thường được mọi người ca ngợi là “nữ thần đồng”.
“Nữ thần đồng” chính là người được chọn để đi thử vị Thiền sư trẻ tuổi.
*
Nhà vua giao hẹn với Điểm Bích phải lấy được ít nhất một thỏi vàng trong số vàng nhà vua đã tặng Huyền Quang, để làm bằng chứng.
Khi Huyền Quang rời hoàng cung trở về nơi tu hành, thì mấy ngày sau, Điểm Bích cũng lên đường theo sau, trong trang phục một cô thôn nữ.
Hôm ấy, Huyền Quang đang ngồi đọc kinh tại thiền trai. Đây là ngôi nhà nhỏ nấp mình trong lau trúc rất tĩnh mịch mà nhà vua sai cất lên để Thiền sư nghỉ ngơi riêng, sau những ngày hành lễ và giảng kinh ở viện Trúc Lâm mệt mỏi.
Vào khoảng chiều tà, bỗng chú tiểu giúp việc đưa vào trình trước Thiền sư một người con gái có vẻ mặt hốt hoảng và xống áo tơi tả. Chú tiểu thưa:
- Bạch thầy. Người này bị cướp đuổi vừa chạy vừa kêu. Con đã chạy ra và dẫn cô ta vào đây.
Cô gái (chính là Điểm Bích) cũng khóc sướt mướt, kể lại sự tình, rồi xin nhà chùa cho nghỉ lại đêm nay.
Huyền Quang vốn lòng độ lượng, chẳng nỡ chối từ. Vả lại, trời đã tối, xung quanh lại vắng vẻ, cô gái biết đi đâu bây giờ. Thiền sư bèn bảo chú tiểu sắp xếp cho cô gái một chỗ nghỉ ở gian bếp bên cạnh thiền trai.
Đêm ấy, như thường lệ, Huyền Quang vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật, mãi tới khuya mà chưa đi ngủ.
Ở gian trái, khi chú tiểu đã lên giường và cất tiếng ngáy nhè nhẹ như mọi lần, thì cũng là lúc, ở bên ngoài thiền trai, có tiếng cô gái rên rỉ. Tiếng rên rỉ mỗi lúc một to khiến Huyền Quang phải bỏ quyển kinh xuống lắng nghe, rồi đi sang gian trái, đánh thức chú tiểu dậy, nói đi hỏi cô gái xem sự thể thế nào. Cô gái nói với chú tiểu rằng mình sợ ma và sợ kẻ cướp bất thình lình lẻn đến, nên không ngủ được. Chú tiểu vào báo. Bất đắc dĩ, Huyền Quang phải nói chú tiểu cho cô gái vào phòng khách nghỉ tạm.
Thiền trai rất đơn giản. Đó là ngôi nhà tranh, hai gian hai trái. Một trái đựng dụng cụ, đồ đạc. Một trái nữa chú tiểu ở, còn hai gian chính thì một là trai phòng của Huyền Quang và một là phòng ăn và chỗ tiếp khách. Phòng này nằm ở giữa.
Chừng lúc lâu sau, khi chú tiểu đã về gian trái ngủ lại, và Huyền Quang cũng thôi không đọc kinh, chuẩn bị đi nằm, thì ở gian khách lại vẳng ra lời cầu cứu khẩn thiết của người con gái. Cực chẳng đã, Huyền Quang lại phải thắp nến và bước ra khỏi trai phòng. Vừa mở cửa, qua ánh nến le lói, Huyền Quang thấy ngay người con gái ăn mặc lả lơi, nên Ngài quay mặt đi, lùi lại trai phòng. Cũng lúc ấy, cô gái (tức Điểm Bích) bật dậy, chạy vào theo. Huyền Quang nghiêm nét mặt lại, hỏi:
- A di đà Phật! Nàng là ai? Tại sao đêm hôm dám đường đột vào đây để quấy rối kẻ tu hành? Nếu không mau mau cải tà quy chính, ta sẽ hô hoán lên, chú tiểu sẽ cầm lá dắt tay ra khỏi đây ngay bây giờ.
Thấy không thể lung lạc được Thiền sư, Điểm Bích đã kín đáo sửa lại trang phục và đổi ngay sang thái độ khác. Nàng ta vội vàng quì xuống rồi khóc lóc như mưa, vừa khóc vừa kể lại nguồn cơn “gia cảnh” nhà mình.
Nàng cung nữ sáng dạ được vua yêu chiều, do chuẩn bị từ trước, đã bịa hẳn ra một câu chuyện như thật. Nàng kể rằng cha nàng làm quan ở một huyện vùng duyên hải. Mùa tháng năm vừa qua cha nàng đi thu thuế được ba ngàn quan, cho lính tải về kinh, nhưng dọc đường bị bọn cướp đón đường cướp sạch. Quan trên thương tình cho cha nàng khất lại đến cuối năm. Hiện nay gia đình nàng đã bán hết tư trang điền sản nhưng mới bù được một nửa, còn một nửa nữa, nay phải chia ra mỗi người mỗi nơi đi quyên góp cho đủ.
Tiếng khóc của nàng càng làm cho câu chuyện kể thêm phần lâm ly, thống thiết. Huyền Quang lắng nghe rồi trả lời:
- Thôi nàng đừng khóc nữa. Ngày mai ta sẽ tiến triều, tâu với nhà vua, xin tha tội cho cha nàng.
Không ngờ câu chuyện lại xoay ra như thế, Điểm Bích vội vàng khóc to thêm lên, rồi vừa lạy vừa xin:
- Bạch hoà thượng! Bạch hoà thượng! Xin hoà thượng chớ vội lên kinh. Chỉ sợ đến tai Hoàng thượng thì chẳng những việc không thành mà có khi còn liên luỵ đến cả quan trên của cha thiếp nữa. Thiếp chỉ xin Hoà thượng rủ lòng thương, cho cha thiếp ít tiền bạc để lo tiếp công việc thôi ạ.
Huyền Quang chợt nhớ có mười nén vàng nhà vua cho chưa biết làm gì, bèn đến bên bàn cầm lấy rồi đưa cả cho Điểm Bích:
- Ta hiểu. Ta hiểu. Không có bằng chứng rõ ràng thì khó xin nhà vua lắm. Thôi ta gửi biếu cha nàng số vàng này. Mong cha con nàng sớm được tai qua nạn khỏi.
Điểm Bích cúi đầu tạ ơn, rồi cầm lấy túi vàng, đoạn, quay ra phòng khách.
*
Ba ngày sau Điểm Bích trở  về cung, đưa nộp mười nén vàng rồi tâu với nhà vua rằng mình đã hoàn thành sứ mạng. Để nhà vua tin, Điểm Bích còn đọc lên một bài thơ nói là của Huyền Quang đã làm để tặng mình trước khi phá giới. Nguyên bài thơ đó như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ
Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình.
Sẽ nói đến bài thơ này ở phần sau. Chỉ biết lúc này nghe xong câu chuyện, lại nhìn thấy mười nén vàng có ghi dấu trước khi tặng Huyền Quang, nhà vua lắc đầu buồn bã: “Đạo Phật mà các vị tiên vương, các vị hoàng thân quốc thích từng sùng mộ, ngày nay đã đến độ suy vi rồi sao?”
Hiểu ý, một viên quan chờ khi Điểm Bích lui gót, liền ghé tai nhà vua hiến kế:
- Tâu Bệ hạ. Xin Bệ hạ cho lập một lễ cúng Phật dọn toàn cỗ mặn, rồi mời thầy về làm lễ. Nếu quả là thầy còn trong sạch thì chư Phật sẽ độ cho cỗ mặn hoá chay, còn nhược bằng thầy đã hư hỏng rồi, thì chẳng bao giờ Phật độ cho được nữa.
Nhà vua cho là phải, bèn hạ chỉ cho vời Huyền Quang về kinh để thiền sư làm chủ tế trong buổi lễ trọng thể vào dịp rằm tháng Bảy sắp tới, mà dân chúng vẫn gọi là lễ “xá tội vong nhân”.
*
Trái hẳn với tục lệ hàng năm, năm ấy, theo lệnh nhà vua, cỗ chính cúng Phật rằm tháng Bảy không bày biện tiệc chay, mà giết trâu, bò, lợn, gà,… để cúng. Quái lạ hơn, xung quanh lễ đài nhà vua còn sai căng toàn lụa nhuộm màu vàng.
Khi vừa bước tới lễ đài, Huyền Quang đã hiểu ngay là nhà vua cố ý hạ nhục mình: Chỗ nào cũng lụa vàng (hoàng quyến). Lụa chẳng căng lên cao mà lại cho loà xoà quệt cả xuống đất. Chẳng cần phải là đại khoa, mà ngay cả những người học hành đôi chút, cũng thừa biết Hoàng Quyến là Huyền Quáng, tức cũng là “Huyền Quang có nhuốm sắc”. Một lời buộc tội thật rõ ràng.
Lại nữa, khi bước vào lễ đài thăm lễ vật, Huyền Quang chẳng thấy cỗ chay đâu mà thấy toàn là cỗ mặn. Đích thị lại thêm một sự phỉ báng nữa thật phũ phàng.
Huyền Quang thoáng nghiêm nét mặt, nhưng ngay lập tức lại thản nhiên như không, bảo đệ tử thắp hương, rồi bước lên đàn tràng, lớn tiếng khấn:
- A di đà Phật! Xin Trời, Phật chứng giám, phù hộ độ trì. Kẻ đệ tử này có làm điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống địa ngục âm ty, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi và những cỗ mặn kia hoá thành cỗ chay.
Lạ thay, khi Huyền Quang vừa dứt lời, tự nhiên trời đất tối sầm, một trận cuồng phong hung dữ nổi lên. Phút chốc, đèn nến trên đàn tràng phụt tắt, tất cả lụa vàng quấn quanh lễ đài đều rách nát tả tơi, rồi theo chiều gió cuốn đi vương vãi khắp nơi.
Một lúc lâu sau, khi cơn bão tan, đèn nến được thắp sáng lại, tất cả mọi người có mặt đều vô cùng ngạc nhiên, thấy cỗ tiệc mặn đã biến thành cỗ chay, và Thiền sư Huyền Quang vẫn đang đứng uy nghiêm giữa đàn tràng, tựa như một vị Bồ tát hiển hiện. Vị Bồ tát ấy tiếp tục đọc kinh rồi lễ tạ Trời Phật. Xong, Ngài thong thả bước ra khỏi đàn tràng.
Dân chúng và quân lính, những người vốn rất đông đảo, từ đầu đã có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc, lúc ấy bèn nhảy lên reo hò, rồi gõ trống, phách liên hồi làm vang động khắp cả kinh thành.
Có tên lính chạy về nội cung phi báo, vua Trần Anh Tông lúc ấy đang ngồi trong trướng phủ, mặt tái đi, rồi lập tức sai xa giá tới chỗ Huyền Quang vừa hành lễ để nói lời tạ lỗi với Thiền sư.
Sau đó, nhà vua hạ lệnh bắt ngay cung nữ Điểm Bích tống vào ngục, rồi giao cho quan Thái giám xét hỏi. Mấy ngày sau, Điểm Bích phải cung khai gốc gác, lai lịch của mình, và cung khai tất cả các việc đã diễn ra ở thiền trai mấy hôm trước.
Khi lời cung được thỉnh đến nhà vua. Ngài nổi giận khép Điểm Bích vào tội chết. Hay tin, Huyền Quang liền vào cung, xin nhà vua tha tội cho nàng. Trần Anh Tông thừa hiểu lỗi chính trong việc này là do mình, nhưng vì giữ thể diện và cũng là nể lời Thiền sư, nên đã giáng Điểm Bích xuống hàng nữ tỳ, cho theo hầu ở chùa trong cung Cảnh Linh.
Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ – một danh sĩ hồi cuối Lê đầu Nguyễn cách đó gần năm trăm năm, còn kể hồi bé ông được nghe kể chuyện về Điểm Bích, và còn biết chỗ người ta đào được mộ của nàng.
*
Việc một nhà tu hành lâu năm có nhiều thuật pháp, đã hô phong hoá vũ (gọi gió làm mưa) rồi biến cỗ mặn thành cỗ chay như Huyền Quang đã làm, là một mô-típ vẫn thường gặp trong truyền thuyết và các câu chuyện kể dân gian. Nhưng nếu lấy con mắt hiện thực mà nhìn vào sự kiện này, thì phần nào ta cũng có thể hiểu được. Chẳng hạn, nhân cơn gió làm cho tắt đèn nến, các đệ tử đông đảo của Huyền Quang có thể xông lên (nếu đèn nến chưa tắt thì họ có thể thổi cho tắt hết!), họ giật các tấm lụa xuống xé ra hoặc giấu đi rồi lấy cỗ chay đã được chuẩn bị từ trước (tin tức làm cỗ mặn họ nhận được chắc không khó lắm!) để thay thế vào cỗ mặn. Xong xuôi, họ lại thắp đèn nến sáng lại như cũ!
Và nếu sự việc diễn ra như vậy thì đã chứng tỏ rằng lực lượng ủng hộ Huyền Quang là khá đông đúc, và do vậy, cũng chứng tỏ, uy tín của Huyền Quang trong đệ tử và dân chúng là rất cao!
Một người có uy tín như vậy chẳng lẽ lại sa ngã đến mức cưỡng bức một cô gái trẻ khi bên mình có đệ tử và mình đã ở độ tuổi ngoài sáu mươi, trong khi người đó, ngay từ lúc tuổi trẻ đã chối từ không lấy cả công chúa và nhiều đám danh giá giàu có khác?
Sự kiện Huyền Quang hồi trẻ từ chối những nơi hôn phối giàu sang quả là chưa từng có. Nhiều người thán phục, và dĩ nhiên, cũng có những người tức tối. Những người tức tối mà có quyền thế ắt hẳn sẽ gièm pha hoặc có những hành vi thế này thế khác, như việc “thử” Huyền Quang chẳng hạn.
Việc Huyền Quang nhận 10 nén vàng (có thuyết còn nói 20 nén) của nhà vua tặng cũng bị dị nghị là “tham”. Nhưng đó là một sự dị nghị (hoặc buộc tội) quá đáng. Bởi lẽ, một người đã từ chối lấy vợ giàu, lại từ quan để đi tu thì chẳng lẽ không chứng tỏ người ấy chả thiết tha gì đến tiền bạc hay sao? Nhận vàng, và nhận nhiều, của nhà vua tặng, để cho tăng ni phật tử hay làm việc từ thiện thì có gì là xấu? Còn ngược lạì nữa là khác.
Bài thơ Giai nhân tức sựđầu đề chữ Hán nhưng nội dung lại là chữ Nôm, đã dẫn ở phần trên, có thể có các giả thiết sau đây:
-  Hoặc là bài thơ của Điểm Bích (vì Điểm Bích cũng giỏi chữ nghĩa, là “nữ thần đồng”) hay của một người nào đó, cũng khá tài hoa, lại từng đọc thơ Huyền Quang, đã làm (vì Điểm Bích và một vài người nào đó có đủ thời gian để sắp đặt và làm việc này).
-  Hoặc là bài thơ của Huyền Quang đã làm thật. Vì Điểm Bích đêm đó đã ở trong phòng khách. Nếu đêm đó có đèn nến thì biết ngay chỗ để các tập thơ của Huyền Quang! Hoặc giả, nếu không có đèn nến thì sáng hôm sau cũng có thể biết. Thông thường, các vị chức sắc ngày xưa (vua, quan) và chức sắc tôn giáo đều có làm thơ, nhưng trong quan niệm giữa việc riêng việc chung của họ vốn rất rõ ràng, cho nên có thể cho rằng Huyền Quang đã làm thơ và để thơ ở ngoài phòng khách, còn trong trai phòng thì chỉ dành riêng cho sách Phật và sự tụng niệm.
Bài thơ mà Điểm Bích đã đọc cho vua Trần Anh Tông nghe và nói là của Huyền Quang tặng mình ấy, cũng khá “đa nghĩa”.
-  Một nghĩa có thể hiểu ở khía cạnh trần tục, ở sự khêu gợi dục tình: trăng, gió, nước đều khêu gợi, cảnh thì lạ, mà người thì ở trạng thái khá “tự nhiên”: tươi tốt. Do vậy, câu cuối chẳng những hạ thấp Huyền Quang mà còn hạ thấp cả đạo Phật: Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình – nghĩa là cũng bị cám dỗ cả!
Nếu hiểu ở nghĩa trần tục này thì khó có thể chấp nhận đấy là bài thơ của Huyền Quang khi ông đã là vị Thiền sư ở bậc cao nhất!
-  Một nghĩa khác, rộng hơn, có thể hiểu: bài thơ muốn đạt tới một cái đẹp tuyệt đối, một sự hoà hợp tuyệt đối!
Trăng, gió, nước, cảnh vật vừa khêu gợi vừa tuyệt đẹp. Còn con người tươi tốt thi không nhất thiết cứ phải là con người đẹp ăn mặc hớ hênh mà còn là con người đẹp nhưng ăn mặc chẳng hớ hênh. Và như vậy, câu cuối cũng có thể hiểu: người sáng lập đạo Phật và những người theo đạo Phật chẳng bao giờ vô tình với cái đẹp, cái đẹp của thiên nhiên cũng như cái đẹp của con người.
Từ đó, có thể thấy ở đây con người và thiên nhiên là vô cùng hoà hợp, trong một cái đẹp thật lí tưởng. Những người theo đạo phật chỉ chủ trương diệt dục và không có quan hệ giới tính chứ chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ cái đẹp, từ bỏ mỹ cảm cả. Vả lại, nếu quan sát các pho tượng Phật ta sẽ thấy, trừ quỉ Sa tăng và một vài nhân vật dữ tợn khác, còn lại tất cả đều chẳng là những hình dáng, khuôn mặt đẹp và phúc hậu đó sao?
Và nếu chấp nhận cái hiểu ở khía cạnh này thì có thể cho rằng Huyền Quang đã làm bài thơ này, và đó là bài thơ tuyệt tác, xứng đáng với một vị Thiền sư – đại khoa có uy vọng bậc nhất!
Điểm lại những đặc điểm nội dung chính của tập “Ngọc Tiên” ta sẽ thấy Huyền Quang chưa một lần quan trọng hoá địa vị và công việc của mình, trái lại, đã có lúc ông còn tự trào về địa vị và công việc đó nữa. Ông đánh giá tâm tư tình cảm con người bất hạnh và những thăng trầm nhân thế là xuất phát từ con tim, khối óc của người đã từng chịu đựng, đã từng nghiền ngẫm, lại đã từng vượt qua, theo cái đích hướng thiện của một đại tri thức và của một đại tín đồ đạo Phật. Thiên nhiên trong thơ Huyền Quang không những đẹp, tinh tế, mà luôn luôn có hồn, gắn bó mật thiết với con người.
Như vậy, nếu xét một cách hệ thống, ở Huyền Quang, từ hành vi, ứng xử, đến thơ ca, ta thấy có một sự thống nhất không thể chia cắt và theo một định hướng rõ ràng – đến cái tuyệt đối. Những cái đó đều thuộc loại “ngoại cỡ” trong thời đại của ông, và có lẽ không chỉ trong thời đại của ông!
Từ ông nảy sinh ta nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chẳng những trong dân chúng mà ngay cả trong giới có học, đỗ đạt cao và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội trước kia. Và đã có nhiều cách bình luận khác nhau.
Tầm vóc tinh thần và bản lĩnh của Huyền Quang đến nay vẫn còn là đề tài để mọi người suy ngẫm và lý giải, mặc dù đã bảy thế kỷ trôi qua…
(1) Đây là những nhận định đánh giá của PGS. TS Trần Thị Băng Thanh, trong bài “Huyền Quang và những trang đời nhiều huyền thoại, những vần thơ nhiều hàm nghĩa”. TCVH, số 3, 1994. tr.26 – 29
* Nguồn:NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Cùng tác giả: + 189. NGƯỜI PHỤ NỮ BA LẦN LÀ HOÀNG HẬU VÀ VỤ ÁN LỊCH SỬ: AI GIẾT VUA ĐINH?;  + 191. MỘT BÀ PHI THAY THỂ THỦY THẦN; + 192. THÁI HẬU Ỷ LAN – HAI BỀ CÔNG TỘI;  + 193. VỊ ĐÔ NGỰ SỬ TRUNG THỰC, THẲNG THẮN; + 194. CHUYỆN THÁM HOA VŨ PHẠM HÀM;  + 195. LAI LỊCH “TRẠNG CẬU TRẠNG CHÁU” VÀ CÁC VỊ TỔ XA ĐỜI CỦA THI HÀO NGUYỄN DU;  + 196. CHUYỆN XỬ ÁN CỦA QUAN ĐỐC TRẤN SƠN TÂY: HOÀNG GIÁP NGUYỄN MẠI; + 197. VÀI MẨU CHUYỆN VỀ ĐÌNH NGUYÊN THÁM HOA NGUYỄN MINH TRIẾT;  + 200. ĐẶC ĐIỂM MÔI TRƯỜNG SINH THÁI – NHÂN VĂN VÀ SỰ HÌNH THÀNH NỀN VĂN MINH LÚA NƯỚC CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ; + 201. Sự tích mưa ngâu; + 202. SỰ TÍCH RÉT NÀNG BÂN;  + 203. SỰ TÍCH TRẦU CAU; + 204. SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY;  + 205. SỰ TÍCH QUẢ DƯA HẤU; + 206. NHẤT DẠ TRẠCH; + 207. NGỌC TRAI, NƯỚC GIẾNG; + 208. THÁI TỔ LÝ CÔNG UẨN; + 209. ĐÔ THỐNG THƯỢNG TƯỚNG QUÂN LÊ PHỤNG HIỂU;  + 210.UY MINH VƯƠNG LÝ NHẬT QUANG; + 211. VIỆT QUỐC CÔNG THÁI UÝ LÝ THƯỜNG KIỆT.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO?

 Tạp chí Xưa & Nay
Số 415 tháng 11/2012
Posted by vietsuky on 26/11/2012
 https://vietsuky.wordpress.com/2012/11/26/213-dao-phat-co-phai-la-mot-ton-giao/

YẾU TỐ NIỀM TIN VÀO THỰC THỂ TÂM LINH(TYLOR 1871) HAY CÁC YẾU TỐ GIÁO HỘI VÀ GIÁO LÝ (ĐẶNG NGHIÊM VẠN 2001) TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO LẠI DƯỜNG NHƯ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO. KHÔNG CHỈ LÀ TƯ LIỆU THỰC ĐỊA GÓP PHẦN XEM XÉT LẠI CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO CỦA PHƯƠNG TÂY CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THỐNG NGHIÊN CỨU KITÔ GIÁO, THỰC HÀNH PHẬT GIÁO CÒN GÓP PHẦN ĐƯA RA MỘT CÁCH NHÌN MỚI TRONG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO (KEYES 2006) (1). XƯA NAY XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC VỀ VẤN ĐỀ NÀY. THƯỢNG TOẠ THÍCH HUỆ ĐĂNG HIỆN LÀ ỦY VIÊN BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG VÀ LÀ GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN PHẬT GIÁO HÀ NỘI.
Câu hỏi này ở đầu cửa miệng của nhiều người, nhất là nhửng người Mác xít mà tôi được quen biết. Tôi nghĩ rằng câu trả lời có hay không, phải hay không phải, tuỳ thuộc vào vấn đề chúng ta hiểu từ ngữ “tôn giáo”, một từ ngữ gốc Phương Tây (reli­gion), như thế nào?

Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý và giác ngộ và giải thoát, thì đạo Phật một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là một tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được đức Phật ví như cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy. Khác với giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật không bao giờ tự gán cho mình quy chế Thượng đế, con Thượng đế, hay là phái viên của Thượng đế. Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường” (Margadata), tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ mọi khổ đau.
Đạo Phật xa lạ với mọi ý niệm vê một Thượng Đế cá nhân đẩy quyền năng vô hạn. Đức Phật đến với loài người như một Con Người giản dị nhưng hoàn thiện, một con người đã được giác ngộ và giải thoát, và chỉ bày cho con người con đường giác ngộ và giải thoát. Cũng vì đức Phật không tự cho mình một quy chế Thượng đế hay một thần linh tôi thượng, cho nên các tôn giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic). Phật thường khuyên bảo học trò không nên tin lời Phật vì lòng kính trọng đối với Ngài, mà vì lời dạy của Phật đúng đắn, dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như giáo điều, tuyệt đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua cuộc sông thực tiễn như là người thợ vàng thử vàng vậy. Phật thường dạy học trò rằng một điều dù đúng hay sai không phải là do quyền uy của vị đạo sư nói ra, hay được ghi trong sách thánh như là thần khải. Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là tiêu chuẩn của chân lý. Đối với đạo Phật tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm nghiệm của cuộc sống. Khẳng định như vậy để nói rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là tự biện thần học, gọi là để tìm ra chân lý trong từng câu từng chữ của sách thánh, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi gắm cả cuộc đời mình cho thần linh hay Thượng đế… Nếu tôn giáo là như vậy, thì đạo Phật sẽ không Phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thông triết lý và đạo đức dẫn con người tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.


Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng bổng con người, vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì đạo Phật là tôn giáo như vậy. Mà lạ lùng thay, một tôn giáo như đạo Phật, không công nhận có linh hồn bất tử, cũng không công nhận có thượng đế tạo thế, ấy thế mà từ khi ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nó đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn giáo và triết phái truyền thông phải xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và sau khi nó vượt qua biên giới, nó trở thành một tôn giáo thế giới, nó đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người. Ngày nay cũng vậy trong khi các tôn giáo truyền thông và thần quyền đang chịu đựng những thử thách lớn, đối diện với tiến bộ của khoa học như vũ bão, thì đạo Phật vẫn đứng vững như bàn thạch. Đạo Phật mở con đường du nhập của mình vào ngay trong lòng những nước đứng đầu trên thế giới về khoa học và công nghệ, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,…
Không phải vì là Phật tử mà chúng ta ca ngợi đạo Phật. Chính các nhà khoa học lớn, có tiếng tăm ca ngợi đạo Phật. Có thể trích ra đây lời nhận xét của nhà bác học Albert Einstein đối với đạo Phật: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt hơn một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật”(2). Để chứng minh nhận xét của tôi về sự thành công của đạo Phật tại các nước công nghiệp phương Tây, cho phép tôi đưa ra một trích dẫn nữa, lần này là của một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp trong một bài đăng trong một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ Thế giới ngoại giao số tháng 11 và 12/1999: “Phật giáo chủ yếu là tôn giáo hiện đại: dành cho cá nhân, không giáo điều đạo đức, kết hợp thân với tâm. Phật giáo có tất cả cơ may để phát triển ở phương Tây, vì nó không đề xuất một sự cứu rỗi, xuất phát từ một thần linh bên ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc, ngay tại thế giới này”(3).
Phật giáo không có một tổ chức tăng đoàn chặt chẽ, theo kiểu các tôn giáo thần quyền phương Tây. Vì sao? Vì tinh thần dân chủ và bình đẳng trong đạo Phật không cho phép có một tổ chức chặt chẽ như vậy. Không phải trong thòi kỳ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, mà ngay cả ở Trung Hoa, Nhật Bản, tổ chức Phật giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác nhau, với những chùa chiền, tu viện, và thiết chế giáo dục, của riêng các giáo phái và hệ phái đó. Ở Việt Nam tuy có một giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, thế nhưng hiến chương của giáo hội tôn trọng sự tồn tại trong phạm vi giáo hội của những giáo phái và hệ phái khác nhau, như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Khơ-me,…
Ngày xưa, khi Thiên Chúa giáo mới bắt đầu vào nước ta, có sự phân biệt đồng bào giáo và lương. Đồng bào giáo chỉ cho tất cả đồng bào theo tôn giáo mới, tức Thiên Chúa giáo, còn đồng bào lương chỉ cho tất cả đồng bào theo các đạo Phật, Nho, Lão hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào khác. Vì sao vậy? Phải chăng người Việt Nam cũng như người Á Đông nói chung không có một quan niệm về tồn giáo chặt chẽ về mặt tổ chức như đạo Thiên chúa. Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể theo cả ba đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo ông bà nữa mà trong lương tâm họ không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái. Những bài thuyết giảng này chống lại mọi biểu hiện của tà giáo và tà đạo, khi các bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israen đầu tiên được thành lập, với các vua David, rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu ước.
Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo, bởi lẽ niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó. Điều đặc sắc của đạo Phật là sự kết hợp niềm tin với lý trí hay trí tuệ, hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của giáo hội có chặt chẽ hay lõng lẻo, cũng không thành vấn đề. Thậm chí, có những tín đồ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay một tôn giáo nào khác, rất có thể không đi chùa, không đến nhà thờ, không chấp hành những nghi lễ nào đó do giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo theo đúng đòi hỏi lương tâm họ.
Đức Phật thường dạy học trò mình rằng: “Không nên chấp nhận những lời dạy của Ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm những lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”. Phật dạy: “Một điều là đúng hay sai, không phải là quyền uy và thần khải”. Phật ví những tín đồ như một đoàn người mù, dẫn dắt nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi cuòi cũng không thấy gì hết. Phật cho rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý là không hiểu, thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật vậy.
Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do quyền uy của người khác, dù người khác đó là bậc đạo sư, sẽ không có được sự giác ngộ tâm -linh, dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ, học hỏi là cần thiết, nhưng sự học hỏi đó cần được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân. Tôn giáo luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thầy thuốc tốt nhất, qua thân tâm của mình như là cuon sách quý nhất. Phật giáo là như vậy.
CHÚ THÍCH:
1. Tylor, Edward B. 1871, Primi­tive Culture (Văn hóa nguyên thủy). London: John Murray; Đặng Nghiêm Vạn, 2001, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia; Keyes, Charles F. 2006. “Dẫn luận: Sự thăng trầm của nghiên cứu nhân học về tôn giáo” trong Những vấn đề nhân học tôn giáo. Đào Thế Đức dịch; Nguyễn Văn Chính hiệu đính, Đà Nẵng, Hội KHLSVN, Nxb. Đà Nẵng, tr 7-27.
2. Phra Sripariyattimoli, 1999, The Buddha in the Eyes of Eminent Scholars (Đức Phật trong con mắt của các học giả uyên bác), Mahachu- lalongkorn BuddhistUniversity
3. Frederic Lenoir, 1999, Monde diplomatique, Novembre-Decembre.

MỘT XÃ HỘI ĐIÊN LOẠN!

Lá điều cũng bị tận thu! 

Và Cướp giật táo tợn trên đường phố TP mang tên "BÁC" 

>> Táo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sản


http://nld.com.vn/20121126110334322p0c1042/la-dieu-cung-bi-tan-thu.htm
Thứ Hai, 26/11/2012 23:27

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, với kiểu thu mua này, không loại trừ có cả âm mưu phá hoại sản xuất

Lá điều khô được thu mua ở Đồng Nai với giá 1.000 đồng/kg. Nhiều người lo ngại tình trạng này có thể khó kiểm soát lưu dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, mất chất dinh dưỡng của đất và thậm chí khiến nhiều người dân hái lá điều xanh để bán.

Nhộn nhịp tại một điểm thu mua lá điều khô tại huyện Định Quán


Người lớn, trẻ em cùng thu gom
Ngày 26-11, chúng tôi có mặt tại xã Gia Canh, huyện Định Quán - Đồng Nai, gặp nhiều em nhỏ đi cùng nhau, tay xách theo những bao bố, lang thang khắp các vườn điều rộng bao la để thu gom lá. Sau khi chất đầy một vài bao tải, những em này tập kết lá ở gần nhà mình rồi đem đi bán cho một “đầu nậu” trên địa bàn.
Em Lê Hoài Thương, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở huyện Định Quán, cho biết tranh thủ những ngày chủ nhật và các buổi nghỉ học, em đi gom lá khô như thế này cũng kiếm được khoảng 20.000 đồng/ngày để giúp mẹ. Toàn, một học sinh tiểu học, khoe do siêng năng, “làm việc cật lực” nên có ngày em kiếm được 30.000 - 40.000 đồng.
Không chỉ trẻ con, người lớn cũng đua nhau đi gom lá điều. Ông Trần Hiếu, ngụ xã Gia Canh, cho biết thời gian này đang rảnh rỗi, sẵn có một “nguồn lợi” như thế nên cũng “chớp lấy cơ hội” kiếm thêm. Nhiều nhà gom mỗi ngày đến mấy xe công nông lá điều khô.
Ngoài xã Gia Canh, các xã lân cận cũng ồ ạt thu gom lá điều khô. “Lá điều cũng chẳng để làm gì, thôi thì có người mua thì mình gom bán” - một người nói.
Chưa rõ mục đích!
Tại một điểm thu mua ở xã Gia Canh, chúng tôi chứng kiến những bao tải nén chặt lá điều chất thành đống cao ngất. Cạnh đó là hàng đống lá vụn đang được ủ chờ phân hủy. Bà chủ điểm thu mua tên Hiền cho biết: “Mỗi ngày, tôi thu mua hơn 5 tấn lá, ủ mục nát để chờ một người đã đặt hàng đến lấy”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi những người đặt hàng là ai, họ mua để làm gì, bà Hiền không trả lời.
Theo UBND xã Gia Canh, chính quyền địa phương đã ghi nhận hiện tượng người dân gom lá điều khô đem bán trên địa bàn. Tuy nhiên, xã không thể can thiệp được mà chỉ động viên bà con đừng nên bán lá khô gây mất chất dinh dưỡng cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng. Một cán bộ UBND huyện Định Quán cho hay hiện địa phương đang phối hợp với các cơ quan an ninh để làm rõ mục đích thu mua lá điều khô và những tác động của việc này với đời sống người dân.
Theo vị cán bộ này, việc thu mua lá khô trước mắt chưa gây những tác động cụ thể nhưng có thể kéo theo các hệ lụy như người dân hám lợi sẽ chặt lá điều non, xanh đem bán; nguồn dinh dưỡng cho cây trồng sẽ cạn kiệt.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, nhận định trước tình trạng thu mua lá điều khô bất thường như vậy thì người dân cũng như các đơn vị chức năng cần phải cảnh giác. “Với kiểu thu mua này, không loại trừ có cả những âm mưu nhằm phá hoại sản xuất” - ông Đạo nói.
Thu mua nhiều lá, rễ cây khác
Theo bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Quán, thời gian qua, tại địa phương không chỉ có hiện tượng thu mua lá điều một cách bất thường mà thỉnh thoảng còn xuất hiện tình trạng mua lá, rễ của các cây nhãn, vải, sim… để bán cho thương lái, gây hoang mang trong nhân dân. “Thấy có giá cao, một số người đã tận thu lá, rễ để bán cho thương lái gây hư hại cây trồng” - bà Dòn lo lắng.
Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG
[Quay lại]

4 ý kiến
  • Tề thiên
    26/11/2012 23:34
    Cần cảnh giác trước những âm mưu phá họai kinh tế nước ta của kẻ thù. Cũng với chiêu thu mua móng trâu, sừng trâu ở các tỉnh phía Bắc trước đây. Hậu quả là xảy ra tình trạng thiếu sức kéo cho sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ.
  • Thành Công
    27/11/2012 08:55
    Vớ 1 quốc gia nhiều mưu mô, quỷ kế và chưa bao giờ từ bỏ tham vọng bá quyền, xâm chiếm như TQ thì các nước nhỏ cần phải kiên định, sáng suốt. Các vụ thu mua lâm sản, nông sản các năm trước đã khiến người dân điêu đứng, mội trường bị tàn phá nặng nề, hình thành ý thức "tiểu nông, nhỏ nhen, manh mún, bất ổn" cho người dân do hám lợi. Cùng 1 lúc TQ đạt được nhiều thứ, kể cả thay đổi thói quen, nhận thức và hình thành lòng tham bất chấp hậu quả. Đó là nguồn gốc của phát triển kém bền vững và "tự tàn phá nền nông nghiệp", thâm hiểm hơn dần sẽ biến người dân nước ta như "cái máy" mà Tư thương TQ "điều khiển" như người làm thuê trên chính đất đai, tài nguyên của mình. "Quyền lực mềm" mà TQ đã khá thành công không ít nước Châu Phi. Hậu quả kinh tế, xã hội đều khủng khiếp. Vấn đề ở đây là không nên phân tích, phỏng đoán quá nhiều và luôn "phỏng đoán" mà phải hành động ngay để ngăn chặn các hành vi phá hoại sản xuất nông nghiệp, phá hoại rừng, tài nguyên khi chỉ mới có hiện tượng. Cứ "cảnh báo" e khi kiệt quệ không còn khai thác được người dân cũng không thể nhận ra. Cần Ngăn Chấm ngay lập tức!
  • Nguyễn Đình Chiến
    27/11/2012 09:19
    Bà con mình dễ bị lừa lắm. Bán 1 xe công nông lá điều chưa mua nổi 1 kg hạt điều, nhưng vẫn cứ bán, thấy người khác bán thì mình bán dù biết rõ hậu quả. Điều nhức nhối là không hề thấy đó là trách nhiệm của mình, bảo vệ lợi ích của đất nước cũng chính là bảo vệ lợi ích của chính mình.


    Tuyên chiến với cướp giật
     http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/522280/Tuyen-chien-voi-cuop-giat.html
    * Cướp man rợ, dân bất an
    * Phát động cao điểm phòng chống trộm cướp
    * Một số vụ cướp táo tợn trong 3 ngày qua
    TT - Vụ cướp kinh hoàng dưới chân cầu Phú Mỹ gây rúng động Sài Gòn, làm cảm giác bất an của người dân lên đến đỉnh điểm khi mà nạn cướp giật luôn rình rập, có thể giáng xuống bất kỳ ai, bất cứ đâu.
    Đã đến lúc chính quyền TP.HCM cần phải có biện pháp mạnh, đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống an bình cho người dân.
    t
    Những tên cướp táo tợn trên đường phố Sài Gòn đã bị công an và người dân bắt giữ - Ảnh:  Mậu Trường - Hoàng Lộc - Sơn Bình
    Táo tợn chém người cướp của
    Theo thông tin của Tuổi Trẻ, vụ sả mã tấu chém cô gái cướp tài sản xảy ra tại cầu Phú Mỹ, Q.2, TP.HCM ngày 24-11 không phải là vụ cướp đầu tiên tàn khốc của băng cướp này.
    Trước đó, cũng với thủ đoạn “chém trước, cướp sau” sặc mùi máu lạnh, băng cướp trẻ tuổi, liều lĩnh này đã gây ra nhiều vụ cướp táo tợn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh. “Con mồi” của chúng không chỉ là phụ nữ chân yếu tay mềm mà cả nam giới. Không dừng lại với những người đi đường riêng lẻ, băng cướp còn ra tay cả với những nhóm đi từ 2 người trở lên. Có khi chúng gây ra nhiều vụ cướp liên hoàn, có vụ chỉ cách nhau vài chục phút.
    Thấy “mồi” là chém
    Theo hồ sơ của công an H.Nhà Bè, trước đó, vào lúc 20g ngày 4-11, anh Nguyễn Huy Trường, sinh năm 1977, đang điều khiển xe SH đi từ đường Lê Văn Lương về thị trấn Nhà Bè, đến cách cầu Cống Dinh chừng 200m thì bị 2 đối tượng đi môtô ép sát và bất ngờ dùng dao chém 3 nhát vào hông, lưng, bả vai khiến anh té xuống đường. Anh Trường kịp rút chìa khóa, bỏ chạy và tri hô. Chỉ khi đó 2 tên cướp mới tháo lui.
    Chưa đầy 25 phút sau, cách nơi chém anh Trường khoảng 200m, bọn cướp lại ra tay. Lúc này, chị Nguyễn Thị Anh Thư, sinh năm 1989, đi xe Air Blade và anh Nguyễn Thanh Hoàng điều khiển xe Wave cùng chạy song song. Khi đến cầu Cống Dinh, có 2 tên cướp đi xe máy kè theo chém vào vai anh Hoàng. Sau đó, chúng tiếp tục chém vào hông chị Thư, cướp chiếc xe Air blade của chị Thư và điện thoại di động của anh Hoàng.
    Sau khi 2 vụ cướp xảy ra, công an H.Nhà Bè triển khai kế hoạch, lập hồ sơ, tổ chức lực lượng tuần tra khắp các tuyến đường để truy bắt. Đến khoảng 19g30 ngày 24-11, tổ tuần tra đang đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ thì phát hiện 4 thanh niên đi trên 2 xe Nouvo có biểu hiện khả nghi nên bám theo ở một khoảng cách khá xa vì sợ đối tượng phát hiện. Đến khu vực Q.2, cách cầu Phú Mỹ khoảng 200m, các đối tượng này áp sát một phụ nữ đi xe SH và trong tích tắc tức thì vung dao sả xuống, các trinh sát ở khá xa nên không lao đến can thiệp kịp.
    Sau khi người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu, các trinh sát tiếp tục truy đuổi, quyết tâm bám sát để bắt nóng những tên cướp máu lạnh, đồng thời gọi lực lượng chi viện. Bám sát bọm cướp qua nhiều ngã đường nhưng e ngại gây thương vong cho người đi đường, các trinh sát quyết định tiếp tục bám theo.
    Đến khách sạn Song Linh thuộc địa bàn ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, băng cướp dừng lại vào thuê phòng. Khi cả bọn đã vào phòng thì trinh sát ập vào bắt gọn. Băng cướp gồm các tên Hồ Duy Trúc (tự Tuấn, sinh năm 1993, kẻ trực tiếp cầm dao chém nạn nhân), Trần Văn Luông (tự Đực, sinh năm 1988), Huỳnh Thanh Sơn (sinh năm 1982) và Nguyễn Hoàng Phương (tự Bò, sinh năm 1993). Nguyễn Hoàng Phương đang bị công an tỉnh Bình Thuận truy nã về tội cướp tài sản.
    Một vụ cướp táo tợn trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM sáng ngày 23-11. Camera đã ghi lại hình ảnh cô gái dù đi trên lề đường nhưng vẫn bị tên cướp giật túi xách, ngả đập mặt xuống lề đường. Hình ảnh này đã được phát trên nhiều báo mạng Việt Nam
    Công an các quận, huyện vào cuộc
    Tại cơ quan công an, băng cướp khai nhận đã thực hiện các vụ cướp với thủ đoạn tương tự tại huyện Nhà Bè và 2 vụ khác tại Q.2, TP.HCM mới nhất vào ngày 16 và 17 - 11.
    Liên quan đến băng cướp này, một lãnh đạo Công an Q.2, cho biết hiện còn đang trong quá trình truy xét vì liên quan đến nhiều đối tượng khác thực hiện nhiều vụ cướp trước đó. Thông tin ban đầu cho biết băng cướp này đã thực hiện trên 10 vụ cướp ở các quận, huyện. Trong ngày 26-11, công an Q.2 cũng bắt thêm 2 đối tượng lien quan đến vụ cướp rùng rợn ở cầu Phú Mỹ.
    Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Văn Quý - Phó Trưởng Công an H.Bình Chánh - cho biết Công an huyện thời gian qua cũng chủ động theo dõi hoạt động của các băng nhóm cướp tài sản táo tợn trên địa bàn. Nhờ đó, đã phối hợp truy bắt được hai đối tượng được xác định nằm trong đường dây của băng nhóm vừa gây án chặt tay người đi đường cướp tài sản trên địa bàn Q.2. Hiện Công an Bình Chánh tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy bắt những tên còn lại.
    M.HƯƠNG - S.BÌNH - H.LỘC - M.THƯƠNG


    Thứ ba, ngày 27 tháng mười một năm 2012


    Từ Blog Nguyễn Thông: Văn nghệ cuối đường hầm 

    http://thongcao55.blogspot.com/2012/11/van-nghe-cuoi-uong-ham.html

    Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, chưa bao giờ nền văn nghệ nước nhà nói chung, văn học nói riêng, lại đen tối, bế tắc, bi đát, thảm cảnh... đến như hiện nay.

    Chỉ tính từ cách mạng tháng tám 1945 tới nay thôi, văn học xứ ta đã từng đặt những dấu ấn sâu đậm trong lòng người và thời đại. Tôi không có kiến thức cần đủ về văn học miền Nam trước 1975 nên không dám bàn mảng đó, chỉ riêng văn học miền Bắc trước 75 và cả nước sau 75 đã gây cho tôi những quý mến đặc biệt. Đóng góp của văn nghệ sĩ, nhà văn vào sự phát triển của cuộc sống đương nhiên không cần bàn cãi.

    Đã một thời, văn nghệ như thánh đường nghiêm cẩn, thiêng liêng, cao quý, ai bước chân được vào đó coi như tạo được cái tiếng hãnh diện với đời. Chả nói đâu xa, chỉ đăng được bài thơ, cái truyện ngắn trên tờ Văn nghệ là đã xem như lập được kỳ tích rồi, chứ nếu đoạt giải này nọ của thi thơ, thi truyện do Văn nghệ tổ chức thì chẳng cần phải đăng đàn diễn thuyết đã được làng văn xếp hạng chiếu trên, thậm chí ngồi cao ngất ngưởng, vua biết mặt chúa biết tên, thiên hạ ngắm nhìn ngưỡng mộ, kính phục. Cái thời ấy, dù nền văn nghệ vẫn bị chèo lái, uốn éo theo lối phải đạo nhưng trong chừng mực nào đó, tự thân nó tạo ra giá trị, khiến người ta không thể hạ nhục, xem thường. Tôi chắc rằng những người làm báo Văn nghệ hồi ấy chẳng thể nào quên được những năm tháng vinh quang, sản phẩm chưa ra lò đã bao bạn đọc mong ngóng, vừa bày lên sạp đã hết veo, một tờ báo người ta chuyền tay nhau đọc đến nát từng trang... Những tên tuổi một thời của văn học nước nhà Thái Giang, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Huy Thiệp... nổi lên, được cả nước biết tới cũng nhờ bệ phóng Văn nghệ.

    Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.

    Vừa rồi, đọc bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi thấy anh than và giận, và tiếc nuối trước việc bác Hữu Thỉnh quyết định sáp nhập, đóng cửa, đình bản, chấm dứt tờ tạp chí Nhà văn, một trong 3 cơ quan ngôn luận trực thuộc Hội Nhà văn. Nghe ra ngậm buồn, nhưng biết thế nào. Em mà cương vị bác Thỉnh, có nhẽ em đóng cửa nó lâu rồi, ít nhất cũng sau khi nó danh nghĩa đứng ra tổ chức cái hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận đầy tai tiếng. Mà chả riêng thằng Nhà văn, ngay thằng Văn nghệ (gồm cả Văn nghệ trẻ) đang do bác Huân cầm trịch, rồi tạp chí Thơ, tạp chí Văn học nước ngoài, em cho out tất. Mấy cái cục nợ kiểu Vinashin đó, tồn tại mà không tự nuôi nổi mình, ăn mãi vào vốn, suốt ngày há mồm chờ sữa vú dân nuôi nhỏ giọt vào để cầm hơi, sản phẩm làm ra ế rệ trên sạp, bán chẳng ai mua, ít người quan tâm, chính giới văn nghệ cũng không thèm đọc, không giải thể sớm, càng để càng chết, thành gánh nặng. Thời bây giờ vẫn làm báo theo kiểu bao cấp, chờ chỉ đạo, uốn theo định hướng, vẫn tán tụng ngợi ca, vẫn nhắm mắt bịt tai trước hiện thực chát chúa xô bồ, chưa chết mới là lạ. Thương là thương những người như bác Nguyễn Trí Huân, có tâm có trí nhưng bị vướng cái thời, lại thiếu chút dũng khí như Nguyên Ngọc, chỉ biết ngậm ngùi nhìn tờ báo chết dần chết mòn, nhích dần vào tử huyệt.

    Một nền văn nghệ cuối đường hầm vì nó quá nặng căn với cái cũ không dứt ra được, thiếu những người chèo lái giỏi giang tài ba, bản lĩnh, liệu mò mẫm trong bóng tối đến bao giờ? Không ai đem ánh sáng cho nó nếu nó không tự tìm ra vùng ánh sáng.

    Há miệng mắc quai

    BÁ TÂN


    Đến hẹn lại lên. Sau khi kết thúc mỗi kỳ họp quốc hội, các vị đại biểu lại về cơ sở tiếp xúc và đối thoại với cử tri. Đó là quy trình, thủ tục bắt buộc, không ai làm trái được. Chỉ khác nhau ở chỗ sức sống của thông tin trong những cuộc tiếp xúc.
    Có những vị đại biểu tiếp xúc cử tri sao mà nhạt nhẽo. Đối thoại với dân cứ như đọc trong nghị quyết. Nói đúng bài bản nhưng là lời nói gió bay tức thời, chẳng có gì đọng lại.
    Chưa phải số nhiều nhưng đã có những cuộc tiếp xúc gây ấn tượng trong dư luận. Sức sống ngoài đời, sự thật trong xã hội ùa vào cuộc đối thoại. Cả hai phía tỏ rõ cá tính trong ngôn ngữ đối thoại. Lời nói mang hơi nóng từ trái tim, tính sắc sảo của đầu óc. Không ít người thiện cảm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lẽ vì lý do ấy. Khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Sang nói năng rất bình dân, như là đứng trong dân mà nói ra, cùng chiến hào với dân chúng.

    Tham nhũng, lợi ích nhóm đang là câu chuyện cửa miệng của số đông người dân. Vậy mà có những vị đại biểu, khi đối thoại với dân, nhắc đến việc đó coi  như là xảy ra ở bên Tây bên Tàu. Họ lảng tránh, trong khi lòng dân đang sôi sục. Hay họ đã nhúng chàm. Hoặc có thể họ sợ đụng vào lợi ích nhóm. Không loại trừ trường hợp nếu họ hăng hái tố tham nhũng thì khác nào vả vào mặt quan thầy tham nhũng. Còn bọn quan tham đích thực, khi đối thoại với dân cũng ngượng mồm, lời nói sặc mùi giả dối. Quan tham cũng như bọn lợi ích nhóm thường há miệng mắc quai, dù có tài múa mép, nhắc đến tham nhũng rất dễ lộ chân tướng. Kể cả siêu đóng kịch, khi bị cử tri chất vấn, bọn quan tham không cứng mồm thì cũng gượng gạo đối phó cốt cho qua cuộc tiếp xúc.
    Tham nhũng chính là cái quai gông vào miệng làm cho ngôn từ của chúng khác biệt tiếng nói của dân. Bọn tham nhũng xuất hiện ở đâu, ở đó sự dối trá lên ngôi, còn ngôn ngữ thì bị ô nhiễm nặng nề. Riêng hành vi múa mép làm ô uế ngôn ngữ, bọn tham nhũng đáng phải bị đả đảo, đả đảo.
    Bá Tân
    27.11.2012
    Nguyễn Thông

    Thầy ư, phó giáo sư ư ?

    Bài báo dưới đây của tác giả Hồng Châm đăng trên báo Giáo dục & Thời đại, cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
    Nếu chuyện không có thật (bởi vì báo chí dạo ni rất hay bịa) thì cơ quan chức năng, trước hết là Ban Tuyên giáo và Vụ Báo chí-xuất bản cần nhắc nhở và có biện pháp xử lý tờ báo trên, bởi làm xấu đi hình ảnh người thầy, người trí thức (giáo sư, phó giáo sư) nước nhà.
    Nếu đúng như tác giả và tờ báo phản ánh, có nhẽ chả chần chừ gì nữa mà không làm việc với vị phó giáo sư mất nết ấy. Thầy kiểu vị này đang hơi bị nhiều, bớt đi một con sâu cũng đỡ xấu phần nào cho vườn học thuật, giáo dục nước nhà.

    Tôi từng nhiều năm dạy học, cũng từng dạy cho sinh viên năm cuối ĐH KHXH-NV về báo chí, mỗi lần lên bục giảng đều tự nhắc mình phải đúng tư cách người thầy, thiếu micro tự tìm micro, bảng chưa xóa tự tay xóa bảng, không một lần rủ rê học trò ăn nhậu, chơi bời... nên không tưởng tượng được trên đời lại có thầy giáo, giảng viên, giáo sư như vậy. Chả nhẽ đạo học thời nay nát đến thế sao? Nghe đâu vị được phản ánh dưới đây là giảng viên một trường rất lớn Hà Nội mà một ông bạn tôi, thầy Vũ Đức Nghiệu đang làm quản lý tại đó. Xin thầy Nghiệu lưu tâm, đừng để con sâu làm rầu nồi canh, thầy ạ.


    Ngậm ngùi vì thầy... sang quá
    HỒNG CHÂM


    Nghe cán bộ giáo vụ khoa báo tin tuần lễ tới, lớp sẽ học môn của một PGS có tên là S ở Hà Nội vào thỉnh giảng, sinh viên lớp báo chí năm thứ tư của trường đại học nọ mừng rơn. Chỉ vì từ đầu năm học ti giờ, toàn phải lên lớp theo thời khóa biểu chính khóa do các GV ở trường dạy.


    Được học với giáo viên thỉnh giảng có phần mới mẻ, đỡ gò bó về giờ giấc; thêm nữa, giáo viên thỉnh giảng thường có tay nghề, nhiều vốn sống thực tế. “Tiếp cận với họ chẳng bổ bề dọc, cũng bổ bề ngang”, GV chủ nhiệm lớp đã từng nói một cách hóm hỉnh như vậy! Phó giáo sư S có thâm niên ở một trường đại học thuộc hàng quốc gia, thế nào học môn của thầy cũng bổ ích, lý thú.

    Lớp trưởng lớp báo chí năm tư giãi bày tâm sự trên đây với một SV khóa trước đã ra trường, thì SV này cười và nói một cách bí ẩn: “ Phó giáo sư S hả? Ừ thì …hãy đợi đấy!” làm lớp trưởng báo chí năm thứ tư càng hồi hộp.

    Giây phút chờ đợi rồi cũng đã đến! Vị PGS nọ bước vào lớp, dáng dấp phương phi và bước chân đường hoàng, đĩnh đạc. Vừa ngồi vào bàn giáo viên, thầy đã đảo mắt quan sát khắp lượt phòng học và chê bai trang thiết bị ở đây “nghèo” quá. “Thời buổi bây giờ tất cả phải công nghệ cao. Công việc của tôi hàng ngày quá nhiều, nên lúc nào máy móc, phương tiện phục vụ cũng phải chỉnh chu”- Thầy nói với chất giọng lơ lớ xứ Nghệ, rồi giở chiếc máy vi tính mới toanh ra để trên bàn và hỏi cả lớp: “Wifi cắm ở đâu các em?”. Học sinh ở bên dưới bắt đầu “ mắt tròn mắt dẹt” nhìn nhau. Rồi thì lớp trưởng đứng lên “Thưa thầy, Wifi là mạng không dây, chỉ cần gõ mật mã Password là được ạ”. Rắc rối, “quật” với chẳng “quộc”, thời buổi hiện đại mà rắc rối ! Ở phòng làm việc của tôi la liệt máy móc nên chỗ nào cũng phải có ổ ắm tiện lợi cả ”.


    Tiếp đó, thầy “con cà con kê” về chuyến bay từ Hà Nội vào, ở đâu, ăn gì, làm gì từ tối hôm qua tới giờ. Rồi thầy ghi lên lớp tên bài giảng cùng đề mục một la mã –“Khái niệm”; thầy mở giáo trình ra “lua” một mớ định nghĩa, con số và những lời phát biểu của triết gia này, triết gia nọ, bảo học sinh phải chép vào đầy đủ, bởi “môn học của tôi không có sẵn tài liệu đâu đấy nhé. Muốn có tài liệu thì phải biết điều, phải năng động”... Trong lúc học sinh còn hí hoáy “toát mồ hôi” cũng không chép kịp thì thầy đã kể chuyện bên Tây, bên Tàu; toàn những chuyện mà thầy cho là “sang trọng hơn hẳn bên ta”.


    Không khí lớp học trầm lắng. Thầy bảo: “ Thầy dạy ở đâu học sinh cũng tập trung học răm rắp chứ không có lơ tơ mơ. Nhưng học là học mà chơi là phải chơi cho ra trò, thì tinh thần mới khỏe khoắn. Đàn ông thì phải như cụ Lý Bạch ở Trung Quốc hay chí ít ra cũng như cụ Nguyễn Công Trứ của ta mới là sang! Tối hôm qua thầy đi dạo một mình ngoài phố, buồn thênh thang. Cánh mày râu lớp này tối nay mời thầy đi chơi một bữa cho ra trò nhé!”...


    Thầy bước ra khỏi lớp rồi, lớp trưởng bảo cả lớp phải ngồi lại để hội ý. Bàn qua, cãi lại mãi vẫn không định được là phải nộp mỗi người bao nhiêu để cánh SV nam đưa thầy đi chơi là vừa. Thôi thì cứ gom góp mà ứng trước đi vậy!


    Tối hôm ấy, cánh SV nam tới khách sạn để rước thầy. Sau khi đưa thầy đi dạo một vài thắng cảnh thì thầy bảo tìm một nhà hàng “víp một chút” để thưởng ngoạn đặc sản. Thầy gắp nhắm, cụng ly liên tục. Mấy SV nam được “đề cử” tiếp thầy từ trước cũng phải gắp nhắm, cụng ly theo thầy. May quá, đúng vào lúc SV nào, SV nấy cảm thấy ngà ngà hơi men thì thầy bảo “stop” để đưa thầy đi massage thư giãn, có sức khỏe mai lên lớp “chiến đấu” tiếp.


    Cánh SV nam đã tản mạn ra về, chỉ còn có lớp trưởng và lớp phó ngủ gà, ngủ gật, chờ thầy ở ngoài phòng massage. Tưởng thế là đã trọn vẹn trách nhiệm với thầy. Ai ngờ khi thầy bước ra, lại có mấy cô nhân viên trẻ trung, xinh đẹp ra bảo trả tiền “bo” cho thầy. Lớp trưởng, lớp phó nhìn nhau vì tiền đưa thầy đi chơi đã cạn rồi. Nhưng không còn cách nào khác là phải bỏ thêm tiền túi cá nhân lớp trưởng, lớp phó ra để mà “bo” giúp thầy. Lòng ngậm ngùi vì nỗi…thầy chơi sang quá!


    Tôi hỏi lại các em SV rằng, tại sao nhà trường đã thực hiện chủ trương lấy ý kiến phản hồi của người học của Bộ mà SV lại không phản ánh sự việc bất bình ra trình bày với lãnh đạo khoa của trường, thì các em bảo, sợ phản ánh sẽ bị thầy trù dập, không cho đủ điểm thi hết môn, hơn nữa nghe đâu thầy S lại có quan hệ “dây mơ, rễ má” gì đấy với một cán bộ của khoa. Sự thật này với tôi thật sự đột ngột ! Có người còn chỉ cho tôi tâm sự não nùng của một SV trên Facebook: “ Ở khoa của chúng tôi, các thầy cô giáo, kể cả một vài GV được mời thỉnh giảng cũng rất giản dị, gần gũi với SV, thương SV lắm. Nên chúng đâu có ngờ người có học hàm, học vị đầy mình như giáo sư S lại “ bắt chẹt” sinh viên đến thế”.


    Đã từng được may mắn tiếp cận với nhiều cán bộ, giảng viên rất đáng kính, chuẩn mực từ tác phong, lối sống tới năng lực giảng dạy, chính tôi cũng khó ngờ kiểu giáo viên như Phó giáo sư S vẫn còn tồn tại nơi giảng đường đại học. Mong sao qua mẩu chuyện này, nỗi niềm khó nói của SV khoa báo chí kể trên đến được với tất cả, trong đó có Phó giáo sư S…
    Hồng Châm
    (theo báo Giáo dục & Thời đại- cơ quan ngôn luận của Bộ GD-ĐT)

    26 nhận xét:

    1. Qua sông phải bắc cầu kiều
      Muốn thành hay chữ phải yêu lấy thày.
      Yêu thế này thì...bỏ cả cha lẫn mẹ.
      Trả lời
    2. Thông tin này có đăng trên vài ba tờ báo nhưng cũng đều dẫn nguồn từ báo GD&TĐ.Chắc Ông Phạm Vũ Luận đã nắm được cụ thể vụ việc.Một sinh viên khoa BC vừa ra trường đã úp
      mở về vị PGS.TS S.với đồng môn năm thứ 4,chứng tỏ lão S.
      đã rất nhiều lần vi phạm đạo đức nghề nghiệp.Một con chó
      chết đang bốc mùi trong ngành trồng người.Không S.,X.gì
      nữa,hãy gọi đích danh lão,nơi lão hành nghề,lôi lão ra
      ánh sáng để nhân dân,công luận ị vào mặt lão!
      Trả lời
    3. Ông Phạm Vũ Luận là son sâu bự hơn thì làm gì nhau?
      Trả lời
    4. Hạng giáo sư này nhiều như trấu các bác ơi.
      Nhưng lôi được đám này ra trước công luận khó lắm.
      Cũng như tham nhũng, ai cũng thấy, ai cũng biết mà không làm gì được chúng; ngay gọi tên thật nó ra cũng không dám, nói gì trị nó.
      Thôi, cái nghiệp chướng của dân vn mìnnh như thế mà
      Trả lời
    5. Trong chăn mới biết chăn có rận, nên chuyện như trên trong trường ĐH chẳng có gì là lạ, là hiếm đâu quí vị ơi. Nếu quí vị quen GV ĐH hỏi thì biết liền, ở đâu tiêu cực nhiều, ở đâu tiêu cực ít, trình độ ra sao... của những vị "trí thức đẳng cấp" đó.
      Trả lời

      Trả lời




      1. Ngay bộ GDĐT còn tham nhũng bằng cách độc quyền sách thì tên gs S có chi mà lạ!!
    6. Khi viết báo , người viết ắt phải có đủ chứng cứ vậy việc gì phải gọi S ,X làm gì , cứ như là họp TW vậy. chán mấy ông viết báo thật
      Trả lời
    7. Theo như bài báo mô tả thì ông phó GS này họ Dương, tên Sơn, là tiến sĩ báo chí, quê ở Hà Tĩnh. Nếu bài báo trên nói về ông này thì đúng là có thật đấy bác Thông à.
      Cách đây hơn chục năm, chúng tôi cũng từng là "nạn nhân" của ông này khi ông vào dạy thỉnh giảng chúng tôi ở trường ĐH KH Huế. Sau này, tôi có nghe nhiều sinh viên từng là học trò của ổng ở ngay trường ổng dạy và vài trường khác ông này đến thỉnh giảng đều khiếp đảm vì sự "mất dạy" của ổng khi ổng bắt sinh viên phải chiều ổng đủ thứ, từ ăn uống, chơi bời... Nói chung, ông này không hề có tư cách dạo đức của một người thầy giáo.
      Thế nhưng, dù rất nhiều thế hệ sinh viên bị hành hạ bởi một giảng viên có tư cách "mất dạy" như vậy nhưng lạ là ổng vẫn được phong hàm phó giáo sư hẳn hoi. Nghe đâu, đã từng có nhiều sinh viên không chịu nổi đã từng làm đơn tố cáo lên trường nơi ông này công tác nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Quá buồn!
      Trả lời
    8. Nếu đúng như bài báo viết thì ông này họ Dương, tên Sơn, là tiến sĩ báo chí, giảng dạy tại 1 trường ĐH mang danh nhân văn ở Hà nội. Hơn chục năm trước ông này từng vào thỉnh giảng chúng tôi ở Trường ĐHKH Huế và ổng để lại ấn tượng về nhân cách mà đến giờ tôi không thể quên được. Ông dùng đủ trò để "hành hạ" sinh viên nghèo bằng cách gợi ý để sinh viên đưa ông đi ăn uống, chơi bời... Rồi cách nói năng rât tục tĩu của ổng. Tôi từng nghe nhiều sinh viên ở trường ổng này dạy kêu trời vì đạo đức và nhân cách không thể chấp nhận được của ông ta, và nghe đâu từng có sinh viên làm đơn tố cáo lên trường nơi ông ta công tác nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Và đến nay thì ông đã được phòng hàm phó giáo sư. Khổ thế đó bác!
      Trả lời
    9. Chuyện của vị PGS này quá bình thường. Gặp cụ này là quá đơn giản. Tôi từng làm lớp trưởng, từng phải hầu hạ dạ vâng các cụ rất nhiều, tôi từng là khách VIP của các tụ điểm ăn chơi vì tôi là người trả tiền cho các cụ thư giãn sau những giờ lên lớp mệt mỏi. Các cụ khen thằng này hay hơn mấy thằng lớp kia. Các cụ đổ tội cho tôi vì mày mà tao mất danh hiệu chiến sỹ diệt sinh viên. Khi nào có điều kiện tôi tặng bác Thông vài bài trước khi bác nhập viện
      Trả lời
    10. Tôi được biết P.Giáo sư S đã được Ban giám hiệu kiểm điểm nghiêm túc và Ban giám hiệu cũng đã tự nhận một hình thức kỷ luật, vì đã để PGS. S sa sút đạo đức. Tuy nhiên, để cho thực sự dân chủ, BGH không quyết định ngay hình thức kỷ luật mà đưa ra Hội đồng nhà trường. HĐNT họp 5 giờ liền, một cuộc họp dài chưa từng thấy, kiểm điểm rất kĩ, cuối cùng đã bỏ phiếu tín nhiệm, kết quả đa số cho rằng để khỏi mang tiếng xấu cho một trường đại học, rất dễ bị thế lực thù đich lợi dụng, cho nên không kỉ luật PGS. S. Giáo sư Hiệu trưởng nói đến đây rưng rưng suýt bật khóc làm cả Hội đồng rất cảm động. Thật là một cuộc phê và tự phê chưa từng thấy xưa nay ở trường đại học này.
      Trả lời
    11. Tôi từng học qua (chắc là) vị này hồi còn là SV BC ĐHTH những năm 90. Thầy dạy cũng thường thôi nhưng có mác TS từ bên Nga nên làm phó khoa, ăn nói hoành tráng ai nghe cũng sợ. Riết rồi chúng tôi cũng nhận ra, không mấy ai nể nữa. Vậy mà giờ...Thôi thì chúc mừng thầy và chia buồn cùng các bạn.
      Trả lời
    12. Ai có hình ảnh chân dung của vị GS này không? Xin cám ơn!
      Trả lời
    13. PGS S như này chưa ăn nhằm gì đâu,tui còn biết một gs ở ĐHBK Hanoi còn tởm hơn.
      Trả lời
    14. Tôi là GV của một trường ĐH ở thủ đô. Tuy trường tôi chưa có vụ scandal ầm ĩ nào về những chuyện như thế này, nhưng tôi biết một vài nhân vật là đảng viên "có mác - có chức" ăn tiền của sv dã man luôn, ấy thế nhưng trên các cuộc họp hoặc đại hội CBCNV cứ leo lẻo rao giảng "đạo đức nhà giáo XHCN". Nghĩ mà tởm!
      Trả lời
    15. PGS này còn dễ nuôi đấy. Du học sinh 322 chúng em để ra được nước ngoài học tập còn phải nuôi nhiều vị (gái và tiền) tại Bộ GD ĐT. Các vị này đều là TS, PGS trở lên
      Trả lời
    16. Một nền văn hóa có những ông thầy mất văn hóa cho nên mới đẻ ra lảnh đạo không văn hóa.
      Trả lời
    17. Nghành giáo dục cũng vậy ngành y tế cũng vậy. Tư cách trở thành quý hiếm. Năm ngoái về thăm lại bệnh viện cũ nơi mình công tác ngày xưa. Đi đâu cũng nghe mọi người ta tháng về tay giám đốc bệnh viện. Ăn khủng khiếp chuyện lớn chuyện bé ăn tuốt tuồn tuột. Ăn rất bẩn, ai cũng biết nhưng chả ai làm được gì. Thôi thì cái xứ mình nó thế nghe tiêu cực chết đi được.
      Trả lời
    18. Hê hê hê!
      Muốn trị mấy khứa gs dzởm này không khó: cứ chiều cho tới bến rồi chụp lại vài kiểu chơi bời, massage, quay vài clip ngắn ăn tục nói phét, phát ngôn hạ cấp, ... đem post lên Youtube cho bà con xem chơi là ... đi đời ngay.
      Làm cho bõ ghét, làm cho chừa hoặc là để đập vào mặt mấy lão cùng phe nhóm cho hết đường hành hạ, bóc lột sinh viên.
      Trả lời
    19. tưởng chuyện gì chứ chuyện này quá đỗi bình thường. Từ lớp 12 cho tới đại học, tôi đã dắt không ít các thằng Thầy đi "gái gú"... Càng giáo sư thỉnh giảng thì lại càng thoải mái.
      Trả lời
    20. Đảng là đạo đức - Đảng là văn minh08:09 Ngày 28 tháng 11 năm 2012
      Bí thư đảng ủy, hiệu trưởng Sầm Đức Xương còn dắt gái là học sinh của trường mình cho phó bí thư đảng ủy, chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô thịt. Đấy chính là: đảng là đạo đức - đảng là văn minh, đại diện cho nền giáo dục XHCN ưu việt của nước ta đó. Có gì là lạ đâu!
      Trả lời

      Trả lời




      1. Nói quá đúng luôn!chuyện thường ngày ở huyện mà,mới mẻ gì!!
    21. Thử vào đây xem chư vị
      http://ussh.vnu.edu.vn/pgs-ts-duong-xuan-son/437
      Trả lời
    22. Đây là chuyện ở một huyên miền núi ,hiệu trưởng một trương THCS ,dùng quỹ của trường mời 3 cán bộ Phòng GD đi nghỉ mat mùa hè ở Sầm sơn .Đồng thời bí mật cho 4 nữ GV hợp đồng đi nghỉ cùng ,đây là những SV mới ra trường ,để phục vụ các cán bộ phòng GD ,với lời hứa hẹn sẽ được tuyển dụng chính thức .
      Bạc như nghiệp diễn
      4:20, 22/11/2012










      Mất 15 triệu, đổi lại Chiêu Dương có được mối quan hệ với một đạo diễn có danh… Cũng từ đây, Chiêu Dương bắt đầu thấm đòn với những mảng tối phía sau phim trường.
      Chiêu Dương 17 tuổi, xinh xắn. Năm ngoái, Chiêu Dương từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn, mưu sinh bằng công việc phụ bán trong shop quần áo của một người chị.
      Dành dụm được 15 triệu đồng, Chiêu Dương đưa hết cho một gã đàn ông tự xưng là “bầu show nghệ sĩ”. Gã bảo: “Ờ, em! Với 15 triệu này, em sẽ là diễn viên độc quyền của công ty. Em có thể thoải mái đi phim và cứ chờ được nổi tiếng”. Đương nhiên, gã là dân lừa đảo.
      Sài Gòn, có lắm kẻ lừa lọc mang danh nghệ thuật. Kẻ lừa lọc vĩ đại nhất đã trở thành tiến sĩ nghệ thuật, còn những kẻ lừa lọc tép đồng kiểu này thì chẳng bao giờ biến thành tôm hùm được.
      Mất 15 triệu, đổi lại Chiêu Dương có được mối quan  hệ với một đạo diễn có danh… Cũng từ đây, Chiêu Dương bắt đầu thấm đòn với những mảng tối phía sau phim trường.
      1. Chiêu Dương ngồi với tôi ở quán cà phê ngay góc đường Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu, quận 1 giữa trưa cuối tuần. Chiêu Dương không buồn, mà đang cáu, rất cáu.
      Chiêu Dương nói, mấy tháng trước, em đi phim của ông đạo diễn nổi tiếng đó. Một phân đoạn ổng trả cho em 180 nghìn. Vậy nên, khi ổng kêu em đi phim này, em đâu hỏi giá phân đoạn làm gì. Cứ tưởng là như cũ.
      Vậy mà, quay xong 30 phân đoạn, ổng nói, tiền cát-sê của em là đúng một triệu đồng. Mà anh biết, phim này của ai không?
      “Em không nói sao anh biết được”, tôi trả lời.
      “Phim của công ty T.Đ., do chị K.T.T. làm chủ đó”, Chiêu Dương nói.
       K.T.T là diễn viên có danh. Ngoài đời, K.T.T. rất đẹp. Chồng K.T.T. là một gã Việt kiều lắm điều tiếng, toàn liên quan đến chuyện luyến ái với các cô gái đang hy vọng về nghề diễn.
      Nghe đạo diễn nói về mức cát-sê thấp khủng khiếp đó, Chiêu Dương đòi gọi điện thoại cho K.T.T. để than phiền. Gọi là than phiền thôi, chứ thật ra là để xin thêm một ít. Đạo diễn vội vã gạt ngang: “Thôi, em để đó anh gọi cho”.
      Ít lâu sau, đạo diễn bảo với Chiêu Dương : “Anh gọi điện cho Việt kiều chồng của K.T.T. rồi, Việt kiều nói là thương em tiền ít quá. Việt kiều sẽ cho em thêm tiền, nha”.
      Đạo diễn vừa dứt lời, thì Việt kiều gọi cho Chiêu Dương, Việt kiều ậm ờ. Anh biết, theo nghề diễn khổ lắm. Anh biết, em cũng đang kẹt lắm. Ừ, ngày mai em ra khu Cư xá Bắc Hải cà phê với anh, nha. Trình bày cho anh nghe, rồi anh cho em thêm tiền cát-sê.
      Đúng hẹn, Chiêu Dương có mặt tại quán cà phê. Cũng đúng hẹn, Việt kiều ngồi đó cùng Chiêu Dương. Việt kiều nói đủ chuyện trên trời dưới đất, nhân nghĩa hiện kim, đại loại giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha. Kết lại, Việt kiều nhấn mạnh: “Hai anh em mình, đi kiếm chỗ khác nói chuyện, nha Chiêu Dương”.
      Giả như ngây thơ, Chiêu Dương hỏi lại: “Chỗ khác là chỗ nào hả anh? Ở đây, anh em mình cũng đang nói chuyện mà!”.
      “Bậy bạ không à. Ai mà nói chuyện chỗ này. Chỗ khác là chỗ chỉ có hai người với nhau thôi. Rồi anh cho em tiền, nha”, Việt kiều tiếp tục tấn công.
      “Em tưởng anh gọi em ra là để bàn về mức cát-sê cho em. Chứ kiểu này, em không cần. Em muốn là diễn viên, em không phải là gái”, hết câu, Chiêu Dương bỏ về.
      Việt kiều nói với theo: “Ơ, anh tưởng đạo diễn đã nói với em là gặp anh để làm gì rồi. Chứ chưa nói, thì em ra đây gặp anh để làm gì”.
      Đây không phải là lần đầu tiêu Việt kiều ngỏ lời mời Chiêu Dương đi tâm sự riêng. Trước đó, khi tham gia một bộ phim cũng của đạo diễn lừng danh, gã đã từng rủ Chiêu Dương : “Quay xong, đi uống rượu với anh, nhé. Đi uống rượu, rồi anh lo cho em mà”.
      2.Chuyện nữ diễn viên bị rủ rê đi làm chuyện này, chuyện kia với chủ nhiệm đoàn phim, nhà đầu tư hay đạo diễn, thậm chí là trợ lý đạo diễn, không phải là chuyện quá cá biệt.
      Có điều, ít nữ diễn viên nào lên tiếng phản ánh, kiểu như Chiêu Dương là cực kỳ hiếm.
      Lâu rồi, người ta chỉ quen nhìn diễn viên với sự hào nhoáng bên ngoài, với đồ hiệu, xe xịn, kim cương, biệt thự, khách sạn hạng sang... Những thứ mà một vài cá nhân lấy vài vai diễn trong phim ảnh để làm điều kiện tiệm cận đến mục đích cuối cùng của mình đã từng biểu diễn.
      Kiểu như có vài cô nàng, phim ảnh đóng cực ít nhưng không hiểu sao mỗi lần hiện hữu trên truyền thông là lại sắm vai đại gia thứ thiệt. Đại gia đến độ, cảm tưởng rằng sinh ra đã trong nhung lụa, lớn lên có sẵn người hầu, ra đường lắm kẻ đón đưa. Trên thực tế ai cũng biết, họ may mắn túm được một con cá lớn. Họ  may mắn cặp được với một gã lắm tiền. Xuống cấp hơn một chút, thì họ lựa được vài tay khách hạng sang. Có vậy thôi mà.
      Trở lại chuyện của Chiêu Dương, nếu diễn tròn vai trong bộ phim truyền hình mà Chiêu Dương góp mặt có khoảng 40 phân đoạn. Lấy cái giá cát-sê bét nhất cho mỗi phân đoạn là 180 nghìn. Nhẩm tính, Chiêu Dương có hơn 7 triệu. Vỏn vẹn chỉ 7 triệu. Lấy được tiền từ nghề diễn, nhọc nhằn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của đám đông.
      Vậy mà, theo những gì tôi được biết, rất khó để diễn viên có thể cầm được trọn vẹn số tiền ấy. Đương nhiên, là cũng có những chủ nhiệm đoàn phim tốt không ăn chặn tiền của diễn viên. Thế nhưng, số này là quá hiếm. Còn lại, diễn viên sẽ bị trừ đủ thứ tiền, tiền ăn, tiền son phấn, tiền di chuyển… Thậm chí là tiền nước uống. Diễn viên không là vai chính, còn bị đối xử tàn nhẫn hơn. Lâu trước, ngồi chơi với nghệ sĩ Trung Dân, nghe nghệ sĩ này kể cảnh mấy ông đạo diễn ăn cắp phân đoạn của diễn viên, buồn cười và kinh hãi không thể tả.
      Có những đạo diễn, họ xem nữ diễn viên chỉ như miếng mồi xác thịt. Đạo diễn chỉ đồng ý tuyển chọn vai diễn nữ ngay tại phòng của khách sạn. Những gã đạo diễn có tuổi, miệng đầy mùi thuốc lá, răng sắp rụng, tóc bạc hoe cố làm ra vẻ đạo mạo, vốn dĩ có kinh nghiệm nên việc điều nữ diễn viên muốn tham gia một vai trong bộ phim sắp bấm máy giao hẳn cho trợ lý. Trợ lý trong trường hợp này, không khác một gã ma-cô tóc dài hay đầu trọc nào đó. Không ngại mở miệng: “Nếu em chịu xxx với ổng, thì vai này sẽ là của em”.
      “Ăn” thỏa thích nữ diễn viên xong, họ biến nữ diễn viên thành “của để dành”. Ngồi với nhà đầu tư hay vị nào đó có chức trách trong các hãng phim, truyền hình, họ sẽ bốc máy gọi nữ diễn viên ra hầu rượu. Vừa hầu rượu, vừa gợi ý: “Anh A, anh B, anh C… sắp làm phim D, E, F… em uống với mấy ảnh một cái ra mắt đi”. Uống xong, lại tiếp lời: “Mấy anh A, B, C à. Đây là con em gái của em, mấy anh có phim gì, nhớ giúp đỡ nó với”. Vậy là, xin số điện thoại để tiện liên lạc. Kế tiếp là đến công đoạn “quan hệ không tệ sẽ có vai chính trong phim”. Mà thật ra, không phải khi nào chịu mở rộng quan hệ cũng đều được vai chính. Rất nhiều nữ diễn viên mở rộng quan hệ một lúc với nhiều đạo diễn, để đổi lại chẳng được giao vai gì.
      Kể với bạn đọc câu chuyện thật mà như bịa. Có đạo diễn rất nổi tiếng đối với thể loại phim truyền hình, ngồi chơi với mấy ông đạo diễn khác, thấy cô diễn viên kia đẹp quá đâm ra mê. Vẫn chiêu bài cũ: “Anh sắp bấm máy phim dài tập. Em rất hợp với vai chính, em cho anh số điện thoại đi”. Nữ diễn viên thấy đạo diễn nổi tiếng xin số điện thoại, hớn hở đọc vach vách.
      Đêm, đạo diễn nổi tiếng nhắn tin qua, nhắn tin lại. Tin nhắn cuối cùng có nội dung: “Chiều mai em rảnh không, đi mua quần… lót (vô cùng xin lỗi bạn đọc - NNL) với anh”. Tay đạo diễn này, khả năng tình ái thuộc dạng siêu quần, đóng máy một bộ phim là y như rằng nữ diễn viên xinh đẹp trong đoàn đến lúc… cấn thai.
      3.Trong tất cả các câu chuyện, bao giờ cũng có hai vế. Mảng tối hậu trường phim ảnh cũng vậy thôi.
      Có những cô nàng lắm tiền hay người yêu lắm tiền sinh rảnh rỗi, suốt ngày lê la rồi tự nguyện hiến thân lẫn hiến tiền của người yêu mình cho đạo diễn nhằm được xuất hiện trong phim. Nghe đâu, cô hoa hậu hết thời có chồng là đại gia còn bỏ cả chục nghìn USD để có vai trong một bộ phim truyền hình dài tập… siêu dở. Chủ yếu, được hiện hình để lấy tiếng.
      Đạo diễn được chiều chuộng sinh tật. Vài gã có tiền, theo xách điếu cho đạo diễn ít ngày, học được vài chiêu cũng bắt đầu tập làm đạo diễn. Ra trường quay, chửi diễn viên như hát hay. Rời trường quay, nhắn tin cho nữ diễn viên: “Kiếm chỗ nào tắm rồi nghỉ ngơi, nhé em”.
      Mấy lâu nay, người ta đang gào lên phim Việt nhiều nhưng kém chất lượng. Chất lượng ra sao khi mà mọi thứ đều nằm trong sự toan tính, đa phần là những thứ toan tính có liên quan đến bản năng.
      Có những chuyện rất hài, ví như, ông chủ một cơ sở vật liệu xây dựng lớn, lén vợ cặp kè với cô em chưa đến hai mươi tuổi.
      Chơi trò hai người hoài chán, cô em bèn đề nghị ông chủ: “Em muốn làm diễn viên, em phải làm diễn viên”. Sợ cô em phiền lòng, ông chủ bỏ tiền ra cho đạo diễn làm phim, với yêu cầu cô em của ông chủ phải đóng vai chính. Giao tiền, giao cô em cho đạo diễn. Phim chẳng  thấy đâu, cô em có là diễn viên hay không cũng không biết, chỉ biết đạo diễn có tuyệt kỹ phòng the gì đấy mà cô em một phát vẫy tay vĩnh biệt ông chủ, tuyệt không lời tạ từ. Ông chủ điên lắm, hai tay hai dao tìm kiếm đạo diễn. Mà tìm hoài, không thấy đạo diễn hiện hình. Dạo này, ông chủ hận đời đen bạc, hận người bạc tình, suốt ngày chửi váng vất.
      Tôi không thể nào hiểu được, làm sao những gã đam mê tính dục đến độ biến thái đang được tung hô như là những nghệ sĩ chân chính đang cố gắng cứu vãn nền điện ảnh(?!).
      Nhắn riêng với đạo diễn lừng danh trong vụ Chiêu Dương, tướng mạo đàng hoàng thế, tên tuổi lẫy lừng thế, sống sao cho coi được thì sống. Chứ lừa bịp con cháu kiểu này, hoặc trước hoặc sau cũng sẽ lòi đuôi. Quả báo mà!

        Ngô Nguyệt Lãng